Đền An Biên là nơi thờ nữ tướng Lê Chân – một trong những nữ tướng anh hùng, kiệt xuất của Hai Bà Trưng. Đền tọa lạc theo hướng Quý – Đinh (Bắc – Nam) trên một khu đất rộng, thoáng đãng thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Đền An Biên được xây dựng để thờ nữ tướng Lê Chân – người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống ách đô hộ phương Bắc dưới thời Hai Bà Trưng. Khi xưa, đây là một ngôi đền nhỏ lợp bằng nứa lá, sau được dựng lại vào thời Hậu Lê. Di tích còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương cũng như của dân tộc.
Theo thần phả còn lưu truyền tại đền An Biên, thì nữ tướng Lê Chân, sinh ngày 8-2-18, quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, chính vì thế, họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm (nay là phường An Biên, quận Lê Chân, Hải Phòng), thấy địa hình, đất đai thuận lợi, bà dừng lại lập trại khai phá, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy, hải sản, tạo nên một vùng đất trù phú.
Nhớ cội nguồn, Lê Chân đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân cùng nghĩa quân ở căn cứ An Biên đã lập nên chiến công vang dội. Khởi nghĩa thành công, Lê Chân đã ra sức tổ chức, xây dựng lực lượng. Khi Mã Viện đem quân sang phục thù, do tình thế bất lợi, bà phải rút quân về bảo vệ căn cứ Mê Linh.
Sau khi căn cứ này bị vỡ, Hai Bà Trưng tử trận, Lê Chân đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn, thuộc Hà Nam ngày nay nhằm khôi phục cơ đồ. Một lần nữa, Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng, nữ tướng Lê Chân gieo mình xuống sông để bảo toàn danh tiết.
Việc nhân dân ta xây dựng đền thờ nữ tướng Lê Chân tại quê hương bà là để tôn vinh người nữ anh hùng đã có công với đất nước, vừa để giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường cho các thế hệ mai sau. Hằng năm, đền An Biên có 3 ngày lễ lớn là: Ngày 8-2 âm lịch – ngày sinh của bà; ngày 15-8 âm lịch – ngày thắng trận; ngày 25-12 âm lịch – ngày mất của bà. Ngày xưa, Lễ hội đền An Biên được tổ chức rất trọng thể, có lễ rước thần và diễn lại công trạng hành binh đánh trận diệt giặc của thần và của nhân dân ta. Do sự thăng trầm của lịch sử và chiến tranh tàn phá nên đền An Biên đã bị hư hỏng nặng.
Năm 1993, đền được nhân dân địa phương tôn tạo lại trên nền đền cũ. Đền hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật mang tính nghệ thuật cao như tượng nữ tướng Lê Chân, tượng các nữ chiến binh, chuông đồng, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, lư hương đá, lư hương đồng, hộp đựng sắc phong, mâm chè, bảo kiếm… và các tài liệu Hán Nôm có giá trị như: Thần tích, thần sắc, văn cúng…
Qua việc nghiên cứu các tài liệu còn lưu giữ tại đền giúp chúng ta hiểu hơn về sự tích của các nhân vật được thờ, nguồn gốc địa danh, sự phát triển xã hội, thay đổi tên gọi của làng xã, địa giới hành chính qua các thời kỳ…
Năm 2002, trong khuôn viên của đền đã xây dựng thêm tượng đài nữ tướng Lê Chân trong tư thế của một võ tướng, vừa thể hiện được nét dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam, vừa thể hiện được sự dũng mãnh, oai phong của một vị tướng khi xung trận… Đền An Biên được xây dựng ở vị trí cảnh quan đẹp, các công trình kiến trúc hiện còn của di tích đều mang dấu ấn của thời Lê. Đây là công trình do chính bàn tay tài hoa của người thợ địa phương làm nên. Các phù điêu, rồng phượng, vân mây, sóng nước hoa văn thật mềm mại, uyển chuyển. Đền nằm ngay trên tuyến tham quan du lịch biển Hạ Long, đến với di tích là dịp để du khách được hòa mình vào không gian làng quê yên ả, với đồng rau xanh mướt, sóng biển rì rào, bãi biển cát trắng thẳng tắp, hàng dương xanh tít…
Bà Nguyễn Thị Xuyến, 63 tuổi, ở thôn An Biên cho biết: “Đền An Biên là nơi chứng kiến những biến cố thăng trầm của lịch sử. Năm 1945, đền An Biên là nơi luyện tập của Đội Bảo an làng An Biên để chuẩn bị giành chính quyền, nơi mở lớp bình dân học vụ. Trong kháng chiến chống Mỹ, đền An Biên được sử dụng làm kho hợp tác xã, nơi chế biến dược liệu của thị xã Đông Triều. Thời chiến tranh biên giới phía Bắc, đền là nơi cất giữ súng, đạn…”. Bởi thế, về với đền An Biên là dịp để du khách hiểu thêm về lịch sử của một vùng đất cách mạng anh hùng.
Hằng năm, những ngày lễ trọng đại, nhân dân quanh vùng về dự rất đông. Mỗi người về dâng hương tại đền đều mang mỗi mong ước khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở một điểm là lòng thành kính và biết ơn. Các hoạt động tế lễ được tổ chức rất trang nghiêm, trọng đại vừa mang bản sắc cổ truyền, lại vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Năm 2006, đền An Biên đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.
Long Vũ