Ngay tại địa bàn của khu vực rừng núi phía tây Lam Sơn và Chí Linh, còn một vấn đề mà rất nhiều người hiện nay rất quan tâm là tại đây có đúng là đã từng diễn ra những sự kiện có lời thề giữa Bình định vương Lê Lợi với Lê Lai – người tình nguyện “liều mình cứu chúa” (tức cứu Lê Lợi) đến lời thề giữa Bình định vương Lê Lợi với các tướng sĩ và lời thế của các tướng sĩ với chủ soái Lê Lợi. Và các cuộc hội thề này nếu có thì có vào lúc nào và diễn ra tại đâu? Đây là một bài toán cần phải được giải quyết một cách thấu đáo, khoa học trên cơ sở xem xét sử sách và tài liệu xưa để lại như:
– Về sự kiện diễn ra có lời thề giữa Bình Định vương Lê Lợi với Lê Lai thì không thấy chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép rõ), nhưng ở các tài liệu, sử sách khác lại có ghi rất rõ, điển hình là sách Lam Sơn thực lục (bản nhà Lê Sát) đã chép: “Năm Mậu Tuất (1418), tháng giêng ngày mùng hai (xứ Mường Tẩm, nay tên là Mường Chính). Vua vừa 34 tuổi. Vĩnh Lạc nhà Minh năm thứ 16. Vua sắp đặt màng lưới đón mời hào kiệt, lấy ít địch nhiều, bèn khiến công thần là bọn Lê Khang, Lê Luận, Lê Nanh, Lê Sao, Lê Lễ, Lê Hiêu, Lê Nhữ Tri, Lê Lộng, Lê Cố, Trịnh Lỗi, Trịnh Hối, Lê Thỏ, Lê Bồi, Lê Lý, Lê Xa Lôi, Lê Khắc Phục, Lê Định, Lê Lãng, Lê Lưỡng, Lê Lan, Lê Cuống, Lê Hỗ, Lê Độ, Lê Khiêm, Lê Quốc Trinh, Lưu Đầm, Trần Nghiệm, Lê Lâm, Lê Văn Giáo, Trần Vận, Trần Xưng, Lê Cảnh Chuyên, Phạm Lung, Phạm Linh, Lê Sát, Trương Lôi, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng, Lê Nổ, Lê Liễu, Lê Nhữ Lãm, Võ Uy, Trịnh Vô, Lưu Trung, Trần Trĩ, Đỗ Bí, Nguyễn Trãi, Lê Văn Linh, Lê Thận và Lê Văn An đều làm tướng văn, tướng võ, chia đường đem quân đối địch với giặc Ngô. Ta lúc ấy, tướng thưa, quân ít, mà giặc thì đông đến hơn bốn vạn. Lúc chưa thắng, vua phải chạy vào rừng núi, trên bờ sông Khả Lam thuộc xứ Mường Mọt… Lương thực ít ỏi, tuyệt đường đi về Linh Sơn, Mường Cốc. Quân lính chịu khổ, đói rét vất vả hàng mười ngày liền, đào củ nâu ăn cầm hơi, tìm mật ong làm nước uống, người ngựa đều đói khốn. Vua hỏi ai là kẻ bề tôi tận trung, hết lòng lo việc nước. Lúc đó có Lê Lai vốn người thôn Dựng Tú, tính cương quyết, nghiêm nghị và thẳng thắn, diện mạo khác thường, sức khỏe và chí khí hơn người, chỉ mình Lê Lai nói:
– Tôi tự nguyện đổi áo, ngày sau Bệ hạ nên nghiệp đế, có thiên hạ, nhớ đến công của tôi, cùng con cháu tôi muôn đời sau được chịu ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi vậy.
Vua vái trời và khấn rằng:
– Lê Lai có công đổi áo, mai sau Trẫm và con cháu Trẫm, con cháu các công thần tướng tá, nếu không nhớ công ơn ấy thì nguyền đền cỏ này hóa thành núi rừng, ấn báu này hóa thành cục đồng, lưỡi gươm thần này hóa thành dao mác thường.
Vua khấn xong, Lê Lai cưỡi ngựa phi ra, thay vua cứu nước, tự xưng là vua Lê. Giặc Minh tưởng là thật, trói bắt về tâu lên vua nhà Minh. Do đó, tình thế hòa hoãn. Vua được tạm yên”(4).
Cũng ghi chép về sự kiện này, Lê Quý Đôn (có nhẽ sau khi tham khảo sách Lam Sơn thực lục và gia phả của các nhà công thần khai quốc) đã viết trong sách Đại Việt thông sử ở phần Chư thần truyện một cách còn rõ ràng, sinh động hơn như: “Năm Mậu Tuất (1418), lúc vua mới dựng cờ khởi nghĩa, tướng ít, quân thiếu, bị tướng nhà Minh vây đánh ở Mường Một, vua chạy thoát về đóng ở Trịnh Cao, nơi hẻo lánh, không dân ở, tướng Minh chia quân chặn những chỗ hiểm yếu, tình thế rất cấp bách, nhà vua hỏi các tướng: “Ai dám đổi áo, thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta, bắt chước như Kỷ Tín đời Hán, để cho ta có thể giấu tiếng, nghi binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau”. Các tường đều không ai dám hưởng ứng. Riêng Lê Lai đứng dậy nói: “Tôi xin đi. Sau này lấy được nước thì nghĩ đến công lao của tôi, khiến cho cháu con muôn đời được nhờ ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi”. Nhà vua rất thương cảm. Ông nói: “Bây giờ nguy khốn thế này, nếu ngồi giữ mảnh đất nguy hiểm, vua tôi đều bị tiêu diệt, sợ sẽ vô ích, nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì”. Nhà vua vái trời mà khấn rằng: “Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi và con cháu tôi, cùng con cháu các tướng ta công thần, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn báu thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn”. Ông bèn dẫn hai con voi và 500 quân kéo thẳng tới trại giặc khiêu chiến. Giặc dốc hết quân ra đánh, ông cưỡi ngựa tốt, xông thẳng vào giữa trận, hô to lên rằng: “Chúa Lam Sơn chính là ta đây” rồi đánh giết được rất nhiều quân giặc. Khi đã kiệt sức, ông bị địch bắt, xử cực hình. Sau đó giặc lui quân về Thành Tây Đô, việc phòng bị của chúng mới hơi sơ hở, vừa có thời cơ nghỉ binh, nuôi chứa nhuệ khí, để có thể trăm trận trăm thắng và lấy được thiên hạ.
Vua cảm động vì lòng trung nghĩa của ông, trước hết sai người ngầm tìm di hài ông, đem về mai táng ở Lam Sơn. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), phong ông là công thần hạng nhất… Tháng 12 năm sau (1429), nhà vua sai Nguyễn Trãi (viết) hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để vào trong hòm vàng…”(5).
Như vậy, sự kiện diễn ra lời thề giữa Lê Lợi với Lê Lai là diễn ra ngay sau ngày khởi nghĩa (tức chỉ trong mấy ngày đầu tháng giêng năm Mậu Tuất – 1418 ở địa bàn rừng núi phía tây xứ Mường Tẩm của châu Lang Chánh cũ). Còn Mường Tẩm và địa điểm nơi Lê Lai “đổi áo” để liều mình cứu chúa thì cần có sự điều tra tiếp tục để xác định rõ ràng, cụ thể hơn.
– Sự kiện diễn ra hội thề giữa Lê Lợi và các tướng sĩ ở núi Chí Linh vào ngày 18 tháng giêng năm Mậu Tuất (1418), ở mục “Núi Chí Linh”, sách Địa chí huyện Lang Chánh (Nxb Tự điển bách khoa, Hà Nội, 2010) có viết: “Nói về vị trí của núi Chí Linh – nơi linh thiêng của dân tộc, nơi đã diễn ra một Hội thề quan trọng sau Hội thề Lũng Nhai”. Để chứng minh cho sự khẳng định ngắn gọn này, nhóm tác giả Địa chí huyện Lang Chánh đã trích dẫn sách “Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn” của tác giả – Giáo sư Bùi Văn Nguyên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980) với một đoạn viết như sau: “Không rõ, khi mới khởi nghĩa, sau hội thề Lũng Nhai, còn có những hội thề nào khác giữa Lê Lợi và các tướng lĩnh? chỉ biết rằng sau ngày mùng 9 tháng giêng năm Mậu Tuất (1418), khi giặc vây ráp và được Lê Lai đổi áo cứu mạng, Lê Lợi vào ẩn ở núi Chí Linh và đến ngày mười tám tháng đó, có tổ chức hội thề với các tướng lĩnh gồm 35 người có mặt. Có thể đây là hội thề quan trọng vừa để củng cố lòng tin, vừa để mở rộng lực lượng, tập hợp nhân tài, chuẩn bị tiến công giặc. Như vậy, tuy mới ra đời bị giặc vây ráp, nhưng nghĩa quân không yếu đi, mà còn mạnh thêm, nhờ được nhân dân và các tướng lĩnh địa phương theo về” (tr.171-tr.172). Tiếp đó, sách Địa chí huyện Lang Chánh đã dẫn toàn văn hai bài văn thề ở Chí Linh mà tác giả Bùi Văn Nguyên sưu tầm và chép ra từ bản gia phả họ Lê Văn Linh ở Hải Lịch (nay thuộc xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân) – một khai quốc công thần triều Lê tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ ngày đầu, đó là:
+ Lời thề của Lê Lợi đối với các tướng lĩnh:
“Mậu Tuất niên, chính nguyệt, thập bát nhật, Thanh Hóa phủ, Lương Sơn huyện, Khả Lam châu, Thổ Nhuế vệ khai trình, Lê Lợi niên sinh Ất Sửu, tam thập tam tuế có lời thề rằng:
Thời nay có giặc nhà Minh sang chiếm nước ta nguyền lấy nam làm tôi. Người dân nước có vua, trời thương dân đồ thán cho cầm được thần kiếm bảo ấn y điếu dân phạt tội giữ lấy muôn dân khỏi khôn cực. Nghi là giặc nhà Minh đòi bắt, nên náu ẩn Chí Linh sơn hòa làm binh. Bây giờ chủ tướng có lòng muốn lập công danh cùng min, thời chúng ta cùng theo lệnh trời, diệt giặc nhà Ngô. Vả lại, nước ta nên công bình Ngô khai quốc, cho được muôn đời con cháu phong lưu. Bây giờ đủ mặt chủ tướng ba mươi lăm viên cùng min đến Chí Linh Sơn Đại An Vương thần từ là nơi bầu trời linh hội lạy tế mà thề trên cùng Hoàng Thiên Thượng Đế, dưới thời sơn thần làm chứng, min điệp huyết minh thề cho hết lòng cùng chư tướng, cho nên thư sơn quy quyển sắt cùng nhau, nguyện Hoàng Hà như đái, Thái Sơn như lệ cùng chư tướng gian nguy khốn khổ, cùng nhau mà có vạn tử nhất sinh, lập làm cho nên thiên hạ an toàn, mà min có lòng thoái thác, lại phụ chư tướng, chẳng giữ cho phải, khốn nạn mà mẹo nhau hai lòng, làm thiên hạ mà quên thửa công chứa thu chẳng nhớ cho nhau, ai còn thời cho được sang trọng, ai mất thời cho con cháu hiển vinh.
Nguyện mà chi mình lời ấy, mà hết lòng cùng như tướng từ Lê Thạch, Đinh Lễ, cho đến Đinh Bồ, ba mươi lăm viên cùng hết lòng, hết sức cùng nhau phú quý dư đồng, cho nạn thu cứu min chí như lời thề ấy, lại là lòng khác mà bỏ nghĩa nhau, nhẫn uống chén máu này vào cho Hoàng Thiên Thượng Đế, cập Chí Linh sơn Đại An Vương bắt min chết, chưa làm chiến bạn thiên hạ.
Nay thề”(6)
+ Lời thề của các tướng lĩnh đối với Bình định vương Lê Lợi:
“Mậu Tuất niên, chính nguyệt, thập bát nhật, Thanh Hóa phủ, các huyện xã nhân, từ Lê Thạch chí Đinh Bồ, ba mươi lăm viên, cùng hết lòng hết sức, cùng vua chúng tôi, cùng trước vua minh thề:
Phải thời nhà Ngô đòi bắt, đức vua ứng lệnh trời được thần kiếm bảo ấn, thời chư tướng chúng tôi, trên cùng vua, đến Chí Linh sơn Đại An Vương thần từ, là nơi bầu trời lĩnh hội, lạy tế mà thề, cùng dựng lại nhà ta, cho nên công nghiệp đức vua, cho hết lòng hết sức dẹp giặc Ngô cho an thiên hạ, dựng lại nhà ta cho nên công nghiệp thư son quyển sắt cùng nhau. Mà nhược lũ chúng tôi thấy gian nan mà bỏ đức vua mà chẳng lo cùng nhau, chúng tôi lại là manh tâm bội phản, hướng vua đầu giặc mà chẳng từng khốn khổ cùng đức vua, thời chư tướng chúng tôi uống chén máu này vào nguyện Hoàng Thiên Thượng Đế cập Chí Linh sơn Đại An Vương thần, bắt chúng tôi chết, chưa làm nên việc thiên hạ cùng đức vua. Tôi nguyền”(7)
Có thể nói cả hai bài văn thề ở núi Chí Linh mà GS. Bùi Văn Nguyên – tác giả của sách Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn trích dẫn nguyên văn như nêu trên đều lấy ra từ bản gia phả viết bằng chữ Hán Nôm của dòng họ Lê Văn Linh là một tài liệu rất quý giá. Nhờ đó mà chúng ta biết được thời gian cụ thể diễn ra hai lời thề ở núi Chí Linh này là vào ngày 18 tháng giêng năm Mậu Tuất (1418), còn địa điểm cụ thể nào ở núi Chí Linh thì chưa nói rõ. Rất có thể hai lời thề bằng văn nôm (Quốc âm) này cũng được chép trong các bản gia phả của các họ khai quốc công thần khác bởi lẽ sau khi đăng quang, vào ngày 20 tháng 2 năm Mậu Thân (1428), trong dịp tổ chức tuyên dương, ban thưởng cho các tướng lĩnh, quân nhân hỏa thủ và thiết đột có công lao, Hoàng đế Lê Lợi đã cho nhắc lại lời thề của mình với các tướng sĩ ở núi Chí Linh vào năm 1418 để thể hiện tình cảm chung thủy trước sau như một của mình. Và nội dung, tinh thần cơ bản của lời thề mười năm trước đó đã được văn thân Nguyễn Đôn phụng sao để đưa vào sách Lam Sơn thực lục cho con cháu các đời sau ghi nhớ mãi. Sau đây là bản phụng sao được ghi chép trong sách Lam Sơn thực lục (bản nhà Lê Sát):
“Chư tướng từ
Tư lễ giám đồng tri Nguyễn Đôn phụng sao tống chư công thần tằng tôn các chấp nhất đạo.
Thái tổ Cao Hoàng Đế
Trẫm tính Lê húy Lợi, chí làm Đại thiên hành hóa, phủ trị gia bang. Vì vậy, Trẫm nguyền cùng chư tướng hỏa thủ thiết kỵ đột quân đẳng nhân: hễ phàm làm công thần ở cùng Trẫm mà mở được thiên hạ, chưng sau thiên hạ thái bình, thời Trẫm nhớ chứng công thần chư tướng hết lòng, hết sức, danh ấy truyền để muôn đời, vĩnh thùy trúc bạch, cho chưng sau con cháu Trẫm cùng con cháu chư tướng đều được hiển vinh, cùng hưởng phúc lộc. Dù bể kia hay cạn, núi họ hay mòn thời công ấy Trẫm cũng chẳng khá quên chư tướng, dù Trẫm chẳng nhớ như lời nguyền ấy, vậy thời Trẫm chẳng truyền cho con cháu Trẫm như lời ấy. Trẫm nguyền bằng thảo điện nên rừng, điện này nên nước, núi nên băng, ấn này nên đồng, kiếm này nên sắt, bằng Trẫm làm thiên hạ, thời nhớ công chư tướng hiển hách, vả lại truyền cho con cháu nhà Trẫm muôn đời, bằng lời nguyền ấy thời cho quốc gia trường trị, an như bàn thạch, Hoàng Hà như đái, Thái Sơn như lệ; con cháu nhà Trẫm muôn đời quang đăng bảo vị. Vậy Trẫm phải hết lời cùng chư tướng, hễ đã làm kẻ công thần ở cùng Trẫm, đồng tâm hiệp lực, chớ ngại khó khăn hòa làm việc thiên hạ. Chẳng những lời ấy, Trẫm lại cậy lời này, như trong binh pháp rằng: Nhân nghĩa chi binh, dĩ hòa mục vi thượng, nếu có binh thì có nhân, có nhân nghĩa thì có hòa mục, mới khá được hiệu lệnh cho tin. Chữ rằng: pháp giả thiên hạ công cộng. Dù ai chẳng phải, đã có luật pháp trời nước, ai nấy thời cho hòa mục, tin hiệu lệnh, cho nghiêm sở pháp hòa làm việc thiên hạ để công danh muôn đời, lộc hưởng thiên chung.
Thiên Khánh nguyên niên, Mậu Thân, nhị nguyệt, nhị thập nhật”(8).
Như vậy, từ sự phụng sao (chép lại) nguyên văn hoặc tinh thần chủ yếu của các lời thề trong khởi nghĩa Lam Sơn (như lời thề ở Lũng Nhai, lời thề với Lê Lai ở Mường Chính – châu Lang Chánh đến lời thề ở Chí Linh Sơn) của các văn thân đầu triều Lê Sơ để đưa vào sách Lam Sơn thực lục theo lệnh của Hoàng đế Lê Lợi như đã nêu trên càng có sức thuyết phục để khẳng định toàn văn lời thề bằng văn quốc âm được chép trong gia phả của dòng họ khai quốc công thần Lê Văn Linh là hoàn toàn có thể tin cậy được.
Vì vậy, Chí Linh Sơn đích thị là nơi đã từng diễn ra sự kiện có sự thề nguyền giữa Lê Lợi và các tướng sĩ vào ngày 18 tháng giêng năm Mậu Tuất (1418) cùng lời thề của các tướng sĩ với Bình định vương Lê Lợi ngay trong buổi hôm đó. Tuy nhiên, địa bàn của núi Chí Linh rộng tới 50km2 (chỉ tính riêng phần nổi nhìn thấy của dãy núi) thì việc xác định nơi diễn ra sự kiện có lời thề trên là ở đâu quả không mấy dễ dàng. Nhưng theo tôi, ở Mường Giao Lão mà sử sách xưa có ghi chép (nay thuộc xã Giao Thiện và Giao An) – nơi có một dòng suối chảy từ núi Chí Linh ra mà dân địa phương từ xưa tới nay vẫn quen gọi là Huối Lấu (hay Hón Lối), tức Suối Rượu (hay Hón Rượu), (tương truyền Bình định vương Lê Lợi sau khi rút về Chí Linh Sơn và tập hợp quân sĩ tại khu vực này đã lấy chai rượu đổ xuống suối rồi tất cả cùng múc lên uống để biểu thị tinh thần đoàn kết, cùng kham cộng khổ và sống chết có nhau của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn) rất có thể là địa điểm diễn ra cuộc hội thề lịch sử như nêu trên. Tại một mô đất cao gần Huối Lấu (suối Rượu) còn có di tích đền thờ Lê Thái Tổ mà dân vừa cho phục dựng trên nền đất cũ – đối diện với mỏm núi tương truyền Lê Lợi đã đứng ở đó để đổ chai rượu xuống suối có thể là không gian địa điểm để chọn làm nơi dựng bia biển, tượng đài kỉ niệm Hội thề ở Chí Linh vào ngày 18 tháng giêng năm Mậu Tuất (1418). Đây cũng chỉ là sự gợi ý để chúng ta cùng suy nghĩ và tiếp tục nghiên cứu, khảo sát tìm ra được một địa điểm cụ thể rõ ràng, chính xác hơn.
NNC. Phạm Tấn
Tổng Thư ký Hội KHLS Thanh Hóa
————————
Chú thích:
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập II, Nxb Thuận Hóa, Huế – 2006, tr.296.
(2) Nhữ Bá Sĩ, Thanh Hóa tỉnh chí, bản dịch của Nguyễn Mạnh Duân, in rônêô, tr.34 (tài liệu lưu trữ của Thư viện Thanh Hóa).
(3) Lam Sơn thực lục, bản mới phát hiện ở họ Lê Sát, Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1976, tr.243.
(4) Lam Sơn thực lục, Sđd, tr.240 – tr.241.
(5) Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.156-tr.157.
(6) Bùi Văn Nguyên, Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr.174-tr.176.
(7) Bùi Văn Nguyên, Sđd, tr.176-tr.177.
(8) Lam Sơn thực lục, Sđd, tr.203.