Họ Lê muôn nơi

Truyền thống họ Lê Việt Nam và họ Lê Ninh Bình

          Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, cộng đồng người Việt Nam sống trên đất nước Việt Nam đã được sử sách lưu truyền từ khi hình thành Nhà nước Văn Lang cho tới ngày nay. Theo dòng thời gian, trên dải đất hình chữ S đã hình thành hàng trăm dòng họ tạo nên cộng đồng người Việt cùng trường tồn với đất nước.

          Theo sử sách ghi lại rằng họ Lê Việt Nam là một trong những dòng họ đặc trưng của dân tộc Lạc Việt, đã định cư ở đất Thanh Hóa và Ninh Bình từ lâu đời. Đặc biệt các vị vua và danh nhân họ Lê Việt Nam, những vị thủy tổ của nhiều chi phái họ Lê ở nước ta đều xuất xứ trên đất Lạc Việt, không có ai xuất xứ từ Trung Quốc. Ở Việt Nam chỉ có một dòng họ Lê duy nhất, chiếm khoảng 11 – 15% dân số.

          Theo Gia phả họ Lê, dòng họ này được coi là thủy tổ của người Việt từ thời khai sinh lập địa bắt đầu với dân tộc Lạc Việt. Theo sách Lễ hội và Danh nhân lịch sử Việt Nam, Thục phán An Dương Vương là người dòng họ Lê ở Mỹ Đức, Hà Nội. Cuối thời Hùng Vương thứ 18, năm 258 trước Công nguyên, Thục phán lên ngôi xưng là An Dương Vương, bỏ Quốc hiệu Văn Lang, đổi tên là Âu Lạc, đóng đô ở Đông Kinh, xây thành Cổ Loa. Thục phán An Dương Vương được tôn là thủy tổ của dòng họ Lê Việt Nam.

          Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cùng trăm họ, họ Lê đã đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ và xương máu để xây dựng và bảo vệ giang sơn Việt Nam. Dòng họ Lê đã có đến 2 lần lập ra triều đại vương quyền: Tiền Lê và Hậu Lê, tổng cộng 389 năm. Trong danh sách Khoa bảng triều Nguyễn trong 115 năm có đến trên 500 vị là hương cống, cử nhân, tiến sỹ, phó bảng là con cháu họ Lê.

          Sử sách còn ghi bà Lê Chân, vị anh hùng đã cùng hai Bà Trưng đánh đuổi nhà Hán, dựng nền độc lập (40 – 43). Bà còn là người có công khai khẩn lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng. Thập đại tướng quân Lê Hoàn đánh đuổi quân xâm lược Tống, sáng lập ra vương triều Tiền Lê (năm 980 – 1009), ông còn là người có công bình Chiêm, mở đầu thời kỳ Nam tiến của nước Đại Việt… Lê Lợi sáng lập nhà Hậu Lê (1428 – 1789), lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh đuổi quân Minh xâm lược.

          Nguồn gốc của dòng họ Lê Việt Nam được sử sách ghi chép lưu truyền nhiều hơn cả là:

          Họ Lê Đột – Phong Mỹ, Xuân Tân, Thọ Xuân, Thanh Hóa – tổ họ của 2 triều Tiền Lê và Hậu Lê.

          Dòng tộc Lê Đột là dòng họ lớn ở nước ta và hơn nữa nếu tính từ khởi nghĩa hai Bà Trưng (năm 38 – 40) đã có nữ tướng quốc Lê Chân (trong thời của hai Bà Trưng thì tiên tổ của Lê Chân phải có từ lâu ở Đông Triều, Quảng Ninh); dòng họ đã sinh ra đức vua Lê Hoàn lập nên triều Tiền Lê và đức vua Lê Lợi lập nên triều Hậu Lê. Đó là các triều đại nổi tiếng trong lịch sử nước ta.

          Ngoài ra còn biết bao vị tướng tài họ Lê lưu danh thiên cổ như Lê Lai, tướng của Lê Lợi liều mình cứu Chúa; Lê Văn Long là võ tướng hữu quân Đô đốc của triều Quang Trung; Lê Văn Duyệt, công thần thời nhà Nguyễn…

          Qua các thời kỳ cũng có xuất hiện nhiều nhân sỹ, trí thức họ Lê tiêu biểu. Lê Văn Hưu nhà sử học đời Trần, tác giả bộ Đại việt sử ký. Lê Quý Đôn, nhà bác học thời Lê Trung Hưng. Thần y đất Việt Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

          Dòng họ Lê cũng phát tích nhiều vị trạng nguyên nổi tiếng của nước Việt như Lê Ích Mộc đỗ đầu khoa Nhâm Tuất, Cảnh Thống năm thứ 5 (1505) đời Lê Hiến Tông; Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam, giữ chức Thái sư triều Lý. Trong lịch sử nước nhà cũng xuất hiện nhiều phụ nữ họ Lê tài năng, đức độ ghé vai gánh vác giang sơn như Nguyên phi Ỷ Lan, tên thật là Lê Thị Yến, vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông; công chúa Lê Ngọc Hân, hoàng hậu của vua Quang Trung. Trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dòng họ Lê đã cống hiến cho đất nước nhiều nhà cách mạng lỗi lạc. Tiêu biểu như Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Lý Tự Trọng (tên thật là Lê Văn Trọng), Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh… ngoài ra còn nhiều vị giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhiều anh hùng lực lượng vũ trang, thầy thuốc nhân dân, nhà khoa học…

          Phát huy truyền thống ông cha

          Ninh Bình là mảnh đất cố đô của ba triều vua (Đinh, Lê, Lý) đã sản sinh nhiều bậc danh nhân, hiền tài đất nước, trong đó có nhiều người là con cháu họ Lê.

          – Lê Bá Du tự là Đoan Trang, hiệu là Hồng Đức, sinh năm Canh Thân (1680) trong danh gia vọng tộc. Cụ nội và thân phụ đều là hàng Tiên chỉ, có công xây dựng quê hương nên được triều đình ban cho 4 chữ: “Phụng quốc xã bang”.

          Lê Bá Du thông minh, hiếu học và tu chí lập thân. Năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705) lần đầu dự thi khoa Thi hương, cụ đỗ Hương cống (cử nhân); danh sách vào thi Hội, cụ ở bậc tam trường. Dự kỳ thi đặc cách “văn đức thị hội”, cụ đỗ loại ưu. Thấy người có tư chất thông minh, tác phong lịch duyệt, văn từ uyên bác, triều đình trọng dụng và giao cho chức “Dụ đức thị giảng” trong đông các đại học sỹ. Biết người có thực tài, triều đình giao cho trọng trách lớn hơn: “Dụ đức tả thị lang” sau nữa là: “Quốc tử giám, Quốc tử sinh, Hữu tham chi đông các đại học sỹ”.

          Ở cương vị nào cụ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhờ vậy sự nghiệp luôn được thăng tiến: Làm đến chức “Thiếu sư hàn lâm đông các đại học sỹ” rồi “Thăng cần chính diện, ngự sử thuyết thư, hữu tham chi viện thông sứ”. Cụ được tấn phong: “Quốc sử thiếu trung thừa, bí thư thừa tá Lê Tướng Công”. Có lần được giao trọng trách “sứ thần khâm mệnh”, “đặc mệnh thông sứ” sang giao hảo với triều đình Trung Hoa, sự nghiệp thật là vẻ vang. Đền thờ ông hiện ở làng Yên Vệ, Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình, năm 2008 được UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

          – Cụ Lê Phúc Đạt, Chi họ Lê, thôn Bích Sơn, xã Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình. Cụ là con cháu đời thứ 5 của dòng họ Lê thôn Bích Sơn. Sinh thời cụ là người có đức, có tài, có công lớn khi mở rộng địa giới hành chính của thôn, của xã. Sau khi cụ Tổ đến lập nghiệp ở vùng đất này cho đến đời cụ Lê Phúc Đạt mới chiêu thêm dân lập thêm ấp, mở rộng điền thổ. Trong gia phả có ghi: “…khai khẩn được vùng đất rộng, phía Đông giáp Long Giáp Trại (thuộc tổng Đại Hoàng), phía Bắc giáp đất Tạ Đường, Tổng Uy Viễn (xã Liên Sơn ngày nay). Khi người đông đất rộng, cụ đã chuyển người thành lập thôn mới lấy tên là Bích Thượng”. Dựa vào các tiêu chí về hành chính, chính quyền đã công nhận thôn Bích Sơn Thượng và Bích Sơn Hạ, xã Bích Sơn là đơn vị hành chính cấp cơ sở và tồn tại cho tới năm 1954. Cụ Lê Phúc Đạt được giữ chức xã trưởng, bởi vậy trong các bút tích để lại còn gọi cụ là Cụ Xã.

          Cụ Lê Phúc Đạt kết duyên cùng bà Đỗ Thị Thao và bà Nguyễn Thị Bính, sinh được 4 người con trai và có 11 cháu nội.

          Với những công lao đóng góp của cụ với dân, với nước, sau khi cụ mất, vua Khải Định đã truyền ban sắc phong thần cho cụ. Hiện nay đền thờ cụ ở thôn Bích Sơn, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 2013 UBND tỉnh Ninh Bình cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

          Có thể nói đền thờ cụ Lê Phúc Đạt có giá trị tiêu biểu về nhiều mặt như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật…Nhân vật thờ cúng tại di tích là những nhân vật có công lao với dân với nước dưới thời Nguyễn như: Cụ Lê Đình Vụ, cụ là con trai của cụ Lê Phúc Đạt. Theo bia đá còn lưu giữ tại đền thờ, cụ Lê Đình Vụ làm tới chức Chánh tổng xã Bích Sơn, tổng Uy Viễn; cụ Lê Đức Phổ theo các tài liệu gia phả còn để lại cho biết cụ cũng làm tới chức Chánh tổng, tổng Uy Viễn xưa; cụ Lê Đình Khánh (còn gọi là Nguyễn Đình Khánh) là con cháu đời thứ 8 của dòng họ Lê Bích Sơn và là chắt của cụ Lê Phúc Đạt. Cụ là người có tài, có đức làm quan dưới triều vua Thành Thái và vua Duy Tân. Cụ Lê Đình Khánh còn được gọi với cái tên là cụ Bá Đề. Hiện nay dòng họ Lê còn lưu giữ được 2 Sắc phong và 6 Bằng sắc của cụ được ban cấp dưới thời vua Thành Thái, vua Duy Tân. Ngoài những nhân vật tiêu biểu trên, nhà thờ còn là nơi thờ cúng các chi, các liệt sỹ của dòng họ Lê. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ còn là nơi Sở Y tế, Sở Tài chính Ninh Bình sử dụng để tài liệu, ấn phẩm và kho chứa thuốc.

          Đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, cụ thể là trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, con cháu dòng họ Lê Bích Sơn có nhiều cống hiến và được Nhà nước ghi nhận, có 1 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 25 liệt sỹ, 20 thương binh, 5 lão thành cách mạng.

          Tiếp nối truyền thống dòng họ, ngày nay con cháu dòng họ Lê Bích Sơn có nhiều người thành đạt, đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là anh Lê Đức Toàn, Giám đốc Công ty xây dựng Việt Thành tỉnh Ninh Bình. Anh là một cựu chiến binh, một doanh nhân thành đạt của tỉnh; anh Lê Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh tỉnh Ninh Bình, hiện anh là đại biểu HĐND tỉnh và là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh. Các anh đã có nhiều đóng góp cho quê hương, cho tỉnh Ninh Bình và cho dòng họ trong những năm qua.

          Dòng họ Lê ở Ninh Bình còn có 5 người là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân, (trong đó có 1 Trung tướng, 4 Thiếu tướng). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có hàng trăm người con dòng họ Lê đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ và 3 bà mẹ được phòng tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đoàn kết và phát triển

Nhằm hướng về cội nguồn tri ân tiên tổ, ngày 26 tháng 10 năm 2019, Ban vận động thành lập Hội đồng Họ Lê tỉnh Ninh Bình đã họp, thống nhất thành lập Hội đồng Họ Lê tỉnh để vận động thu hút đông đảo những người mang họ Lê trên địa bàn tỉnh tham gia vào hoạt động dòng họ. Hội nghị đã nhất trí hiệp thương cử 9 vị vào Ban Chấp hành lâm thời Hội đồng Họ Lê tỉnh Ninh Bình. Ngày 4 tháng 11 năm 2019, Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam đã ra Quyết định số 18/QĐ-HLVN công nhận kết quả bầu cử Ban Chấp hành Họ Lê tỉnh Ninh Bình gồm 9 vị.  Ông Lê Đức Toàn, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thành tỉnh Ninh Bình làm Chủ tịch, ông Lê Văn Toại, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh làm Phó Chủ tịch Thường trực. Việc thành lập Hội đồng Họ Lê tỉnh Ninh Bình nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, giáo dục con cháu noi gương ông cha, đoàn kết cùng nhân dân xây dựng quê hương đất nước. Đồng thời giúp con cháu dòng họ Lê tìm về cội nguồn, chắp nối phả tộc, giữ gìn tôn tạo di tích lịch sử, nhà thờ, đền thờ; tôn vinh văn hóa dòng họ, thắt chặt tình huyết thống; đẩy mạnh công tác khuyến hoc, khuyến tài, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống; thực hiện hương ước của địa phương, xây dựng nông thôn mới, dòng họ mẫu mực; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…

Có được kết quả như hôm nay là sự chung sức đồng lòng thành tâm, thành ý của bà con trong dòng họ Lê Ninh Bình, đặc biệt có sự quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn của Hội đồng Họ Lê Việt Nam, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, doanh nhân và bà con trong các dòng họ bạn với tinh thần tự nguyện – đoàn kết – phát triển – làm rạng danh Lê tộc Việt Nam.

 

Lê Trọng Ân

Hội đồng Họ Lê tỉnh Ninh Bình

Các tin liên quan