tin nóng

Đền Trương tướng quân, đại bản doanh của đội quân thánh Tam Giang trong trận Như Nguyệt

 HLVN – Theo Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư (ĐVSKBKTT), quyển III, xuất bản năm 1697trong mục Nhân Tông hoàng đế (nhà Lý), sự tích về bài thơ Nam quốc sơn hà được chép như sau: “Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người…”. Rồi “Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân (Hình 1) có tiếng đọc to rằng: Sông núi nước Nam, Nam Đế ở. Rõ ràng phân định tại sách trời. Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm? Cứ thửlàm xem, chuốc bại nhơ ?“ và “sau đó quả nhiên như thế”.

Đền Trương tướng quân, nơi phát ra bài thơ Nam quốc sơn lần thứ hai

Sử liệu chỉ ghi có như vậy thế nhưng người đời sau lại đoán rằng trong cuộc chiến chống quân Tống ở sông Như Nguyệt (một khúc sông Cầu), Lý Thường Kiệt đã sai người vào trong đền thờ Trương tướng quân đọc vang bài thơ Nam quốc sơn hà (NQSH) để khích lệ tinh thần quân sĩ Đại Việt. Đi xa hơn có người còn cho rằng Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ này. Từ đó người ta cứ đưa như thế vào giảng dạy nhiều năm trong các trường phổ thông làm cho GS Hà Văn Tấn [1] phải kêu lên “Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả”. Sử cũ chỉ cho biết các binh sĩ đang chiến đấu ở đó nghe thấy tiếng đọc bài thơ và trong những năm còn lại dưới vương triều Lý cũng không tìm thấy văn bản nào có bài thơ này.

Bài thơ chỉ có 4 câu với 28 chữ Hán, nhưng khi xuất hiện luôn được gắn liền với truyền thuyết về hai vị anh hùng chống giặc ngoại xâm ở giữa thế kỷ thứ VI tên là Trương Hống và Trương Hát. Đến nay có thể khẳng định NQSH không phải của Lý Thường Kiệt [2] và cũng không có tài liệu nào ghi việc ông cho người vào đền Trương tướng quân đọc bài thơ này. Tuy nhiên, một số sử liệu cũng hé lộ việc thái úy Lý Thường Kiệt có đến đền Xà [3], [4] (tức đền Trương tướng quân) để mượn quân của Thánh Tam Giang [5]. Từ những thông tin này chúng ta có thể xác định quân của Thánh Tam Giang từ đâu mà ra và ai đã đọc bài thơ NQSH ở đền Trương tướng quân vào cái đêm hôm đó.

Được biết đền Trương tướng quân là ngôi đền chính thờ Thánh Tam Giang nằm ở bên bờ sông Như Nguyệt (một khúc sông Cầu), gần cửa sông Cà Lồ (hay còn gọi là Vũ Bình Khẩu). Nơi này thuộc đất làng Xà (nay là Xà Đoài, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) nên nhân dân trong vùng quen gọi là đền Xà.

Tại khu vực này dưới thời vua Lý Nhân Tông, giữa hai bờ sông Như Nguyệt đã xảy ra một cuộc chiến khốc liệt giữa 6 vạn quân Đại Việt ở bờ Nam chống nhau với 10 vạn quân Đại Tống ở bờ Bắc [6]. Trong gần 2 tháng đầu quân hai bên lần lượt vượt sông tấn công sang nhau. Với lực lượng đông đảo và tinh nhuệ, ban đầu quân Tống từ bờ Bắc vượt sông 2 lần, nhưng bị chặn đánh quyết liệt, bị giết 1000 tên và phải rút lui. Sau đó đến lượt quân Đại Việt, Lý Thường Kiệt dùng 2 vạn thủy quân do hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy đổ bộ lên bờ Bắc tấn công vào gần 5 vạn quân do Quách Quỳ chỉ huy. Bị quân Tống chống trả quyết liệt, quân Đại Việt phải rút lui về bờ Nam, khi qua sông bị bắn đá theo nên thương vong nhiều, mất vài ngàn người, hai chủ tướng đều tử nạn. Trong lúc đội thủy quân hầu như không còn sức chiến đấu và so sánh lực lượng nghiêng về phía quân Tống thì Lý Thường Kiệt nhận được viện binh của Thánh Tam Giang.

Sự kiện này được ghi lại như sau [3]: “Đến thời Hậu Lý vua sai Lý Thường Kiệt đi đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt, đóng đại bản doanh ở đền thờ Cao Sơn trên núi đền Yên Phụ (nơi này cách đền Xà khoảng 4 km). Lý Thường Kiệt sắm lễ cầu đảo xin thần giúp kế đánh giặc. Đêm ấy ông nằm mộng gặp thần hiện lên bảo rằng: Tướng quân hãy đến đền Xà mượn quân của Thánh Tam Giang, còn ta không có lính tráng, nhưng cũng sẽ giúp Tướng quân. Nghe lời dặn của Cao Sơn, Lý Thường Kiệt sắm lễ tới đền Xà cầu xin Thánh Tam Giang. Tam Giang vui vẻ nhận lời và cho mượn quân chia làm hai đạo đi đánh quân Tống: đạo Cờ trắng đánh từ ngã ba Xà (cửa sông Cà Lồ) ngược lên tới Đu, Đuổm (Thái Nguyên), đạo quân Cờ xanh đánh từ ngã ba Xà xuôi xuống tận sông Lục Đầu. Thế rồi vào một đêm mưa to gió lớn được quân của Thánh Tam Giang ngầm giúp, Lý Thường Kiệt tổ chức đánh úp đồn quân Tống ở Mai Thượng (Hình 2). Từ trên không trung bỗng nghe văng vẳng người đọc vần thơ đanh thép… Quả nhiên trận ấy quân ta vừa đánh thì giặc đã tan”.

Kết quả là chỉ trong vòng một đêm, cả một khu doanh trại tập trung đến ba, bốn vạn quân Tống do phó tướng nổi tiếng của địch là Triệu Tiết chỉ huy trên cánh đồng làng Mai Thượng (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đối diện với đền Xà bị đánh tan, năm sáu phần mười bị giết chết tại trận [6]. Chiến thắng vang dội của trận tập kích chiến lược đã buộc nhà Tống nhanh chóng rút quân về nước và chấm dứt xâm lược nước ta.

Qua câu chuyện về giấc mộng của Lý Thường Kiệt trên núi đền Yên Phụ cho thấy người dân trong vùng đã phát hiện ra đội dân binh ở đền Xà. Thái úy Lý Thường Kiệt đã tự đến đền Xà mượn quân của Thánh Tam Giang và đi đến hợp nhất lực lượng trước trận đánh lịch sử. Sau cuộc hội ngộ ở đền Xà, Lý Thường Kiệt đã huy động thêm được một đội dân binh đông đảo và không kém phần tinh nhuệ. Với lực lượng bổ xung, ông đã tạo ra tình thế bất ngờ và quyết định cho đánh thẳng vào doanh trại địch bên kia sông, kết quả là đã tiêu diệt gọn đội quân Tống hàng vạn tên trong một đêm [6]. Từ câu chuyện về bài thơ thần đọc ở đền Trương tướng quân (tức đền Xà) đến đội quân của Thánh Tam Giang, đối chiếu với lịch sử cho thấy nội dung cơ bản của trận đánh là có thật. Vậy đội quân của Thánh Tam Giang từ đâu mà ra?

Sử liệu cho biết đền Trương tướng quân nằm trên chiến tuyến sông Như Nguyệt, nay vẫn còn và được xem là nơi phát ra bài thơ “Nam quốc sơn hà” lần thứ 2. Trải qua 1000 năm, ngôi đền luôn được nhân dân trong vùng, trong đó có một dòng họ đông đảo là hậu duệ của Hoàng đế Lê Trung Tông chăm nom và tôn tạo. Để làm rõ điều này, ta ngược lại dòng lịch sử và bắt gặp sự kiện của năm 1005. Năm đó Hoàng đế Lê Đại Hành bỗng đột ngột qua đời. Sự ra đi của ông dường như rất vội không kịp đem theo thứ gì riêng cho mình, ngay cả miếu hiệu cũng mượn tạm bằng hai chữ Đại Hành. Cái chết bất ngờ ấy như một tiếng sét đánh xuống triều đình nhà Tiền Lê.

Theo di chiếu của nhà vua, triều thần tôn Thái tử Long Việt lên ngôi báu lấy hiệu là Trung Tông. Nhà vua lúc đó mới 22 tuổi, tình hình trở nên rối ren, vua lên ngôi được 3 ngày thì bị giết. Khi Trung Tông chết ”Bầy tôi đều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc” [7].

Theo sử liệu thì Lê Long Đĩnh là người cướp được ngôi vua và phải đi đánh dẹp các nơi. Vợ và con Trung Tông nhân cơ hội đó đã theo đường hành quân đánh Tống năm xưa của Hoàng đế Lê Đại Hành ngược lên phía Bắc, chạy trốn về Vũ Bình Khẩu (cửa sông Cà Lồ), nơi có thành Bình Lỗ [8]. Khi đó nơi này vẫn thuộc quyền quản lý của hoàng tử thứ 7 tên là Lê Long Tung [9]. Từ đó họ định cư ở đây và dần dần phát triển thành một dòng họ lớn.

Tại Xà Đông (nay là thôn Phương La Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) còn lưu giữ tộc phả của 6 chi thuộc hậu duệ Hoàng đế Lê Trung Tông. Trong đó cụ tổ xa xưa của dòng họ này để lại 3 câu chữ Hán, dịch ra như sau: “Tránh cái hiểm họa Long Đĩnh. Chuyển gia quyến về cửa sông Cà Lồ. Giấu tung tích mà lập nghiệp” [10].

Vậy là từ năm 1005 đã có một nhánh của hậu duệ Hoàng đế Lê Trung Tông, giấu họ đổi tên, trốn chạy về vùng sông nước và rừng rậm xung quanh khu vực đền Trương tướng quân. Cùng đi với gia quyến của vợ con Trung Tông còn có các trung thần của nhà Tiền Lê, họ là những thiền sư tài giỏi, các tướng lĩnh, binh lính dũng cảm và cả những gia quyến của các hoàng tử không chịu thần phục nhà Lý.

Với mục đích ban đầu là để tự bảo vệ mình và xa hơn là chờ thời cơ thuận lợi khôi phục lại sự nghiệp nhà Tiền Lê, hậu duệ Hoàng đế Lê Trung Tông đã tập hợp được một lực lượng đáng kê, bí mật hoạt động suốt dọc sông Cà Lồ và Như Nguyệt. Trong thời gian 72 năm (1005 – 1077), đội quân này đã phát triển đến mức không thể giấu kín được nữa. Qua câu chuyện về giấc mộng của Lý Thường Kiệt trên núi đền Yên Phụ cho thấy người dân trong vùng đã phát hiện ra. Theo dã sử thì chính Lý Thường Kiệt đã tự đến đền Xà (đền Trương tướng quân), cũng là đại bản doanh của hậu duệ nhà Tiền Lê, để mượn quân.

đồ Trận Như Nguyệt năm 1077

Qua câu chuyện về bài thơ thần được đọc ở đền Trương tướng quân và đội quân của Thánh Tam Giang, đối chiếu với lịch sử và dấu tích ở hiện trường cho thấy nội dung cơ bản của trận đánh trên cánh đồng làng Mai Thượng là có thật. Đội quân của Thánh Tam Giang khi xông lên giết địch đã đọc bài thơ NQSH vang vọng cả bầu trời đêm khuya.

Theo sử liệu, sau chính biến năm 1005 ở Hoa Lư, ngoài Lê Long Đĩnh ra vẫn còn 7 hoàng tử nhà Tiền Lê sống sót. Nhà sử học Trần Bá Chí cho biết phải đến cuối thời Lý đầu thời nhà Trần mới bắt gặp Lê Khâm (một hậu duệ nhà Tiền Lê). Sở dĩ như vậy vì hậu duệ nhà Tiền Lê đã dấu họ đổi tên. Đến khi nhà Lý dời đô về Thăng Long (1010) thì Lê Long Tung, Hoàng tử thứ 7 của nhà Tiền Lê, dù đang trấn trị vùng Cổ Loa cũng bí mật đưa quân chạy vào vùng Diễn Châu (Nghệ An) [9].

Khi chiến tranh Tống – Việt lần 2 nổ ra (1075 -1077), cùng với nhân dân cả nước các đội dân binh của hậu duệ nhà Tiền Lê từ các nơi cũng kéo về vùng cửa sông Cà Lồ. Nhờ đó mà hậu duệ hoàng đế Lê Trung Tông lập được một đội dân binh đông đảo và lấy chính đền Xà làm đại bản doanh. Đội dân binh này mượn danh của Thánh Tam Giang, vì thế mà Lý Thường Kiệt đã đến đây mượn quân. Sự thật này cho thấy bài thơ NQSH xuất hiện từ thời Lê Đại Hành (năm 981) đã được hậu duệ nhà Tiền Lê ở vùng cửa sông Cà Lồ lưu giữ. Bài thơ đã bền bỉ sống trong lòng nhân dân, được nhân dân lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Đến nay bài thơ đã để lại dấu tích ở 372 ngôi đền miếu khác nhau dọc hai con sông Cầu và sông Thương [11].

Từ đó có thể đi đến nhận định chính hậu duệ của Hoàng đế Lê Trung Tông (Tiền Lê) ở vùng cửa sông Cà Lồ đã lưu giữ bài thơ NQSH và 96 năm sau (981 – 1077) họ lại sử dụng bài thơ này để đọc lên ở đền Trương tướng quân./.

                                                LÊ ĐẮC CHỈNH

Tham khảo:

Văn Tấn: Lịch sử, sự thật và sử học. Báo Tổ Quốc số 401, tháng 1/1988 hoặc http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/700–LICH-SU-SU-THAT-VA-SU-HOC

Phạm Văn Tuấn: “Nam quốc sơn hà” có 35 dị bản, không phải của Lý Thường Kiệt. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nam-quoc-son-ha-co-35-di-ban-khong-phai-cua-ly-thuong-kiet-272255.html

Nguyễn Đình Hưng-VanhoaOnline. Ngày 7/2/2010: Phát hiện văn bản bài thơ “Nam quốc sơn hà”. http://tuyengiao.vn/van-hoa/tin-hoat- dong/phat-hien-van-ban-bai-tho-nam-quoc-son-ha-17392

Mai Hồng. Thông báo Hán Nôm 2001. Yên Phụ xã Linh thần sự tích (Các vị thần làng thờ ở Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh). http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=176&Catid=255

Thánh Tam Giang. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1nh_Tam_Giang

Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, …: Chiến thắng Như Nguyệt, mùa xuân 1077. Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. 11/2010.

http://vietnamdefence.com/Home/quansuvietnam/chiendich/Chien-thang-Nhu-Nguyet-mua-xuan-nam-1077/201011/49908.vnd

Trung Tông (Tiền Lê). Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Bình Lỗ. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Long Tung. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Họ Lê Lục Chi: Gia phả họ Lê Đắc và nhà trưởng họ Lê Đắc Ảnh. Bản dịch 1990.

Nguyễn Thị Oanh. Về thời điểm ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà.

http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-vi%E1%BB%87t-nam/5614-v-thi-im-ra-i-ca-bai-nam-quc-sn- ha.html

Các tin liên quan