tin nóng

Hà Nội- Nơi phát tích của ba bản tuyên ngôn độc lập

HLVN –Trên thế giới ít có dân tộc nào phải đấu tranh giành độc lập lâu dài và gian khổ như Việt Nam và cũng ít có nước nào để lại những 3 bản tuyên ngôn độc lập (TNĐL). Thông thường mỗi nước chỉ có một bản TNĐL, thậm chí nhiều nước không có bản nào. Và mọi người sẽ càng thấy ngạc nhiên khi biết cả 3 bản Tuyên ngôn độc lập đều phát ra từ một mảnh đất thiêng, đó chính là Hà Nội ngày nay.

Trước đây sử liệu chỉ cho biết nơi phát tích của 2 bản TNĐL thứ 2 (Bình Ngô đại cáo) và thứ 3 (Tuyên ngôn độc lập 1945). Đó là vào khoảng tháng 4 năm 1428, sau khi dẹp yên quân Minh, Lê Lợi đã kéo quân từ dinh Bồ Đề (thuộc Gia Lâm) vào thành Đông Đô (khu vực Hoàng thành Thăng Long ngày nay). Tại đây ông đã sai Nguyễn Trãi thay lời làm tờ cáo tuyên bố bình Ngô (tức quân Minh) thắng lợi và khẳng định sự độc lập của Đại Việt. Tiếp theo là đến năm 1945, sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào Hà Nội tự tay viết bản Tuyên ngôn độc lập rồi tự đọc bản này tại chính Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) vào đúng ngày 2 tháng 9 năm đó.

Riêng bản TNĐL lần thứ nhất thì rất đặc biệt. Đó là một bài thơ, chỉ có 4 câu bằng chữ Hán và mỗi câu đúng 7 chữ. Bài thơ không có tên tác giả và cũng không có tiêu đề mà lấy ngay 4 chữ đầu của câu đầu (Nam quốc sơn hà, nam đế cư) làm tiêu đề. Không những thế bài thơ còn xuất hiện những 2 lần trong 2 trận đánh Tống vang dội cách nhau gần 100 năm (981 và 1077). Tuy nhiên trong cả hai lần xuất hiện chỉ có các binh sĩ đang chiến đấu ở đó nghe thấy tiếng đọc bài thơ và rất nhiều năm sau cũng không ai nhìn thấy văn bản của bài thơ này. Mãi về sau NQSH mới được chép cùng với truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát trong các sách Việt Điện U Linh (1329) và Lĩnh Nam Chích Quái (1554).

Như vậy NQSH không chỉ xuất hiện 2 lần mà đã để lại dấu tích 4 lần, 2 lần dưới dạng truyền miệng trong các trận đánh Tống nêu ở trên và 2 lần dưới dạng văn bản. Sự xuất hiện của NQSH được phần đều cho cả 4 triều đại lớn kế tiếp nhau, đó là nhà Tiền Lê dưới thời Lê Đại Hành (981), nhà Lý dưới thời Lý Nhân Tông (1077), nhà Trần dưới thời Trần Minh Tông (1329) và nhà Hậu Lê dưới thời Lê Trung Tông (1554). Từ sự thật trên cho phép khảng định rằng trước khi được văn bản hóa, NQSH đã bền bỉ sống trong lòng nhân dân, được nhân dân ta lưu giữ qua nhiều thế kỷ và chủ yếu bằng hình thức truyền khẩu.

Có lẽ vì thế mà sau này các nhà sưu tầm đã tìm thấy rất nhiều dị bản của bài thơ. Theo thống kê đến nay còn thấy 35 bản sách và 8 bản thần tích và tại 372 ngôi đền miếu dọc hai bờ sông Cầu, sông Cà Lồ và sông Thương đều có bài thơ NQSH. Các bài thơ đều được gắn với tên một trong 2 vị anh hùng thời bấy giờ , đó là vua Lê Đại Hành và thái úy Lý Thường Kiệt. Tuy đến nay chưa tìm thấy bản chính, không biết ai là tác giả, nhưng truyền thuyết lại cho biết rất rõ nơi phát tích của bài thơ, năm 1077 bài thơ phát ra từ đền Trương tướng quân (nay là đền Xà thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, ngôi đền nằm bên bờ sông Cầu và chỉ cách cửa sông Cà Lồ khoảng 800 m).

Còn theo truyện “Hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt”, truyện này ghi lại như sau: “Vào năm Tân Tỵ (981)… Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ (tức sông Cà Lồ) cự địch, hai bên đối đầu cầm cự”. Rồi một đêm nhà vua “mộng thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng từ phía nam sông Bình Giang mà tới, một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt mà lại, cùng xông vào đánh trại giặc”. Sau này các nhà nghiên cứu cho rằng Bình Giang chính là sông Cà Lồ. Phía nam sông Bình Giang tức là phía nam sông Cà Lồ, tại đây có thành Bình Lỗ mà Hoàng đế Lê Đại Hành cho xây dựng. Còn bắc sông Như Nguyệt là đoạn sông Cầu bắt đầu từ cửa sông Cà Lồ ngược lên phía bắc của con sông này.

Những năm qua để tỏ lòng thành kính biết ơn công lao của các vị tiên liệt trong dòng họ, Hội đồng Họ Lê Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu và đi tìm dấu tích thành Bình Lỗ, một công trình quân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần làm nên chiến công hiển hách chống ngoại xâm ở thế kỷ thứ 10 [1].

Các kết quả thu được khảng định thành Bình Lỗ là có thật, nằm ở khu vực cửa sông Cà Lồ được xây dựng vào cuối năm 980 đến đầu năm 981, góp phần chặn đứng quân Tống và đưa chúng đến thất bại hoàn toàn.

Trận đánh Tống đầu năm 981 chủ yếu xảy ra trên một con sông có tên là Hữu Ninh, không phải ở sông Chi Lăng như Đại Việt sử ký toàn thư đã chép hay ải Chi Lăng như trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Con sông này chảy vòng quanh thành Bình Lỗ, từ đây nó tách thành 2 nhánh chính và đều chảy vào sông Cầu, tạm gọi là nhánh 1 và nhánh 2 của sông Cà Lồ. Những năm sau đó nhất là từ cuối thời nhà Trần, ở khu vực này liên tục triển khai chương trình đắp đê trị thủy, qua đó nhánh 2 bị bịt kín, chặn cả 2 đầu nên đã bị vùi lấp. Nhưng qua một số dấu tích để lại ở hiện trường và được một số sách cổ sử ghi lại thì trận đánh Tống năm đó đã xảy ra chủ yếu trên nhánh 2 [2].

Mặt bằng thành Bình Lỗ, nơi phát tích lần đầu bài thơ Nam quốc sơn hà năm 981(Xuân Giang, Sóc Sơn, HN

Đền Trương tướng quân (tức đền Xà), nơi phát tích bài thơ Nam quốc sơn hà lần thứ 2 năm 1077 (Tam Giang, Yên Phong, Bắc  Ninh

Căn cứ vào truyện “Hai vị thần ở Long Nhãn , Như Nguyệt” và đối chiếu địa hình khu vực cửa sông Cà Lồ thì thấy bài thơ NQSH đã phát ra từ vị trí của thành Bình Lỗ. Toà thành này xưa kia nằm trên một gò đất cao (có tọa độ là 21.236822 vĩ tuyến Bắc và 105.918846 kinh tuyến Đông). Khu vực này thuộc thôn Ngọc Hà, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Như vậy bài thơ NQSH phát ra lần đầu không phải ở đền Trương tướng quân (thuộc tỉnh Bắc Ninh) mà ở thành Bình Lỗ thuộc đất Hà Nội. Qua đó cho phép khảng định rằng Hà Nội chính là quê hương của cả 3 bản Tuyên ngôn độc lập.

Những địa danh như Hoàng thành Thăng Long, quảng trường Ba Đình, thành Bình Lỗ và các sự tích ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập chính là nguồn cảm hứng và rất hấp dẫn đối với du khách thập phương, nhất là du khách nước ngoài. Đó chính là tiềm năng lớn nhất của Hà Nội dễ dàng biến thành ‘tiền năng’ cho một nền “công nghiệp văn hoá” [3] rực rỡ mà không địa phương nào có được.

(Bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10/2022 và Hà Nội ban hành nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hoá)

Lê Đắc Chỉnh

Tham khảo:

[1] https://holevietnam.vn/ho-le-viet-nam-va-hanh-trinh-di…/

[2] https://nghiencuulichsu.com/…/bi-mat-cua-mot-con-song…/

[3]http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1025341/thanh-uy-ha-noi-chinh-thuc-ban-hanh-nghi-quyet-ve-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa

Các tin liên quan