Kính thưa các vị đại biểu!
Cùng toàn thể bà con Lê Tộc Việt Nam!
Cho phép tôi thay mặt Hội đồng họ Lê Việt Nam gửi lời chào thân ái đến anh em họ Lê Quảng Nam – Đà Nẵng và bà con họ Lê cả nước có mặt trong buổi lễ long trọng này. Chúc bà con Họ Lê Việt Nam mạnh khỏe, đoàn kết, xây dựng dòng họ, quê hương ngày càng phồn thịnh.
Minh quân Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) với cái tên từ thuở ấu thơ là Lê Tư Thành (Lê Hậu), Ngài là con của bà Ngô Thị Ngọc Dao – Con gái của một trong những vị khai quốc công thần của Triều Lê, người làng Đông Bảng, Yên Định (Thanh Hóa). Cha của Lê Tư Thành chính là Hoàng đế Lê Thái Tông, người kế vị của Vua cha Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi – Vị Anh hùng giải phóng dân tộc, người khai lập ra triều đại Nhà Lê.
Hoàng đế Lê Thánh Tông với 38 năm trị vì (từ 1460 đến 1497), Ngài là vị Hoàng đế để lại một sự nghiệp đồ sộ và một dấu ấn đậm nét nhất trong tiến trình củng cố nền tự chủ và vun đắp nền văn hiến quốc gia của Đại Việt thời Hậu Lê nói riêng của dân tộc Việt Nam nói chung.
Bác Hồ – Nhà cách mạng và cũng là vị Nguyên thủ Quốc gia của nước Việt Nam độc lập ở thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã dành những câu chữ: “VUA HIỀN CÓ LÊ THÁNH TÔNG” để tôn vinh vị Hoàng Đế trị vì gần bốn thập kỷ cuối thế kỷ XV trong diễn ca “Lịch sử nước ta”, đó là Hoàng Đế Lê Thánh Tông (1460-1497)
Hoàng đế Lê Thánh Tông cũng là người đã củng cố vững chắc những di sản của các bậc Tiên đế Triều Lê, là thành quả của cuộc kháng chiến giải phòng Đại Việt khỏi ách đô hộ của giặc Minh của người Anh hùng giải phóng dân tộc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khai mở triều Hậu Lê là Hoàng đế Lê Thái Tổ.
Thời đại của Lê Thánh Tông trở nên thịnh trị, xứng danh với ý niệm về một thời “Hồng Đức thịnh thế” còn nhờ tài cắt đặt, tổ chức và quản trị quốc gia trên nền tảng văn hóa và thực lực. Giang sơn được chia thành 13 Thừa tuyên thay vì 5 đạo của thời Thái Tổ. Dân chúng không chỉ được khuyến nông mà còn khuyến khích giao thương bằng việc mở chợ. Kỷ cương xã hội không chỉ dựa vào pháp luật mà còn kế thừa một cách có quy cũ những tập quán văn hóa truyền thống, đặc biệt là ở các làng xã với thiết chế đình làng và hương ước.
Xã tắc vững bền không chỉ nhờ vào lực lượng quân đội của triều đình tới các địa phương được tổ chức có kỷ luật và trang bị những loại vũ khí có hiệu quả, mà còn được xây dựng trên nền tảng của ý chí “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ” và biết kết hợp giữa sức mạnh quân sự và ngoại giao mới giữ được giang sơn của Tổ tiên để lại. Lê Thánh Tông cũng là vị Nguyên thủ quốc gia thân chinh chỉ huy các cuộc diễn tập, luyện quân và tự thân cầm quân ra trận răn đe đối phương ở vùng biên cương phương Bắc và thảo phạt những mối đe dọa ở phương Nam.
Lê Thánh Tông chính là người có tầm nhìn xa vươn thấu phương Nam và hướng ra Biển Đông, tạo dựng tiền đề cho công cuộc mở mang không gian lãnh thổ của Đại Việt của những thế kỷ sau thời Lê Trung Hưng. Tầm nhìn “Quảng Nam” (Mở rộng về phương Nam) mà Lê thánh Tông đã thu vào tầm mắt của mình khi đứng trên đỉnh Hải Vân đã mở ra một thời kỳ lãnh thổ Đại Việt trở nên hoàn chỉnh về phương Nam và kéo dài hơn ba thế kỷ yên ổn với phương Bắc. Hòn đá Bia ở vùng Nam Trung bộ hiện nay dù còn những ý kiến khác nhau về điểm cực Nam của cuộc chinh phục mà Lê Thánh Tông đã tự thân thực hiện đã trở thành biểu tượng sức mạnh mở mang lãnh thổ Đại Việt thời Hồng Đức.
Đạo Quảng Nam do Vua lập ra cho đến cuối triều Lê và đầu triều Nguyễn mang tên trấn Quảng Nam. Vào đời Minh Mạng, năm thứ 13, chia trấn Quảng Nam thành bốn tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Từ năm 1471 đến nay vừa tròn 548 năm. Hôm nay bà con họ Lê Quảng Nam – Đà Nẵng họp mặt nhân kỷ niệm ngày chiến thắng. Với lòng vui mừng khôn siết, cho tôi thay Hội đồng họ Lê chia vui cùng cả nước, cả họ. Xin chào tạm biệt bà con họ Lê, bà con trăm họ Quảng Nam – Đà Nẵng và cả nước.
Anh hùng Lao động Lê văn Tam
Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam