CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ Ý THỨC CỘNG ĐỒNG CỦA LÀNG
DÒNG HỌ VIỆT NAM
GS. Han, Do Hyun
Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương
1. Mục đích nghiên cứu
Đây là bài nghiên cứu về Làng dòng họ Việt Nam, một loại hình làng xã hiện tại vẫn đang có sự bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống. Làng dòng họ, hay còn gọi là Làng đồng tộc là một tổ chức xã hội thể hiện rõ nét những đặc trưng của văn hoá truyền thống với tư cách là một đơn vị của làng truyền thống, được hình thành với trung tâm là yếu tố thị tộc phụ hệ vốn tồn tại ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam…
So với Trung Quốc hay Hàn Quốc thì gia đình của Việt Nam có đặc trưng mang tính Đông Nam Á, vì có mang tính chất đặc trưng của chế độ lưỡng hệ(cả phụ hệ lẫn mẫu hệ) cho nên Làng dòng họ với cơ cấu tổ chức tương tự như Làng dòng họ của Hàn Quốc thì khó có thể được tìm thấy tại Việt Nam (Lương Hy Văn, 1989; 1992).
2. Các nghiên cứu về làng dòng họ
Ở Việt Nam có Làng họ có nghĩa là Làng dòng họ nhưng khó tìm được những nghiên cứu liên quan đến vấn đề này. Điều này cũng có thể lý giải rằng, không giống với các nhà thực dân chủ nghĩa Nhật ở Hàn Quốc các nhà thực dân chủ nghĩa Pháp ở Việt Nam trước đây chỉ quan tâm đến những vấn đề làng hay các quy ước của làng hơn là bản thân các làng dòng họ. Những nghiên cứu tập trung về làng dòng họ sau thời kỳ thực dân Pháp ở Việt Nam thì cũng không được tìm thấy. Trong quyển Nông thôn Việt Nam trong lịch sử do Viện Sử học phát hành cũng không đề cập đến Làng dòng họ (Viện sử học, 1977; 1978). Như đã nói ở trên, những nghiên cứu về Làng dòng họ tại Việt Nam thì hầu như không có. Ngay cả những học giả nổi tiếng như Yu Insun (1998) và Trần Từ (1984)… cũng thừa nhận như vậy. Thế nhưng Yu In-seon lại chỉ ra rằng có nhiều làng mà ở đó một hoặc hai cộng đồng gia tộc hiện nay đang có những tác động chi phối ảnh hưởng trong làng. Ở đây chúng tôi thấy cần thiết phải suy nghĩ về mối quan hệ của tổ chức dòng họ với làng Việt Nam.
Theo Yu In-seon, trong xã hội Việt Nam thì Chế độ đại gia đình đã không phát triển và đối với người Việt Nam thì khái niệm huyết tộc cũng không được phổ biến. Chính do “sự không phát triển của chế độ đại gia đình và khái niệm huyết tộc không tồn tại” nên Làng dòng họ khó được hình thành ở Việt Nam (Yu Insun, 1998: 471-472). Nhà nghiên cứu về làng Việt Nam Trần Tư cũng đã phát hiện ra điều này. Nói một cách khác, người Việt Nam thường hay nói “người làng nào” hơn là “người họ nào” (Yu Insun, 1998; Trần Từ, 1984; Bùi Quang Dũng, 2001).
Tuy nhiên, những quan điểm như vậy thì khác với quan sát của người viết bài nghiên cứu này. Ở Việt Nam không thể không quan tâm đến tầm quan trọng của huyết tộc, đặc biệt là huyết thống nội tộc. Giáo sư Lương Văn Hy ngành Nhân chủng học của ĐH Toronto là chuyên gia nghiên cứu về làng và gia đình Việt Nam đã từng cho rằng huyết thống nội tộc có tầm quan trọng rất lớn đối với người Việt Nam. Ông cho biết hiện tượng xin con nuôi để nối dõi tông đường cũng đã thường xuyên diễn ra (Lương Hy Văn, 1992: 57-61). Ông đã chỉ ra rằng Đại gia đình nội tộc ở khu vực Bắc bộ Việt Nam gắn liền với quan niệm nho giáo của 5 thế hệ cùng chung sống (Lương Hy Văn, 1989). Ha Sun(1984) cũng đã nhấn mạnh đến truyền thống gia đình phụ hệ của Việt Nam. Điều này cho thấy rằng, tuy yếu tố mang tính lưỡng hệ được phát hiện trong xã hội Việt Nam(Yu Insun, 1996, 1990) nhưng yếu tố mang tính phụ hệ, hay sự tồn tại của đại gia đình nội tộc thì không thể không được nhắc đến.
Tác giả bài nghiên cứu này đã chọn dòng họ Nguyễn Quý danh giá ở làng Đại Mỗ làm đối tượng nghiên cứu. Ngôi làng có Từ đường của dòng họ Nguyễn Quý gọi là xóm Đình, năm 2003 có khoảng 40% trong tổng số hơn 400 hộ thuộc dòng họ Nguyễn Quý. Nếu đi vào xóm Đình thì sẽ thấy Từ đường này khá là sầm uất, là nơi thờ cúng tổ tiên dòng họ Nguyễn Quý. Nguyễn Quý Đức được xem là ông tổ của dòng họ có con trai và cháu làm quan to trong triều nhà Lê ngày xưa và được Vua ban cho đất đai xung quanh ngôi làng này. Đặc điểm này có thể nói là gần giống với “làng dòng họ” của Hàn Quốc.
Chính vì vậy mà chúng ta không nên vội kết luận rằng do có sự khác biệt với làng dòng họ của Trung Quốc và Hàn Quốc nên ở Việt Nam không có làng dòng họ và quan niệm về huyết tộc. Cho nên, việc nghiên cứu về những điểm giống và khác nhau giữa làng dòng họ và quan niệm huyết tộc của Việt Nam với Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ mang lại nhiều ý nghĩa. Ở xã Mộ Trạch và Đại Mỗ đều có Từ đường thờ cúng tổ tiên và nếu nhìn vào việc các gia đình trong dòng họ vẫn hay tụ tập lại với nhau để dâng hương cúng giỗ thì lại càng không thể cho là người Việt Nam không có quan niệm về huyết tộc hay ở Việt Nam không có làng dòng họ.
Đa số các học giả của Việt Nam đều có cùng nhận định là trong sinh hoạt của người Việt Nam hiện đại thì quan hệ thân tộc có ý nghĩa rất lớn. Theo họ, ở Việt Nam mối quan hệ thân tộc vẫn còn rất quan trọng trong sinh hoạt xã hội (Mai Văn Hải et al., 1997). Trương Xuân Trường(1997), người nghiên cứu xã Mỗ Trạch chỉ ra rằng việc nghiên cứu về thân tộc và gia phả là điều cần thiết trong nghiên cứu xã hội Việt Nam. Nguyễn Tuấn Anh(2001) từng nghiên cứu về làng Quỳnh Đôi với Hương ước Quỳnh Đôi khá nổi tiếng cũng nhấn mạnh đến vai trò của thân tộc trong cộng đồng dòng họ.
3. Khái niệm về làng dòng họ và phương pháp nghiên cứu
3.1. Khái niệm về làng dòng họ
Hiện nay có rất nhiều thuật ngữ chỉ làng dòng họ. Trong giới học thuật của Hàn Quốc hiện đang sử dụng các thuật ngữ như: bộ lạc đồng tộc, thôn đồng tộc, bộ lạc thị tộc, thôn đồng tính, thôn tập tính … Gần đây do ảnh hưởng từ ngành nhân chủng học nên có rất nhiều trường hợp sử dụng từ dòng họ mang ý nghĩa của Phái (lineage) trong huyết thống để chỉ làng dòng họ.
Làng dòng họ được hiểu là: “cộng đồng dòng họ cư trú tại một làng nhất định qua nhiều thế hệ và có vai trò chi phối tổ chức và hoạt động của làng” (Kim In-cheol và cộng sự, 1998 : 33). Học giả Lee Chang-gi (1991) đã nêu một cách giản lược về đặc trưng của làng dòng họ. Ông ta đã sử dụng hai khái niệm là nội dung của ‘ý thức dòng họ’ và ‘tổ chức dòng họ’ trong nghiên cứu của mình.
Trước tiên, về nội dung của “ý thức dòng họ” thì Lee Chang-gi (1991) đã đưa ra các loại hình như: Ý thức nối dõi tông đường, ý thức thờ cúng tổ tiên, ý thức về dòng dõi, ý thức cố kết dòng họ… Điều kiện để hình thành nên ý thức dòng họ thì có: Vị thế của tổ tiên, số lượng và mật độ thành viên dòng họ, địa vị kinh tế xã hội, tài sản dòng họ… Các loại hình ý thức mà Lee Chang-gi nêu lên tạo nền tảng cho việc nghiên cứu làng dòng họ. Xét về mặt xã hội học, chúng ta có thể xem xét một nhóm thân tộc phụ hệ sống tập trung với nhau có cùng ý thức dòng họ và ý thức cố kết dòng họ. Hoặc là với các điều kiện tạo nên tổ chức dòng họ như vậy chúng ta có thể phân tích một làng cụ thể xem làng đó có đủ các điều kiện đó hay không.
3.2. Điều tra điền dã
Người viết đã ở ngôi làng được chọn làm đối tượng nghiên cứu trong khoảng 1 tháng, vào tháng 2 năm 1994, và đã tiến hành công việc tìm hiểu sự thay đổi trong hệ thống sản xuất của làng. Kể từ sau đó thì cứ mỗi một năm người viết lại đến thăm làng này một lần và vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với làng này. Trong quá trình viết bài nghiên cứu, người viết đã điều tra thực địa tại làng vào tháng 2 năm 2004.
Người viết đã chọn làng Đại Mỗ của dòng họ Nguyễn Quý thuộc huyện Từ Liêm ngoại ô Hà Nội. Cụ tổ của làng này là Nguyễn Qúy Đức (1648-1720) đã từng đỗ khoa cử và vì có nhiều công trạng cho cho đất nước khi còn làm quan nên đã được phong là
‘探花國老大王’. Việt Nam mặc dù chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng vẫn dùng tên hiệu Hoàng Đế, nên được ban tên hiệu Đại Vương là một vinh dự cao cả. Nguyễn Qúy Đức do được triều Lê phong danh hiệu Đại Vương nên ông tổ họ này đã được phong công. Ngoài ra, con trai và cháu của Nguyễn Qúy Đức cũng đã được triều Lê phong Đại Vương. Con trai Nguyễn Quý Đức là Nguyễn Quý Ân được phong là Đại Vương 黃甲國師, còn cháu Nguyễn Quý Năng thì được phong là Đại Vương 國師公位. Ba thế hệ này đã phụng sự cho triều Lê trong khoảng 100 năm. Dòng họ Nguyễn Quý xem điều này là niềm tự hào và điều
này đã góp phần tạo nên ý thức dòng họ rất cao.
Thời kỳ mà ba thế hệ này làm quan là thời kỳ hậu Lê của Việt Nam, vương triều phồn thịnh của Việt Nam. Nếu nói thời kỳ tiền Lê là thời kỳ khởi sắc thì ngược lại thời kỳ hậu Lê lại là thời kỳ của mâu thuẫn và chiến sự. Ba thế hệ Đại Vương dòng họ Nguyễn Quý của làng Đại Mỗ chính là những nhân vật đã hoạt động trong giai đoạn từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18. Đại Vương 探花國老 Nguyễn Quý Đức thì làm quan qua 3 đời Hoàng Đế của vương triều nhà Lê là Gia Tông (1671-1675), Hy Tông (1675-1705), và Dụ Tông (1705-1729).
Làng Đại Mỗ xem Đại Vương Nguyễn Quý Đức là ông tổ của mình. Hoặc cụ thể hơn là làng Đại Mỗ của dòng họ Nguyễn Quý được hình thành bắt đầu từ giữa thế kỷ 17. Làng này có Từ đường của dòng họ Nguyễn Quý và ở trong từ đường thờ tất cả 3 vị
Đại vương. Người ta gọi là nhà thờ cụ tổ Nguyễn Quý Đức. Vào ngày giỗ Tổ, người dân trong làng đều tham dự, và ngoài ra còn có đại diện các cơ quan Đảng, Uỷ Ban nhân dân xã… Trong khu Từ đường có các bia đá ghi chép công trạng của 3 vị Đại vương của dòng họ này.
4. Cơ cấu tổ chức và ý thức cộng đồng của Làng dòng họ
4.1. Ý thức nối dõi
Theo nghiên cứu của Vũ Duy Mền, dòng họ Nguyễn Đình ở làng Đại Mỗ thuộc Thiên Mỗ đã di cư đến đây từ thế kỷ 14 và là dòng họ có xuất xứ lâu đời nhất tại vùng này. Còn dòng họ Nguyễn Quý di cư vào làng Đại Mỗ từ khoảng thế kỷ 16. Tổ tiên của dòng họ Nguyễn Quý đầu tiên đặt chân đến làng này chính là Phúc Tâm Công. Nguyễn Quý Đức được xem là Cụ tổ của dòng họ nhưng trên thực tế thì thuộc đời thứ 4 của dòng họ. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Quý thì dòng họ bắt đầu từ Phúc Tâm Công đến Phúc An Công, Tạ Lê Công, rồi mới đến Nguyễn Quý Đức(1648-1720). Trên bia văn ở Từ đường của dòng họ, dựa theo 探花國老致仕太宰大王譜記 thì không có nói về Phúc Tâm Công ([大姥阮族三大王譜記]). Trong gia phả của dòng họ Nguyễn Quý thì quy định trước Nguyễn Quý Đức là 上卷, và bắt đầu từ đời Nguyễn Quý Đức trở về sau là 正卷 ([大姥社阮族譜]).
Như đã nói rõ ở trên, dòng họ mới này được hình thành bắt đầu từ thời kỳ Nguyễn Quý Đức, còn gia phả thì phải được tính ngược lên từ đời Phúc Công Tâm. Có thể nói chính con cháu đã làm nên tổ tiên (Mun Ok-pyo · Kim Kwang-ok, 2004; 54, 308). Tuy vậy, ở làng này con cháu của Nguyễn Quý Đức và con cháu của người anh là Nguyễn Quý Tính cũng đã từng có những mâu thuẫn xung quanh vấn đề gọi là ‘Tính chính thống của việc nối dõi’.
Sau Nguyễn Quý Đức, hiện con trai trưởng trong dòng họ là Nguyễn Quý Hồng(đời thứ 17, sinh năm 1960) được xem là người cháu đích tôn nối dõi trực tiếp của cụ. Nguyễn Quý Hồng hiện tại đang sống tại nhà trưởng họ nằm ở phía trước nhà thờ Nguyễn Quý Đức.
Thực tế thì Nguyễn Quý Dậu(đời thứ 16, sinh năm 1933) chính là người đang đảm nhiệm vai trò của người cháu đích tôn. Những tài liệu quan trọng của dòng họ hiện đang được lưu trữ tại nhà của ông Nguyễn Quý Dậu. Ông cũng là người trực tiếp đứng ra tiếp khách mỗi khi trong nhà có cúng giỗ ông bà, tổ tiên.
4.2. Ý thức thờ cúng tổ tiên
Việc thờ cúng tổ tiên được coi trọng trong sự hình thành và phát triển làng dòng họ. Ở Hàn Quốc thì khái niệm tổ tiên được đổi mới và được thờ cúng như là vị thần hơn là Thái tổ (Choi Kil-seong, 1986; Lee Chang-gi, 1991). Ý thức thờ cúng tổ tiên như vậy được biểu hiện thông qua việc cúng giỗ. Trong xã hội Việt Nam thì cúng giỗ cũng rất quan trọng. Những chiếc bàn thờ được đặt trong mỗi gia đình người Việt Nam đã biểu hiện khá rõ nét về truyền thống đó. Bàn thờ thường được thiết kế ở phòng khách gắn trên giữa bức tường hướng ra ngoài. Nhưng với những gia đình khá giả thì bàn thờ lại được đặt ở một phòng riêng biệt. Nếu
nhìn vào quy mô và cách trang trí bàn thờ thì có thể biết được gia thế của gia đình đó. Việt Nam được xem là vẫn còn mang ý thức thờ cúng 4 thế hệ, nhưng trên thực tế có vẻ là không giống như vậy. Ngày cúng giỗ quan trọng là các ngày như ngày kỵ, ngày tết, thanh minh, đoan ngọ … Ngoài việc cúng giỗ ra thì cũng coi trọng việc tang lễ, tảo mộ… biểu hiện ý thức thờ cúng tổ tiên. Việc coi trọng tang lễ và tảo mộ trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam được thể hiện rõ trong hương ước truyền thống (Han Do Hyun, 2003).
Ý thức này sau thời kỳ đổi mới được phát triển bằng việc sửa sang mồ mả, từ đường … Việc thờ cúng tổ tiên ở các nước Đông Á cũng được thể hiện qua việc biên soạn gia phả. Ở Việt Nam, việc biên soạn gia phả khá thịnh hành vào thế kỷ 18 và 19. Bước vào giai đoạn của nhà nước Xã hội chủ nghĩa, ở Việt Nam tuy việc này đã không được quan tâm, nhưng từ sau thời kỳ đổi mới đến nay thì các hoạt động liên quan đến việc biên soạn gia phả của dòng họ lại đang được triển khai khá rộng rãi. Các dự án biên dịch gia phả và các tài liệu có liên quan sang quốc ngữ phục vụ nghiên cứu học thuật hiện là công việc của các dòng họ Việt Nam. Các văn tự liên quan đến tổ tiên của dòng họ Nguyễn Quý làng Đại Mỗ như các tài liệu gia phả đã được biên dịch sang quốc ngữ.
4.3. Số lượng và mật độ
Theo Lee Chang-ki(1991), để tổ chức dòng họ thì số lượng thành viên của dòng họ không được quá ít hoặc phân bổ trong một khu vực quá rộng lớn. Đặc trưng của làng dòng họ là số lượng thành viên dòng họ cùng cư trú trong một làng với một quy mô vừa phải.
Dòng họ Nguyễn Quý phân bổ tập trung chủ yếu ở Thôn Đình và một số khu vực xung quanh như xã bên cạnh là Hà Đông, Chương Liễu … Trước đây xã Đại Mỗ và xã Tây Mỗ cùng là một xã cho nên việc các thành viên của dòng họ Nguyễn Quý sống tập trung nhiều ở hai xã này chính là điều kiện thuận lợi trong việc duy trì và phát triển cộng đồng dòng họ của mình trong khu vực này.
5. Kết luận
Mục đích của bài nghiên cứu này là nhằm tìm hiểu văn hoá truyền thống của Việt Nam ở làng dòng họ hay làng đồng tộc. Làng dòng họ có thể được hiểu là “cộng đồng dòng họ cư trú tại một làng nhất định qua nhiều thế hệ và có vai trò chi phối tổ chức và hoạt động của làng”. Như chúng ta đã biết, chế độ Tông pháp không bám rễ trong xã hội Việt Nam như ở Hàn Quốc hay Trung Quốc. Dù vậy những quan niệm có ảnh hưởng của tông pháp này vẫn có khuynh hướng đi vào thực tiễn cuộc sống ở các ‘làng dòng họ’ Việt Nam. Bài nghiên cứu này đã sử dụng sườn bài nghiên cứu của Lee Chang-gi(1991). Lee Chang-gi đã quy định tính chất của làng dòng họ ở 2 phương diện là ‘ý thức dòng họ’ và ‘tổ chức dòng họ’. Về nội dung của ý thức dòng họ thì bao gồm: Ý thức nối dõi tông đường, ý thức thờ cúng tổ tiên, ý thức dòng dõi, ý thức cố kết dòng họ…. Tổ chức dòng họ thì bao gồm: Vị thế
tổ tiên, số lượng và mật độ thành viên dòng họ, địa vị kinh tế xã hội của thành viên dòng họ, tài sản dòng họ ….
Cũng như nhiều học giả đã từng đề cập đến, Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng của Tông pháp cũng vừa mang đặc trưng của chế độ lưỡng hệ. Có thể nói đây là điểm giống với xã hội Chosun của thời kỳ trước khi Tông pháp phổ biến hoàn toàn. Chính vì thế mà cũng có nhiều học giả đã từng phủ nhận sự tồn tại của làng dòng họ ở Việt Nam. Tuy nhiên nếu dựa trên kết quả của bài nghiên cứu này thì có thể kết luận được rằng trong làng dòng họ của Việt Nam có nhiều dòng họ cùng sinh sống với nhau và ý thức đồng hương phát triển mạnh mẽ hơn so với làng dòng họ của Hàn Quốc, còn những đặc trưng gần giống với làng dòng
họ Hàn Quốc thì rõ ràng là đang tồn tại. Các làng dòng họ Việt Nam mà bài viết này lựa chọn nghiên cứu hiện tại đang bảo tồn những đặc trưng này rất tốt như từ đường, nhà trưởng họ, bia văn, mồ mả … hay duy trì việc giỗ tổ. Việc giỗ tổ diễn ra rất quy mô và có tổ chức.
Ruộng họ vẫn đang được bảo tồn, gia phả dòng họ không những được bảo quản rất cẩn thận mà còn tiếp tục được biên soạn mới. Làng Việt Nam đặc biệt là các làng thuộc lưu vực các con sông lớn thường có mật độ dân số dày đặc với hàng trăm hộ tập trung sinh sống trong một thôn làng. Những thôn làng như vậy tập hợp lại hình thành nên một đơn vị sinh hoạt gọi là xã. Nguyễn Quý là một trong khoảng hơn 30 dòng họ hiện đang cư trú trong một đơn vị xã. Về thôn làng thì ở Thôn Đình có rất nhiều dòng họ đang sinh sống ở đây. Nhà Nguyễn Quý được xem là một trong 4 dòng họ lớn ở Thôn Đình. Như đã nói ở trên, tuy có nhiều
dòng họ cùng sinh sống nhưng dòng họ Nguyễn Quý hiện đang đóng vai trò chi phối hơn. Điểm tương đối khác biệt so với làng dòng họ của Hàn Quốc ở đây chính là có nhiều dòng họ cùng sinh sống.
Làng dòng họ được chọn làm đối tượng nghiên cứu trong bài này chính là làng mà người viết đã từng nghiên cứu trong thời gian qua. Vì đây là làng được lựa chọn một cách ngẫu nhiên nên khó có thể cho rằng làng này đã phản ánh được những nét đặc trưng tiêu biểu cho làng dòng họ Việt Nam. Mặc dù có những hạn chế như vậy nhưng bài viết này lại mang một ý nghĩa là bài nghiên của bước đầu tìm hiểu về làng dòng họ Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. [大姥阮族譜] 漢喃硏究院 A757
2. [大姥阮族三大王譜記] 漢喃硏究院 Vhv 1337, Vhv 1338.
3. [阮貴文譜] 漢喃硏究院 A580
4. Gia PHẢ HỌ Nguyễn Quý 1992 (Tu Liem, Hanoi: Xa Dai Mo)
5. Ha, Sun. 1994. “Family System and Social Action of Vietnamese People”, Research Papers of Hanguk University of Foreign Languages. 12.(In Korean)
6. Han, Do Hyun. 2003. “Organization Principles of the Community Compact and Local Autonomy: The Case of Mo Trach Village(慕澤社)」. The Southeast Asian Review. 13(2).
7. Yu, Insun.1990. Law and Society in Seventeenth and Eighteenth Century Vietnam. Seoul: Korea University.
8. Yu, Insun, 1996. “Bilateral Relationship and Status of Women in premodern Vietnam”. Historical Review 150. (in Korean)
9. Yu, Insun, 1998. “Village Structures and their Characteristics in the Le Dynasty (1428-1788),” State and Society in Modern East Asian edited by Institute of East Asian History (Seoul National University), Seoul: Jisik sanob Publisher. (in Korean)
10. Luong, Hy Van. 1989. “Vietnamese Kinship: Structural Principles and the Socialist Transformation in Northern Vietnam”. Journal of Asian Studies. 48(4).
11. Luong, Hy Van 1992. Revolution in the Village: Tradition and Transformation in North Vietnam, 1925-1988. Honolulu: University of Hawaii Press.
12. Bùi Xuân Đính.1998. Hương ước và quản lý làng xã , H: Nxb Khoa học xã hội.
13. Diệp Đình Hoa,. 1998. “Những làng dung họ làm tên.” Tạp chí dân tộc học. số 2.
14. Mai Văn Hai and Fontenelle Jean-Philippe. 1997. “Đất thổ cư và tính chất cư trú theo quan hệ họ hang thân tộc ở nông thôn đồng bằng song Hồng)”. Tạp chí Xã hội học, số 1(57).
15. Nguyễn Tuấn Anh. 2001. “Quan hệ dòng họ với đời sống kinh tế hộ gia đình nông thôn ở một làng Bắc Trung Bộ”. Tạp chí Xã hội học, số 4 (76).
16.Trần Từ. 1984. Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, H: Nxb Khoa học xã hội.
17. Viện Sử học. 1977. Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Tập 1. H, Nxb Khoa học xã hội..
18. Viện Sử học. 1978. Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Tập 2. H, Nxb Khoa học xã hội
19. Viện Sử học. 2000. Danh nhân Nguyễn Quý Đức nhà chính trị, nhà văn hóa lớn thế kỷ XXVII-XVIII.
20. Vũ Duy Mền, Hoàng Minh Lợi. 2001. Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam với luật làng Kanto Nhật Bản (Thế kỷ XVII- XIX). H, Viện Sử học.
21. Vũ Duy Mền. 2004. “Làng Đại Mỗ” (unpublished).