Tìm về cội nguồn

   Các vị Hoàng Đế Họ Lê 

HLVN- Triều Tiền Lê

 

1/ Hoàng đế Lê Đại Hành (987 – 1005): Vua húy Lê Hoàn, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu 941 tại trang kẻ Xốp, Châu Ái, nay là làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Vua làm quan Thập Đạo tướng quân nhà Đinh. Khi vua nhà Đinh còn trẻ tuổi, vả lại có quân nhà Tống sang xâm lược, nên tháng 7 năm Đinh Mùi 987, quân sỹ tôn Lê Hoàn lên làm vua tức là Đại Hành Hoàng đế, đổi 3 lần niên hiệu là: Thiên Phúc (980 – 988), Hưng Thống (989 – 993) và Ứng Thiên (994 – 1005).

Lê Đại Hành là một tài năng quân sự kiệt xuất. Chỉ trong vòng 3 tháng vua đã chỉ huy Thập đạo quân anh dũng đập tan cuộc xâm lược đại quy mô của triều đình nhà Tống, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ, phải từ bỏ ý đồ xâm lược nước ta.

Phia Bắc được yên ổn, phía Nam lại bị Chiêm Thành dòm ngó bằng việc bắt giữ 2 sứ giả của Đại Cổ Việt. Hoàng đế Lê Đại Hành lại thân chinh cầm quân đánh dẹp quân Chiêm Thành.

Sự nghiệp của Lê Hoàn không chỉ chói lọi ở mặt giữ nước, “đánh Tống bình Chiêm”, mà còn cả ở mặt dựng nước. Vua chú trọng phát triển nông nghiệp, chính vua là người đầu tiên trong lịch sử tổ chức lễ cày Tịch điền.

Về mặt ngoại giao, Lê Hoàn cũng là nhà ngoại giao chiến lược. Vua kiên định nền ngoại giao độc lập tự chủ của đất nước, đề cao quốc thể. Sự nghiệp của Lê Hoàn đã đưa Đại Việt ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giữ nước gắn liền với dựng nước thành công.

Ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ 1005, vua băng ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, táng ở Sơn Lăng, châu Yên Trường, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi, Miếu hiệu là Lê Đại Hành Hoàng đế.Vua sinh được 4 Hoàng tử.

2/ Lê Trung Tông Hoàng đế – Lê Long Việt (1005): Khi vua Lê Đại Hành băng hà, các hoàng tử tranh ngôi đánh nhau trong 7 tháng. Đến khi Long Việt mới lên ngôi được 3 ngày thì bị em là Lê Long Đĩnh sai người vào cung giết hại, thọ 23 tuổi, Miếu hiệu là Trung Tông.

3/ Lê Cảnh Thụy Hoàng đế – Lê Long Đĩnh (1005 – 1009): Lê Long Đĩnh cướp ngôi của anh, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Cảnh Thụy (1005 – 1009), làm vua được 4 năm thì mất, thọ 24 tuổi. Vua mất, con còn bé, dưới sự đạo diễn của quan Chi Hậu Đào Cam Mộc, triều thần đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

                                                                      

Triều Hậu Lê

 

Thời Lê Sơ: 1/ Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế: Đế họ Lê, huý Lợi, là người thôn Như Áng, huyện Lương Sơn, phủ Thanh Hoá, nay là thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

“Đế sinh giờ Tý ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu 1385, thể chất anh vĩ, miệng rộng, trán cao, thân dài 6 thước, vai tả có 7 nốt ruồi, đi như rồng, bước như hổ, hào quang toả khắp người, tiếng vang như chuông, dáng ngồi như hổ chầu, bậc tri giả biết đó là tướng cực quý”.(theo Lê triều Ngọc phả tạp ký)

Năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, gọi tên nước là Đại Ngu. Năm 1408 nhà Minh xâm lược nước Đại Ngu, bắt cha con Hồ Quý Ly mang về phương Bắc. Đế gặp thời nhiễu loạn, ẩn náu nơi núi rừng nhưng vẫn lưu tâm đọc sách thao lược, hậu đãi bậc trí sỹ, chiêu nạp các dân lưu tán.

Năm 31 tuổi 1416, Đế tự xưng là Bình Định vương, tổ chức Hội thề Lũng Nhai, cùng 18 tướng lĩnh thân cận cắt máu ăn thề, quyết tiêu diệt giặc Minh, giành lại giang sơn đất nước.

Năm Mậu Tuất 1418, Đế 34 tuổi, phất cờ khởi nghĩa, 10 năm nằm gai nếm mật, đánh nhau với địch hơn 70 trận, dẹp được giặc Ngô, mang lại độc lập cho dân tộc.

Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân 1428 Đế lên ngôi Hoàng đế tại điện Kính Thiên, hoàng thành Thăng Long, lấy tên nước là Đại Việt, niên hiệu là Thuận Thiên, ban Bình Ngô đại cáo.Từ đó gọi ngày sinh nhật Đế là “Vạn thiên thánh tiết”, các bản chiếu lệnh đều bắt đầu là “Thuận thiên thừa vận”, “Duệ anh văn và anh võ đại vương, hiệu là Lam Sơn động chủ”.

Ngày 22 tháng 8 nhuận năm Quý Sửu 1433, giờ Mùi Đế bang hà tại điện Chính tẩm Đông Kinh, ở ngôi 6 năm, thọ 49 tuổi. Miếu hiệu là Thái tổ, mộ táng ở Lam Kinh, Thanh Hoá nay là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thuộc thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hoá.

2/ Thái Tông Văn Hoàng đế: Vua huý là Nguyên Long, con trai thứ 2 của Đức Thái tổ, mẹ là Cung từ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần là người sách Quần Đội, huyện Lôi Dương.

Vua sinh ngày 22 tháng 11 năm Quý Mão 1423.

Xưa Hậu theo Thái tổ vào Nghệ An, đến Hò Khẩu, huyện Nguyên Hưng, Đức Thái tổ mơ thấy thần nhân bảo rằng muốn xin Đế một người thiếp thì sẽ phù hộ việc lấy thiên hạ cho. Đế hỏi các cung thần rằng có ai tình nguyện làm thiếp của vị thần , không một ai bằng lòng, chỉ có một mình Hậu là tình nguyện và nhắn lại với Đế rằng sau khi thiếp mất phải quan tâm đến con Thiếp là Nguyên Long.

Sau khi có thiên hạ, Đế nhớ lời dặn, tháng 3 năm 1428 sắc phong Nguyên Long là Lương Quận công, tháng Giêng năm Nhâm Tý 1432 lập làm Hoàng Thái tử, giờ Dần ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu 1433 lập ngôi, bấy giờ vua mới 10 tuổi, xưng là Quế Lâm động chủ, đổi niên hiệu 2 lần, là Triệu Bình 7 năm bắt đầu từ 1434, Đại Bảo 3 năm bắt đầu từ năm Canh Thân 1440.

Năm Nhâm Tuất 1442 Vua đi tuần phía Đông duyệt văn võ ở thành Chí Linh, ngày 3 tháng 8 vua trở về đến vườn Lệ Chi (trại vải) huyện Gia Định thì bị bệnh ác mất đột ngột. Bấy giờ có người thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ được vua vời đến hầu hạ qua đêm, khi vua mất đều cho là Thị Lộ giết Vua.

Vua ở ngôi 11 năm, thọ 29 tuổi, chôn cất bên tả lăng Lam Sơn, gọi là Hựu Lăng, Miếu hiệu là Thái Tông.

Vua sinh được 4 trai, trưởng là Nghi Dân, thứ 2 là Khắc Xương, thứ 3 là Băng Cơ (tức vua Nhân Tông), thứ 4 là Tư Thành (tức vua Thánh Tông).

3/ Nhân Tông Tuyên Hoàng đế: Vua huý là Bang Cơ, con trai thứ 3 của vua Thái Tông, mẹ là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá, nay là phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Vua sinh giờ Tỵ, ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu 1441, ngày 6 tháng 6 năm Nhâm Tuất 1441 lập Thái tử, ngày 12 tháng 8 năm 1443 lên ngôi vua, bấy giờ Vua mới 2 tuổi, đổi niên hiệu 2 lần, Thái Hoà 1 năm khởi từ năm Quý Hợi 1443, Diên Ninh 6 năm khởi từ năm Giáp Tuất 1454.

Thái hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm nhiếp chính.

Tháng 6 năm Kỷ Mão 1459, Lạng Sơn vương Nghi Dân tổ chức nổi loạn, trèo vào thành giết Vua.

Vua ở ngôi 18 năm, thọ 19 tuổi, không có con nối giõi. Thi hài Vua táng ở Mục Lăng, Miếu hiệu là Nhân Tông.

4/Thánh Tông Thuần Hoàng đế: Vua huý là Tư Thành, con trai thứ tư của Thái Tông, là em của Nhân Tông, mẹ là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao người xã Động Bàng, huyện Yên Định, Thanh Hoá.

Vua sinh giờ Sửu ngày 21 tháng 7 năm 1442. Vua sinh ra tư chất rạng rỡ, thần sắc anh dị, sớm khuya tay không rời quyển sách, năm 1445 được phong làm Bình  Nguyên vương. Nghi Dân cướp ngôi phong Vua làm Giá vương, làm nhà trong nội điện cho ở.

Tháng 6 năm Canh Thìn 1460, vua 19 tuổi, các vị đại thần phế Nghi Dân, rồi đón vương lên làm vua. Ngày 18 tháng 6 năm Canh Thìn Vua lên ngôi ở điện Tường Quang, tự xưng là Nam Thiên động chủ, đổi niên hiệu 2 lần: Quang Thuận 11 năm bắt đầu từ năm Canh Thìn 1460, Hồng Đức 28 năm bắt đầu từ năm Canh Dần 1470 đến năm 1497.

Lê Thánh Tông là vị vua canh tân mọi mặt xã hội một cách căn bản và đặt nền tảng cai trị đất nước bằng luật pháp. Lê Thánh Tông cho ban hành và thực thi Bộ Luật Hồng Đức, được coi là đỉnh cao của nền pháp quyền Vệt Nam dưới thời phong kiến. Ông đã nói với các đại thần: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”.

Thời Lê Thánh Tông trị vì, xã hội phát triển mọi mặt, đất nước đạt tới đỉnh cao cường thịnh, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc với những giá trị văn hóa vô cùng to lớn tiêu biểu như các tác phẩm: Hồng Đức bản đồ, Lê triều hình luật, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập… Ông là người cho khởi dựng Bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám, là người đầu tiên cho đặt Trường thi võ ở phía tây Kinh thành (Giảng Võ ngày nay) và lập Hội Tao đàn do ông làm Tao đàn Nguyên súy, vừa sáng tác văn chương vừa nghiên cứu phê bình.. Một việc có ý nghĩa lịch sử mà ông đã làm năm 1464, là rửa oan cho Nguyễn Trãi.

Có thể nói, bằng tài năng văn hóa kiệt xuất của mình, Lê Thánh Tông đã có công lao tạo lập cho thời đại ông một nền văn hóa với diện mạo riêng, khẳng định bước phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc.

Ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ 1497 vua băng, thọ 56 tuổi, táng ở Vĩnh Lăng, Lam Sơn, gọi là Chiêu Lăng, Miếu hiệu là Thánh Tông.

Vua sinh được 14 con trai và 20 con gái.

5/ Hiến Tông Duệ Hoàng đế: Vua huý là Tranh, con trưởng của vua Thánh Tông, mẹ là Huy giá Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyên là người hương Gia Miêu, Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hoá.

Năm Tân Tỵ 1461, ngày 10 tháng 8 vua sinh, ngày 4 tháng 12 năm Quang Thuận thứ 3 lập Hoàng Thái tử. Năm Đinh Tỵ 1497, ngày 1 tháng 2 giờ Ngọ vua lên ngôi, tự xưng là Thượng Dương động chủ, đổi niên hiệu 1 lần là Cảnh Thống tất cả là 7 năm bắt đầu từ năm Mậu Ngọ 1498.

Đến ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tý 1504 vua băng, ở ngôi 8 năm, thọ 44 tuổi, táng tại Dụ Lăng, Lam Sơn, Miếu hiệu là Hiến Tông.

Vua sinh được 5 con trai, 10 con gái.

6/ Túc Tông Khâm Hoàng đế : Vua huý là Thuần, là con thứ 3 của vua Hiến Tông, mẹ là Trang thuận hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hoàn là người xã Bình Lăng, huyện Thiện Thi.

Vua sinh ngày 12 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 19 – 1488. Tháng 3 năm Cảnh Thống thứ 2 – 1499 lập làm Hoàng Thái tử. Ngày 12 tháng 6 năm Giáp Tý 1504 vua lên ngôi ở điện Hoàng Cực, đổi niên hiệu 1 lần là Thái Trinh được 1 năm bắt đầu từ năm Giáp Tý. Vua băng ngày 18 tháng 12 năm đó, ở ngôi được 7 tháng, thọ 17 tuổi, táng ở gò Chiêu Nghi, Lam Sơn, xứ Cánh Diều, Miếu hiệu là Túc Tông.

7/ Uy Mục Đế: Vua Huý là Tuấn, là con thứ 2 của vua Hiến Tông, là anh thứ 2 của vua Túc Tông, mẹ là Chiêu Nhân Hoằng uý Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Cận người xã Phù Chuẩn, huyện Đông Ngàn.

Vua sinh vào giờ Tý, ngày 6 tháng 5 năm Hồng Đức thứ 19 Mậu Thân 1488.

Ngày 18 tháng 12 năm Giáp Tý 1504, giờ Tỵ, vua lên ngôi tự xưng là Quỳnh Đô động chủ, năm sau đổi niên hiệu 1 lần (6 năm) bắt đầu tưc năm Ất Sửu 1505.

Năm Kỷ Tỵ 1509 vua bị bắt phải uống thuốc độc tự tử vì thường cùng với cung nhân uống rượu vô độ. Vua ở ngôi được 6 năm, thọ 22 tuổi, táng tại An Lăng, xã Phù Chuẩn. Giản Tú công lên ngôi, giáng vua xuống làm Mẫn Lệ công, Năm Quang Thuận thứ 2 truy tôn vua là UY Mục đế.

8/ Tương Dực đế: Vua huý là Oanh, là cháu nội của vua Thánh Tông, con út của Kiến Vương Tân (Kiến Vương Tân là con trai thứ 5 của vua Thánh Tông).

Vua sinh ngày 25 tháng 6 năm 1495, được Hiến Tông phong là Giản Tu công, sau Uy Mục đế bị giết, vua lên ngôi vào giờ Thân ngày 3 tháng 12 năm Kỷ Tỵ 1509, tự xưng là Nhân Hải động chủ, đổi niên hiệu 1 lần là Hồng Thuận được 8 năm, bắt đầu từ năm Kỷ Tỵ.

Ngày 6 tháng 4 năm Bính Ngọ 1516, nguyên Quận công Trịnh Duy Sản nửa đêm đem 3.000 quân vào cửa Bắc Thần. Vua nghe tin có loạn chạy ra ngoài cửa Bảo Khánh. Ngày hôm sau vua đi tắt tới ao Chu Tước thì bị Sản sai người đâm chết.

Vua ở ngôi 8 năm, thọ 24 tuổi, táng ở Nguyên Lăng, xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay có lập điện Quang Hiếu phụng thờ), giáng xuống làm Bình Ẩn vương, năm Quang Thuận thứ 2 (1517) truy tôn là Tương Dực đế.

9/ Chiêu Tông Thần Hoàng đế: Vua húy là Y, là con trưởng của Cẩm Giang Vương Sùng, mẹ là Đoan Mục Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Loan người xã Vĩnh Trung, huyện Thanh Trì (sử chép xã Phi Đạo, Thanh Chương, Nghệ An)

Vua sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần 1506. Bọn Sản giết vua Tương Dực bèn đón lập vua lên ngôi. Giờ Thìn ngày 20 tháng 5 năm Bính Tý 1516 vua lên ngôi, bấy giờ mới 11 tuổi, đổi niên hiệu một lần là Quang Thiệu được 8 năm bắt đầu từ năm Bính Tý.

Năm Tân Tỵ 1521 vua phong Mạc Đăng Dung là Nhân Quốc công, tiết chế 13 dục thủy bộ chư doanh đánh giặc. Đăng Dung uy quyền ngày càng cao.

Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Ngọ 1522, trước uy quyền của Đăng Dung, vào lúc nửa đêm vua phải rời cung ra đi, tháng 8 Đăng Dung lập người em là Xuân lên ngôi. Đó là vua Thống Nguyên đế.

Ngày 8 tháng 11 năm Bính Tuất 1526, Mạc Đăng Dung sai người giết vua. Vua ở ngôi được 11 năm, thọ 21 tuổi, chôn ở Nguyên Xá, Lam Sơn, gần An Lạc. Vua có 1 con trai là Ninh tức là vua Trang Tông.

10/ Cung Hoàng đế: Vua húy là Xuân, là em cùng mẹ với Chiêu Tông, sinh ngày 22 tháng 7 năm Đinh Mão. Ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Ngọ 1522 vua lên ngôi, đổi niên hiệu là Thống Nguyên, bắt đầu từ năm Nhâm Ngọ.

Năm Đinh Hợi 1527 vua phong Đăng Dung là An Hưng vương. Ngày 17 tháng 6 năm 1527 Đăng Dung bức vua nhường ngôi, giáng vua làm Cung vương. Ngày rằm tháng 6 nhuận năm đó bắt vua phải tự tử. Thái hậu cũng bị hảm hại

Vua ở ngôi 5 năm, thọ 21 tuổi, táng ở lăng Phi Dương, xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên, sau truy phong tôn Thụy là Cung Hoàng đế.

II – THỜI LÊ TRUNG HƯNG 

 

11/ Trang Tông Dụ Hoàng đế: Vua húy là Ninh, là con của Chiêu Tông, mẹ là Gia Khánh Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Quỳnh người sách Cao Trĩ, huyện Thụy Nguyên.

Vua sinh giờ Tỵ, ngày 15 tháng 10 năm Tân Sửu 1521. Bấy giờ Mạc Đăng Dung cướp ngôi, mẹ lánh nạn vào sách Trung Lập, huyện Nông Cống sống với nhà Lê Lan.

Khi nhà Mạc mới cướp ngôi, An Thanh hầu Nguyễn Kim chỉ huy đệ tử chạy sang Ai Lao, được Quốc vương Ai Lao cấp cho người ngựa ở Sầm Châu. Kim nuôi dưỡng sỹ tốt, chiêu tập những người lưu vong, cầu gặp người con cháu nhà Lê để lập ngôi, rồi tìm được Lê Ninh, bèn đón sang Ai Lao.

Năm Nhâm Thìn 1532, ngày 18 tháng 2, tôn Lê Ninh lên làm vua, đổi niên hiệu 1 lần là Nguyên Hòa, bắt đầu từ năm Nhâm Thìn.

Năm sau tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim làm Thượng Phụ Thái sư, Hưng Quốc công, Trưởng nội ngoại, kết giao với vua Ai Lao nhờ họ giúp để mưu đồ lấy lại nước.

Ngày 27 tháng 2 năm 1533, đón vua về Cố đô. Ngày 17 tháng 10 về đến Lam Sơn, lập doanh trại ở phường Dao Xá, phụng sự tôn điện, dựng nhà Thái miếu ở xứ Du Tiên, ban sắc cho dân vẫn theo lệ cũ.

Tháng 5 năm Ất Tỵ 1545 Mạc giả hàng, mời Nguyễn Kim đến dinh, ngầm bỏ thuốc độc vào thức ăn, Nguyễn Kim về đến nhà thì chết. Vua phong Trịnh Kiểm con rể Nguyễn Kim làm Lục Quận công.

Năm Bính Tý 1546 vua lập hành cung tại Sách Vạn Lại, Lục Quận Công Trịnh Kiểm báo tin thắng trận, Ái Châu (Thanh Hóa) đã được dẹp yên.

Ngày 29 tháng Giêng Mậu Thân vua băng, ở ngôi 6 năm, thọ 34 tuổi, táng ở Cảnh Bằng, sách Trung Lập, Lam Sơn, Miếu hiệu là Trang Tông, sinh con là Lê Giản tức vua Trung Tông.

12/ Trung Tông Vũ Hoàng đế: Vua húy là Giản, là con trưởng của vua Trang Tông, mẹ là con trưởng của vua Trang Tông người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương.

Vua sinh giờ Hợi, ngày 6 tháng 12 năm Mậu Tuất, lên ngôi ngày 13 tháng 2 năm Mậu Thân ở sách Vạn Lại, năm sau đổi niên hiệu một lần là Thuận Bình được 8 năm bắt đầu từ năm Kỷ Dậu 1549.

Năm Tân Hợi 1551, Lạng Quốc công Trịnh Kiểm tiến quân vây bắt kinh sư. Phúc Nguyên bỏ thành chạy, để Mạc Kinh Điển cố thủ.

Năm Quý Sửu 1553 vua rời Hành cung về An Trường.

Năm Bính Thìn 1556, ngày 24 tháng Giêng vua băng, không có con, ở ngôi 9 năm, thọ 23 tuổi, táng ở Dụ Lăng, Dao Xá, Lam Sơn.

Lạng Quốc công Trịnh Kiểm tìm được người chít của người anh Lê Lợi là Lê Trừ tên là Duy Bang ở hương Bố Vệ, rồi lập lên làm vua.

13/ Anh Tông Tuấn Hoàng đế (Thế tổ Thái vương Trịnh Kiểm tôn lập)

Vua húy là Duy Bang. Xưa, người anh thứ hai của Vua Lê Thái tổ tên là Lê Trừ, Lê Trừ sinh ra Lê Khang, Lê Khang sinh Lê Thọ, Lê Thọ sinh ra Lê Thiệu, Lê Thiệu sinh ra Lê Quang, Lê Quang sinh ra Mai Lĩnh Hầu tức vua (húy là Duy Bang).

Năm 31 tuổi, vua tới địa đầu Thượng thống, rồi quay mái chèo tới bến Thịnh Mỹ, gặp mưa gió. Người xã Thịnh Mỹ là Nguyên Thượng mơ thấy thiên tử đến nhà, ngày hôm sau quả nhiên gặp vua, bèn nhân đó nói với Lạng Quốc công Trịnh Kiểm. Vua Trung Tông không có con, Kiểm bèn dond vua về hành tại điện Phúc Bồi. Ngày 12 tháng 11 năm Bính Thìn 1556 tôn lập làm vua, đổi niên hiệu 3 lần là: Thiên Hựu (2 năm) bắt đầu từ Đinh Tỵ 1557, Chính Trị (14 năm) bắt đầu từ Mậu Ngọ 1558, Hồng Phúc (1 năm) bắt đầu từ Nhâm Thân 1572.

Năm Mậu Thìn 1568 Thượng tướng Thái sư Trịnh Kiểm mất, truy tôn là Thế tổ Minh Khang Thái vương. Trịnh Tùng là con thứ của Thái vương được phong là Tả tướng Quốc đem quân vào sách Vạn Lại đóng giữ.

Năm Hồng Phúc nguyên niên 1572, Cảnh Hấp nói với vua rằng:

– Tả Tướng quốc Trịnh Tùng quyền thế to lắm, bệ hạ khó lòng mà chung đường được.

Vua liền đang đêm chạy vào Nghệ An, đem theo bốn Hoàng tử để lại con trai út ở Thanh Hóa. Trịnh Tùng bèn đón con út của vua là Duy Đàm ở xã Quảng Thi lên làm vua. Sai Nguyễn Hữu Liêu đem quân vào nghệ An. Vua trốn vào ruộng mía, bọn Hữu Liêu bắt gặp đón vua về.

Ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Thân, vua về tới xã Đô Xá, huyện Nông Cống thì Trịnh Tùng sai người thắt cổ giết chết vua.

Vua ở ngôi 17 năm, thọ 42 tuổi, táng ở làng Hoa Cao, thôn Tịnh Xá, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, dâng tôn hiệu là Anh Tông Tuấn Hoàng đế.

14/ Thế Tông Nghị Hoàng đế: Vua húy là Duy Đàm, con út của vua Anh Tông, mẹ là Tuy Khánh Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Diễm là người xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn.

Vua sinh ngày 12 tháng 11 năm Đinh Mão 1567, được nuôi ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên. Khi Anh Tông chạy vào Nghệ An vua còn nhỏ không được đi theo.

Giờ Dần, ngày sóc (mùng một) tháng Giêng năm Quye Dậu 1573 Tả tướng Trịnh Tùng lập lên ngôi ở sách Vạn Lại, lập Đàn Nam Giao ở sách ấy, bên ngoài cửa Lũy Môn.

Năm Tân Mão 1591, Trịnh Tùng đại phá quân Mạc, năm sau bắt sống Mạc Mậu Hợp đem chém, Tôn thất nhà Mạc là Kính Cung bỏ kinh thành chạy về Văn Lan, tự lập làm vua

Ngày 16 tháng 6 năm Quý Tỵ 1593 vua về kinh ngự trên chính điện. Năm sau nhà Minh sai sứ đem điệp báo vua phải đến cửa điện yết kiến. Năm Đinh Dậu 1597, tháng 4, vua đích thân đến trấn Nam Quan, cùng với tướng Minh là Tả Giang án sát sứ Trần Đôn Lâm cùng các phủ  quan châu Quảng Tây đài cử hành hội khám, trước sau cả 2 bên đều thân ái, cởi áo lót ra để nhận dạng người sinh ra vua đúng là con cháu vua Lê Thái Tổ, tâu đầy đủ lên vua Minh, vua Minh ban cho bài vàng, ấn vàng cùng lụa hoa, gấm vóc, phong cho vua là “An Nam đại đầu mục”.

Tháng 7 năm Đinh Dậu, vua cho tu tạo các tòa nhà Thái miếu ở Thăng Long, ngày 17 phụng rước Thần vị vua Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế vào miếu.

Năm Kỷ Hợi 1599, giờ Sửu, ngày 4 tháng 4 vua băng, ở ngôi 27 năm, thọ 33 tuổi, táng ở lăng Hoa Nhạc, xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn.

15/ Kính Tông Huệ Hoàng đế: Vua húy là Duy Tân, là con thứ hai của vua Thế Tông, mẹ là Ý Đức Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Minh người xã Duy Tỉnh, huyện Thuần Lộc.

Vua sinh ngày 29 tháng 2 năm Mậu Tý 1588, Bình An vương Trịnh Tùng cho Thái tử Từ, con đầu vua Thế Tông là người không thông minh, bèn lập ngài lên làm vua.

Ngày 29 tháng 4 năm Kỷ Hợi 1599, vua lên ngôi, bấy giờ mới 12 tuổi, đổi niên hiệu 2 lần: Thận Đức (1 năm) bắt đầu từ năm Canh Tý 1600 và Hoằng Định 20  năm bắt đầu từ năm Tân Sửu 1601.

Thang11 năm đó, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng mưu phản, dùng hỏa công đốt cung điện, ngầm trốn vào Thuận Hóa. Trong xứ nhiễu nhương, trịnh Tùng phù Hoàng Thượng từ Thanh Hóa về kinh, ngự tại chính điện,có điểm rồng vàng xuất hiện.

Năm Kỷ Mùi 1619, Bình An vương Trịnh Tùng về tới bến Đông Tân bỗng có súng nấp bắn vào vương. Trịnh Tùng cưỡi voi đuổi bắt được, tra khảo mới biết vua và người em của Trịnh Tùng âm mưu làm việc này.

Ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Mùi, Trịnh Tùng bức vua phải thắt cổ tự vẫn. Vua ở ngôi được 20 năm, thọ 22 tuổi, táng ở lăng Hoa Man thôn Tịnh Xá, xã Bố Vệ.

Năm Đức Long thứ tư 1632, truy tôn là Kính Tông Huệ Hoàng đế.

16/ Thần Tông Uyên Hoàng đế: Vua húy là Duy Kỳ, là con trưởng Kính Tông, mẹ là Đoan Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, là con gái thứ hai của Bình An vương Trịnh Tùng. Vua sinh giờ Tỵ ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi 1608.

Năm Kỷ Mùi 1619, ngày 2 tháng 6 vua lên ngôi ở điện Cẩn Chính, đổi niên hiệu 3 lần: Vĩnh Tộ (11 năm) bắt đầu từ năm Kỷ Mùi, Đức Long (7 năm) bắt đầu từ năm Kỷ Tỵ 1629, Dương Hòa (9 năm) bắt đầu từ năm Ất Hợi 1635.

Trước đây, vua lập Thế tử Trịnh Tráng con của Bình An vương Trịnh Tùng thay Trịnh Xuân, nên Trịnh Xuân đem quân bản bộ đánh vào nội phủ, bắt Bình An vương dời ra ngoại, rồi phóng hỏa đốt kinh thành. Thế tử Trịnh Tráng phụng đón giá, họp các quan ở chợ Nhân Mục, rồi dụ Trịnh Xuân vào trao cho đại quyền, Xuân vào liền đón giết. Triết vương Trịnh Tùng về đến quán Thanh Xuân, huyện Thanh Oai thì mất. Thế tử Trịnh Tráng phụng rước linh cửu về quê an táng; nhân đó phù vua đi đường tắt qua huyện Kim Bảng trở về Thanh Hóa để lo dẹp loạn.

Bấy giờ Mạc Kính Khoan chiếm Cao Bằng, thừa dịp kéo quân đến xã Thổ Khối, huyện Gia Lâm. Tháng 8, từ Thanh Trì Trịnh Tráng tiến đánh đại phá quân Mạc,  rồi sai rước vua về kinh thành.

Năm Quý Mùi 1643, vua nhường ngôi cho con là Duy Hựu, còn mình tôn là Thái thượng hoàng đến ở chùa Khán Sơn.

17/ Chân Tông Thuận Hoàng đế: (Văn tổ Nghị vương Trịnh Tráng tôn Lập)

Vua húy là Duy Hựu, con trưởng của Thần Tông, mẹ là Minh Phụng Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Bạch là người xã Hoàng Sách, huyện Gia Viễn.

Vua sinh giờ Tỵ, ngày 19 tháng 9 năm Tân Mùi 1631

Ngày 13 tháng 10 năm Quý Mùi 1643 lên ngôi, đổi niên hiệu 1 lần là Phúc Thái (7 năm) bắt đầu từ năm Quý Mùi. Bấy giờ thiên hạ được mùa mấy năm liền.

Năm Kỉ Sửu 1649, ngày 26 tháng 8 vua băng, không có con nối dõi, ở ngôi 7 năm, thọ 20 tuổi, táng ở lăng Hoa Bố, thôn Phú Ngự, xã Bạch Vệ, Miếu hiệu là Chân Tông

Tháng 10 năm ấy, Thế tử Tây quốc vương Trịnh Tạc tôn lập Thái Hoàng thượng lên ngôi.: 18/ Thần Tông Uyên Hoàng đế

(Văn tổ Nghị vương và Hoàng tổ Dương vương tôn lập)

Lên ngôi lần thứ hai, ở ngôi 16 năm, đổi niên hiệu 4 lần: Khánh Đức (4 năm) bắt đầu từ năm Kỉ Sửu 1649, Thịnh Đức bắt đầu từ năm Quý Tỵ 1653, Vĩnh Thọ (5 năm) bắt đầu từ năm Mậu Tuất 1658, Vạn Khánh (1 năm) bắt đầu từ năm Nhâm Dần 1662.

Năm Nhâm Tuất, tháng 9 vua đang đêm lên cơn bạo bệnh, vội lập hoàng tử Duy Vũ mới 9 tuổi lên làm Thái Tử.

Ngày 22 tháng 9 năm đó vua băng, thọ 56 tuổi, táng tại Ngọc Lăng, xã Quần Lập, huyện Lôi Dương, Miếu hiệu Uyên Tông.

19/ Huyền Tông Mục Hoàng đế (Hoàng tổ Dương vương Trịnh Tạc tôn lập): Vua húy là Duy Vũ, là con thứ của vua Thần Tông, mẹ là Đoan Thuần Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu người xã Nhật Thái, huyện Lôi Dương. Vua sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp Ngọ 1654, Ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Dần 1662 lên ngôi, đổi niên hiệu 1 lần là Cảnh Trị (9 năm) bắt đầu từ năm Nhâm Dần.

Năm Giáp Thìn 1664, tháng 2 vua ban cho Trịnh Tạc diễn lễ đặc biệt, không phải lạy, khi vào chầu được đặt riêng một chiếc phản ở bên phải ngự thất.

Năm Đinh Múi 1667, nhà Thanh sai sứ sang sắc phong cho vua là An Nam quốc vương

Năm Tân Hợi 1671, giờ Tỵ, ngày 15 tháng 10 vua băng, không có con nối giõi, ở ngôi 9 năm, thọ 18 tuổi, táng ở lăng Cảnh Thịnh, huyện Lôi Dương nay là xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Miếu hiệu là Huyền Tông.

20/ Gia Tông Mỹ Hoàng đế

Vua húy là Duy Cối, con thứ 3 của vua Thần Tông, mẹ là Chiêu Nghi người xã Phúc Lộc, huyện Thụy Nguyên. Thuở nhỏ vua được bà Chính phi của Chúa Trịnh Doanh là Trịnh Thị Ngọc Dung (Lung) nuôi dưỡng, nên khi vua lên ngôi, mẹ nuôi được tôn là Quốc Thái mẫu, còn mẹ đẻ chỉ được tôn là Chiêu Nghi.

Năm Tân Hợi 1671, ngày 19 tháng 11 vua lên ngôi, bấy giờ mới 11 tuổi, đổi niên hiệu 2 lần là: Dương Đức (3 năm) bắt đầu từ năm Nhâm Tý 1672, Nguyên Đức (3 năm) bắt đầu từ năm Giáp Dần 1674.

Năm Ất Mão 1675, giờ Mùi ngày 3 tháng 4 vua Băng, không có con nối giõi, ở ngôi 5 năm, thọ 15 tuổi, táng tại lăng An Long, xã Phúc Lộc, huyện Thụy Nguyên, Miếu hiệu là Gia Tông.

21/ Hy Tông Chương Hoàng đế: (Hoằng tổ Dương vương Trịnh Tạc và Chiêu tổ Khang vương Trịnh Căn tôn lập)

Vua húy là Duy Diu, con út của vua Thần Tông, mẹ là Trịnh Thị ngọc Tấn, người xã Đông Khối, huyện Gia Định.

Vua sinh giờ Mùi, ngày 15 tháng 3 năm Quý Mão 1663.

Trước đây vua Thần Tông giặn dò Tây vương Trịnh Tạc rằng: “Cung nhân Ngọc Tấn mang thai mới được 4 tháng, chưa rõ con trai hay gái, vương hãy che chở cho cháu” đến nay vua sinh, thể mạo kỳ vĩ, năm lên 5 tuổi được nuôi nấng trong cung.

Năm Ất Mão, ngày 12 tháng 6 Nhuận, tự thân Trịnh Tạc phò vua lên ngôi, bấy giờ vua mới 12 tuổi, đổi niên hiệu 2 lần là: Vĩnh Trị (2 năm) bắt đầu từ năm Bính Thìn 1676, Chính Hòa (6 năm) bắt đầu từ năm Canh Thân 1680.

Năm Tân Dậu 1681, vua nhường ngôi cho Thái tử Duy Đường (tức vua Lê Dụ Tông), tôn vua làm Thái thượng hoàng.

Vua băng ngày rằm tháng 4 năm Bính Thân 1686, ở ngôi 6 năm, thọ 23 tuổi, táng ở lăng Phú Lâm, huyện Đông Sơn, Miếu hiệu Hy Tông)

22/ Dụ Tông Hòa Hoàng đế (Chiêu tổ Khang vương Trịnh Căn và Hi tổ Nhân vương Trịnh Cương tôn lập): Vua húy là Duy Đường, con trưởng của vua Hy Tông, mẹ là Ôn Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị ngọc Đệ là người xã Trùng Quán, huyện Đông Ngàn. Vua sinh ngày 8 tháng 10 năm Canh Thân 1680.

Năm Ất Dậu 1705, ngày 17 tháng 1 được vua cha truyền ngôi, đổi niên Hiệu 2 lần là: Vĩnh Thịnh (16 năm) bắt đầu từ năm Ất Dậu 1705, Bảo Thái bắt đầu từ năm Canh Tý 1720.

Năm Kỷ Dậu 1729 vua nhường ngôi cho con là Duy Phường, tôn vua làm Thái thượng hoàng, ở ngôi 25 năm.

Năm Tân Hợi 1731, ngày 20 tháng Giêng vua băng, thọ 52 tuổi, lúc đầu táng ở Cổ Đô, sau dời về xã Kim Thạch, huyện Lôi Dương nay là thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 26 tháng 2 năm 1958, mộ vua phát lộ; đầu năm 1964, khai quật đưa về Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội để bảo quản và nghiên cứu; ngày 25 tháng 1 năm 2010 được đưa về hoàn táng tại vị trí cũ.

23/ Vĩnh Khánh đế (Lê Duy Phường) (Hi tổ Nhân vương Trịnh Cương tôn lập). Vua Húy là Duy Phường, con đích của vua Lê Dụ Tông, mẹ là Trịnh Thị Tráng là con gái của Lương Mục vương, con nuôi của Địch vương. Vua sinh ngày 11 tháng 4 năm Ất Dậu 1705.

Năm Kỉ Dậu 1729, ngày 16 tháng 11 lên ngôi, đổi niên hiệu 1 lần là: Vinh Khánh (4 năm) bắt đầu từ năm Kỷ Dậu.

Năm Nhâm Tý 1732, ngày 26 tháng 8, do vua hoang dâm, bị phế truất làm Hôn Đức công.

Năm Ất Mão 1735 vua thắt cổ tự tử, ở ngôi 4 năm, thọ 27 tuổi. Năm Canh Thân 1740 làm lễ chiêu hồn cho theo về họ mẹ.

24/ Thuần Tông Giải Hoàng đế. (Dụ tổ Thuận vương Trịnh Giang tôn lập)

Vua húy là Duy Tường, con trưởng vua Lê Dụ Tông, mẹ là Trang Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Niêm người xã Vĩnh Lộc, huyện Sơn Lãnh.

Vua sinh ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Mão 1699, lên ngôi  ngày 26 tháng 8 năm Nhâm Tý 1732, đổi niện hiệu ngay năm đó là Long Đức Nguyên niên.

Ngày 15 tháng 4 năm Ất Mão 1735 vua băng, ở ngôi 4 năm, thọ 37 tuổi, táng tại thôn Bình Ngô, xã Chuẩn Nguyên, huyện Thụy Nguyên, Miếu hiệu là Thuần Tông.

25/ Ý Tông Huy Hoàng đế Vua húy là Duy Thìn, con thứ 11 của vua Dụ Tông, mẹ là Hiền Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Sắc.

Vua sinh giờ Hợi, ngày 9 tháng 2 năm Kỷ Hợi 1719. Khi vua Thuần Tông mất, việc kế vị chưa định, nhờ có uy Vương mà vua được tôn lập.

Ngày 27 tháng 4 năm Ất Mão 1735 vua lên ngôi, đổi niên hiệu 1 lần là Vĩnh Hựu (6 năm), bắt đầu từ năm Ất Mão. Năm Canh Thân 1740 vua nhường ngôi cho cháu là Duy Diêu, tôn vua làm Thái Thượng Hoàng ngự ở điện Càn Thọ, ở ngôi 6 năm.

Giờ Ngọ, ngày 8 tháng 6 nhuận năm Kỷ Mão 1759 vua băng, thọ 41 tuổi, táng ở lăng Phù Lê, huyện Thụy Nguyên.

26/ Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế (Nghị tổ Ân vương Trịnh Doanh tôn lập)

Vua húy là Duy Diêu, con trưởng của vua Thuần Tông, mẹ là Nhu Thân Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Lương.

Vua sinh giờ Ngọ ngày 10 tháng 4 năm Đinh Dậu 1717, lên ngôi ngày 21 tháng 5 năm Canh Thân 1740, khi ấy vua 24 tuổi là dòng đích kế nối đại thống, đổi niên hiệu 1 lần là Cảnh Hưng (47 năm) bắt đầu từ năm Canh Thân 1740.

Năm Bính ngọ 1786, Nguyễn Huệ tiến đánh kinh thành, diệt Trịnh, phù Lê, thống nhất đất nước. Ngày 15 tháng 7 vua ngự coi triều thống nhất, văn võ bá quan đều tung hô vạn tuế ba lần. Bấy giờ vua 70 tuổi, gả công chúa ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Ngày 17 tháng 7 năm Bính Ngọ 1686 vua băng, ở ngôi 47 năm, là vị vua ở ngôi lâu nhất của triều Nhà Lê, táng ở lăng Bàn Thạch, huyện lôi Dương, nay là làng Bàn Thạch, xã Xuân Sinh (trước đó là Xuân Quang), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, sau dời táng ở Thượng cục lăng đó, miếu hiệu là Hiển Tông.

27/ Chiêu Thống đế

(Tây Sơn Nguyễn Huệ và Hữu quân Bình quận công Nguyễn Hữu Chỉnh tôn lập)

Vua húy là Tự Khiêm (Lê Duy Kỳ)

Trước đây người con thứ của vua Lê Hiển Tông là Duy Vĩ sinh được 3 trai, Tự Khiêm là con trưởng.

Vua sinh ngày 22 tháng 9 năm Bính Tuất 1766, lên ngôi ngày 27 tháng 7 năm Bính Ngọ 1786, đổi niên hiệu 1 lần là Chiêu Thống (4 năm) bắt đầu từ năm Bính Ngọ 1786.

Năm Đinh Mùi 1787, ngày 1 tháng 9 Nguyễn Huệ lại tiến quân ra kinh thành, vua chạy lên Kinh Bắc.

Năm Mậu Thân 1788, vua được quân Bắc quốc (quân Thanh) chi viện tiến về lấy kinh thành.

Năm Kỷ Dậu, ngày 25 tháng Giêng, Nguyễn Huệ tiến đánh quân Bắc quốc. Quân Bắc quốc thua to, vua theo quân Thanh chạy sang Bắc quốc Khi ấy đi theo vua chỉ có người con thứ 12 của vua Lê Hiển Tông là Duy An.

Năm Quý Sửu 1793, ngày 16 tháng 10 vua băng, ở ngôi 4 năm, thọ 28 tuổi, táng ở Bắc Kinh, Bắc quốc.

Năm Giáp Tý 1804, ngày 21 tháng 9, Duy An cùng một số người vợ con theo vua tòng vong trở về nước và đón linh cửu vua, Thái hậu và nguyên tử trở về. Triều đình ban tiền gạo cho bản tộc rước linh cửu về táng ở lăng Bàn Thạch, huyện Lôi Dương, nay là xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.(Trước đó là xã Xuân Quang)

 

         Lê Xuân Giang biên soạn

       Tham khảo sách “Lê Triều ngọc phả tập ký”

 

 

 

 

Các tin liên quan