DÒNG TỘC LÊ ĐỘT PHONG MỸ
Phả ký tộc Lê Hoàn, Lê Lợi là hậu duệ của Lê Đột
Lê Đình Đức
I. Cụ Tổ Lê Đột khai phá ở thôn Phong Mỹ
1- Vài nét về thôn Phong Mỹ
Thôn phong Mỹ (còn có tên là Kẻ Mía, Thuần Mỹ) thuộc xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Làng Phong Mỹ nằm ven sông Cầu Chày (còn có tên là Chùy Giang) mở rộng ra tận sông Chu (còn có tên là Lường Giang). Làng Phong Mỹ trước khi cụ Lê Đột đến khai phá còn là bìa rừng (từ Phúc địa theo sông Cầu Chày kéo dài cho đến Mả lớn). Kẻ Mía là một làng rất cổ: Ven sông Cầu Chày còn tìm thấy các mảnh gốm thời đồ đồng, trong làng đào được trống đồng Đông Sơn. Ngoài ra làng còn có ngôi mộ cổ người Hán hoặc quý tộc Việt cổ có phong cách sống như người Hán (1). Sông Cầu Chày được các nhà phong thủy (người Trung Quốc) cho là Tổ long. Tồn tại câu sấm ký: “ Chùy Giang nhất khúc, nhất công hầu”. Làng Phong Mỹ có dòng họ Lê Đột mà hậu duệ có đến hai dòng vua: Là dòng vua Lê Hoàn (Tiền Lê) và dòng vua Lê Lợi (Hậu Lê). Làng có các điền chủ rất giàu như Hào Trung, Hào Lăng, giàu đến mức là “phú gia địch quốc”. Ở nhà thờ cụ Lê Đột có vế câu đối nói về làng Phong Mỹ: “ Hữu nhân tự cổ cư thành trụ Trích ngưỡng kim cương trạch sở lưu.” ( Ý nói: vùng đất này từ xưa đã có người ở. Tích tụ từ đây nền văn hóa quý) (1).
2- Tổ tiên dòng họ Lê Đột
Tổ tiên dòng họ Lê Đột có 3 giả thuyết:
a- Tổ tiên dòng họ từ ngoài Bắc di cư vào Thọ Xuân, Thanh Hóa. Theo tài liệu (4): Từ thời Hai Bà Trưng có tướng quân Lê Hiệp (Căn kỷ Công chúa) thuộc tổ tiên dòng họ Lê Đột ( có đền thờ ở thôn Thượng Mạo -Phú Lương – Thanh Oai- Hà Đông cũ).
b- Tổ tiên dòng họ Lê Đột xa xưa định cư ở Hoàng Hóa, Đông Sơn, Thanh Hóa di cư dần về phía tây Thanh Hóa theo sông Chu, sông Cầu chày. Trước thời Ngô Quyền ở Đông Sơn đã có dòng họ Lê Sương (dân bản địa) và họ Lê Ngọc di cư từ Trung Quốc đến (đời Tùy) (7).
c- Tổ tiên dòng họ Lê Đột là dân bản địa thuộc dòng Việt cổ có quan hệ khá gần gũi với người Mường bản địa (cụ Lê Luyến có hai người con được phong tước hiệu là Đạo Lương, Đạo Lường theo tước hiệu Lang đạo thuộc xứ Mường Phúc địa cổ).
Cụ tổ Lê Đột định cư ở thôn Phong Mỹ vào khoảng thế kỷ thứ 9. Ông là người đầu tiên khai phá, lập làng, sắc phong thời Hậu Lê có câu: “…Lê Quan Sát quản cư thử ấp Thuần Mỹ thôn” (1)
3- Các di tích liên quan đến dòng họ Lê Đột (ở làng Phong Mỹ và Trung Lập)
3.1- Nhà thờ họ Lê Đột
Nhà thờ họ Lê Đột xây dựng tại xóm Đình (xóm giữa) của thôn Phong Mỹ. Nhà thờ gồm một nhà cổ 5 gian và một khuôn viên nhỏ, tổng diện tích khoảng 250m2. Hằng năm, vào ngày 16 tháng giêng con cháu trong họ Lê Đột tập trung về nhà thờ họ để làm giỗ tổ. Vào những ngày tuần tiết lớn, nhân dân Trung Lập (thờ nhà vua Lê Hoàn) đều có tục đi chạ, kính viếng đến nhà thờ họ Lê (và ngược lại: Con cháu họ Lê ở Phong Mỹ cũng đi chạ kính viếng đến nhà thờ vua Lê Hoàn). Sau Cách mạng Tháng 8 nhà thờ họ Lê đã hủy bỏ. Năm 2004 con cháu họ Lê đã đóng góp công sức tiền của, xây nhà thờ mới, đặt ở khu Mả lớn. * Nhà thờ họ Lê thờ cụ tổ Lê Đột và các hậu duệ
Về hậu duệ, có hai tài liệu ghi chép khác nhau:
a- Theo tài liệu viết về di tích Mả lớn (3): Cụ Lê Đột sinh nhất nam Lê Luyến. Lê Luyến sinh ba con trai là Đạo Lương, Đạo Lường và Nhân Đức.
b- Theo tài liệu của Lê Túc (hậu duệ dòng Lê Lợi) (4): Cụ Lê Đột sinh Lê Lộ. Lê Lộ sinh hai con trai là Lê Thái Vương (sinh Lê Hoàn) và Lê Luyến ( Lê Quan Sát). Lê Luyến sinh ba con trai: Lê Đại Lương (Đạo Lương), Lê Đức (tự là Nhân Đức) phát triển thành dòng họ Lê ở Phong Mỹ và Lê Nhân Lương (Đạo Lường) phát triển thành dòng Hậu Lê. Tài liệu phả hệ Lê Đại Tộc (Kinh Triệu Quận) cũng ghi: Lê Đột – Lê Lộ – Lê Thái Công – Lê Hoàn…(6). Tài liệu của Lê Túc phù hợp với thực tế hơn vì các lý do sau: Ngoài tài liệu của Lê Túc, các tài liệu khác viết về xuất thân của vua Lê Hoàn đều “không rõ ràng”. Theo tài liệu của Lê Túc: Vua Lê Hoàn là con ông bác Lê Thái Vương mất sớm được ông chú Lê Luyến nhận làm con nuôi (sự kiện này phù hợp với gia phả của chi Lê Văn) Theo tài liệu di tích Mả lớn: Lê Quan Sát không phải là Lê Đột (như nhiều tài liệu lịch sử vẫn thường ghi) mà Lê Quan Sát là Lê Luyến như tài liệu của Lê Túc. Tài liệu của Lê Túc đã ghi rõ họ tên ba con trai của Lê Luyến và cả tước hiệu rất phù hợp với tài liệu (3).
3.2- Di tích Mả lớn (Mả tổ)
Khu mả tổ nằm ở phía Bắc thôn Phong Mỹ (giáp danh với thôn Xuân Phổ nội cũ) khu Mả tổ có diện tích khoảng 15 mẫu (3). Trước Cách mạng tháng 8 nó là khu di tích với “khu rừng” rậm rạp có nhiều cây cao bóng cả có đến ngàn năm tuổi, được nhân dân thôn Phong Mỹ và con cháu họ Lê bảo quản. (Mả lớn có những cây cổ thụ đường kính tới vài mét như cây đa Mả lớn được xếp hàng về chiều cao trong vùng: “Thứ nhất cây cáo Yên Trung, thứ nhì cây sung Yên Trường, thứ ba cây đa Mả lớn”. Mả lớn rậm rạp tới mức có lần hùm từ rừng Phúc địa “mò” về. Trong dân gian có câu: “Ầm ầm như hầm-hùm-về Mả lớn”.) Lúc đầu nhà vua Lê Hoàn định chọn làm phủ miếu, nhưng có khiếm khuyết (theo thuyết phong thủy) nên Phủ miếu được chuyển về Trung lập. Mả lớn được để lại làm sinh phần cho cụ Lê Đột và con cháu (3). Ông bà cụ Lê Đột đồng táng tại Mả lớn (tọa Cấn hướng Khôn). Con cụ Lê Đột là Lê Luyến sinh tam nam: Đạo Lương, Đạo Lường, Nhân Đức cùng chung lập phần mộ tại Mả Tổ (3). Năm 1991 Nhà nước đã cho tôn tạo lại lăng mộ cụ tổ Lê Đột. Năm 2000 Nhà nước cấp tiếp kinh phí hoàn chỉnh tu bổ lại khu lăng mộ. Năm 1991 lăng mộ cụ Lê Đột được công nhận là di tích lịch sử.
3.3- Đền thờ vua Lê Hoàn
Đền thờ lập tại thôn Trung Lập xã Xuân Lập, (cách thôn Phong Mỹ độ 3 km). Đền có diện tích 7 mẫu 5 sào. Đền có hai bia (dựng thời Hồng Đức năm 1484, và dựng thời Vĩnh Tộ – 1624). Trong đền thờ có nhiều đồ thờ quý bằng bạc, bằng đồng, bằng đất nung. Đặc biệt có chiếc đĩa bằng đá ngọc thạch trắng do vua Tống tặng, trong lòng đĩa có khắc chữ: “Giang nam nhất phiến tuyết Trác khí vạn niên trân” Đó là chứng tích ghi lại mối bang giao rất khôn khéo của nhà vua Lê Hoàn (2). Đền đã được nhà nước trùng tu lại và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
- Quá trình phát triển dòng họ Lê Đột
1- Nhánh Lê Luyến ở Phong Mỹ
Thủa ban đầu dòng họ Lê Đột có hai đến ba chi, quây quần bên nhau ở khu Ngõ Thượng, thôn Phong Mỹ (đó là gò đất cao nhất làng có độ cao so với mặt biển là 10m, không bị ngập lụt do sông Cầu Chày gây ra hằng năm). Sau này dòng họ phát triển thành năm chi ở thôn Phong Mỹ, gồm các chi: Lê Hữu, Lê Bá, Lê Đình, Lê Văn, Lê Viết và một chi “họ Đồng chiêm” ở Đồng Văn (Đông Sơn Thanh Hóa). Con cháu 5 chi ở Phong Mỹ di chuyển dần từ đất đầu làng đến khu đất giữa làng và cuối làng. Con cháu dòng họ Lê Đột ở cố định làm ruộng tại thôn Phong Mỹ. Chỉ có một số ít rời khỏi làng đi nơi khác (như chi Lê Viết có người lập nghiệp ở Đông Sơn, Thanh Hóa, chi Lê Đình có người đi lập nghiệp ở Hà Nội). Chi Lê Đình, Lê Bá thường có nhiều con cháu học hành đỗ đạt cao, một số người làm quan thời Trần, thời hậu Lê. Chi Lê Hữu, Lê Văn, Lê Viết thường có con cháu tham gia các chức sắc địa phương.
2- Nhánh Lê Hoàn
Nhánh này lập nên nhà Tiền Lê kéo dài 29 năm (980-1009). Nhà vua Lê Hoàn có 11 hoàng tử và một con nuôi đều được phong vương trấn trị ở Phù Đái (Hải Phòng), Phong Châu (Phú Thọ), Phù Lan – Đằng Châu – Mạc Liên (Hưng Yên), Ngũ huyện gia – Cổ Lãm (Bắc Ninh), Đỗ Động (Hà Tây cũ), Vũ Lũng (Thanh Hóa), Diễn Châu (Nghệ An). Do tranh dành quyền lực nội bộ, để tránh bị hại, nhiều hoàng tử và gia đình bỏ trốn chạy không để lại dấu vết. Hiện nay chỉ mới sâu chuỗi được Lê Tần (xuất hiện đời nhà Trần) và nhánh Lê Long Việt gồm các chi: Lê Bá Anh, Lê Danh. Lê Bá Em, Lê Đắc (và 2 chi thất truyền) cư ngụ tại thôn Phương La Đông (Xá Đông) xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh (5).
3- Nhánh Lê Lợi
Nhánh này lập nên nhà Hậu Lê kéo dài 356 năm (từ 1428 đến 1788). Từ 3 chi ở Lam Sơn (Thọ Xuân Thanh Hóa). Cuối thời Hậu Lê phát triển liên tiếp 30 đời (143 gia đình) phân bổ từ ngoài Bắc vào đến miền Trung (Quảng Nam) (6). Ngày nay (thế kỷ 20 và 21) con cháu hậu duệ nhà Lê Đột định cư trên nhiều tỉnh kéo dài từ ngoài Bắc đến trong Nam. Nhiều con cháu họ Lê Đột đã trở thành các nhà văn, nhà khoa học, quân sự , chính trị nổi tiếng, các chủ doanh nhân thành đạt (I).
- Quan hệ phả hệ giữa cụ Tổ Lê Đột với nhà vua Lê Hoàn và Lê Lợi.
- Quan hệ phả hệ giữa cụ Tổ Lê Đột và nhà vua Lê Hoàn:
Quê hương nhà vua Lê Hoàn, sử sách và truyền thuyết có nhiều bất đồng: Đại Việt sử ký toàn thư ghi quê ở Ái Châu (nhưng không ghi cụ thể làng xã), Việt sử lược thì ghi ở Trường Châu-Ninh Bình, Đại Việt sử ký thì ghi ở Bảo Thái-Hà Nam (7). Năm 1981, nhân kỷ niệm 1000 năm thắng quân Tống xâm lược của nhà vua Lê Hoàn, nhà nước đã tổ chức hai hội nghị khoa học (tại Thanh Hóa và Hà Nội). Tại Hội nghị đã có những dữ liệu cơ sở xác định: Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) tại làng Trung Lập huyện Thụy Nguyên, Phủ Thiệu Thiên (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân). Cha của Lê Hoàn là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị (2). Đến nay một số nhà viết sử thường ghi: Lê Hoàn là người Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa, quê gốc ở Thanh Liêm-Hà Nam, cha mẹ chết sớm được viên quan sát họ Lê nuôi (7).
Xuất thân của nhà vua Lê Hoàn có đến 4 tư liệu khác nhau:
a- Theo truyền thuyết: Mẹ vua Lê Hoàn một đêm nằm ngủ thấy thần nhân tặng một bông hoa sen, từ đó bà có thai (đền thờ nhà vua ở Trung Lập có câu đối “Liên hoa kết thực vương đồ triệu” là dựa vào truyền thuyết nêu trên) (2).
b- Vua Lê Hoàn là con của bà Đặng Thị, bố là Lê Mịch (chữ Mịch gồm 2 chữ bất, kiến ghép thành, có nghĩa là không nhìn thấy được) (2).
c- Gia phả chi Lê Văn ghi Lê Hoàn con ông anh, mất sớm (không ghi họ tên) được ông chú (Lê Quan Sát) nhận làm con nuôi. Gia phả Lê Đình thì ghi: Cha mẹ vua lúc sinh thời rất nghèo (tối bần cùng), sau được họ Lê Đột nhận làm con nuôi.
d- Ông Lê Túc (hậu duệ vua Lê Lợi) cư trú tại Hà Nội, nhân dịp đến thăm viếng đền vua Lê (ở Trung Lập) và khu lăng mộ của cụ Lê Đột (ở Phong Mỹ) đã biếu họ Lê Đột một tài liệu ghi khá chi tiết quan hệ phả hệ từ Lê Đột đến Lê Hoàn. Quan hệ phả hệ như sau: Lê Đột (có vợ là Từ Tôn phu nhân) sinh ra Lê Lộ (ngày giỗ là mùng 10/11) có vợ là Nguyễn Thị Huyền (ngày giỗ 15/11, mộ táng ở Ninh Thái – Thanh Liêm – Hà Nam). Lê Lộ sinh ra hai con trai: Con trưởng là Lê Thái Vương có vợ là Đặng Thị Tôn sinh ra Lê Hoàn. Con thứ là Lê Luyến. Lê Hoàn 6 tuổi được ông chú là Lê Luyến (Lê Quan Sát) nhận làm con nuôi.
Tài liệu phả hệ Lê đại tộc – Kinh Triệu Quận cũng có nét tương tự, từ Lê Đột đến Lê Hoàn (đã trình bày ở phần trên). Tài liệu của Lê Túc rất trùng hợp với gia phả của chi Lê Văn, Lê Đình và di tích về Mả lớn (3) Các tài liệu trên đã khẳng định vua Lê Hoàn là hậu duệ của dòng họ Lê Đột (chứ không phải là con nuôi của dòng họ Lê Đột).
Các tài liệu trước đây của họ Lê (thực ra đã được tu chỉnh lại ở đời sau) không ghi rõ Lê Hoàn là hậu duệ của dòng Lê Đột, có lẽ vì nhà vua muốn vậy (theo truyền thuyết). Phần nữa họ Lê Đột sợ gây phiền nhiễu ở thời Lý và đặc biệt sợ các sự cố chính trị ở đời sau làm nguy hại đến con cháu(II).
Vua Lê Hoàn có 11 người con trai và 1 người con nuôi đều được phong vương. Hậu duệ của nhà vua Lê Hoàn suốt 200 năm dưới triều Lý không thấy có sử liệu ghi chép. Mãi đến thời nhà Trần mới thấy một số tư liệu nói đến hậu duệ của dòng họ Lê Đột: Ông Lê Khâm dòng dõi Lê Hoàn có con là Lê Tần, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, được vua Trần Thái Tông đổi tên thành Lê phụ Trần. Lê Tần có con là Lê Trọng (sau được đổi tên thành Trần Bình Trọng). Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, ông chiến đấu rất anh dũng bảo về đường rút quân của quân ta, quân ít, ông bị địch bắt. Địch dụ hàng, ông đã mắng quân địch với câu nói nổi tiếng: “Thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Con trai của Lê Trọng là Trần Bình Nguyên có con gái sau này là hoàng hậu của vua Trần Anh Tông sinh ra vua Trần Minh Tông.
Gần đây ông Lê Đắc Chỉnh (hậu duệ dòng Lê Long Việt) cung cấp tư liệu: Lê Long Việt làm vua 3 ngày thì bị giết, vợ con trốn chạy về Bắc Ninh (tại đây lập nên 6 chi, như phần trên đã viết). Năm 1077 con cháu hậu duệ Lê Long Việt ở Xá Đông đã phối hợp với Lý Thường Kiệt tạo nên chiến thắng bến Như Nguyệt (5)
2- Quan hệ phả hệ giữa cụ Tổ Lê Đột và nhà vua Lê Lợi
Hiện nay đã sưu tầm được hai tài liệu liên quan về phả hệ Lê Đột-Lê Lợi.
a, Tài liệu của Lê Túc
Theo tài liệu của Lê Túc: Vua Lê Lợi thuộc dòng Lê Đột, quan hệ đó như sau (4): Lê Đột sinh Lê Lộ, Lê Lộ sinh 2 con là là Lê Thái Vương và Lê Luyến. Lê Luyến sinh 3 con trong đó có con út là Lê Nhân Lương (Đạo Lường – ngày giỗ là ngày 2 tháng 4), sau này phát triển thành nhà Hậu Lê. (Sau 200 năm từ Lê Nhân Lương đến Lê Duy Đào, Lê Túc chưa chắp nối được). Lê Nhân Lương tiếp nối đến Lê Duy Đào (phò mã vua Trần) có vợ là Tiên Đào công chúa (ngày giỗ 5 tháng 8, mộ táng tại Đình Xá, Lý Nhân, Hà Nam). Lê Duy Đào sinh được Lê Thọ Vực (ngày giỗ 16 tháng 1) có vợ là Nguyễn Thị Nhung Nương (ngày giỗ 22 tháng 11, mộ táng tại Hào Lương, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Lê Thọ Vực sinh Lê Hối (ngày giỗ 12 tháng 1) có vợ là Nguyễn Thị Ngọc Duyên (ngày giỗ 12 tháng 1, mộ táng tại Động Chiêu Nghi xã Thủy Chú, Lôi Dương, Thọ Xuân). Lê Hối sinh 2 con trai là Lê Tòng (không có con trai) và Lê Đinh (ngày giỗ 28 tháng 10). Lê Đinh có vợ là Nguyến Thị Ngọc Quách (ngày giỗ 22 tháng 6, mộ táng tại Thủy Chi, Lôi Viên). Lê Đinh sinh Lê Khoáng (ngày giỗ 16 tháng 2) có vợ là Trịnh Thị Ngọc Thương (ngày giỗ 17 tháng 10, mộ táng tại Ngọc Lạc, Thanh Hóa) Lê Khoáng sinh 3 con: Lê Học, Lê Trừ, Lê Lợi (con út) lập nên nhà Hậu Lê sau này.
b, Tài liệu Lê Hoàng ngọc phả (Gia phả Lê Đại Tộc-Kinh Triệu Quận).
Theo tài liệu này: Lê Đột sinh Lê Lộ. Lê Lộ sinh Lê Thái Công (có vợ là Đặng Thị Sen) sinh ra nhà vua Lê Hoàn. Lê hoàn sinh ra 11 người con. Người con thứ 4 là Lê Long Đinh sinh ra con là Lê Thuận Tông (Phò mã đô úy trung tư lệnh -Thời Lý). Lê Thuận Tông sinh Lê Đạt, tiếp đó là Lê Kiếm (Trung thư đô ngự sử – thời Lý) – Lê Quý Công 1-Lê Quý Công 2-Lê Quý Công 3-Lê Thứ (Môi) vợ là Đinh Thị, tiếp là Lê Hối 1-Lê Hối 2 có vợ là Nguyễn Thị Ngọc Lộc (Duyên) – Lê Đinh (Thinh) có vợ là Nguyễn Thị Lan. Lê Đinh sinh 2 con là Lê Tòng và Lê Khoáng. Lê Khoáng sinh ba con là Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi lập nên nhà Hậu Lê (III).
c- Một vài ý kiến về 2 phả hệ trên Cả hai tài liệu trên đếu thừa nhận nhánh Lê Hoàn (Tiền Lê) và Lê Lợi (Hậu Lê) đều có chung cụ tổ là Lê Đột. Tuy nhiên đường dẫn truyền từ Lê Hối (cụ Tổ 3 đời của Lê Lợi) đến Lê Đột rất khác nhau: Hoàng Lê ngọc phả: dẫn truyền từ Lê Hối sang nhánh Lê Hoàn thông qua con Lê Long Đinh là Lê Tông Thuận (gần đúng theo sử liệu: Lê Long Đinh con thứ ba của Lê Hoàn trấn trị ở đất Phong Châu.
Sử thời Lý ghi: Lê Thuận Tông quê ở Phong Châu, năm 1036 lấy công chúa Kim Thành – nhà Lý). Phả hệ của Lê Túc từ thời Lê Hối dẫn đến Lê Đột thông qua Lê Nhân Lương là con út Lê Luyến (Lê Quan Sát). Cả hai tài liệu trên hầu như để trống đường dẫn truyền (ở thời Lý) từ Lê Hối đến cụ Tổ Lê Đột, Hoàng Lê ngọc phả lấp khoảng trống này bằng cách lập lại 3 đời đều có tên là Lê Quý Công. Tài liệu của Lê Túc ghi Lê Hối dẫn đến là Lê Thọ Vực rồi đến Lê Duy Đào, sau đó để khoảng trống đường dẫn lên đến Lê Nhân Lương. (Tài liệu này hình như có nhầm lẫn: Lê Thọ Vực và họ Lê Duy phải xuất hiện muộn hơn ở nhánh Lê Trừ – anh Lê Lợi).
Cụ Tổ Lê Đột thuộc dòng Việt cổ bản địa (khá gần với dòng người Mường bản địa). Thời đó Phong Mỹ (nơi sinh ra cụ Lê Đột) và Lam Sơn (nơi sinh ra Lê Hối) đều nằm trong địa phận Phúc địa (huyện Thụy Nguyên) thuộc quyền quản trị của người Mường (vùng này đều có họ Lê ở cả người Mường và người Việt) Lê Luyến có 3 con, trong đó có hai con Lê Đại Lương và Lê Nhân Lương đều được phong đạo là Đạo Lương và Đạo Lường, Lê Lợi được phong là Đạo Cham. Vì vậy Đạo Lường và Đạo Cham có thể cùng một gốc (là họ Lê Đột). IV.
Lời kết: Dòng tộc Lê Đột là một dòng họ lớn của nước ta. Dòng họ đã có mặt rất sớm trên đất nước Đại Việt (cách ngày nay trên ngàn năm). Dòng họ đã sinh ra nhà vua Lê Hoàn lập nên triều Tiền Lê và nhà vua Lê Lợi lập nên triều Hậu Lê. Đó là các triều đại nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Qua các thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc và sau cách mạng tháng 8, con cháu dòng họ Lê Đột đã không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ vào việc giữ nước, xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với truyền thống vinh quang của dòng tộc.
Chú thích:
I). Có thể tham khảo bài viết : Người họ Lê trong sự nghiệp xây dựng ngàn năm văn hiến Thăng long (Giáo sư Vũ Ngọc Khánh).
Lê tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh (PGS Lê Mậu Hân). – Đăng ở tài liệu: Kỷ yếu hội thảo khoa học Lê tộc Việt Nam với 1000 năm Thăng Long- Hà Nội ( Hà Nội 7/2010).
(II). Có thể kể đến các sự cố : Đại thần nhà Trần bị hại do mưu sát Hồ Quí Ly, vụ đốt phá Lam Kinh, Vụ Lê Duy Lương (Đại Lê hoàng tôn) chống lại triều đình Nguyễn…
(III). Có thêm tài liệu: ông Lê Văn Nguyện (Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam) cho biết ông có cuốn sách Lê tộc sinh hạ. Lê tộc sinh hạ do Đức Lê Lợi cùng anh là Lê Trừ và các cháu: Lê Khôi, Lê Sao, Lê Khang, Lê Tư Tề, Lê Nguyên Long, Lê Thánh Tông cùng biên soạn. Trong cuốn này có nói đến sự tiếp nối từ Lê Hoàn truyền nhiều đời đến Lê Lợi. PHẢ HỆ DÒNG LÊ ĐỘT (các liên hệ chủ yếu) Lê Đột, Lê Lộ, Lê Thái Vương, Lê Luyến (Lê Thái Công) (Lê Quan Sát) Tiền Lê, Lê Hoàn, Lê Đại Lương, Lê Đức, Lê Nhân Lương (11 hoàng tử) (Đạo Lương), (Nhân Đức), (Đạo Lường), Nhà Lý, Nhà Trần: Lê Khâm, Lê Tần (Lê Phụ Trần), Lê Trọng (Trần Bình Trọng) Trần Bình Nguyên, Lê Hối, Lê Đinh, Lê Tòng, Lê Khoáng. Hậu Lê: Lê Học, Lê Trừ, Lê Lợi (Đạo Cham) (30 đời, 143 gia đình) Sau CMT8 Nhánh Lê Long Việt, Lê Bá Anh, Lê Danh, Lê Bá Em, Lê Đắc ( 2 chi khác); (các chi) Lê Hữu, Lê Bá, Lê Đình, Lê Văn, Lê Viết, Lê Viết ((Họ Đồng chiêm) Ghi chú Trực hệ Qua nhiều hệ Còn tiếp – tục phát triển Phả hệ (từ Lê Hoàn, Lê Lợi đến Lê Đột) dựa theo các tài liệu: Một phần tư liệu của Lê Túc. PHẢ HỆ DÒNG – Gia phả Lê đại tộc – Kinh Triệu quận LÊ ĐỘT (các liên hệ chủ yếu) LÊ ĐỘT Tiền Lê, Lê Luyến Lê Hoàn (Lê Quan Sát) (11 hoàng tử), Lê Đại Lương, Lê Đức Lê, Nhân Lương (Đạo Lương), (Nhân Đức,) (Đạo Lường), Nhà Lý Nhà: Trần Lê Khâm, Lê Tần (Lê Phụ Trần), Lê Trọng (Trần Bình Trọng), Trần Bình Nguyên, Lê Hối, Lê Tòng, Lê Đinh, Lê Khoáng. Hậu Lê : Lê Học, Lê Trừ, Lê Lợi (Đạo Cham) (30 đời, 143 gia đình). Sau CMT8 ( Nhánh Lê Long Việt) (các chi) Lê Bá Anh, Lê Danh, Lê Bá Em, Lê Đắc (2 chi khác) Lê Hữu, Lê Bá Lê Đình Lê Văn Lê Viết Lê Viết (Họ Đồng chiêm) Ghi chú Trực hệ Qua nhiều hệ Còn tiếp tục phát triển Phả hệ (từ Tài liệu- Di tích Mả lớn -Lê Hoàn, Lê Lợi đến Lê Đột) dựa theo các tài liệu: do Lê Bổng (hậu duệ Lê Học-Hậu Lê) lấy từ nhà ngoại cảm Lê Thị Minh Chính (Đông Anh-Hà Nội) kể ra: Cụ Lê Đột và bà Đặng Thị Kim Hoa (Đặng Thị Sen-nàng hầu, vốn là một cô gái xinh đẹp nhất vùng ) sinh ra nhà vua Lê Hoàn (lúc nhỏ có tên là Lê Lộ) tại làng Trung Lập. Lê Lộ được 5 tuổi, bà Đặng Thị ốm nặng đưa con về với cụ Lê Đột dưới dạng con nuôi, và đặt tên con là Lê Hoàn (Tư liệu này khá tương đồng Một phần tư liệu của Lê Túc).
PHỤ LỤC:
a. Với các truyền thuyết có ở Phong Mỹ).
Tài liệu về di tích – Bản đồ ghi các di tích liên quan đến dòng họ Lê Đột – Ảnh chụp lăng mộ cụ tổ Lê Đột – Ảnh chụp nhà thờ họ (nhà thờ mới) – Ảnh chụp đền thờ nhà vua Lê Hoàn (Trung Lập) – Bản ghi về di tích Mã lớn (bản sao và bản dịch) – Tài liệu về quan hệ phả hệ của Lê Túc biên soạn – Phả hệ dòng tộc Lê Đột
b. Một số tài liệu chính được sử dụng
(1). Lịch sử và truyền thống làng Phong Mỹ-Chủ biên Lê Bá Nho-UBND xã Xuân Tân in ấn và ban hành năm 2001.
(2). Lê Hoàn quê hương thân thế sự nghiệp của Đỗ Viết Chừng –UBND huyện Thọ Xuân xuất bản năm 1985.
(3). Bản viết về di tích Mả lớn – Lê Văn Lễ (phụng sao Thành Thái, thập tam niên) (4). Tài liệu về quan hệ phả hệ của dòng họ Lê Đột do Lê Túc (sinh sống ở Hà Nội) biếu họ Lê Đột (tài liệu viết ngày 10/2/1996)
(5). Tài liệu: Hậu duệ Lê Hoàn ở đâu và làm gì dưới Vương Triều Lý do Lê Đắc Chỉnh biên soạn.
(6). Gia phả Lê Đại tộc –Kinh Triệu Quận.
(7). Các cứ liệu lấy từ các bộ sử: Đại Việt sử ký toàn thư (của Ngô Sĩ Liên), Đại Việt sử ký (của Ngô Thì Sĩ), Việt sử lược… và các tài liệu viết về lịch sủ (sau Cách mạng tháng tám)
c. Sơ lược về tác giả:
– Lê Đình Đức: Sinh năm 1938 (hậu duệ đời thứ 40 dòng Lê Đột ở Phong Mỹ, Xuân Tân, Thọ Xuân, Thanh Hóa). – Kỹ sư vô tuyến điện (đã nghỉ hưu), giảng viên, thiết kế công trình thông tin, viết báo về ngoại cảm (đã xuất bản sách Ngoại cảm – Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin 2006), thông tin điện tử, truyền hình. – Điện thoại 04.37753360.