HLVN – Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần, niên hiệu Kiến Trung thứ 6 (1230) đời vua Trần Thái Tông tại Kẻ Rỵ,tức giáp Bối Lý, sau đổi là xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247) đời vua Trần Thái Tông, mới 17 tuổi, ông thi đậu Bảng nhãn. Đây là khoa thi đầu tiên đặt lệ lấy Tam khôi.
Nhà sử gia Lê Văn Hưu
Ông trải qua các chức quan: Năm 24 tuổi, làm Hàn lâm viện Thị độc; năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long 15 (1272) đời vua Trần Thánh Tông, làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, hoàn thành bộ Đại Việt sử ký chép từ Triệu Vũ đế (208 đến 137 trước công nguyên) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), gồm 30 quyển, dâng lên,được vua khen ngợi; năm 45 tuổi, được thăng chức Thượng thư bộ Binh.
Ông là người tài đức, là thầy học của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (1241-1294). Lê Văn Hưu qua đời năm 1322, hưởng thọ 92 tuổi.
Bộ Đại Việt sử ký nay không còn nhưng may mắn đã được sử gia Ngô Sĩ Liên sử dụng khi biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư (1479). Vì vậy, có thể thấy được bóng dáng của Đại Việt sử ký qua Đại Việt sử ký toàn thư. Đặc biệt, có 30 lời bàn những sự kiện, hiện tượng,nhân vật lịch sử ghi rõ là “Lê Văn Hưu nói”. Qua 30 lời bàn đó, có thể thấy được về cơ bản quan điểm, phương pháp và sử bút của Lê Văn Hưu.
Thông qua việc đánh giá các nhân vật và sự kiện lịch sử chúng ta rút ra 3 tiêu chí cơ bản để ông đánh giá nhân vật và sự kiện lịch sử là:
Tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867), khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của Lê Văn Hưu.
Tiêu chí thứ nhất là coi lợi ích của quốc gia, dân tộc là trên hết. Chính dựa vào tiêu chí này, ông ca ngợi Ngô Quyền: “đã đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương”. Ông ca ngợi hết lời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền và phê phán những người chỉ biết cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người phương Bắc. Ông khen Đinh Bộ Lĩnh: “Có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời… mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế”. Ông khen Lê Hoàn: “Trừ nội phản, diệt ngoại xâm dễ như lừa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên”
Lợi ích quốc gia dân tộc cũng là tiêu chuẩn cao nhất để ông so sánh Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ: “Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành. Nhưng về mặt tỏ rõ uy quyền, được người dân suy tôn, có tầm nhìn xa, lo tính lâu dài cho đất nước, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ”.
Qua việc đánh giá hai nhân vật lịch sử, đồng thời cũng là hai vị Hoàng đế trên, càng khẳng định nhà sử học Lê Văn Hưu luôn đặt lợi ích Quốc gia dân tộc lên trên hết. Việc rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là minh chứng cho việc “ lo tính lâu dài cho đất nước” của Lý Thái Tổ. Tầm nhìn xa ấy không chỉ chục năm , trăm năm mà là hàng nghìn năm. Việc đặt Quốc gia dân tộc lên trên hết còn thể hiện ở chỗ không vì Lê Hoàn là người cùng dòng tộc mà ông nể nang, thiên vị trong đánh giá, khen chê. Điều này, Hội đồng họ Lê Việt Nam chúng tôi coi là bài học lớn trong hoạt động việc họ của mình.
Tiêu chí thứ 2 để đánh giá nhân vật, sự kiện của Lê Văn Hưu là lợi ích của dân, là tư tưởng thân dân của ông. Ông khẳng khái tuyên bố: “Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn dắt, không phải để cung phụng riêng cho vua”. Ông phê phán: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức. Ông cho rằng: Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần thánh làm thay, làm như thế há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư?” Ông phê phán Lý Thần Tông xuống chiếu cho con gái các quan: “Phải đợi khi tuyển vào cung không trúng mới được lấy chồng” rồi cho rằng: “ như thế là để cung phụng riêng cho vua, có phải là vì dân đâu?”. Lòng thương dân của Lê Văn Hưu bao giờ cũng kết hợp chặt chẽ với ý thức dân tộc. Ông nói: “Xem sử, đến thời nước Việt ta không có vua, thì bị bọn Thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ”, ông lạy xin trời: “ Hãy vì nước Việt ta mà sớm sinh thánh nhân, đế dân nước nhà khỏi bị người phương Bắc đô hộ”.
Lăng mộ Lê Văn Hưu
Tiêu chí thứ 3 để đánh giá nhân vật, sự kiện lịch sử của Lê Văn Hưu là lễ nghĩa đạo đức. Ông chê “các con Lê Đại Hành không đặt thụy hiệu cho bố là thất nghĩa”; chê Lê Đại Hành “không sớm đặt Thái tử để đến nỗi nhà Lê mất ngôi”; chê Lý Thái Tổ “đã xưng đế mà chỉ truy phong cha là Hiển Khánh Vương” là không trọng nghĩa; chê Lý Thái Tông “bắt các quan gọi mình là triều đình”, Lý Thánh Tông tự xưng là “Vạn Thặng”, Lý Cao Tông bảo gọi mình là “Phật” đều là không biết tôn ty xã tắc. Ba tiêu chí để đánh giá các nhân vật lịch sử được Lê Văn Hưu đặt ra cách chúng ta 700 năm cho đến nay vẫn còn tính thời, trong việc hoạch định đường lối chính sách mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt trong đánh giá đội ngũ cán bộ từ cấp chiến lược đến cơ sở.
LÊ XUÂN GIANG
Phó Chủ tịch HĐHL Thanh Hóa sưu tầm