HLVN – Sử sách ghi lại, vua Lê Lợi có 3 người vợ là Thần Phi (tên thật là Trịnh Thị Lữ, người làng Bái Đô, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay); Huệ Phi (tên thật là Phạm Thị Nghiêu) và vợ thứ 3 là bà Trần Thị Ngọc Trần (sau này đổi họ thành Phạm Thị Ngọc Trần).
Tương truyền, một lần, Lê Lợi sang sông, trời đã nhập nhoạng tối, bỗng thấy thấp thoáng nương dâu, một thục nữ giai nhân, chân quê mà quý phái, sắc sảo, hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát, đáng bậc phu nhân, hoàng hậu.
Lê Lợi hỏi ra, mới biết người con gái ấy họ Trần, húy là Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay thuộc làng Quần Đội, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân), ông liền hỏi cưới làm vợ.
Khi Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải qua nhiều gian lao, nguy hiểm.
Năm Ất Tỵ (1425) Lê Thái Tổ vây đánh thành Nghệ An, đánh đến Triều Khẩu, thuộc huyện Hưng Nguyên ngày nay, lúc nghĩa quân chuẩn bị vượt sông, trời đang nắng bỗng nổi giông tố mù mịt, sông nổi sóng ba đào, quân lính, ngựa voi không tài nào qua sông được.
Người dân địa phương cho biết, muốn vượt qua sông an toàn phải thực hiện việc tế thần Phổ Hộ, theo tập tục cũ đó là hiến tế một người con gái thì thần sẽ phù hộ cho nghĩa quân vượt qua hiểm nguy, đánh thắng kẻ thù.
Đêm ấy, nhà vua không ngủ được, cứ trằn trọc mãi. Gần sáng, thì mơ thấy vị thần đến bảo: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ tướng quân dẹp được giặc Ngô, làm nên nghiệp đế”.
Hôm sau, vua gọi các vợ đến kể lại giấc mộng, bà Phạm Thị Ngọc Trần đã tự nguyện xin làm vật tế thần. Lúc này, con trai là hoàng tử Nguyên Long mới được 3 tuổi. Sau khi giao con cho người hầu bế ẵm, nuôi nấng, Bình Định Vương đã lập đàn tế thần, dùng người vợ thứ 3 của mình là vật hiến tế.
Đó là vào ngày 24 tháng 3, trời đất đang mịt mù phong ba bão tố bỗng gió lặng, sóng yên, nghĩa quân cùng voi nhanh chóng vượt sông thẳng tiến đến vây thành Nghệ An, lần lượt giải phóng đất đai từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Tân Bình, Thuận Hóa. Sau đó, nghĩa quân tấn công ra Bắc, đánh đuổi nhà Minh ra khỏi bờ cõi vào cuối năm 1427, mở ra nền độc lập tự chủ dài lâu cho quốc gia Đại Việt.
Ngọc thể Vương phi sau khi nổi lên đã được quần thần ma chay, mai táng chu đáo.
Theo chân ông Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân – Yên Định, chúng tôi đến đền thờ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần – vợ ba của vua Lê Lợi, ở xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Cách ngôi đền nhỏ không xa là dòng sông Chu cuộn đỏ, đứng nơi bến thuyền, nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng chỉ tay về phía thượng nguồn bảo rằng, giữa lòng con sông này, có một khối hợp chất mà ông nghi nhiều khả năng, khối hợp chất đó chính là mộ của bà Phạm Thị Ngọc Trần.
Dòng sông sâu ngập con sào, nhưng chọc sào xuống vị trí đó, chỉ độ chưa đầy 1m là chạm luôn vật rắn có độ dài khoảng 4m, rộng chưa đến 2m.
Theo người dân làm nghề chài lưới trên sông Chu, dù nước sông cạn, “ngôi mộ” cũng không trồi lên mặt sông mà vẫn ở dưới nước. Tuy nhiên, đến cuối năm, nước sông Chu trong xanh, có thể nhìn rõ “ngôi mộ” sâu dưới mặt nước khoảng 1-2 gang tay.
“Không ai là không biết đến “ngôi mộ” khổng lồ nằm dưới đáy sông Chu, và khi đến đoạn sông này, đều phải chạy chậm thuyền rồi khấn. Nhiều thuyền bè qua lại lần đầu, không biết đến sự tồn tại của ngôi mộ, đã lao vào gãy chân vịt”, anh Nguyễn Văn Đức, người dân địa phương cho biết.
Theo ông Hoàng Hùng, xét về góc độ nghiên cứu sử, ông cho rằng đây là ngôi mộ thật, của một người phụ nữ có thật, là vợ vua Lê Lợi, nhưng, xét ở góc độ khảo cổ còn phải nghiên cứu. Ông mong muốn các nhà khảo cổ vào cuộc, khai quật để làm sáng tỏ câu chuyện này, vừa phát huy giá trị di tích, vừa bảo tồn được tốt hơn.
Không chỉ làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, tổng hợp thông tin, bản thân ông Hùng cũng đã thử làm khảo cổ. Ông đã nhờ người lặn xuống đáy sông Chu, đục một miếng từ khối hợp chất nghi là ngôi mộ. Sau khi nghiền ra thành bột, đổ vào bát nước và thấy nổi váng của hợp chất lên. Ông Hùng cho rằng, nếu là đá tự nhiên thì không thể có thứ váng màu vàng nổi trên mặt bát nước được.
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng lục tìm những tập tài liệu cổ, những ghi chép bằng chữ Hán, những tài liệu ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, rồi ông tổng hợp thông tin cho tôi, chắt lọc những chi tiết lịch sử đầy sức thuyết phục về nghi vấn vật thể lạ chính là ngôi mộ cổ của Hoàng thái hậu.
Vào năm Thuận Thiên, sau khi đánh đuổi hoàn toàn giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lệnh cho quân lính đưa quan tài vợ ba từ Nghệ An về táng ở Thanh Hóa, khi đến xã Thịnh Mỹ (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) thì trời tối, không kịp qua sông nên phải nghỉ lại.
Hôm sau, vị trí để quan tài bà Phạm Thị Ngọc Trần có mối đùn lên thành mộ nên để táng tại đó và dựng điện Hiến Nhân thờ phụng.
Đến năm Kỷ Tỵ, đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 10 năm 1749 vào tháng 8, Thanh Hóa xảy ra một trận lụt lớn, nước sông Lương dâng cao, xoáy lở phần mộ Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần ở Thịnh Mỹ, quan tài nổi lên theo dòng nước đến Vụng Hương, thuộc làng Hưng Phấn, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, quan tài xoay ba vòng rồi trôi về làng Thượng Vôi và nằm lại tại đây.
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cũng khẳng định đây là những chi tiết có thật, được ghi lại trong gia phả họ Nguyễn Mậu ở Thịnh Mỹ. Vì trong trận lũ ấy, mộ Nguyễn Nhữ Lãm và phu nhân cũng bị nước lũ làm lở đất, lộ phần quách.
Triều đình sai Tả sử quan Nguyễn Khâm Thận về hoàn táng linh cữu Phạm Thái hậu tại làng Thượng Vôi và lập đền thờ, gọi là Quốc Thái mẫu linh từ.
Đến năm Bảo Đại thứ 16 (1942), sông Chu đổi dòng, ngôi đền có nguy cơ bị lở xuống sông, nhân dân Thượng Vôi chuyển ngôi đền vào địa điểm ngày nay.
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cũng cho biết, trong vòng 325 năm (1425-1749), mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần đã 3 lần hoàn táng, trong đó có 266 năm mộ phần nằm lại với nhân dân làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa.
“Tuy nhiên, cho đến nay, câu chuyện về ngôi mộ Hoàng Thái hậu ở đâu thì vẫn chưa ai xác nhận được. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng tôi nhiều lần về làng Thượng Vôi, được người cao niên kể lại, vào những năm 60 thế kỷ trước, ra sông tắm có thấy một khối hồ hình chữ nhật, nhiều người khẳng định đó là mộ Hoàng Thái hậu, đoạn sông ấy nay đã thành bãi ngô”, ông Hoàng Hùng nói.
Căn cứ vào thực tế những ngôi mộ cổ thời Lê phát lộ trên đất Thọ Xuân, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cho rằng, khối hình chữ nhật nhân dân phát hiện vào những năm 60 của thế kỷ trước, có thể là lớp quách bằng vữa hợp chất của mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần.
“Để khẳng định đây là ngôi mộ hợp chất, thì cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, nếu đây là ngôi mộ hợp chất thì tôi tin chắc chắn đó là mộ của bà Phạm Thị Ngọc Trần. Bởi không chỉ sách vở ghi chép, mà truyền thuyết dân gian vẫn kể chi tiết về ngôi đền và mộ bà luôn ở cạnh nhau”, ông Hùng nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Kiều Anh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân cho biết: “Lời đồn về ngôi mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần đang nằm dưới đáy sông Chu đã có từ lâu, nhưng chỉ là truyện kể dân gian. Địa phương cũng rất mong muốn được khảo cổ để có thể xác định, tuy nhiên do vật thể nằm dưới sông nên cũng có nhiều khó khăn”.
Liệu khối hợp chất kỳ lạ ở dưới lòng sông Chu có phải ngôi mộ cổ, và có phải mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, vợ ba của vua Lê Lợi, có lẽ, còn cần phải có sự vào cuộc của các nhà khảo cổ, người có chuyên môn sâu về lĩnh vực này.
Nội dung, ảnh: NGUYỄN THÙY
Thiết kế: ĐỖ TIỆP