HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM
VỚI KỶ NIỆM 600 NĂM KHỞI NGHĨA LAM SƠN
(1418 – 2018)
Anh hùng Lao động Lê Văn Tam
Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam
I – Họ Lê và việc hình thành Hội đồng họ Lê Việt Nam
Họ Lê là một trong những dòng họ được coi là thủy tổ của người Việt, xuất hiện ở nước ta từ thuở khai thiên lập địa đến nay, hiện là một trong 3 dòng họ: Nguyễn – Lê – Trần có cư dân đông nhất Việt Nam.
Trong lịch sử một ngàn năm phong kiến Việt Nam, dòng họ Lê đã lập ra hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê kéo dài 385 năm, gắn liền với công lao to lớn của hai Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và Lê Lợi. Đến thời đại Hồ Chí Minh, dòng họ Lê có nhiều nhà hoạt động Cách mạng xuất sắc góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ và dựng xây Tổ quốc.
Tổ chức dòng tộc họ Lê ở Việt Nam hình thành khá sớm.
Từ năm 1930, ở Bắc Kỳ đã có “Bắc Kỳ Lê tộc Hội” do cụ Lê Đình Lục làm Hội trưởng, cụ Lê Thăng làm Tổng Thư ký, trụ sở đặt tại số nhà 12 Gia Ngư, Hà Nội. Hội đã xây cất được nhà thờ đức Lê Thái Tổ tại làng Phương Mỹ, tỉnh Hà Đông. Đến năm 1948 Hội đổi tên thành “Bắc Việt Lê tộc hội” do cụ Lê Văn Tư làm Hội trưởng, cụ Lê Thăng làm Tổng Thư ký.
Ở Trung bộ, năm 1936 thành lập “Lê Tộc Hội” tại Quảng Nam – Đà Nẵng.
Ở Nam bộ, năm 1970 thành lập “Lê Tộc Ái hữu Tương tế Hội” do cụ Lê Quý Đáp làm Hội trưởng, cụ Lê Văn Trường làm Tổng Thư ký, trụ sở đặt tại 137 đường Công Lý, Sài Gòn.
Năm 1960 tại Hà Nội có “Ban liên lạc Họ Lê Miền Bắc”.
Đến năm 1995, lần đầu tiên “Ban liên lạc họ Lê Việt Nam” đại diện cho bà con họ Lê cả nước được thành lập. Cụ Lê Xuân Đồng (nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng) được tiến cử làm Trưởng ban, bà Lê Thị Diệu Muội (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương) và các ông Lê Văn Ánh (nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng), Lê Bình (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân), Lê Duy Mật, Lê Huy Yên làm Phó Trưởng Ban.
Ngày 6 tháng 5 năm 2006, tại Hội trường tòa soạn báo Nhân Dân 71 Hàng Trống, ngay bên đường Lê Thái Tổ, Hà Nội, Ban liên lạc họ Lê Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt của trên 200 đại biểu họ Lê toàn quốc lần thứ nhất. Tại cuộc gặp mặt này đã cử ra 5 vị Thường trực Ban liên lạc họ Lê Việt Nam gồm: Ông Lê Văn Ánh làm Trưởng ban, các ông Lê Văn Nguyện, Lê Văn Tam, Lê Bình, Lê Xuân Mẫn làm Phó Trưởng ban.
Ngày 29/9/2007, vào dịp Lễ Giỗ lần thứ 574 của vua Lê Thái Tổ, tại cuộc gặp mặt của trên 500 bà con Họ Lê toàn quốc ở Thanh Hóa đã quyết định đổi tên Ban liên lạc họ Lê Việt Nam thành Hội đồng Họ Lê Việt Nam, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam được tiến cử làm Chủ tịch Hội đồng. Đến năm 2018, trên cả nước đã có 34/63 tỉnh thành có Hội đồng Họ Lê cùng Hội khuyến học, Câu lạc bộ Doanh nhân và Ban Phả tộc Họ Lê hoạt động.
Hội đồng họ Lê Việt Nam là tổ chức tự nguyện, đại diện cho cộng đồng người Việt Nam mang họ Lê hoặc mang họ khác nhưng có nguồn gốc họ Lê ở trong và ngoài nước, hoạt động vì mục tiêu đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ khi mang tên Hội đồng họ Lê Việt Nam đến nay, việc tri ân tiên tổ, khuyến học, khuyến tài, giúp nhau khắc phục thiên tai, liên kết phát triển kinh tế được đẩy mạnh; việc trùng tu, tôn tạo đền đài, miếu mạo, lăng mộ các chi tộc, phục dựng các lễ hội được Hội đồng họ Lê các cấp và bà con họ Lê cả nước quan tâm. Nỗi bật nhất là việc Hội đồng họ Lê Việt Nam đã khởi xướng rồi cùng với Nhà nước và bà con trăm họ di rước và hoàn táng Thi hài vua Lê Dụ Tông, vị vua thứ 21 của triều Hậu Lê, từ Hà Nội về an nghỉ tại quê nhà.
II – Hội đồng họ Lê Việt Nam với kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn
Năm 2018, Kỷ niệm 600 năm cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 2018) nên ngay từ đầu năm Hội đồng họ Lê Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hoạt động Kỷ niệm tập trung vào 3 sự kiện chính sau đây:
1/ Kỷ niệm 600 năm ngày Lê Lợi phát động Khởi nghĩa và xưng là Bình Định Vương tại căn cứ Lam Sơn (mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418 – mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018).
2/ Kỷ niệm 590 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang tại Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội (15 tháng Tư m lịch năm 1428 – 15 tháng Tư m lịch năm 1218).
3/ Kỷ niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng Giải phóng dân tộc Lê Lợi
(22 tháng 8 m lịch năm 1433 – 22 tháng 8 m lịch năm 2018).
Toàn bộ hoạt động Kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài trong năm 2018 của Hội đồng họ Lê Việt Nam nhằm mục đích:
– Tôn vinh Anh hùng Giải phóng dân tộc Lê Lợi, các tướng lĩnh và nhân dân có công đóng góp trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, thêm một lần nữa khẳng định vai trò Lãnh tụ của Anh hùng Giải phóng Lê Lợi trong cuộc Khởi nghĩa.
– Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong bà con họ Lê nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung, từ đó nêu cao tinh thần Đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Đây còn là một dịp quảng bá, xúc tiến du lịch và thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư họ Lê về với Lam Sơn, kết nối giao thương của cả nước với Lam Sơn và Lam Sơn với cả nước và quốc tế.
III – Những hoạt động Kỷ niệm cụ thể
1/ Lễ dâng hương kỷ niệm 600 năm ngày Lê Lợi phát động Khởi nghĩa và xưng là Bình Định Vương (mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418 – mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018).
Hội đồng họ Lê Việt Nam đã tổ chức Lễ dâng hương tại điện Lam Kinh vào sáng ngày mùng 2 Tết Mậu Tuất 2018, ngày cách đây vừa tròn 600 năm Lê Lợi phát động cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và xưng là Bình Định Vương. Có thể coi đây là một phát kiến của Thường trực HĐHL Việt Nam vì lâu nay Kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa chỉ tổ chức Lễ hội Lam Kinh vào ngày 22 tháng 8 m lịch hàng năm là ngày mất của Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, ít ai nhắc đến ngày Bình Định Vương phát động khởi nghĩa.
Đặc biệt, kể từ năm Mậu Tuất 1418, cứ 60 năm mới lặp lại một năm Mậu Tuất, đến 2018 là năm lần thứ 10 Kỷ niệm Khởi nghĩa Lam Sơn vào năm Mậu Tuất. Vì vậy Hội đồng họ Lê Việt Nam đã ủy quyền cho bà con họ Lê Thanh Hóa, thay mặt bà con họ Lê cả nước, tổ chức Lễ dâng hương đúng vào ngày Bình Định Vương Phát động Khởi nghĩa.
Đúng 9h00 Lễ dâng hương được bắt đầu. Anh hùng Lao động Lê Văn Tam Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam làm Chủ Lễ. Ông Lê Hữu Lâm hậu duệ thuộc dòng Hoàng tộc nhà Lê là người soạn và đọc Chúc văn.
Hôm ấy là ngày đầu xuân, trời se lạnh, trong bầu không khí ngào ngạt khói hương, gần 300 bà con họ Lê từ khắp các miền quê Xứ Thanh đứng nghiêm trang trước điện Lam Kinh lắng nghe từng lời, từng lời bài Chúc văn ca ngợi công lao sâu nặng của người Anh hùng từ “trong ngàn bước ra” dựng cờ Khởi nghĩa, cùng toàn dân đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại Độc lập tự do cho dân tộc, cách đây vừa tròn 600 năm.
Sau lễ dâng hương, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam Lê Văn Tam gửi lời chúc mừng năm mới đến bà con họ Lê cả nước, đồng bào họ Lê Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và bà con mang huyết thống họ Lê nhưng do những biến cố của lịch sử đã phải đổi sang họ khác, lời thăm hỏi thân tình và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Ông nhấn mạnh: “ Năm 2018 là năm cả nước Kỷ niệm 600 cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, nhân dịp đầu xuân năm mới tôi kêu gọi bà con, cô bác họ Lê cả nước hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, tích cực tham gia Lê hội Mùa thu Lam Kinh 2018, về cội nguồn, tri ân tiên tổ do Hội đồng họ Lê Việt Nam tổ chức vào dịp Lễ Giỗ lần thứ 585 ngày mất của Anh hùng Giải phóng dân tộc Lê Lợi”.
Cũng trong Lễ dâng hương, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam trao bằng vinh danh cho 3 học sinh họ Lê Thanh Hóa đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập năm 2017. Sau đó, con cháu họ Lê đến dâng hương tại đền thờ Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, tổ chức gặp mặt đầu năm và mừng thọ các cụ họ Lê cao niên.
Buổi tối mùng 2 Tết, Lễ dâng hương do Hội đồng họ Lê Việt Nam tổ chức được Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đưa trong bản tin thời sự, nhắc nhở mọi người nhớ về ngày khởi đầu có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, như nhớ về ngày Hai Bà phát động Khởi nghĩa mùng 6 Tết, Trận Ngọc Hồi – Đống Đa của vua Quang Trung mùng 5 Tết và cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 trong khánh chiến chống Mỹ cứu nước.
2/. Lễ dâng hương Kỷ niệm 590 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang
(15 tháng 4 m lịch năm 1428 – 15/ tháng 4 m lịch năm 2018)
Lễ dâng hương kỷ niệm 590 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang được Hội đồng họ Lê Việt Nam tổ chức tại sân điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội vào sáng ngày 14 tháng 4 m lịch năm 2018. Đêm hôm trước, trời Hà nội nổi cơn giông, mưa gió trút ào ào trên những hàng cây cổ thụ dọc hai bên đường Hoàng Diệu và nhiều đường phố khác. Sáng hôm sau, bầu trời trong sáng và mát mẻ vô cùng.
Đúng 7h00, tiếng trống khai hội vang lên rộn rã. Tiếng trống vừa ngưng, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam Chủ lễ thắp 5 nén hương kính cáo tổ tiên, Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ bước lên đọc Chúc văn. Bài Chúc văn do cụ Lê Hữu Lâm hậu duệ dòng Hoàng tộc nhà Lê biên soạn có đoạn viết:
Vương triều Thuận Thiên muôn dân ca ngợi
Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đong đầy
Cảnh đao binh chấm dứt từ đây
Núi sông Đại Việt có minh quân cai quản.
Lễ dâng hương Kỷ niệm 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang do Hội đồng họ Lê Việt Nam tổ chức tại điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã thành công tốt đẹp.
Ngoài lễ dâng hương tại điện Kính Thiên, Hội đồng họ Lê Việt Nam còn ủy quyền cho Hội đồng họ Lê thành phố Hà Nội do ông Lê Đình Bình làm Chủ tịch tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tại Khu di tích đền thờ và tượng đài vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
3. Tổ chức Đại Lễ hội Mùa thu Lam Kinh năm 2018
Trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn của Hội đồng họ Lê Việt Nam, việc tổ chức Đại Lễ hội Mùa thu Lam Kinh 2018 được coi là hoạt động quan trọng nhất, là cao điểm trong các hoạt động tri ân tiên tổ của bà con họ Lê cả nước trong năm 2018.
Đại Lễ hội được tổ chức với quy mô toàn quốc do Hội đồng họ Lê Việt Nam chủ trì, diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 18 tháng 8 đến ngày 22 tháng 8 năm Mậu Tuất (tức ngày 27/9/2018 đến ngày 1/10/2018) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam được Hội đồng phân công làm Tổng đạo diễn toàn bộ chương trình đại Lễ hội.
Nội dung Lễ hội gồm có 2 phần: Phần Lễ và phần Hội
3.1. Phần Lễ trong Lễ hội
Phần Lễ trong Lễ hội Mùa thu Lam Kinh 2018 thực chất là Lễ Giỗ lần thứ 585 ngày mất của Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, đúng vào năm Kỷ niệm 600 năm cuộc Khởi nghĩa Lam sơn; là Lễ trọng trăm năm mới có một lần nên được tổ chức trang trọng với quy mô lớn để đáp ứng nguyện vọng về mặt tâm linh của bà con họ Lê cả nước.
Lễ giỗ được tổ chức tại sân Rồng trước điện Lam Kinh vào sáng ngày 19 tháng 8 năm Mậu Tuất (tức ngày 28/9/2018). Nghi thức tổ chức Lễ Giỗ được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đảm bảo thành kính, linh thiêng.
Đúng 7h00 sáng ngày 19/8/ m lịch năm 2018, trên 1.500 con cháu họ Lê của 34 tỉnh thành trong cả nước tập trung đông đủ tại sân Rồng trước điện Lam Kinh. Sau khi tuyên bố lý do, giới thiệu Đại biểu, Ban tổ chức trân trọng kính mời các vị khách mời, các vị trong Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, các vị Chủ tịch Hội đồng họ Lê các tỉnh thành đại diện cho bà con họ Lê cả nước lên dâng hương kính cáo tổ tiên.
Sau đó là tiếng trống Khai hội của Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam âm vang, xao động cả vùng núi rừng Lam Sơn tưởng như trống trận ngày nào của Bình Định Vương Lê Lợi mỗi lần xuất trận.
Trong Lễ Giỗ, ông Lê Hữu Lâm, hậu duệ dòng Hoàng tộc đọc Chúc văn ca ngợi công lao to lớn và lòng tiếc thương vô hạn của con cháu họ Lê cả nước với Đức Minh quân Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế.
Sau lễ đọc Chúc văn là chương trình múa cờ, hát Chầu văn ca ngợi công lao của Lê Thái tổ Cao hoàng đế với đất nước và kết thúc buổi lễ giỗ là Tế Nữ quan do đội Tế làng Phú Khê, xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa thực hiện.
Trong dịp này, bà con họ Lê cả nước có dịp vào thắp hương tại chính điện Lam Kinh gồm 3 tòa: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh nguy nga tráng lệ, mới được phục dựng trên nền chính điện cũ, thắp hương tại khu Thái miếu triều Lê Sơ gồm 9 tòa, trong đó tòa miếu thứ 5 (chính giữa) thờ Lê Thái tổ Cao Hoàng đế. Từ khu Thái miếu bà con đi theo đường Hoàng Đạo tới khu mộ vua Lê Thái Tổ để dâng hương và viếng thăm bia Vĩnh Lăng, tấm bia có kích cỡ lớn nhất nước ta hiện nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
Khi đi trở về bà con đi qua Ngọ Môn gồm 3 gian, được làm bằng gỗ lim có 4 cột đồ sộ, là công trình kiến trúc hoành tráng có hai tầng mái do Công ty mía đường Lam Sơn do Anh hùng Lao động Lê Văn Tam làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị cung tiến.
Bà con họ Lê cả nước ra về với niềm hân hoan, viên mãn khi đã thỏa ước nguyện được trở về với mảnh đất Lam Sơn, thắp nén tâm nhang tri ân tiên tổ, được trực tiếp chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nguy nga mang đậm những nét văn hóa thời Lê Sơ, đúng vào dịp cả nước Kỷ niệm 600 năm cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn.
Sau lễ dâng hương, hơn 1000 bà con trong họ đã cùng nhau sum họp trong bữa cơm đoàn kết thật vui vẻ và hoan hỉ.
3.2. Phần Hội trong Lễ hội Mùa thu Lam Kinh 2018
Phần Hội trong Lễ hội Mùa thu Lam Kinh 2018 gồm 3 sự kiện:
– Hội chợ khởi nghiệp họ Lê Việt Nam Mùa thu Lam Kinh 2018
– Thi tìm hiểu về cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và Anh hùng Giải phóng dân tộc Lê Lợi
– Liên hoan Văn nghệ quần chúng họ Lê Việt Nam lần thứ nhất.
Trong ba sự kiện trên, Hội chợ khởi nghiệp họ Lê Việt Nam được coi là sự kiện chính của Phần Hội. Hội chợ nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu đã đạt được của đội ngũ doanh nhân và các Doanh nghiệp họ Lê với bà con cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong vùng tiếp cận, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp và doanh nhân họ Lê trong cả nước.
Hội chợ diễn ra trong 5 ngày, từ 27/9 đến 01/10/2018 (tức ngày 18/8 đến ngày 22/8 m lịch) tại Trung tâm thương mại Lam Sơn, giáp đường Hồ Chí Minh, xã Thọ Xương, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Các mặt hàng trưng bày gồm: Các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, hoa, quả, cây giống ….,thực phẩm chế biến, thủy hải sản, đồ uống (rượu, bia, nước giải khát, nước trái cây các loại,…), máy móc công nghiệp, công cụ, phương tiện phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản; phương tiện vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch; phương tiện giao thông vận tải, phân bón…;đồ điện, thiết bị điện, máy tính và linh kiện điện tử; sản phẩm viễn thông; đồ gia dụng…
Hội chợ có 150 đơn vị tham gia với 320 gian hàng, trong đó có 80 gian hàng của các doanh nghiệp và Doanh nhân họ Lê các tỉnh, 20 gian hàng của các cấp chính quyền và đơn vị sự nghiệp ngoài tỉnh, 50 gian hàng của các HTX và hộ kinh doanh cá thể, 30 gian hàng dành cho sản phẩm công nghiệp và các dịch vụ phát triển Nông nghiệp, các sản phẩm tre luồng, 20 gian hàng ẩm thực, chợ quê… Trong những ngày diễn ra Hội chợ đã thu hút gần 4.000 – 5.000 lượt khách đến thăm quan và mua sắm mỗi ngày; Doanh thu bán hàng của các đơn vị ước đạt trên 5 tỷ đồng.
Cùng với Hội chợ Khởi nghiệp, Hội đồng họ Lê Việt Nam còn tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi bằng hình thức thi viết, tổ chức Liên hoan Văn nghệ quần chúng họ Lê Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Hào khí Lam Sơn”.
Ngoài những hoạt động do Hội đồng họ Lê đứng ra chủ trì, Hội đồng họ Lê Việt Nam và Hội đồng họ Lê Thanh Hóa còn tham gia Hội thảo Quốc gia với chủ đề “600 Khởi nghĩa Lam Sơn” tại tỉnh Thanh Hóa, Hội thảo Khoa học với chủ đề “Anh hùng Giải phóng dân tộc Lê Lợi và nhân dân Thanh Hóa trong thời kỳ đầu của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn” do Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Thanh Hóa tổ chức và Hội thảo “Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn” do UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, nơi có căn cứ Chí Linh trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, đứng ra tổ chức.
Vào ngày chính giỗ đức Vua Lê Lợi, 21-22/8 mậu tuất, Hội đồng họ Lê tại các tỉnh thành cùng với bà con nhân dân trên cả nước đã long trọng tổ chức dâng hương tưởng nhớ công lao của Thái tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi cùng các tướng sỹ, nghĩa quân Lam Sơn, các bậc tiên linh oai hùng chói sáng.
Toàn bộ hoạt động Kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn trong năm 2018 của Hội đồng họ Lê Việt Nam được tổ chức trong dòng tộc họ Lê với quy mô Toàn quốc, là ngày hội lớn của bà con họ Lê cả nước với tinh thần: Về cội nguồn, tri ân tiên tổ, kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang và 585 năm ngày mất của Anh hùng Giải phóng dân tộc Lê Lợi. Thời gian đã đi qua, nhưng những tấm gương anh dũng hy sinh quên mình vì đất nước dân tộc, những bài học sâu sắc từ cuộc khởi nghĩa Lam sơn sẽ vẫn sáng mãi trong lòng những người dân đất Việt.
Thanh Hóa, tháng 8 năm 2018
Lê văn Tam