Sách Lam Sơn thực lục chép:
Ngày dựng cờ Khởi nghĩa vào mồng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) tại Mường Tẩm nay là Mường Chính (tức huyện lỵ Lang Chánh ngày nay). Trong 5 năm đầu tiên, lực lượng Nghĩa Quân còn nhỏ yếu, tuy có những chiến trận thắng lợi, vẫn bị giặc Minh đông bấp bội vây đánh khốn đốn, phải rút vào nương náu ở Linh Sơn (tức dãy Pù Rinh) 3 lần – vào các năm Mậu Tuất (1418), Canh Tý (1420) và Nhâm Dần (1442). Nghĩa Quân đóng hẳn ở Pù Rinh 2 năm. Năm Giáp Thìn (1424), Nghĩa Quân tiến ra tập kích thành Đa Căng (nay thuộc huyện Thọ Xuân), rồi năm Ất Tỵ (1425), tiến công Nghệ An, 3 năm sau đó (1428), thì giải phóng hoàn toàn đất nước. (thực tế chỉ có 9 năm chiến đấu: từ tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) đến tháng Chạp năm Đinh Mùi (1427) là năm công bố Bình Ngô đại cáo).
Tháng Tư năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng Đế ở Đông Quan Thăng Long. Như vậy hơn một nửa thời gian kháng chiến, Lê Lợi cùng Nghĩa Quân chỉ đóng bản doanh ở Pù Rinh.
Pù Rinh xưa gắn với các địa danh Mường Giao Lão – nay là các xã Giao An, Giao Thiện, Mường Tẩm – nay là các xã Quang Hiến, Trí Nang, Mường Nanh – nay là Hón Nanh, Mường Thôi nay là Hón Soi, thuộc huyện Lang Chánh – phía hữu ngạn sông Âm còn lưu nhiều dấu tích và truyện kể về quân nghĩa Lam Sơn gian khổ và oai hùng. Sách sử ghi danh Pù Rinh bằng cách phiên âm là Linh Sơn, văn chương thì ca tụng là núi Chí Linh – tức dãy núi rất thiêng liêng. Trong khí thế hừng hực tự hào bởi chiến thắng vang dội, Lê Lợi ra đầu đề Chí Linh Sơn (núi non rất linh thiêng) để các văn nhân thi sĩ đua nhau ca ngợi cuộc Khởi nghĩa vĩ đại. Ai cũng thừa nhận có bốn yếu tố quan trọng nhất đã dẫn đến thắng lợi chung cuộc, gồm 1 là có lãnh tụ thiên tài, 2 là nhân dân tuyệt đối tin theo, 3 là nghĩa quân anh dũng, 4 là địa thế hiểm trở. Họ đều lấy biểu tượng núi non hùng vĩ thiêng liêng của Tổ quốc để hình dung tầm vóc của lãnh tụ và cuộc chiến.
Với đầu đề núi rất thiêng ấy, Nguyễn Trãi đã chọn tả Lam Sơn, Nguyễn Mộng Tuân chọn tả Linh Sơn. Có lẽ hai bài của hai ông là hay hơn cả nên qua 600 năm còn được ghi lại đến bây giờ mà không thấy bài nào khác. Ở đây, xin giới thiệu bài miêu tả (phú) núi Pù Rinh (Linh Sơn) của tác giả Nguyễn Mộng Tuân. Nguyễn Mộng Tuân cũng có một bài phú nữa miêu tả đích danh Lam Sơn là Lam Sơn giai khí phú (nói về khí thế đẹp đẽ của núi Lam). Như vậy cũng đã rõ, không có núi Chí Linh nào cả như bấy lâu nhầm lẫn, mà chỉ có Linh Sơn và Lam Sơn, cả hai núi này đều là chí linh nghĩa là rất (chí) thiêng liêng (linh) ở miền Tây Tổ quốc cũng tức là miền Tây tỉnh Thanh Hóa chúng ta đã tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng Dân tộc vĩ đại và hào hùng nhất ở thế kỷ XV do Lê Lợi phát động và lãnh đạo.
Nguyễn Mộng Tuân tên tự là Cúc Pha, người làng Viên Khê huyện Đông Sơn, (nay là xã Thiệu Trung tỉnh Thanh Hóa), cùng đỗ Thái học sinh với Nguyễn Trãi vào năm 1400 nhưng không làm quan dưới triều Hồ. Ông tham gia nghĩa quân Lam Sơn, được giao cho phụ trách văn từ, từng tham gia giám khảo các khoa thi Hội thời Lê Thái tổ, Lê Thái tông, cho đến thời Lê Nhân tông. Ông có nhiều bài thơ chép trong Tập Cúc Pha. Thơ của ông thường ca ngợi non sông Tổ quốc hiểm trở và diễm lệ, và sức mạnh của nhân dân là vô địch hễ theo về thì quốc gia hưng thịnh, hễ bỏ đi thì nhà nước tiêu vong (ý câu thơ Tựu Hán bái nhiên qui mạc ngự, vong Tần mạc nhược đãng nan khu trong bài Dân thủy). Đặc biệt ông cho rằng, giang sơn hiểm trở chỉ có một mà người tài năng có chính nghĩa xử dụng thì như nòi rồng, còn kẻ hư danh tà ngụy có dựa vào thì cũng chỉ là bọn gan chuột mà thôi (ý câu thơ Trần gia thượng tướng chân long chủng, Hồ thị thiêm văn thị thử can trong bài Hàm Tử quan). Tư tưởng ấy càng nổi bật trong các bài phú – một loại thơ trường thiên – của ông, đầy đủ nhất là Chí linh sơn sẽ giới thiệu sau đây. (Theo bài dịch của Nguyễn Sĩ Lâm trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam – thế kỷ X đến XII, nxb Văn Học năm 1976).
Bài phú khởi bút bắt đầu bằng ý tứ: linh thiêng và chân chính cũng là việc khôi phục giang sơn vô cùng thiêng liêng và lãnh tụ hết sức chân chính
Khí quang phục thiêng liêng chói lọi;
Vị đế vương chân chính ai tày.
Nếu như Lê Lợi là con giòng cháu giõi của triều vua trước thì ta có thể hiểu việc quang phục này dựng lại nhà nước đã bị diệt vong, nhưng Ngài là thường dân khởi nghĩa thì chỉ có thể nói đó là giải phóng giang sơn đã bị cướp phá. Khí là tinh thần, là ý chí của dân tộc luôn sáng chói, trong đó có đế vương tức lãnh tụ đã đưa sự nghiệp đến thắng lợi cuối cùng lập nên một nhà nước mới không dính dáng vào nhà nước cũ thảm bại, lãnh tụ ấy hoàn toàn chân chính không ai so sánh được. Cách nói ngày xưa cho rằng Chân là bởi Trời Đất sinh ra không thể bàn cãi, Chính là đúng đắn rõ ràng không thể phủ nhận. Ý tứ khởi đầu như vậy là nêu một nguyên lý thiêng liêng và chân chính thì không gì hùng hồn thuyết phục hơn.
Tiếp theo, tác giả đề cập vận hội bằng quẻ Truân trên mây mưa dưới sấm sét (nội quái lôi, ngoại quái khảm) trong Kinh Dịch:
Trời đất mịt mờ đương lúc;
Sấm mây gian khổ những ngày.
Đây là quẻ thứ 3, sau hai quẻ Thuần Càn và Thuần Khôn về lẽ sinh tạo của Trời Đất. Các học giả bấy giờ đều đã minh chứng, Hoàng đế Lê Lợi của chúng ta hoàn toàn ứng với quẻ Truân, rằng: là Thánh nhân mở mang thời đại, tiền vận cực kỳ gian nan nguy hiểm nhưng vững chí bền lòng, ẩn nhẫn cầu hiền, đấu tranh không ngừng nghỉ, sau mười năm thì thắng lợi, hậu vận thành công, nghiệp tái tạo lớn lao sánh ngang Trời Đất. Đó không phải chỉ là quan điểm riêng của Nguyễn Mộng Tuân, và tác giả bài phú liền so sánh Vua Ta với Thánh nhân khai cơ hàng đầu của Trung Quốc là Thái Vương sáng nghiệp Nhà Chu:
Trước mở cơ đồ, thoát nạn lớn khỏi sa tay Địch.
Sớm lo nghiệp thánh, dựng công to kể tự miền Tây.
Chu Thái vương Đản Phủ thoát khỏi sự kiềm chế đánh phá của các bộ lộc Nhung Địch, xây dựng cơ nghiệp mới ở đất Kỳ Sơn ở miền Tây Trung Quốc (nay là tỉnh Thiểm Tây). Ông là ông nội Chu Văn vương Cơ Xương và cố nội Chu Vũ vương Cơ Phát. Hai vị này kiến lập Nhà Chu – một triều đại dài lâu nhất Trung Quốc, 873 năm, 1122-249 tr.CN. Như vậy, Nguyễn Mộng Tuân so Lê Lợi với các ông tổ Nhà Chu, có một chỗ tương đồng là Kỳ Sơn của Nhà Chu họ và Linh Sơn của Nhà Lê ta đều ở miền Tây của đất nước. Tác giả nêu lên một ẩn ý: phải chăng đó là Trời Đất đã đặt bày như vậy, nước ta không khác Trung Quốc, tuy to nhỏ có khập khiễng nhưng tầm vóc thần thánh thì chẳng kém cạnh gì.
Thế rồi, tác giả bắt đầu mô tả đích thực núi Pù Rinh – Linh Sơn. Ông viết rõ ràng Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, nhưng nương náu ở Linh Sơn
Vua ta khởi nghĩa núi Lam, thế mạnh bừng bừng như lửa ;
Khốn vì thế giặc quá to, cậy nhiều quân tướng hung dữ.
Vua lánh mình, náu hình tích vào Linh sơn.
Núi Linh (Pù Rinh: theo tiếng Thái, Pù nghĩa là núi, Rinh phiên âm là Linh) này
Thật cũng Trời dành mà Đất giấu,
Một giải rừng thẳm, không thể kể hết hình trạng, bí hiểm muôn vàn.
Nghìn trượng đá cao, giống như sẵn có thành vàng, an toàn khôn xiết.
[Đoạn này bản dịch rối rắm, xin rút gọn lại. PB]
Núi bày ngọn giáo,
Cây dựng cờ phan.
Cung điện tưởng son tô một vẻ,
Cỏ cây như quân họp bao đoàn.
Khen quả núi khéo chăm lo chức vụ,
Sắp cơ ngơi để đón rước xe loan.
Muốn dưỡng sức mà chờ cơ hội,
Quyết bền gan để diệt hung tàn.
[Vì thế, nhà Vua quyết định] Rã cánh phượng, nhằm nơi ẩn náu,
Uốn khúc rồng qua buổi gian nan.
Ở nơi đây, đúng như chữ Lợi cư Trinh quẻ Truân, nhà Vua vững lòng nuôi chí bền bỉ (Trinh là bền bỉ, có thắng lợi nhưng phải bền bỉ).
Nghĩ lúc bấy giờ: nơi ở chưa định, vết thương tạm hàn.
Nằm đống củi thề trời chung chẳng đội,
Gối ngọn đòng buồn đêm tối miên man.
Nguyền một tấm lòng, vững với đá kia không chuyển,
Gắng từng sọt đất, đắp nên núi nọ cho toàn.
Mất giữ lại được,
Nguy đổi thành an.
Lời hào của Quẻ Truân giảng tiếp: lập được một đoàn thể có nhiều người có tài kinh luân, thì mọi việc sẽ làm được tốt. Thì Vua ta có cả một đoàn quân gan ruột chí thiết
Đội quân tình thiết cha con, thân cùng cam khổ;
Tướng sĩ sức dư beo hổ, sắt luyện tâm can.
Đậu với chim rừng, nằm với mây động.
Ăn trong sương núi, ngủ trong gió ngàn.
Cũng như lời hào của Quẻ Truân: vật dụng hữu du vãng lợi kiến hầu, nghĩa là giữ vững điều chính (trái với tà) và đừng tiến vội, mà tìm bậc hiền thần giúp mình (kiến hầu là đề cử một người giỏi lên tước hầu). Bài phú viết tiếp
Lối tử đường sinh, thế rõ tồn vong nhiều sách lược;
Vào thần ra quỉ, việc không đầu mối tuyệt khôn ngoan.
Xem một dạ chọn người trung dũng,
Xét hai lòng trừ kẻ tà gian.
Nhà Vua sáng suốt chỉ đạo, dẫn dắt toàn quân từng bước chắc chắn tiến tới thắng lợi huy hoàng dù ta ít địch nhiều, dùng mưu cao lấy ít chống mạnh (lời Bình Ngô đại cáo)
Đường vắng mưa sa, củi đốt lửa cùng nhau tập hợp;
Trá hình dụ giặc, ngựa tháo yên như cảnh an nhàn.
Rắn lạ che mình uốn quanh rất dễ,
Diều hâu cụp cánh đánh mạnh rắp toan.
Số quân dù nửa vạn không đầy, người thao lược vẫn là đông đảo;
Mây núi năm màu thấy hiện, kẻ thần hạ khôn xiết hân hoan.
Đến đây tác giả ca ngợi Lê Lợi
Kìa như vua Thánh tông (Nhà Tần) vào sông Tam Trĩ tuy thoát được một phen nạn lớn nhưng chưa đủ làm thiên cổ kỳ quan.
Và ca ngợi luôn núi Linh Sơn
Này hãy trông ngọn núi chót vót, có sá chi những đống đất sàn sàn.
Nguyễn Mộng Tuân khẳng định Thánh nhân – tức Lê Lợi và Linh sơn – tức Pù Rinh gắn quyện với nhau tạo nên nghiệp lớn
Đến như: phá vòng khốn quẫn, tạo cuộc hanh thông.
Chín phần tử một phần sinh, tuy ở chốn hiểm nghèo mà có ngất giời khí thế;
Bao nhiêu nghịch bấy nhiêu thuận, khéo tùy cơ lợi dụng, thật là tột bậc anh hùng.
Thần giùm mưu chước,
Người mến uy phong.
Cột chống nhà cao, mong thu cả tài năng mọi mặt;
Đá ra tay luyện, quyết vá lại trời xanh muôn trùng.
Cũng đều nhờ ở núi này làm đầu mối
Không những giữ thế thủ,
Mà lại khởi thế công.
Nên có thể
Dao mài đá mẻ,
Gió quét bụi không.
Mở triều đình ở nơi rừng rậm,
Phá quân giặc bằng gậy tầm vông.
Nghiệp lớn bước đầu gây dựng,
Núi này đã có nhiều công.
Rồi từ đây, Nghĩa quân tiến ra phát động những chiến dịch ồ ạt:
Đánh Ai Lao như củi khô bẻ gẫy,
Khua Tây Đô như khăn phủ mở tung.
Uy lớn đã lan ra ngoài cõi,
Bọn giặc đều lọt vào trong vòng.
Cõi đất mở muôn dặm,
Ngôi cao ngự sáu rồng.
Nước non thế vững,
Của cải kho chung.
Để hình dung hết tầm vóc lớn lao của Nghĩa quân, của lãnh tụ Lê Lợi và của Linh Sơn, tác giả vận dụng những điển cố lớn lao nhất của lịch sử Trung Hoa ra mà so sánh
So với Cối Kê dấy quân Câu Tiễn [đất và vua Tàu điển hình của chí phục thù]
Mang Đãng mở nghiệp Bái Công [núi và vua Tàu điển hình cho kiến lập triều đình từ tay không làm nên cơ nghiệp]
Thì quả núi này [tức Linh Sơn] thành được cái chí Vua ta diệt giặc, thời dẫu khác mà chí vẫn đồng.
Đã bốc mây làm mưa, rửa sạch tanh hôi nhơ bẩn;
Cũng chặt ngao dựng cực, nêu cao trụ cột mối dòng. [tích bà Nữ Oa kê đất lệch]
Tác giả thôi dung điển cố quá xưa tận bên Tàu kẻo người Việt mình khó hiểu, bèn viết rõ ra là:
[Vua Lê của ta đã] Đưa nhân dân lên chăn ấm chiếu êm, xây nền hạnh phúc;
Đặt nước nhà đá bàn núi lớn, vững nghiệp hưng long.
Còn để khẳng định vai trò của Linh Sơn trong sự nghiệp hùng vĩ kể trên thì Nguyễn Mộng Tuân đã phác nên một nét thần thánh an nhiên như nhiên của Trời Đất thinh lặng bao đời
Núi cũ vẫn mơ màng trong mộng, dấu thiêng còn vằng vặc cõi lòng.
Chỉ một nét kính ngưỡng sâu thẳm ấy đã cho thấy non sông ta, đất nước ta đã bao dung che chở dân tộc ta vô hạn mà không bọn giặc ngoại xâm nào dù hung bạo đến đâu cũng không hãm hại làm diệt vong được. Tác giả viết tiếp
Cho nên [con Người] phải đặt lên đền thứ nhất danh sơn, tỏ sự báo đền xứng đáng;
Liệt vào hạng tuyệt vời công nghiệp, nêu duyên hội ngộ lạ lung.
Rừng núi cũng rạng màu cẩm tú,
Uy linh còn ghi dấu đỉnh chung.
Riêng tác giả cúi đầu chắp tay xin dâng lời ca rằng:
Thịnh thay đất Tây Việt, so xem Tây Hán mở cơ đồ. [Nhà Hán 206 trCN- 220 sCN]
Quân như quân ông Bái Công [Hán Cao tổ], diệt Minh giả thù.
Núi Lam phất cờ, núi Linh đặt nền tảng,
Như Cối Kê như Mang Đãng trước sau chói lọi ánh sáng.
Rồi tác giả bài phú nức nở xưng tụng
Ngôi cao đã tột, mà gian nan nỗi trước nào khuây.
Tám món ăn quý, còn nhớ gói lương khô bấy chầy;
Chín lần cung cấm, vẫn tưởng khi gió thổi mây bay.
Nhớ hoài nhớ mãi, Đức Vua thường gắng gỏi hằng ngày.
Nghiệp lớn muôn năm bền vững vô ngần như Quả Núi này.
Bài phú kết thúc ở đây.
Xem lại toàn bài, độc giả nhận thấy, tác giả bài phú Linh Sơn đã viết trong khuôn mẫu tư tưởng Thời – Mệnh – Công – Danh với tầm vóc cao cả nhất của Nho gia, nêu cao quan hệ Thiên – Địa – Nhân và thuyết Địa Linh Nhân Kiệt rõ ràng chặt chẽ để tôn vinh tột cùng Anh hùng Giải phóng Dân tộc và Vua sáng nghiệp triều đại Hoàng Lê là Lê Lợi đồng thời ca ngợi hết lời dãy núi Pù Rinh thần thánh nơi mà ở đấy Lê Lợi lãnh đạo Nghĩa Quân Lam Sơn vượt qua gian lao cùng cực đi đến thắng lợi vĩ đại cuối cùng. Là một nhà Nho hàng đầu, tác giả Nguyễn Mộng Tuân cảm khái vô hạn trước sự kiện có chính ông trực tiếp tham gia đã tạo nên bước ngoặt huy hoàng của Lịch sử Dân tộc Việt. Ông xúc động mãnh liệt với cái Thời thuộc Quẻ Truân, Thời mà Trời Đất diễn ra công cuộc Tái Tạo gian nan khôn tả. Nhưng cái Thời nhiễu loạn vĩ đại ấy không dành cho riêng ai, chỉ Người có Thiên Mệnh mới biết thực hiện cơ hội mà lập được Công tác thành sự nghiệp oai hùng. Thời ấy là những năm đầu thế kỷ XV, Nhà Minh xâm lăng quốc gia Đại Việt, tàn phá tận cùng non sông Đất nước Ta, hủy diệt Dân tộc Ta. Trong cảnh hoang tàn khốc liệt đó, đã có 61 cuộc khởi nghĩa bùng lên chống lại quân xâm lược do rất nhiều anh hùng hào kiệt phát động, nhưng tất cả đã bị dìm trong bể máu thất bại. Theo nhà Nho, sự thể này là bởi bấy giờ không ai có được Mệnh lớn để điều hành. Thế rồi cuối cùng xuất hiện một Người đích thực là Thánh Nhân mang trong mình Thiên Mệnh dẫn dắt đồng bào. Đó là Lê Lợi. Chính Ngài cũng nói: Ta được Trời trao đại nhiệm này, khiến mọi người theo về mà Thành Công vĩ đại (Thuyết Thiên dữ nhân quy chép trong Lam Sơn thực lục). Một nhà Nho hàng đầu nữa và là đại văn hào thi gia Nguyễn Trãi cũng xác nhận vai trò Thế Thiên hành đạo của Lê Lợi trong lời mở đầu Bình Ngô đại cáo. Quân Minh cũng thuộc về thời Quẻ Truân, bọn chúng là một tác nhân cùng với bọn Việt gian bán nước khuấy đảo thời cuộc, nhưng tất cả bọn chúng không đại diện Thiên Mệnh chỗ nào nên đều đã bại vong và bị xua tan không còn hình bóng như ma quỷ. Rõ ràng là phải có Trời -Thiên, có Đất – Địa, và có Người – Nhân mới nên đại sự nghiệp. Trời – Thiên mệnh, Người – là Lê Lợi như đã nói, còn Đất thì đó chính là núi rừng miền Tây nước nhà (Tây Việt thổ trong nguyên văn bài phú), tiêu biểu là núi Linh Sơn – Pù Rinh. Cặp ba Thiên – Địa – Nhân như vậy là yếu tố tối cao tối thâm trong quá trình công cuộc thay đổi thiên hạ (theo tinh thần Quẻ Cách, và theo chữ nghĩa xưa là Dời Vạc, tức là một cuộc Cách mạng). Tiện thể xin đính chính một nhận lầm về thuyết Địa Linh Nhân Kiệt. Chúng ta cứ tưởng rằng hễ có Địa Linh thì tất có Nhân Kiệt từ đó sinh ra. Không phải thế, mà đúng là có Địa Linh rồi thì phải có Nhân Kiệt xử dụng/khai thác cho dù Nhân Kiệt ấy sinh ra ở nơi khác, tức là Địa Linh Nhân Kiệt là một cặp điều kiện song hành để làm những việc sinh tạo lớn lao.
Còn chúng ta, xin hỏi con cháu của các bậc tiên linh oai hùng chói sáng 600 năm về trước, phải làm gì đây để xứng với Linh Sơn – Pù Rinh vẫn thiêng liêng lặng lẽ y nguyên ở thời nay, ở ngay cạnh chúng ta đây ?
Tuy nói Linh Sơn mang hồn một vị Thần cao cả vẫn mơ màng trong mộng, nhưng có lẽ không thể để Linh Sơn cứ hoang dã mãi ở thế kỷ này đến nỗi như bị lãng quên đi mất.
Thiết tưởng phải tiến hành ngay những đợt khảo sát địa lý, lịch sử và khảo cổ khoa học, phải phát động ngay những cuộc sáng tác văn học nghệ thuật, phải vạch ra ngay một chương trình bảo vệ cảnh quan môi trường và một chương trình phát triển kinh tế trong đó có những kế hoạch dành cho tham quan du lịch sâu sắc và lớn lao tại Linh Sơn – Pù Rinh này.
Nhà nghiên cứu Phan Bảo
Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa