LÊ QUANG GIÁP (1584 – 1669)
Ông thuộc dòng dõi các vua Lê. Tổ bốn đời là Hoàng thái tử Kinh Vương Kiện con trai thứ 14 của vua Lê Thánh Tông[1]. Dưới triều vua Lê Uy Mục vì đố kỵ ở hàng cháu chắt tôn thất, Kinh Vương Kiện cùng chú ruột và người con trai là Tịnh di cư đến vùng trang Bà Nga, huyện Hoằng Hoá, thấy đất đai nơi đây đất đai phì nhiêu, sơn thuỷ hữu tình, bèn lập gia cư, lo việc cày cấy ở đấy. Ba năm, sản nghiệp thành, ông xuất của nhà trợ giúp người nghèo túng, người tật bệnh, vì thế mà bà con lân cảnh rất mực cảm phục ân nghĩa của ông. Năm Minh Đức thứ 2(1529) ông mất, người con trai là Tịnh kế thừa sản nghiệp của cha để lại, lập gia đình, định cư tại vùng đất Bà Nga. Thấy tình hình loạn lạc họ Mạc, bèn mai danh ẩn tích, sinh ra trai trưởng là Lai, tên chữ là Phúc Thành, là cha của Lê Quang Giáp.
Lê Quang Giáp sinh năm Giáp Thân(1584), lúc mới sinh diện mạo khôi ngô kỳ tú, thân hình cao lớn. Lúc trưởng thành, văn chương quảng bác, võ nghệ tinh thông, vào niên hiệu Đức Long thứ 6(1634) ông đỗ thi Hội sau đó thi Đình được đích thân Hoàng thượng ra lời văn sách, lấy Vũ Bạt Tuỵ đỗ Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Nhân Trứ, Lê Quang Giáp cùng bốn người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân[2].
Năm Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646), triều đình sai Chánh Sứ Nguyễn Nhân Chính, Phạm Vĩnh Miên, phó sứ Trần Khái, Lê Quang Giáp và nhiều người khác cùng với sứ Trung Quốc là Đô đốc Lâm Sâm vượt biển sang Phúc Kiến cầu phong với thiên triều nhà Minh[3]. Vua Minh sai Hàn Lâm Phan Kỳ mang sắc thư cáo mệnh cùng bản đồ, ấn vàng trở về đất nước sắc phong cho Thái Thượng hoàng làm An Nam Quốc vương.
Ngày 12 tháng 8 niên hiệu Khánh Đức thứ 3(1651), ông được Triều đình thăng chức Lại bộ Thượng thư kiêm chưởng lục bộ sự, Thái phó Tuyền Quận công Nguyễn Duy Thì cùng năm phủ sáu bộ, Ngự sử đài, sáu tự, sáu khoa, đề hình mười hai đạo cùng các vệ môn cẩn tấu xin chức quan tham nghị Thừa ty sứ ở trấn Kinh Bắc vẫn chưa có ai đảm nhiệm, các thần thấy quan Thiếu khanh Văn Phúc tử Lê Quang Giáp trước đây đã được vâng sai đi sứ cầu phong thông cống, là bề tôi có công với đất nước, xét thấy Lê Quang Giáp đáng được nhận chức ấy. Được triều thần bàn bạc bảo cử triêu đình bèn phong cho ông chức tham nghị Tán trị Thừa chính sứ ty trấn Kinh Bắc, Tước văn, Phúc bá, vinh phong Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, trụ quốc.
Đảm nhiệm chức mới không lâu ông về trí sĩ tại quê nhà. Ông đã có nhiều đóng góp đối với dân làng như cứu giúp người nghèo đói, nâng đỡ kẻ tiệm tiến, đặc biệt là bỏ tiền ủng hộ dân làng sửa sang, tôn tạo lại đình, đền thờ Thành hoàng, giúp dòng tộc tôn tạo lại nhà thờ. Năm Kỷ Dậu (1669) ông mất, hưởng thọ 85 tuổi.
Ngưỡng vọng tài đức của ông, dòng tộc, nhân dân làm biểu tấu lên triều đình. Triều đình cử đình thần về làm lễ điếu giao cho dòng tộc, nhân dân thờ cúng. Ngày nay tại đình làng Trinh Nga quê hương ông, vẫn còn đặt ngai vị thờ ông làm phúc thần thờ cúng tại làng.
Một điều khẳng định Văn Phúc bá Lê Quang Giáp là một nhân vật có thực trong lịch sử, ông đã được được triều đình đình phong kiến thừa nhận là bậc phúc thần với các mỹ tự”Dực bảo Trung hưng linh phù Văn Phúc bá Lê Quang Giáp”[4]. Ba đạo sắc phong hiện còn lưu giữ tại từ đường dòng tộc cùng các tư liệu thành văn khác cũng là những bằng chứng không thể chối cãi. Mặc dù công danh của ông sử sách ghi còn khuyết thiếu nhưng tên tuổi của ông còn mãi trường tồn, được dân địa phương ghi nhớ công ơn, tôn làm một bậc thần.
[1] . Theo Hoàng Lê phả ký hiện giữ tại dòng họ và văn bia “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi” thì Lê Thánh Tông sinh được 14 Hoàng tử, trưởng là Tăng(Tức Hiến Tông) thứ là Lương Vương Thuyên, Tống Vương Tung, Đường Vương Cảo, Kiến Vương Tân, Phúc Vương Tranh, Diễn Vương Thông, Quảng Vương Tảo, Lâm Vương Tương, Trấn Vương Minh, Nghĩa Vương Cảnh, Trấn Vương Kinh, Thiệu Vương Tuấn ( bia ghi là Viên) và Kinh Vương Kiện.
[2]. Đối chiếu với sách Đại Việt sử ký Toàn thư – Bản kỷ- Quyển XVIII có ghi khoa thi năm Giáp Tuất niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634) triều đình mở khoa thi hội, sau đó thi Điện lấy Vũ Bạt Tuỵ đỗ Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Nhân Trứ cùng bốn người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Như vậy căn cứ theo gia phả ghi chép về khoa thi và học vị Tiến sĩ xuất thân Vũ Bạt Tuỵ, Đồng Tiến sĩ xuất thân Nguyễn Nhân Trứ cùng bốn người là trùng nhau. Không rõ tại sao chính sử lại không ghi tên của Lê Quang Giáp, Hoàng Lê phả ký lại ghi tên Lê Quang Giáp cùng bốn người khác đỗ khoa thi này. Lần tìm theo nguồn sử liệu, bia Tiến sĩ đề danh ở Văn Miếu Quốc Tử giám khoa thi này đã bị mất bia. Đối chiếu với sách Đăng Khoa lục khoa thi năm Giáp Tuất niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634) có 5 người đỗ trong đó không có tên Lê Quang Giáp. Đây không rõ bị sai lệch gia phả hoặc do chính sử, người viết chưa tra rõ được?
[3] . Đại Việt sử ký Toàn thư – Bản kỷ- Quyển XVIII có chép sự kiện các bề tôi là Chánh Sứ Nguyễn Nhân Chính, Phó sứ Phạm Vĩnh Miên, Trần Khái, Nguyễn Cổn cùng với thiên triều là Đô Đốc Lâm Sâm vượt biển sang Phúc Kiến cầu phong với nhà Minh. Chính sử không chép tên Lê Quang Giáp có tham gia đi sứ phương bắc lần này. Hoàng Lê phả ký có chép tên ông là Phó sứ cùng nhiều người khác. Một điều cần phải đặt ra câu hỏi là tại sao tên tuổi của ông lại không được chép ghi? Nếu phả họ cố ý ghi sai thì tại sao các sự kiện lịch sử xảy ra được gia phả ghi chép lại trùng hợp với đại Việt sử ký. Hơn nửa các tài liệu như Sắc phong, Gia phả, văn cúng lại lại minh chứng cho Lê Quang Giáp là có thực? Cần nhiều thời gian tra cứu.
[4] . Sắc Phong ban niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) hiện lưu giữ tại dòng họ.