KHỞI NGHĨA LAM SƠN VÀ CHỦ TƯỚNG LÊ LỢI
QUA GHI CHÉP CỦA SỬ LIỆU TRUNG QUỐC
TS.Nguyễn Hữu Tâm
Viện Sử học Việt Nam
I. Giới thiệu những bộ sách chép về Khởi nghĩa Lam Sơn và Chủ tướng Lê Lợi
Ba bộ sách Minh thực lục明實錄, Minh sử明史 và Minh sử kỷ sự bản mạt明史紀事本末là những trước tác chủ yếu đã cung cấp nhiều tư liệu cho giới nghiên cứu về Lê Lợi cùng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do ông lãnh đạo phát động từ năm 1418 và kết thúc bằng thắng lợi của cuộc giải phóng dân tộc đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, giành độc lập dân tộc, thành lập Vương triều Lê (thường được gọi là triều Lê sơ) vào năm 1428.
Minh Thực lục 明實錄 là công trình sử học đồ sộ do các sử quan triều Minh biên soạn. Bộ sách được soạn theo thể thực lục với hình thức “Biên niên có phụ thêm phần truyện” (編年附傳: Biên niên phụ truyện)[1], cũng có thuyết cho rằng Minh Thực lục là loại “trường biên sử liệu theo thể biên niên” (編年體史料長編: Biên niên thể sử liệu trường biên)[2].
Minh Thực lục là loại văn bản viết tay, ghi chép về lịch sử toàn bộ triều Minh gồm 15 đời vua từ Minh Thái Tổ đến Minh Hy Tông thành 13 bộ, trong đó triều Kiến Văn phụ chép vào Thái Tổ thực lục, triều Cảnh Thái phụ chép vào Anh Tông thực lục, tổng cộng có 2909 quyển[3] người đời sau phụ thêm Sùng Trinh thực lục, 17 quyển nâng tổng số thành 2926 quyển, phân thành 500 sách[4], gồm khoảng 16 triệu chữ[5]. Giới nghiên cứu sử học Trung Quốc cho rằng Minh thực lục là đỉnh cao của sự phát triển thể thực lục với hình thức “Biên niên phụ truyện”, đồng thời đây là công trình lịch sử thể thực lục lớn nhất và sớm nhất hiện còn lại đến ngày nay của Trung Quốc[6].
Trong bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu giới thiệu sách Minh thực lục viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và Chủ tướng Lê Lợi.
Toàn bộ sách Minh thực lục, có 86 đoạn các sử quan triều Minh chép về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo tập trung trong giai đoạn từ 1418 đến 1434, trùng khớp với thời gian 10 năm nghĩa quân Lam Sơn phản công, tiến đánh giặc Minh trên nhiều vùng đất Đại Việt, và giai đoạn Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế vào năm 1428 và đến sau khi ông từ trần năm 1433. Trong sách Minh thực lục, thời gian trên tương ứng với thời kỳ nắm quyền của Minh Thành tổ với niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424) và Minh Nhân Tông (1425), tiếp theo là thời kỳ Minh Tuyên Tông với niên hiệu Tuyên Đức (1426-1435). Ngoài ra, Minh thực lục còn chép một vài sự kiện đến những năm Minh Sùng Trinh (1604).
Chỉ với 86 đoạn sử liệu đã cung cấp cho giới nghiên cứu nhiều tư liệu trân quý viết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn do các sử quan triều Minh biên soạn dựa trên những chiếu chỉ, mệnh lệnh của triều đình, tấu văn, báo cáo của các Bộ, các viên đại thần phụ trách và của cả những viên tướng lĩnh tham chiến trực tiếp tại quốc gia Đại Việt thời gian đầu thế kỷ XV. Ngoài ra, các sử liệu cũng phản ánh được quá trình gần 10 năm đấu tranh kiên trì, giằng co, căng thẳng không khoan nhượng giữa Đại Việt và triều Minh để cuối cùng Hoàng đế triều Minh buộc phải công nhận Lê Thái Tổ là người chính thức thống trị Đại Việt.
Minh sử 明史là công trình quốc sử to lớn do các sử thần trong Sử quán đời Thanh biên soạn. Sử quán Trung Quốc có một lịch sử lâu đời, bắt đầu xuất hiện từ năm Trinh Quán thứ 3 triều vua Đường Thái Tông (629), đến đời Thanh trải qua hơn 1000 năm hình thành và phát triển. Sử quán đời Thanh đã đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất của một cơ quan biên soạn sử học Nhà nước Trung Quốc tính đến trước thời kỳ hiện đại.
Theo đánh giá của giới sử học Trung Quốc, “Minh sử là bộ sách chứa đựng tư liệu phong phú, văn phong điêu luyện, sự kiện lịch sử, đánh giá nhân vật tương đối khách quan, công bằng, phương pháp biên soạn nghiêm túc. Đồng thời cũng là một bộ quốc sử do Nhà nước biên soạn kéo dài nhất trong lịch sử sử học Trung Quốc”[7].
Các sử thần đời Thanh cũng đã giành 1 quyển 321 trong số 332 quyển của bộ Minh sử, thuộc phần Liệt truyện 209 (列傳209) để chép riêng về Việt Nam với tiêu đề Ngoại quốc 2, An Nam外國二,安南. Liệt truyện 209 có 31 tờ, mỗi tờ có 20 dòng, một dòng 21 chữ, tổng cộng có 13.125 chữ Hán. Từ tờ 5, chép việc triều vua Minh Thành tổ (Chu Đệ 1360-1424), lấy cớ diệt Hồ phục Trần, đưa con cháu họ Trần là Trần Thiên Bình về nước năm 1406, đến tờ 24 khi Mạc Đăng Dung giành ngôi lập vương triều Mạc (1529). Tổng cộng có 20 tờ gồm 8400 chữ Hán viết về vương triều Lê. Ngoài ra trong các phần Bản kỷ chép về các triều vua đời Minh, phần Liệt truyện chép về các viên quan lại trong chính quyền triều Minh ở Việt Nam và trực tiếp tham gia vào đội quân đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nước ta thế kỷ XV, đều có những đoạn viết về Lê Lợi và khởi nghĩa do ông lãnh đạo.
Bộ Minh sử kỷ sự bản mạt 明史紀事本末 là tác phẩm của tư nhân biên soạn. Tác giả là Cốc Ưng Thái 谷應泰 (1620-1690, tên tự là Canh Ngu, tên hiệu là Lâm Thương, người đất Phong Nhuận, Trực Lệ (nay là Phong Nhuận, tỉnh Hà Bắc), đỗ Tiến sĩ năm Thuận Trị thứ 4 (1647), năm Thuận Trị thứ 13 (1656) giữ chức Đề đốc Triết Giang, Học chính Thiêm sự. Không rõ Ưng Thái bắt tay biên soạn từ khi nào, chỉ biết rằng vào cuối năm Thuận Trị thứ 15 (1658) bộ sách Minh sử kỷ sự bản mạt được hoàn thành.
Bộ Minh sử kỷ sự bản mạt được biên soạn theo thể tài bản mạt phỏng theo bộ Thông giám kỷ sự bản mạt通鑑紀事本末của Viên Khu 袁區 (1130-1205) đời Tống. Đặc điểm của thể tài bản mạt là tập hợp sưu tầm tư liệu, phân mục chia đề toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển, kết quả của sự kiện, tạo thành một tuyến thống nhất, khiến cho người đọc dễ dàng nắm bắt trọn vẹn diễn biến một vấn đề, một sự kiện lịch sử.
Trước tác của học giả họ Cốc viết về toàn bộ lịch sử gần 300 năm triều Minh, gồm 80 quyển, chia thành 80 chuyên đề, mỗi chuyên đề làm thành một quyển. Sách chép bắt đầu từ năm Chí Chính đời Nguyên thứ 12 (1352), Chu Nguyên Chương khởi binh cho đến năm Sùng Trinh thứ 17 đời Minh (1644), Lý Tự Thành đem quân đánh chiếm được Bắc Kinh. 80 chuyên đề được tuyển vào theo thứ tự thời gian, ghi chép nhất quán có đầu có cuối, tường tận, gọn gàng khúc triết. Cuối mỗi quyển (chuyên đề) đều có phụ thêm lời bình theo quan niệm sử học của tác giả. Cốc Ưng Thái ghi chép kỹ càng về chính trị, sơ lược về kinh tế và điển chương chế độ. Công trình hoàn thành ngay sau khi triều Minh sụp đổ mới hơn 10 năm, tác giả lại là một viên quan đang trị nhậm, có điều kiện sưu tầm và tổng hợp được nhiều sử liệu gốc với độ tin cậy cao. Đồng thời, bộ sách được ra đời trước các bộ Minh sử cảo明史稿, Minh sử 明史 của Sử quán triều Thanh đến 80 năm. Hơn nữa, đây là trước tác của một người đã sống và trưởng thành vào cuối triều Minh, làm quan đầu triều Thanh, cho nên được các học giả triều Thanh cùng các học giả hiện đại đánh giá cao[8]. Nội dung sách hầu như hoàn toàn tránh viết về quan hệ Minh và Mãn Châu, có một số ghi chép vì dựa vào dã sử truyền ngôn, nên không có độ tin cậy. Tuy còn tồn tại khiếm khuyết, sai lầm, sách Minh sử kỷ sự bản mạt vẫn rất có giá trị tham khảo, không thể thiếu được khi nghiên cứu về triều Minh và những vấn đề lịch sử liên quan đến triều Minh.
Bộ sách giành riêng một quyển 22 viết về Việt Nam với tiêu đề An Nam bạn phục安南叛服, gồm 21 tờ, mỗi tờ 16 dòng, một dòng hơn 40 chữ, tổng cộng có khoảng hơn 15.000 chữ Hán. Nội dung sách mở đầu bằng sự kiện Tháng 11 nhuận năm Vĩnh Lạc thứ nhất (1403) của Minh Thành tổ phong cho Lê Thương (chính là Hồ Hán Thương) làm An Nam quốc vương, kết thúc bằng sự kiện : Niên hiệu Vạn Lịch năm thứ 24 (1596), triều vua Minh Thần Tông, mùa hè tháng Tư, Lê Duy Đàm đến hàng triều Minh[9].
II. Sử liệu chủ yếu phản ánh cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và Chủ tướng Lê Lợi
Bộ sách Minh thực lục chép về Lê Lợi với cả họ tên là Lê Lợi hoặc riêng tên Lợi và Bình định vương gồm 86 đoạn chủ yếu trong các kỷ Thái Tông thực lục, Nhân Tông thực lục, Tuyên Tông thực lục.
Bộ sách Minh sử chép về Lê Lợi dưới tên gọi Lê Lợi, Bình định vương, Lê Thái tổ gồm 44 đoạn ở các phần Bản kỷ, Liệt truyện.
Thông qua nội dung của 130 đoạn chép về Lê Lợi của cả hai bộ Quốc sử triều Minh và quyển 22 của sách Minh sử kỷ sự bản mạt, chúng ta có thể đưa ra được mấy nhận xét sau:
1. Hai bộ Quốc sử đã chép về Lê Lợi là một trong những người có tài xuất chúng của nước ta ở thế kỷ XV. Minh thực lục và Minh sử đều cho biết: Lê Lợi khi đứng lên khởi xướng cuộc khởi nghĩa ông đang làm chức quan Tuần kiểm tại huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hóa. Trước đó ông có tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng, giữ chức Kim Ngô tướng quân, tiếp theo ông giả hàng làm Tuần kiểm, thực ra trong lòng ngầm có ý định phản kháng. Sau này Lê Lợi xưng là Bình định vương, và còn phong cho em trai là Lê Thạch chức Tướng quốc: “Ngày Giáp Dần (tức ngày 8/2/1418), Quan Tổng binh Giao Chỉ là Phong Thành hầu Lý Bân sai bọn Đô đốc Chu Quảng đem quân đi tiễu trừ Thổ quan huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hóa là Tuần kiểm Lê Lợi làm phản”[10].
Các sử thần triều Minh, triều Thanh khi viết về Lê Lợi đều phải dùng những cụm từ như Lê Lợi là một người kiệt hiệt nhất (利尤桀頡: Lợi vưu kiệt hiệt), Lê Lợi mạnh mẽ nhất (黎利最劇: Lê Lợi tối kịch), Giặc tuy xin hàng trong lòng mưu mô giả trá (賊雖乞降內懷詭詐: Tặc tuy khất hàng nội hoài quỷ trá), Chỉ duy có Lê Lợi không thể diệt được (惟黎利不能得: Duy Lê Lợi bất năng đắc), Lê Lợi ngày càng mạnh mẽ, nhiều lần phá quận ấp, giết tướng sĩ, quan lại (黎利益張數破郡邑殺將吏: Lê Lợi ích trương sác phá quận ấp sát tướng lại)…v.v…Các hoàng đế cùng các quan Đại thần triều Minh tìm mọi thủ đoạn để ngăn chặn sự phát triển của cuộc khởi nghĩa, chúng từng sử dụng quan chức cùng bổng lộc để dụ dỗ, mua chuộc Chủ tướng Lê Lợi. Minh thực lục chép: Ngày 13 tháng Chín, niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 22 (5/10/1424), Sai Trấn thủ Giao Chỉ là Trung quan Sơn Thọ mang Sắc dụ Đầu mục Giao Chỉ Lê Lợi, với những lời lẽ phủ dụ: “Ngươi (Lê Lợi) vốn là kẻ lương thiện, từ lâu có lòng thành quy phụ, nhưng vì quan ty cai trị không đúng cách…Đặc cách sai người mang Sắc dụ ban cho người chức Tri phủ Thanh Hóa, cai trị dân một quận”[11]. Nhưng Chủ tướng Lê Lợi vẫn không dao động và không mắc mưu của kẻ địch. Những dòng ghi chép của hai bộ Quốc sử triều Minh đã thể hiện rõ: Lê Lợi là một người lãnh đạo có tài năng, trí lự sắc xảo, nhạy bén luôn biết ứng biến với tình hình cụ thể.
2. Ba bộ sách viết về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi thường dùng những cụm từ như: thế của giặc ngày càng mạnh mẽi (賊勢已盛: Tặc thế dĩ thịnh), quân của giặc dần mạnh, không thể nào cản được (黨羽渐盛將不可: Đảng vũ tiệm thịnh tương bất khả), thế của giặc đã bùng lên, khiến cho phần lớn tướng lĩnh, quan lại phải bỏ thành mà trốn chạy (賊勢炽將吏多棄城遁: Tặc thế xí tướng lại đa khí thành độn), hoặc “Thế của chúng ngày càng bùng phát, không dễ chế ngự”[12]….v.v… để chỉ khí thế phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng lan rộng của cuộc khởi nghĩa đã trở thành một phong trào giải phóng dân tộc lớn mạnh trên toàn quốc Đại Việt. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã làm rúng động triều Minh, ảnh hưởng to lớn đến chính sách thống trị và khiến cho triều Minh phải tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến tại phía Nam.
3. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn làm tiêu hao rất nhiều nhân lực, tài lực của triều Minh, Minh sử chép: Từ khi Lê Lợi làm phản, sử dụng quân 3, 4 năm, tướng sĩ, quan lại lần lượt chết rất nhiều[13]. Minh sử thống kê: Trong hơn 20 năm thống trị Việt Nam ở đầu thế kỷ XV, số lượng quân lính, dân phu phục vụ của triều Minh tham gia vào việc chống đỡ phong trào nổi dậy của nhân dân ta lên đến vài chục vạn người, hàng vạn người bỏ đi, số tướng sĩ, quan lại bị giết không thể biết được. Hơn hai mươi năm Giao Chỉ nội thuộc trước sau sử dụng quân lính đến vài chục vạn, lương thực lên đến hơn triệu, phí tổn vận chuyển không thể tính được. Còn như quan lại quân dân bỏ đi hoặc trở về hơn 8 vạn 6 nghìn người. Số bị hãm hại và số bị giặc giết không thể kể xiết.[14]
Cốc Ưng Thái trong phần viết về An Nam (tức Việt Nam) đã phải chua chát đưa ra những nhận định khái quát về nỗi nhục của triều Minh, quốc gia của Thiên tử khi xâm lược Đại Việt: “Vương Thông lực kém mà phải giảng hòa, Liễu Thăng vào lại mà thiệt mạng[15], sau đó phải hạ chiếu sai sứ, sửa sang hòa hiếu, triệt thoái quân khỏi phiên thuộc (chỉ Đại Việt), minh thệ dưới thành, nhục nhã như ở Tân Trịnh, bàn nghị cắt đất nhục chẳng kém Kính Đường vậy”[16]. Sử gia họ Cốc đã phải đau khổ chỉ ra những tổn hại uy danh quốc thể: “Ngày đưa quân về, văn võ tướng sĩ kéo theo người thân gia đình có đến 86.640 người, số bị bọn giặc Lê (chỉ phía Lê Lợi) giữ lại không thả cũng có đến vài vạn người. Người chết anh chỉ có thể hỏi các bờ sông, người sống không muốn tưởng vọng đến vào cung điện nữa, để lại lời chế giễu ở đất man, tổn hại uy danh Trung Quốc, ai mà cầm quyền bính ở quốc gia thành công, [nhục nhã] tột bực đến như thế chứ”[17]!
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khiến cho triều Minh nể sợ, làm cho các hoàng đế sau này của triều Minh đều e ngại mỗi khi nhắc đến Đại Việt – vùng đất phía Nam của Trung Quốc. Vào những năm 30 của thế kỷ XVI, khi mà triều Lê sơ sau 100 năm phát triển đang chuyển sang giai doạn rệu rã, suy vong, triều Mạc giành được chính quyền, nội tình quốc gia Đại Việt trong tình trạng chiến tranh Nam – Bắc triều, không ít Đại thần của triều Minh muốn lợi dụng cơ hội này để tái xâm lược Đại Việt. Ngày 13 tháng Mười Một năm Gia Tĩnh thứ 5 (26-11-1536), sau khi nghe lời tâu của bộ Lễ và bộ Binh, Vua Minh Gia Tĩnh lập tức đưa ra Chiếu thư: “An Nam chiếu sứ bất thông, lại từ lâu không đến cống, phản nghịch đã rõ ràng hãy sai sứ đến ngay hỏi tội. Việc chinh thảo sai bộ Binh bàn định gấp rồi tâu lên”[18]. Nhưng sự phản ứng tích cực bằng những kiến nghị phân tích sâu sắc của nhiều Đại thần, đã buộc vua Gia Tĩnh phải “hồi tâm chuyển ý”.
Trong đó, đáng chú ý là bản sớ can ngăn của Tả Thị lang bộ Hộ là Đường Trụ đưa ra 7 điều không nên đem quân sang xâm lược Đại Việt. Viên Tả thị lang này còn chỉ rõ sự thất bại thảm hại của triều Minh trong cuộc xâm lược Đại Việt của Minh Thành Tổ đầu thế kỷ XV, đặc biệt nhấn mạnh tổn thất nặng nề khi đối đầu với nghĩa quân Lam Sơn như sau: “Rồi năm Tuyên Đức thứ 2, Lê Lợi làm phản, các quan văn võ của ta bị chết rất nhiều, như bọn Lưu Tú Phu, Hà Trung, Dịch Tiên, Lý Nhiệm, Cố Phúc…Quân sĩ, của cải vật chất tổn thất có đến mấy chục vạn, làm kiệt sức Trung Quốc hơn 10 năm…”[19]. Cuối cùng bài sớ can gián, Đường Trụ kiến nghị: “Thần tâu xin bỏ việc chinh phạt , đình chỉ việc sai vệ Cẩm Y đi khám, bãi bỏ lệnh dự phòng binh lương”[20].
Các sử quan triều Minh phải hạ bút “Sớ (của Đường Trụ) dâng lên, bộ Binh bèn khen bàn mưu trung thành”[21]. Rút cục, để tránh những thất bại theo vết xe đổ của đầu triều Minh, vua Gia Tĩnh lấy cớ “Vì những lời tâu về Lê Ninh, nên tạm hoãn việc chinh phạt An Nam”[22].
Có thể khẳng định, tuy đã cố tình bưng bít sự thật về thất bại của chính quyền triều Minh trong việc thống trị Việt Nam thế kỷ XV, nhưng thư tịch của Nhà nước cũng như tư nhân cuối Minh đầu Thanh vẫn phải công nhận: Phong trào đấu tranh chống ách thống trị của triều Minh của nhân dân ta vào thế kỷ XV diễn ra rầm rộ, toàn diện trên cả nước, trong đó cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo là mạnh mẽ nhất và thu được thắng lợi to lớn, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi biên thuỳ, giành được độc lập dân tộc.
Thông qua những ghi chép của sử liệu triều Minh, triều Thanh càng thể hiện rõ hơn: cuộc chiến tranh do Minh Thành Tổ tiến hành đối với quốc gia Đại Việt của vương triều Lê ở đầu thế kỷ XV, thực sự là một cuộc xâm lược phi nghĩa, tàn bạo. Kết cục thảm bại của quân Minh là minh chứng rõ nhất cho chiến thắng chính nghĩa, nhân đạo của quân và dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tướng Lê Lợi cùng bộ chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với sự tham mưu sắc xảo, tài trí của quân sư Nguyễn Trãi.
[1] 謝貴安著: 中國實錄體史學研究, 武漢大學出版社, 2007年, 第93頁
[2] 中國歷史大辭典, 史學史卷, 上海辭書出版社,1984年, 第280頁. Trung Quốc lịch sử đại từ điển, quyển Lịch sử sử học, NXb. Từ điển Thượng Hải, 1984, tr.280.
[3] Số lượng các quyển trong bộ Minh Thực lục không được thống nhất, Tạ Quý An (謝貴安) trong中國實錄體史學研究 (Trung Quốc thực lục sử học nghiên cứu), cho biết: Minh Thực lục chép về 13 triều, có 2760 quyển. Trong sách Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, Phạm Hoàng Quân lại cho rằng: Minh Thực lục…được biên soạn trong suốt 13 triều vua nhà Minh, từ Thái Tổ đến Hy Tông, cộng được 3053 quyển và phụ thêm Hoài Tông thực lục gồm 17 quyển…”, Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, T.1, dịch và chú thích, Hồ Bạch Thảo, Hiệu đính và bổ chú, Phạm Hoàng Quân, Nxb.Hà Nội, H, 2010, tr.10.
[4]中國歷史大辭典, 史學史卷, 上海辭書出版社,1984年, 第280頁. Trung Quốc lịch sử đại từ điển, quyển Lịch sử sử học, NXb. Từ điển Thượng Hải, 1984, tr.280.
[5]謝貴安著: 中國實錄體史學研究, 武漢大學出版社, 2007年, 第93頁
[6]謝貴安著: 中國實錄體史學研究, 武漢大學出版社, 2007年, 第93頁.
[7]中國歷史大辭典, 史學史卷, 上海辭書出版社,1984年, 第278頁. Trung Quốc lịch sử đại từ điển, quyển Lịch sử sử học, NXb. Từ điển Thượng Hải, 1984, tr.278.
[8] 中國大百科全書,中國歷史,大百科全書初版社,北京,1998年,第 698頁. Trung Quốc đại bách khoa toàn thư, Trung Quốc lịch sử., Nxb.Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1998, tr.698.
[9]谷應泰著,明史紀事本末,第二十二卷, 安南叛服.
[10] Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, T.2, Sđd, tr.48.
[11] Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, T.2, Sđd, tr.102
[12] Nguyên văn: 其勢益熾不易制也\,明史卷321, 列傳, 第209, 十二 頁. Minh sử, quyển 321, Liệt truyện 209, tr.12, Sđd.
[13] Nguyên văn: 自黎利反用兵三四年將吏先後死者甚眾: Tự Lê Lợi phản dụng binh tam tứ niên tướng lại tiên hậu tử giả thậm chúng.
[14]Nguyên văn:
(交趾內屬者二十餘年前後用兵數十萬, 餽饷至百餘萬轉輸之費不與焉.至是棄去官吏軍民還者八萬六千餘人,其陷與賊及為賊所戮不可勝计: Giao Chỉ nội thuộc giả nhị thập dư niên tiền hậu dụng binh sác thập vạn, quỹ hướng chí bách dư vạn chuyển du chi phí bất dữ yên,chí thị khí khứ quan lại quân dân hoàn giả bát vạn lục thiên dư, kỳ hãm dữ tặc cập sở lục bất khả thắng kế.
[15] Chỉ việc viên tướng Liễu Thăng đem viện binh vào nước ta lần thứ hai, đã bị chém đầu tại núi Mã Yên, Lạng Sơn.
[16]Nguyênvăn “王通力屈而請和,柳升再入而敗歿,然後下詔遣使,修好撤藩,城下之盟,恥同新鄭,割地之議,辱比敬塘矣”。谷應泰著,明史紀事本末,第二十二卷, 安南叛服.
[17]Nguyênvăn “計其班師之日,文武吏士攜家而歸者八萬六千六百四十人,為黎賊遮留不遣者尚數萬人,死者君其問諸水濱,生者不望生入玉門,貽笑蠻方,損威中國,誰秉國成,至此極乎!”, 谷應泰著,明史紀事本末,第二十二卷, 安南叛服.
[18] Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, T.3, Sđd, tr.182.
[19] Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, T.3, Sđd, tr.184-185.
[20] Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, T.3, Sđd, tr.187.
[21] Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, T.3, Sđd, tr.187.
[22] Minh Thực lục- Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, T.3, Sđd, tr.203.