Thánh Tông thuần Hoàng đế, tên là Tư Thành (húy Hạo), con thứ 4 vua Thái Tông, mẹ là Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, người ở Động Bàng, Yên Định, Thanh Hóa.
Vua có thiên tư, thần thái khác thường. Năm Thái Hòa thứ 3 đã được phong làm Bình Nguyên Vương. Ngày mồng 8 tháng 6, Vua lên ngôi tại điện Tường Quang, xưng là Nam Thiên Động Chủ, lấy ngày sinh làm Sùng Thiên Thánh Tiết, 2 lần cải nguyên (Quang Thuận 11 năm bắt đầu từ năm Canh Thìn (1460), Hồng Đức (28 năm), bắt đầu từ năm Canh Dần (1470). Quang Thuận thứ 8 mới xưng là Hoàng thượng chế cáo.
Vua mất vào giờ Thìn ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1497), ở cung Bảo Quang, trị vì 38 năm, thọ 56 tuổi, mộ táng ở bên tả Vĩnh Lăng Lam Sơn, gọi là Chiêu Lăng, tôn tên thụy là Sùng Thiên Quảng Vận, Cao Minh Quang Chính, Chí Đức Đại Công, Thánh Văn Thần Võ, Đạt Hiếu Thuần Hoàng Đế, miếu hiệu Thánh Tông.
Theo Lê tộc sinh hạ (1429), Hoàng Lê ngọc phả (1780), Lê tộc nguyên phả (1897): vua Lê Thánh Tông có 14 con trai, 20 con gái.
– 14 Hoàng tử vua Lê Thánh Tông: Lê Tăng (Lê Hiến Tông), Lương vương (Lê Thuyên), Tống vương (Lê Tung), Đường vương (Lê Cảo), Kiến Vương (Lê Tân), Phúc vương (Lê Tranh), Diễn vương (Lê Thông), Quảng vương (Lê Táo), Lâm vương (Lê Tương), Ứng vương (Lê Chiêu), Nghĩa vương (Lê Cảnh),Trấn vương (Lê Tranh),Triệu vương (Lê Thoan), Kinh vương (Lê Kiện).
– 20 Công chúa vua Lê Thánh Tông : Công chúa Gia Thục (trưởng nữ), Ý Đức, Thụy Hoa, Chiêu Huy, Thiên Vương, Quỳnh Phương, Bảo Thanh, Dương Xuân, Mãn Đường, Thao Chi, Nhụy Vân, Cẩm Vinh, Giáng Hương, Cảnh Bình, Đoan Hòa, Kính Thuận, Diễm Văn, Trang công chú, và hai công chúa mất sớm.
– Căn cứ bản phả Lê tộc sinh hạ, chép năm Thuận Thiên thứ hai, 1429 do anh em nhà Đức Vua Lê Lợi với sự hiện diện của người anh thứ hai của Lê Lợi là Lê Trừ (anh cả Lê Lợi là Lê Học mất sớm) cùng các con cháu trong gia đình. Hiện nay, bản Lê tộc sinh hạ còn lưu tại họ Lê xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và được dịch quốc ngữ năm 1969.
– Căn cứ Lê triều ngọc phả (Hoàng Lê ngọc phả) là bản ngọc bản phả do sử quan Nhà Hậu Lê trung hưng gồm Nguyễn Hài, Trọng Viêm, Nguyễn Doãn phụng chép năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780).
– Căn cứ Lê tộc nguyên phả của họ Lê làng Trinh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ông Lê Quang Cát và anh Lê Quang Mùi là hậu duệ hoàng tử út con vua Lê Thánh Tông là Kính vương Kiện tức Lê Kiện đang lưu giữ. Lê tộc nguyên phả được viết trên giấy dó, khổ sách là 16 cm x 29 cm, dày 57 trang. Bìa phả ghi bốn chữ lớn Lê tộc nguyên phả, bên cạnh lại ghi “Long tập Đinh Dậu hạ quí vọng tiền” (trước rằm tháng 6 mùa hạ năm Đinh Dậu) và “Trinh Nga tông tử Quang Mai phụng biên” (con của dòng họ ở Trinh Nga là Quang Mai kính ghi). Cuốn phả được sao chép lại ngày 15 tháng 6 năm Thành Thái (1897).
Trên cơ sở căn cứ các bản phả, ngọc phả trên, chúng tôi xác định được 14 hoàng tử là con vua Lê Thánh Tông với các bà vợ của vua Lê Thánh Tông (Chính sử không chép về những điều này!)
1- Nguyễn Hoàng hậu húy Huyên (Hằng), vợ Thánh Tông, mẹ Hiến Tông. Người trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn, là con gái ông Nguyễn Đức Trung được tặng hàm Thái úy Trình Quốc công. Tháng 7 năm Quang Thuận thứ nhất (1460), bà được tuyển vào cung, phong Sùng Nghi ở cung Vĩnh Ninh. Bà được vua yêu quý nhất trong các cung nhân khác. Nhà vua chưa sinh thái tử, bà Quang Thục Hoàng thái hậu sai ông Nguyễn Đức Trung cầu đảo ở am Từ Công núi Phật Tích. Bà bèn chiêm bao, đến trước thượng đế ban xin cho có con nối ngôi. Thượng Đế phán:” cho Thiên Lộc xuống làm con họ Nguyễn”, rồi bế đến đưa cho, lúc ấy bà tỉnh dậy. Không bao lâu bà có thai. Khi ông Đức Trung mới làm lễ cầu đảo ở Am Từ công thì có hòn đá rơi vào trước mặt. Ông lấy làm lạ sai thợ tạc làm một pho tượng rồi bỏ hòn đá vào trong tượng, làm riêng một cái am để thờ, dấu kín việc ấy. Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà nằm thấy rồng vàng trên trời hiện xuống bay vào nơi bà nằm. Trong chốc lát, bà sinh Hoàng tử (tức vua Hiến Tông). Ba năm sau, con bà được lập làm hoàng thái tử. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470) được phong là quý phi. Bà được hưởng ơn vua nhiều hơn. Nhà vua đã mấy lần muốn lập làm hoàng hậu, nhưng thấy dòng họ nhà bà có thế mạnh sợ các tần thiếp không ai dám gần vua, nên lại thôi. Năm thứ hai mươi tám (1497), vua Thánh Tông mất, vua Hiến Tông lên nối ngôi tôn bà làm hoàng thái hậu, để ở điện Trường Lạc, phụng dưỡng rất chu đáo. Năm Cảnh Thống thứ ba (1500) trùng tu chùa Thiên Phúc, ban hiệu cho Am Từ công là Am Hiền Thụy, dựng bia, sai Nguyễn Bảo soạn văn ghi lại việc ấy theo lời di chúc của ông Nguyễn Đức Trung. Năm thứ bảy (1504), vua Hiến Tông mất, vua Túc Tông lên thay, tôn hiệu thái hậu, làm Thái hoàng hậu. Vua Túc Tông mất không có con nối ngôi, đình thần Nguyễn Như Vi và Kính phi họ Nguyễn muốn lập vua Uy Mục. Thái hậu cho là con của tì thiếp không thể nối ngôi đại thống. Nhân đó bà đòi lập Côi Vương. Như Vi vờ theo lệnh của thái hậu ra đón Côi Vương. Thái hậu đem lòng tin. Khi đi rồi Như Vi vào đóng cửa thành lại, gọi các công khanh đã vào, theo di chúc của vua Túc Tông, ra lập Uy Mục làm vua. Thái hậu dừng lại, quay trở về cung tỏ ý không bằng lòng. Ngày 22 tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505), vua Uy Mục sai người nương hầu ngẩm giết chết thái hậu. Sau bà được dâng tên thụy Huy Gia Tĩnh Mục Ôn cung nhu thuận, Thái hoàng thái hậu. Lập điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên, thuộc huyện Quảng Đức để phụng thờ tổ tiên của bà. Bà mất ngày 22 tháng 3, táng ở trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn.
- Phùng Diễm Qúy Hoàng hậu huý Ngọc Trầm, vợ Thánh Tông, mẹ Kiến Vương Tân, người xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên. Ông nội tên là Phùng Nhậm, cha là Phùng Văn Đạt làm chức Giám nghị đại phu thuộc Tả ti môn hạ sảnh, trị Tây đạo quần dân bạ tịch. Mẹ họ Trần người xã Bắt Quả, huyện La Giung, là con gái quan chỉ huy Trần Công Diễn, vốn là Tông thất nhà Trần. Hoàng hậu sinh ngày Bính Tí, tháng 7 năm Thái Hoà Giáp Tí (1444), ở lộ Hóa Châu, trong lúc cha là Văn Đạt làm quan ở đó. Lúc 17 tuổi bà được tuyển vào làm cung tấn, hầu vua Thánh Tông ở tiềm đế. Năm Quang Thuận thứ hai (1461), tháng 7 ngày Mậu Dần phong làm Tu viên. Năm thứ bảy (1467) sinh ra Kiến Vương. Tháng 7 ngày Tân Mùi phong làm Sùng viên. Tháng 10 năm Hồng Đức thứ hai mươi (1489) bà có bệnh, vua cho ra phủ Kiến Vương tĩnh dưỡng. Tháng 12 ngày Bính Tuất, bà mất thọ 71 tuổi “. Về sau con Kiến Vương là vua Tương Dực lên ngôi. Năm Hồng Thuận thứ nhất (1509) truy tôn Nhu Huy Tích Quang Thuần Thanh Khâm Thận Ôn mục Gia hoà, Lưỡng tín, Đôn thục Trinh hiến Chương phúc hoàng thái hậu.
- Phạm Thị Minh phi huý Biền, vợ Thánh Tông, mẹ thị Ngọc Oánh, Tống Vương Tung, thị Lan Khuê. Bà người Dạ Trì, huyện Thiên Thiệu, tỉnh Thanh Hoá, là cháu quan tặng hàm đô đốc Đồng Tri tên Thành, là con Khang Vũ Bá Phạm Văn Liêm . Bà dược tuyển vào cung ngày Mậu Ngọ tháng 7 năm Quang Thuận thứ hai (1461). Tháng 9 năm Đinh Mùi phong làm Tiệp dư. Ngày Nhâm Dần tháng 7 năm thứ tư (1463) sinh thị Ngọc Oánh. Ngày Nhâm Tí tháng 11 phong Úy Dung. Tháng 7 năm thứ sáu (1465) thăng Tu viên, ngày mùng một Ất Tỵ tháng 9 năm thứ bảy (1466) sinh Tống Vương Tung. Ngày Kỷ Mão tháng 7 năm Hồng Đức thứ nhất (1470) sinh Lan Khuê công chúa. Ngày Quý Sửu tháng 6 năm thứ hai (1471) thăng Chiêu viên. Ngày Bính Dần tháng 11 năm thứ tám (1477) phong Minh phi ở cung Thuỵ Đức. Năm thứ hai tám (1497) vua Thánh Tông mất. Năm Cảnh Thống thứ nhất (1498), bà là cung phi triều trước phụng thờ ở cung Thiên An. Không bao lâu bị bệnh, mất ngày Giáp Ngọ tháng 9, thọ 50 tuổi vua ban số tiển an ủi 27 vạn, sai quan dụ tế mang về an táng ở Linh Hòa thuộc Lương Giang, tỉnh Thanh Hoá.
- Nguyễn Kính phi huý Chưởng, vợ Thánh Tông, mẹ Liệu Hoa công chúa. Nuôi hoàng tử thứ tám tên Tác làm con trai bà và hoàng nữ thứ mười một tên là Nhụy Vân nương. Bà người xã Bất Căng huyện Lôi Dương. Cha bà tên Đức giữ chức đô đốc, tứ vệ Thần Vũ. Mẹ bà họ Nguyễn, người xã Đại Trung- Hoằng Hoá, là con gái quan chuyển vận sứ Nguyễn Nhân Mỹ đã quá cố. Mồ côi cha từ thưở nhỏ, được quan Thái Bảo Giảm Cung hầu Lê Hiệu nuôi. Nhân đó bà nhập tịch làng Lam Sơn, được tuyển vào cung tháng 7 năm Quang Thuận thứ nhất (1460). Ngày Mậu Tí 15 tháng 9 sinh hoàng nữ thứ ba tên thị Trà công chúa. Trà tức công chúa Thụy Hoa hiệu Minh Kính. Ngày Mậu Tuất tháng 12 năm thứ năm (1464) thăng Tiệp dư. Ngày Tân Mùi tháng 7 năm thứ bẩy (1466) thăng Sùng dụng ở Cung Xuân Trường. Ngày Mậu Ngọ tháng 11 năm Hồng Đức thứ hai (1471) được vua sai nuôi hoàng tử tên là Tác làm con. Tháng 7 năm Hồng Đức thứ ba (1472) thăng Tu dung ở điện Thọ Am. Ngày Bính Tuất tháng 6 nhuận năm thứ năm bà sinh hoàng nữ thứ 11. Ngày Đinh Tỵ tháng 10 năm thứ tám (1477) phong Kính phi. Ngày Nhâm Dần tháng 3 năm thứ mười sáu (1485) bà mất giờ Mùi thọ 41 tuổi, táng xứ đồng Phúc Lâm, quê ngoại. Vua uỷ ông Đức Nghi làm chủ trì lễ tang. Vua cho 6 vạn quan tiền. Vua rất thương tiếc. Ngày Mậu Thân vua sai quan trung sứ Hoàng Lộc dụ tế bà. Lời văn đại khái nói: “Bà từ tuổi trẻ được kén vào cung, đức hạnh dung nghi, thực không đáng thẹn, trời đã ban cho hạnh phúc xanh tươi, lại thêm vẻ sao ngời sáng. Đã hẳn nghiệp trị binh, gốc ở tề gia. Đúng lúc đang phú hoá, cớ sao cuộc thọ yểu gắn liền số mệnh, vội vàng người đã lên tiên”. Tháng 5, vua sai quan trung sứ dụ tế, đem về mai táng xứ Tam Lư, huyện Lôi Dương. Bà là người khiêm tốn dịu dàng, vui buồn không tỏ ra nét mặt. Nói năng với kẻ khác vừa nhẹ nhàng thân thiết. Mỗi khi vào hầu được vua sai khiến hết lòng kính mến. Khi vua mệt, bà hầu hạ rất ăn cần chu đáo. Sớm hôm không lúc nào trễ nải. Khắp trong nội cung không ai hơn được. Bà lại ham đọc sach, thông hiểu đại nghĩa, ăn mặc tiết kiệm, đơn bạc, không trang điểm xa hoa, đáng khen bà hiển đức.
- Nguyễn Tài nhân huý Cân, vợ Thánh Tông, mẹ Phúc Vương Tranh. Bà là người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm. Ông tổ 5 đời Nguyễn Văn Linh , làm quan ở Viên Xa. Tổ 4 đời tên là Thần, làm quan nhập nội hành khiển kiêm tri thẩm hình viên sứ. Ông nội tên là Văn Hiến chức chủ ba đều làm quan có tiếng thời Trần, cha Đinh Hy làm quan triều Lê, giữ chức Thái trung đại phu, thượng thư tự khanh Hộ bộ tả thị lang, mẹ họ Chu. Bà được tuyển vào cung hầu vua Thánh Tông. Ngày Nhâm Thìn tháng 3 năm Quang Thuận thứ tám (1467) sinh Phúc Vương Tranh. Bà mất ngày Giáp Tí tháng 7 năm Kỷ Hợi, Hồng Đức thứ mười (1479), thọ 35 tuổi, mai táng ở phía bắc Khe Tùng thuộc quê ngoại.
- Nguyễn Từ dung huý Kinh, vợ Thánh Tông, mẹ Lâm Vương Tương, Ứng Vương Chiêu. Bà người xã Bối Khê huyện Thanh Oai, là con gái quan trung thư lệnh Nguyễn Trực. Tháng 11 năm Hồng Đức thứ ba (1472) được tuyển vào cung, vua đổi tên là Cẩm Kính. Tháng tám năm thứ hai hai (1491) thăng Hoa Dung. Tháng 11 năm thứ hai ba (1492) chiếu sách phong Tiệp Dư. Tháng 3 năm thứ hai sáu (1495) phong Tu Dung và ban sắc cho lấy công chúa thứ 16 làm con nuôi bà. Bà mất ngày 9 tháng 12 năm 1502, táng ở cồn Trống làng Bối Khê bên.
- Nguyễn Quý phi huý Đam, vợ Thánh Tông, mẹ Triệu Vương Thoan, thị Lan công chuá. Bà người xã Hào Thược, huyện Kim Trà. Khi vua đi đánh Chiêm Thành dừng lại ở xã này, thấy bà đi gánh nước xem có nhan sắc vua đem lòng yêu bèn cho vào cung, được vua yêu mến. Bà mắc bệnh đậu mắt ngày 6 tháng 2 táng đồng bên ngoại, huyện Kim Trà.
- Vũ Tài nhân huý Sồm, người tỉnh Vĩnh Phú, làm cung tần hầu vua Thánh Tông, sinh Lương Vương Thuyên, nữ thị Lý Công nương, bà mất ngày 21 tháng 4, táng ở Vĩnh Phú quê ngoại.
- Đặng Thị Kim Ngàn, vợ Thánh Tông, mẹ Chiêu Nghĩa Vương. Người tỉnh Nam Định, làm cung tần hầu vua Thánh Tông, sinh Cảnh Vương và thị Ngọc Đào công nương. Bà mất ngày 19 tháng 7 năm Thái Trinh thứ nhất (1504) táng ở xứ đồng bên ngoại.
- Trịnh thị Ngọc Luyện, người tỉnh Hải Hưng làm cung tần vua Thánh Tông, sinh ra Trấn Vương Tranh, Diễn vương Thông và Kính Vương Kiện. Bà mất ngày 14 tháng 2.
- Bùi Đắc Lộc, người Hải Phòng làm cung tần vua Thánh Tông, sinh Quảng Vương Tác. Bà mất ngày 2 tháng 4.
- Tuyên Vương Hà Thị Dĩ, sinh Đường Vương Cảo.
Nhân kỵ húy 525 năm ngày Hoàng đế Lê Thánh Tông băng hà (1497-2022), một chút lòng tri ân công lao trời bể của Ngài đối với Đại Việt xưa và Việt Nam ngày nay.
Đà thành, ngày 01/03/2022 (29 tháng Giêng năm Nhâm Dần)
TS.BS. Lê Văn Nho (UV Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam)- Ban khoa học Gia phả- Kết nối dòng họ