Tin tức - Sự kiện

Sôi động việc họ năm 2020, hướng tới nhiệm vụ năm 2021

HLVN- Có thể gọi năm Canh Tý 2020 là một năm đặc biệt. Đại dịch Covid -19 bùng phát và lan truyền nhanh chóng trên toàn thế giới, đe doạ mạng sống hàng triệu  con người, việc giao thương quốc tế bị ngưng trệ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu âm gần 4%. Ở Việt Nam ta, ngoài việc chống dịch bệnh bà con miền Trung còn phải gồng mình lên chống chọi với “Bão chồng bão, lũ chồng lũ”, một hiện tượng thiên tai khủng khiếp chưa từng có từ trước tới nay.

Trong hoàn cảnh đó, nhờ có tinh thần “chống dịch như chống giặc” và sự nổ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, hạn thế và khắc phục nhanh chóng những thiệt hại do bão lũ gây ra, hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu kinh tế xã hội trong năm 2020, trở thành điểm sáng trên thế giới, được nhiều nước ca ngợi.

Bà con họ Lê chúng ta, cùng với bà con cả nước vừa chống đại dịch Covid- 19, vừa chống bão lũ nên việc thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2020 cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, HĐHL các cấp và bà con họ Lê cả nước, vẫn duy trì những công việc của dòng tộc một cách thường xuyên, thiết thực, hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Trước hết là việc hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ. Đây là hoạt động tâm linh, vô cùng thiêng liêng và là thành tố cốt yếu của văn hoá làng, do các dòng họ duy trì và nuôi dưỡng hết đời này qua đời khác. Vì vậy, trong kế hoach hoạt động năm 2020 của HĐHL Việt Nam, việc hướng về cội nguồn tri ân tiên tổ được đưa lên hàng đầu.

Năm 2020 là năm kỷ niệm 1015 năm ngày mất Hoàng đế Lê Đại Hành (8/3/âm lịch 1005 – 8/3/ âm lịch 2020) nên ngay từ đầu năm, HĐHL Việt Nam đã có chủ trương huy động gần một nghìn bà con họ Lê về Cố đô Hoa Lư tham gia Lễ giỗ. Nhưng càng gần đến lễ giỗ, dịch COVIT 19 diễn biến ngày càng phức tạp nên việc tổ chức Lễ giỗ tại Cố đô Hoa Lư không thực hiện được.

Thay vì tổ chức lễ giỗ tập trung ở cố đô Hoa Lư, nhiều nơi có đền thờ Lê Hoàn, bà con vẵn tổ chức cúng giỗ Ngài theo truyền thống địa phương. Đặc biệt, tại làng Trung Lập, nay là xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hoá, quê hương của Người, tất cả các gia đình trong xã, bất kể mang họ nào đều sắm mâm cỗ cúng giỗ Ngài, vị anh hùng dân tộc, người con của quê hương Trung Lập.

Đến lễ giỗ lần thứ 587 năm ngày mất vua Lê Thái Tổ (22/8/âm lịch 1433 – 22/8/âm lịch 2020), tình hình dịch bệnh ở nước ta cơ bản được khống chế, nhưng việc tập trung đông người vẫn còn rất hạn chế. Tại Lam Sơn, Thanh Hoá, quê hương của Đức vua, tỉnh Thanh Hoá không tổ chức Lễ hội Lam Kinh như những năm trước đây mà tổ chức dâng hương tưởng niệm, với số lượng gần 30 người.

Trong điều kiện ấy, chiều ngày 21/8/âm lịch – 2020, HĐHL Thanh Hoá tổ chức lễ giỗ Đức vua Lê Thái Tổ tại Thái miếu nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ,  TP Thanh Hoá với sự có mặt của đại diện HĐHL các huyện. Tuy quy mô nhỏ nhưng nghi thức của Lễ giỗ vẫn đảm bảo đầy đủ và diễn ra thành kính, trang trọng.

Cùng với quê hương Thanh Hoá, nhiều HĐHL các tỉnh, thành trên cả nước cũng đồng loạt tổ chức lễ giỗ lần thứ 587 Đức vua Lê Thái Tổ. Tại Hà Nội lễ giỗ Đức vua được tổ chức tại Điện Kính Thiên. Ở TP Hồ Chí Minh cùng với việc Lễ giỗ vua Lê Thái Tổ còn dâng hương tưởng niệm Trung túc vương Lê Lai và Tổng Bí thư Lê khả Phiêu. Ở các tỉnh khác như: Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Lâm Đồng vv…HĐHL cấp tỉnh đều có tổ chức Lễ giỗ Đức vua với quy mô phù hợp. Riêng Thanh Hoá, ngày chính giỗ Đức vua Lê Thái Tổ còn tổ chức cho gần 40 đền thờ các vị Khai quốc công thần trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn, đồng loạt dâng hương vào 8h00 sáng, cùng thời điểm với lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Lam Kinh.

Các hoạt động tri ân khác như xây dựng khu văn hoá họ Lê, dựng bia, trùng tu và xây dựng mới các nhà thờ họ, sửa chữa các lăng mộ vẫn diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước

Như vậy là, thay việc tổ chức tri ân tiên tổ tập trung như các năm trước đây, năm 2020, trong hoàn bối cảnh phải chống dịch bệnh, HĐHL các cấp và bà con họ Lê đã tổ chức tri ân tổ tiên ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, số lượng người được tham gia đông đảo hơn, truyền thống của cha ông lan toả rộng khắp hơn.

Sau việc tri ân tiên tổ, công tác khuyến học khuyến tài cũng được HĐHL các cấp hết sức quan tâm. Năm 2020, Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức “Ngày hội khuyến học họ Lê toàn quốc” với quy mô lớn, diễn ra trên nhiều địa phương. Nhưng do có dịch COVIT – 19 và được sự chỉ đạo trực tiếp của ông Chủ tịch HĐHL Việt Nam, ngày hội khuyến học họ Lê Việt Nam đã được tổ chức gọn nhẹ tại Thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên họ Lê cả nước có một “Ngày hội Khuyến học khuyến tài” riêng, cùng một lúc trao 164 bằng Vinh danh của Họ Lê Việt Nam cho các cháu học sinh trong họ giành Huy chương trong các kỳ thi Ôlympic quốc tế và có giải chính thức trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Công tác khuyến học họ Lê còn được thực hiện ở hầu hết các Hội đồng Gia tộc và ở HĐHL cấp huyện, cấp tỉnh, kể cả các tỉnh miền Trung vừa  trải qua bão lũ. Lễ vinh danh phần lớn được tổ chức ở nhà thờ họ, đền thờ các danh nhân họ Lê tại địa phương. Đây là điểm khác biệt của Khuyến học dòng họ với khuyến học Nhà nước, thường được tổ chức tại hội trường.

Năm 2020 còn là năm để lại trong ký ức chúng ta về đợt bão lũ khủng khiếp ở miền Trung từ ngày 6/10 đến đầu tháng 12/2020. Trong vòng gần 2 tháng trời, gần 10 cơn bão dồn dập đổ vào vùng đất từ Nghệ An đến Phú Yên và Tây Nguyên. Thiên tai ngày càng khốc liệt và dị thường. Sạt lở đất trở thành rủi ro lớn nhất của thiên tai, khiến nhiều gia đình không kịp trở tay.

Chỉ nói riêng thiệt hại về người do 2 vụ sạt lở đất gây ra ở Rào Trăng và ở đoàn Kinh tế 337 đã lên đến 35 người, trong đó họ Lê có 8 chiến sỹ quê ở 6 tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá. Ngay sau khi thông tin ấy được đăng trên zalo Họ Lê, lập tức HĐHL các tỉnh và nhiều bà con họ Lê trên cả nước đã gửi lời chia buồn đến các HĐHL và gia đình có người hy sinh.

Trong hoạn nạn càng thấy tình cảm dòng tộc thân thiết và thiêng liêng. Những lúc mất mát đau thương này, vai trò của các doanh nhân trong dòng tộc trở nên vô cùng quan trọng. Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm ủng hộ đồng bào miền Trung 11,8 tỷ đồng, trong đó có 1,8 tỷ đồng ủng hộ cho thân nhân 36 chiến sỹ quân đội và công an đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu dân. Anh hùng Lao động Lê Văn Tam ủng hộ 200 triệu đồng vào quỹ của mặt trận Tổ quốc tỉnh và 100 triệu đồng cho bà con họ Lê 5 tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong bão lũ, mỗi tỉnh 20 triệu đồng.

CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Thanh Hoá và CLB Doanh nhân họ Lê TP Vũng Tàu đã kêu gọi hàng trăm doanh nhân trên địa bàn ủng hộ đồng bào họ Lê miền Trung số tiền trên 100 triệu đồng, Các ông bà trong CLB họ Lê sinh năm Giáp Dần – 1974 cũng quyên góp hổ trợ gia đình 7  chiến sỹ họ Lê trong đoàn kinh tế 337 hy sinh. Số tiền có thể không nhiều nhưng tình cảm dòng tộc thì vô cùng to lớn.

Giữa năm 2020, CLB Doanh nhân họ Lê Phú Thọ ra đời đánh dấu bước phát triển mới của giới doanh nhân họ Lê Việt Nam. Đầu năm 2021, họ Lê cả nước hân hoan chào mừng lễ ra mắt của HĐHL TP Buôn Mê Thuật, tỉnh Đắc Lắc do ông Lê Như Hiền làm Chủ tịch. Đây là tổ chức họ Lê đầu tiên chính thức được thành lập trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Anh hùng Lao động Lê Văn Tam Chủ tịch HĐHL Việt Nam đã gửi điện chúc mừng sự kiện quan trọng này.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong bối cảnh đại dịch COVIT – 19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Bất luận trong điều kiện khó khăn nào, HĐHL các cấp và bà con họ Lê cả nước đặt  lợi ích của Quốc gia lên trên hết, cùng bà con trăm họ thực hiện bằng được khát vọng của non sông, được nêu trong văn kiện đại hội. Đó là mục tiêu, đưa Việt Nam ta đến năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước phát triển có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, HĐHL các cấp và bà con họ Lê cả nước tiếp tục tiến hành các hoạt động tri ân tổ tiên, khuyến học khuyến tài, tích cực phát triển tổ chức, lấy việc xây dựng và củng cố Hội đồng các Gia tộc ở cơ sở làm trọng tâm, vì, nếu HĐ các Gia tộc họ Lê ở cơ sở mà phương trưởng thì họ Lê mới trường tồn bền vững, con cháu họ Lê mới rạng danh cùng non sông đất nước.

Lê Xuân Giang

Phó Chủ tịch HĐHL Việt Nam

Các tin liên quan