HLVN – Ngày 11/01/2025 tại Hà Nội, HĐHL Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác việc họ năm 2024 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2025.
Năm 2024, là năm thứ hai Hội đồng họ Lê Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu họ Lê Việt Nam lần thứ tư. Các hoạt động dòng họ ở tất cả các cấp đều bám sát các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội đã đề ra và phương hướng hoạt động năm 2024 của Hội đồng họ Lê Việt Nam. Những kết quả hoạt động chính như sau:
Hoạt động tri ân Tiên tổ.
Tri ân tiên tổ là hoạt động nổi bật nổi bật của dòng họ trong cả nước. Các địa phương có đền thờ các Vua Lê[1], các danh tướng, các nhân vật tiêu biểu của họ Lê đã tổ chức dâng hương nhân ngày Lễ giỗ, Tết, rằm, mùng một (Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Bình, Đăl Lăk, Bắc Giang…). Có địa phương (như tỉnh Cao Bằng) chưa có Hội đồng họ Lê, nhưng bà con họ Lê hàng năm vẫn tổ chức trang trọng Lễ giỗ Vua Lê (tại Đền thờ Vua Lê ở huyện Hòa An). Đây là việc làm hướng về cuội nguồn rất có ý nghĩa nhằm giáo dục con cháu biết ơn công lao tổ tiên và phát huy truyền thống dòng họ.
Thường trực HĐHL Việt Nam cùng HĐHL Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình đã trang trọng tổ chức lễ dâng hương Đức vua Lê Đại Hành, Đức Cao hoàng đế Lê Thái Tổ và các vị Vua nhà Lê ở Hoa Lư, Lam Kinh, Thái miếu Nhà Lê; Tổ chức dâng hương nhân kỷ niệm ngày Vua Lê đăng quang, dâng hương các vị Tiên Đế tại Hoàng thành Thăng Long. Tham dự lễ dâng hương nhân ngày giỗ nhà bác học Lê Quý Đôn tại Thái Bình. Nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác và đón nhận vinh danh danh nhân văn hóa thế giới, Hội đồng họ Lê Việt Nam và Hội đồng họ Lê tỉnh Hà Tĩnh đã tham dự các hoạt động do Nhà nước tổ chức, trong đó có Hội thảo Khoa học quốc tế về thân thế sự nghiệp của Người tại Hưng Yên và Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh, đón nhận vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới tại Hà Tĩnh.
Việc tôn tạo xây dựng Đền Vua, tu bổ Lăng mộ, thể hiện ý thức “Uống nước nhớ nguồn” của con cháu dòng họ Lê trong cả nước[2] . Hiện nay, tại tỉnh Quảng Ninh, được sự quan tâm của chính quyền đia phương các cấp, Đến thờ vua Lê Thái tổ đang được thi công trùng tu tôn tạo lớn. Tại tỉnh Nghệ An ngoài các Đền thờ Vua Lê ở Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, họ Lê huyện Diễn Châu cùng với bà con họ Lê và các nhà hảo tâm đã khánh thành Đền thờ các Vua Lê trong khu di tích dòng họ Lê Đại Đạo thuộc xã Diễn Kỷ (đã được tỉnh xếp hạng di tích Lịch sử) làm nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân và bà con họ Lê trong khu vực.
Tại Quảng Ngãi, công trình Đền thờ Vua Lê Thánh Tông đang được khởi động trở lại, với sự quan tâm của chính quyền và các ban, ngành trong tỉnh, đặc biệt là Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch.
Tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, với sự tài trợ của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, Thành phố Hà Nội và sự đóng góp của nhân dân, huyện Chi Lăng đã hoàn thành giai đoạn 1 Dự án Đền thờ Vua Lê Thái Tổ.
Một số địa phương đã xây được nhà thờ họ Lê cấp tỉnh[3], quan tâm hoạt động của các nhà thờ dòng họ, vì đây là nơi hội tụ và gắn kết dòng tộc của bà con họ Lê địa phương.
Hoạt động củng cố và phát triển tổ chức dòng họ
Phát triển về tổ chức vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm được Hội đồng họ Lê Việt Nam chỉ đạo theo định hướng của Đại hội họ Lê Việt Nam lần thứ IV.
– Hội đồng Họ Lê một số địa phương tiến hành tổ chức đại hội nhiệm kỳ, kiện toàn nhân sự, duy trì có nền nếp hoạt động ở cơ sở.
+ Cấp tỉnh, có 6 đơn vị tổ chức đại hội (Quảng Ngãi, Quảng Trị, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, tp Vũng Tàu).
+ Cấp huyện có nhiều địa phương tổ chức đại hội (huyện Hoằng Hóa/Thanh Hóa, huyện Diễn Châu, Huyện Quỳnh Lưu+Tx Hoàng Mai/ Nghệ An; TP Buôn mê Thuột, huyện Thạch Thất/ Hà Nội, Can Lộc/Hà Tĩnh, huyện Thanh Ba/ Phú Thọ ).
+ Cấp xã cũng có nhiều nơi đã thành lập và tiến hành Đại hội họ Lê (xã Thiệu Toán, xã Thiệu Hợp/ huyện Thiệu Hóa, xã Quảng Khê/ Quảng Xương/ Thanh Hóa, xã Vĩnh Long/ Vĩnh Linh/ Quảng Trị…).
– Thường trực HĐHL Việt Nam đã chỉ đạo và xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh liên quan đến hoạt động của Tổng hội họ Lê ở Nghệ An, thành phố Vũng Tàu. Đã tổ chức hai đoàn công tác làm việc với HĐHL Nghệ An và Quảng Bình để trao đổi thẳng thắn về một số vấn đề còn có cách hiểu và đánh giá khác nhau, tạo sự thống nhất, đoàn kết xây dựng dòng họ.
– Các địa phương thường xuyên quan tâm củng cố HĐHL cấp xã, cấp huyện[4], trực tiếp kết nối, chỉ đạo hoạt động các hội đồng gia tộc.
– Hội đồng Họ Lê các địa phương đa dạng hóa các hình thức tập hợp và sinh hoạt dòng họ: Hà Tĩnh, Vũng Tàu thành lập Câu lạc bộ nữ họ Lê . CLB nữ họ Lê tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ (2024-2028) thông qua quy ước hoạt động, bầu ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực và Chủ tịch Câu lạc bộ (19 UVBCH, 7 vị Ủy viên Thường vụ và 5 vị Thường trực và bầu chị Lê Thị Kim Anh làm Chủ tịch).
– Hội đồng họ Lê thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung nhân sự theo thẩm quyền và triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội.
– Ban vận động thành lập HĐHL tỉnh Phú Yên họp phiên thứ hai, tiếp tục bàn việc thành lập HĐHL tỉnh. Đại hội ĐBHL Vũng Tàu cử ra Ban vận động thành lập HĐHL cấp tỉnh thời gian tới. Tỉnh Cao Bằng, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập BCH lâm thời HĐHL cấp tỉnh.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thiện nguyện trong dòng Họ.
Trên tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, HĐHL từ trung ương đến các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa như:
– Hỗ trợ tài chính cho những người không may gặp tai nạn rủi ro (vợ chồng Tiến sỹ Lê Xuân Thảo, Lê Bích Thắng thăm, động viên và tài trợ 200 triệu đồng cho VĐV Lê Thị Huệ- VĐV giành 2 HCV võ Judo quốc gia không may bị tai nạn).
– Tặng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo[5], tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo[6] .
– Quan tâm tặng quà, tặng bằng “Lê Tộc Vinh danh” cho các bậc cao niên họ Lê[7]. Một số HĐHL địa phương đã dành sự quan tâm và tôn vinh các bậc cao niên được tặng danh hiệu 60 và trên 60 năm tuổi Đảng.
– Sau cơn bão số 3, nhiều tổ chức và cá nhân họ Lê đã quyên góp được 198 triệu đồng ủng hộ giúp đỡ bà con họ Lê bị tổn thất nặng nề (tiêu biểu là Bác Lê Văn Tam, Chủ tịch danh dự HĐHL Việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng). Số tiền trên được chuyển và trao tặng cho bà con họ Lê gặp khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội. HĐHL Phú Thọ ủng hộ bà con làng Nủ, Lào Cai điều trị tại bệnh viện- số tiền là 50 triệu đồng. HĐHL Hà Tĩnh tổ chức quyên góp được 18,5 triệu, Hội đồng họ Lê tỉnh Nghệ An quyên góp được 32.800.000 đồng (chuyển trực tiếp cho Thường trực UBMTrTQ tỉnh Nghệ An) ủng hộ bà con họ Lê các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại cơn bảo YAGI. Nhiều cá nhân trong dòng họ đã hỗ trợ và thăm hỏi động viên gia đình cháu Lê Ngọc Hơn huyện Lê Thủy, Quảng Bình- đã quên mình cứu người trong mưa lũ. Đây là những hoạt động rất thiết thực thể hiện sự sẻ chia, yêu thương của những người con họ Lê trong cả nước.
Các hoạt động khuyến học, khuyến tài được các địa phương quan tâm với nhiều hình hoạt động
– Hội đồng Khuyến học HLVN và HĐKH họ Lê các địa phương (cả cấp tỉnh và cấp huyện) tổ chức vinh danh, trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia[8] , các cháu đạt thành tích cao trong các kỳ thi … Vinh danh người con của họ Lê đạt danh hiệu Giáo sư, Tiến sỹ (họ Lê Quảng Ngãi, Quảng Trị, Nghệ An). Trao học bổng cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi cha me, tàn tật) vươn lên trong học tập.
– Các địa phương khuyến khích xây dựng quỹ khuyến học ở dòng họ[9], quan tâm xây dựng dòng họ văn hóa, dòng họ học tập.
– Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam đã kịp thời kiện toàn tổ chức Hội đồng nhiệm kỳ 2023- 2028 (gồm 30 thành viên), ban hành “Quy chế xây dựng và quản lý quỹ khuyến học, khuyến tài Hội đồng khuyến học Họ Lê Việt Nam”. Tổ chức thành công Hội nghị khuyến học, khuyến tài vào tháng 10/2024.
Hoạt động kết nối phả tộc và tìm hiểu Lịch sử dòng họ,
– Chủ động tham gia các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về các nhân vật lịch sử họ Lê như:
+ Tham gia Hội thảo quốc tế về Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức. Tham gia hội thảo về bác học Lê Quý Đôn do UBND tỉnh Thái bình tổ chức.
+ HĐHL Hà Tĩnh phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh tổ chức hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Hoàng Giáp Lê Tuấn (nhân 150 năm ngày mất của ông) tại Hà Tĩnh.
+ Dự Hội thảo về danh nhân, ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, do Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín, Hà Nội tổ chức.
+ Tham gia Hội thảo về thơ Đường thời kỳ Hậu Lê tại Quảng Ninh.
– Một số hoạt động kết nối dòng họ:
+ Thường trực HĐHL Hà Tĩnh đã có hoạt động kết nối với họ Lê- Lệ Sơn -dòng thiếu úy Quận Công Lê Đạo, thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; chuẩn bị tham luận cho Hội thảo “Dòng họ Lê ở vùng núi Nam Giới trong tiến trình lịch sử- xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước”; thống nhất đưa nội dung hàng năm tổ chức lễ giỗ Anh hùng Lý Tự Trọng (Lê Hữu Trọng) vào ngày 20/11/2024.
+ Tại Hà Nội, đại diện dòng họ Lê Phúc An, phố Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, đại diện dòng họ Lê Đình, làng Chuông, xã Phương trung, huyện Thanh Oai, đại diện dòng họ Lê thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, đại diện dòng họ Lê ở Khê Tang, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đã ký kết “Bản kết nối dòng họ cụ Thuỷ tổ Lê Phúc An”
– Ban Phả tộc và Lịch sử dòng họ đã có buổi làm việc với HĐHL Quảng Ninh về lịch sử Đền thề Tướng quân Lê Bá Đức ở huyện Ba Chẽ, có các đợt thực tế tìm hiểu về dòng họ Lê ở Phú Thọ và ngoại thành Hà Nội.
– Trong năm 2024, theo đề xuất của bác Lê Văn Tam về việc chuẩn bị tổ chức hội thảo về nguồn gốc họ Lê Việt Nam, Thường trực HĐHL Việt Nam đã giao cho Ban Phả tộc và Lịch sử dòng họ tìm và nghiên cứu các nguồn tư liệu về vấn đề này. Ban đã có nhiều cuộc làm việc và chuyến đi điền dã tại các địa phương và phát hiện được một số tư liệu có giá trị tại Phú Thọ, mở ra các hướng nghiên cứu mới có triển vọng về sự xuất hiện của họ Lê thời kỳ Hùng Vương.
Hoạt động thông tin tuyên truyền và đối ngoại:
– Năm 2024, HĐHL các địa phương đã quan tâm, tuyên truyền nghị quyết BCH Hội đồng họ Lê Việt Nam lần thứ IV; quy ước, quy chế hoạt động của HĐHL các cấp. tuyên truyền cho bà con họ Lê về sự không chính thống của Tổng hội họ Lê.
– Tham gia Lễ khánh thành Lăng mộ công chúa Lê Ngọc Huyền do dòng tộc Nguyễn Xí tổ chức ở Nghệ An.
– Nhà báo Lê Anh Thi được Hội NSNAVN bảo trợ và Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội anh hùng- CCB gương mẫu”. Đây là nghệ sĩ duy nhất của họ Lê tỉnh và là nghệ sĩ thứ 3 của Hà Tĩnh tổ chức triển lãm ảnh với số lượng 60 ảnh sắc nét, mang nhiều nhiều ý nghĩa nhân văn.
– Dự ĐHĐB Họ Trương, Họ Đặng, họ Hoàng Huỳnh Việt Nam. Dự Đại hội họ Bùi, họ Hoàng tỉnh Hà Tĩnh…..
Tiếp tục công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu CLB doanh nhân họ Lê Việt Nam.
Đại hội CLB Doanh nhân Họ Lê Thanh Hóa lần thứ 4 thành công tốt đẹp. Các tỉnh Quảng Trị, thành phố Vũng Tàu, Hà Nội đã thành lập CLB doanh nhân họ Lê của địa phương…CLB doanh nhân họ Lê tỉnh Thanh Hóa từ sau Đại hội có nhiều hoạt động nổi bật- giao lưu, hợp tác, kết nối doanh nhân trong tỉnh.
Về xây dựng quỹ dòng họ và quỹ khuyến học.
– Năm2024, các doanh nhân Lê Xuân Thảo, Lê Bích Thắng, Lê Thị Loan ủng hộ Quỹ dòng họ 300 triệu đồng, ủng hộ Quỹ khuyến học 100 triệu đồng.
– Tiến sỹ Lê Bích Thắng tặng 10 triệu đồng, doanh nhân Lê Thị Loan tặng 30 triệu đồng cho ĐHĐB họ Lê Quảng Ngãi và ủng hộ Đại hội họ Lê tỉnh Quảng Trị, thành phố Vũng Tàu mỗi nơi 20 triệu đồng.
– Doanh nhân Lê Văn Kiểm ủng hộ HĐHL Việt Nam 700 triệu đồng.
Có thể nói, năm 2024 hoạt động của họ Lê trong cả nước đã có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, các hình thức hoạt động đa dạng và có sự đổi mới. Kết quả hoạt động trên đã góp phần nâng cao ý thức về dòng họ, tạo nên sự gắn kết và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. HĐHL các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và dựa vào cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc các cấp để làm công việc họ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong tổ chức hoạt động: sự nhiệt tình, trách nhiệm của một số Ủy viên hội đồng các cấp chưa cao, dẫn đến tình trạng một số HĐHL, CLB doanh nhân họ Lê địa phương được thành lập nhưng không hoạt động. Các ban chuyên trách của HĐHLVN hoạt động chưa tích cưc, còn thiếu kế hoạch hoạt động. Một số địa phương do nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn về nhân sự nên chưa thể tổ chức đại hội tuy nhiệm kỳ đã kéo dài. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo ở HĐHL các cấp chưa tốt (chỉ có 11 HĐHL địa phương có báo cáo năm). Một số hoạt động của tổ chức tự phát Tổng hội họ Lê gây chia rẽ, mất đoàn kết trong hoạt động dòng họ ở một số địa phương, đòi hỏi chúng ta trong năm 2025 phải có những giải pháp tích cực để xây dựng khối đoàn kết trong họ Lê cả nước.
7 nội dung trọng tâm hoạt động việc họ năm 2025
- Tiếp tục chỉ đạo và thực hiên tốt các hoạt động tri ân tiên tổ ở tất cả các cấp. Tổ chức chu đáo các ngày kỷ niệm, lễ giỗ các vị vua và các danh nhân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thường trực HĐHL Việt Nam, HĐHL các địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm ủng hộ kinh phí xây dựng Đền Vua Lê ở Hạ Long, Đền thờ Lê Thánh Tông tại Quảng Ngãi và các di tích của họ Lê ở các địa phương.
- Tăng cường hoạt động kết nối, tìm hiểu phả tộc và lịch sử dòng họ. Ban Phả tộc và Lịch sử dòng họ tiệp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị tiến tới Hội thảo về Họ Lê thời Hùng Vương. Đề nghị Hội đồng họ Lê các địa phương thành lập tiểu ban phá tộc và lịch sử dòng họ và cử người tham gia Ban phả tộc và lịch sử dòng họ của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
- Quan tâm các hoạt động thông tin, tuyên truyền về quy ước, quy chế hoạt động của họ Lê các cấp để đông đảo bà con họ Lê hiểu rõ hơn về HĐHLViệt Nam, chống lại sự xuyên tạc, chia rẽ của Tổng hội họ Lê. Hội đồng họ Lê các địa phương tăng cường tuyên truyền, giải thích, vận động bà con họ Lê chung tay góp sức xây dựng dòng họ vững mạnh.
Công tác truyền thông cần bám sát tình hình hoạt động của HĐHL Việt Nam và Hội đồng họ Lê các địa phương. Tuyên truyền giới thiệu những kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong hoạt động dòng họ ở các địa phương và cơ sở. Tăng cường các hình thức truyền thông giáo dục truyền thống dòng họ. Chuẩn bị tư liệu để in một số sách về lịch sử và truyền thống dòng họ Lê.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức dòng họ ở cả ba cấp: tỉnh, huyện và cơ sở. HĐHL các tỉnh Đăk Lăk, Bắc Giang, Ninh Bình, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh cần làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ cấp tỉnh, thành phố theo kế hoạch. HĐHL Nghệ An chuẩn bị thật chu đáo cho Đại hội Đại biểu bất thường họ Lê tỉnh Nghệ An trong Quý I, năm 2025.
Các địa phương đã tổ chức Ban liên lạc hoặc Ban vận động thành lập Hội đồng họ Lê chuẩn bị các điều kiện để ra mắt HĐHl lâm thời và tổ chức đại hội đại biểu họ Lê. Quan tâm chỉ đạo các địa phương như Cao Bằng và Sóc Trăng chuẩn bị tốt các điều kiện để thành lập Hội đồng họ Lê.
- Hội đồng khuyến học họ Lê Việt Nam tăng cường chỉ đạo HĐHL các địa phương quan tâm làm tốt hơn nữa hoạt động khuyến học, khuyến tài ở cả 3 cấp nhất là ở cơ sở. Phát động quyên góp xây dựng Quỹ khuyến học họ Lê Việt Nam.
- Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện, trên tinh thần tương thân, tương ái, vì tình nghĩa đồng tộc, giúp đỡ bà con họ Lê có hoàn cảnh khó khăn.
- Tiếp tục củng cố, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của CLB doanh nhân ở các địa phương.
Hội nghị đã tập trung nhiều ý kiến thảo luận làm rõ những việc đã làm được cùng những kinh nghiệm thành công của các địa phương và những nguyên nhân còn tồn tại và những việc cần tập trung hoàn thành trong năm 2025.
Hội nghị Thường vụ HĐHLVN đã thống nhất tặng Bằng vinh danh cho 9 tập thể 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động việc họ năm 2024. Đó là: HĐHL các tỉnh: Thanh Hóa, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hải Dương; và Ban Phả tộc Họ Lê Việt Nam, CLB Doanh nhân Họ Lê tỉnh Thanh Hóa; Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm; AHLĐ Lê Văn Tam Chủ tịch danh dự HĐHL VN; Doanh nhân Lê Thị Loan; Tiến sĩ Lê Thị Bích Thắng.
Cũng trong hội nghị này Chủ tịch HĐHL VN Lê Phúc Nguyên thông báo quyết định bộ sung 3 nhân sự mới vào HĐHL VN đó là các ông: Lê Xuân Tưởng, Chủ tịch CLB DN Họ Lê Thanh Hóa; Lê Văn Dũng HĐHL TP Hà Nội; Lê Văn Dậu HĐHL TP Vũng Tàu.
Cũng trong dịp này thay mặt HĐHL VN, Chủ tịch Lê Phúc Nguyên gửi lời chúc bà con Họ Lê Việt Nam năm mới mạnh khỏe, gia đình an khang thịnh vượng, chung sức đồng lòng quyết tâm hoàn thành tốt việc họ năm 2025./.
LK-HS
[1] Thanh Hóa là địa phương trong năm, HĐHL các cấp tổ chức nhiều Lễ giỗ các vị Vua, các nhân vật tiêu biểu của họ Lê.
[2] Hoàn thành tu bổ Lăng Vua Lê Huyền Tông ở Thọ Xuân, Hoàn thành tu bổ Đền các Vua Lê ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên. .
[3] Nhà thợ Họ Lê Thừa Thiên-Huế ở Phú Vang. Nhà thờ họ Lê Quý ở Hải Dương, Nhà thờ Lê Văn Đại tôn ở Hà Tĩnh. ..Phú Thọ có 50 nhà thờ dòng họ Lê, trong đó có 01 nhà thờ là di tích cấp QG, 03 nhà thờ là di tích cấp tỉnh.
[4] TP Hà Nội có 10 HĐHL cấp huyện, 13 BVĐ cấp huyện. Hà Tĩnh có 12/13 HĐHL cấp huyện, 01 BVĐ, 228 HĐHL cấp xã. Hải Dương có 5 HĐHL cấp huyện. Quảng Trị có 6/9 HĐHL cấp huyện. Bắc Giang có 6 HĐHL cấp huyện, TP. Phú Thọ có 8/13 HĐHL cấp huyện, 5/13 HĐHL lâm thời, có 82 xã có HĐHL với 18.500 hội viên. Thanh hóa có 49 HĐHL cấp xã.
[5] CLB doanh nhân Họ Lê Phú Thọ tăng nhà tình nghĩa trị giá 100 triệu đồng cho bà Lê Thị Chiến , p Dữu Lâu, Việt Trì. Gia đình Tiến sỹ Lê Xuân Thảo, Lê Bích Thắng tặng nhà tình nghĩa cho bà Lê Thị Loan (Hoằng Hóa) trị giá 80 triệu đồng. Tiến sỹ Lê Xuân Thảo, Lê Bích Thắng và doanh nhân Lê Thị Loan đã ủng hộ ông Lê Thanh Bình (Chủ tịch HĐHL Lâm Đồng) 40 triệu đồng.
[6] Hội CCB họ Lê Phú thọ tăng 136 suất quà – trị giá 100 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ chính sách họ Lê nhân dịp Tết Giáp Thìn. Họ Lê Hải Dương tặng 85 suất quà (mỗi suất 500000 đ) cho các gia đình họ Lê gặp khó khăn.
[7] HĐHL Hà Tĩnh vinh danh 64 cụ trên 100 tuổi. HĐHL Như Thanh tặng quà các cụ trên 90 tuổi nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn…
[8] HĐHL Phú Thọ vinh danh 42 cháu HS giỏi cấp QG. Quảng trị vinh danh 11 cháu đạt giải quốc gia. Hà Tĩnh vinh danh 14 cháu đạt giải QG. Hà Nội khen thưởng 14 cháu HS giỏi cấp thành phố.
[9] Phú Thọ xây dựng quỹ khuyến học cấp tỉnh 2,1 tỷ đồng, quỹ khuyến học cấp huyện 500 triệu, quỹ khuyến học cấp xã 1,2 tỷ đồng. 80% dòng họ đatụ tiêu chuẩn dòng họ học tập. Huyện Diễn Châu Nghệ An, 100% dòng họ có quỹ khuyến học, có 22/65 họ Lê được công nhận là dòng họ văn hóa (25%)