Sáng 9-7-2019, Đảng ủy, Ủy Ban nhân dân phường Thụy Khuê cùng đông đảo nhân dân địa phương đã tổ chức lễ đón nhận quyết định Di tích lịch sử cấp thành phố của Đền Cố Lê tại 124 Thụy Khuê. Đến dự và trao bằng Di tích có ông Nguyễn Anh Tuấn phó bí thư quận Tây Hồ, ông nguyễn văn Tài phó chủ tịch quận, cùng các vị lãnh đạo và đại diện các ban ngành của Quận, phường Thụy Khê. Đại diện dòng họ Lê có phó chủ tịch HĐHLVN Trung tướng Lê Thu Hà, chủ tịch HĐHL Hà Nội ông Lê Bình cùng đông đảo con cháu họ Lê và hậu duệ các họ Nguyễn, Hoàng, Trần đã đến cùng tham dự.
Nằm sâu trong con ngõ 124 Thụy Khuê, ngôi đền nhỏ thờ 23 trung thần của nhà Lê và 10 tòng vong được rất ít người biết đến. Người được hậu thế biết đến nhiều nhất trong số 23 vị trung thần thờ ở Đền Cố Lê là Lê Quýnh. Ông chính là tác giả của tập “Bắc hành tùng ký”, “Bắc hành lược biên” và “Bắc sở tự tình phú”. Lê Quýnh là người thôn Đại Mão, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Năm 1771, khi mới 21 tuổi, ông ra làm quan dưới thời Lê Cảnh Hưng.
Sau năm 1789, khi quân Tây Sơn dẹp yên 29 vạn quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống chạy sang đất Trung Quốc, ông đã cùng nhóm đồng hành gồm 13 người đến đất Thanh để gặp vua Lê. Khi tới nơi ông mới rõ là vua và các bầy tôi đi theo đã chịu sự đồng hóa của nhà Thanh và đều được ban chức tước bổng lộc. Họ cũng đã nhiều lần thuyết phục nhóm của Lê Quýnh phải cắt tóc, cạo đầu, ăn mặc theo nhà Thanh thì sẽ được phong chức tước và hưởng bổng lộc. Khi ấy, Lê Quýnh đã khảng khái nói với quan quân nhà Thanh rằng: “Chúng ta, đầu có thể chặt, tóc không thể cắt. Da có thể lột, chứ quần áo không thể thay”. Không chịu hàng phục nhà Thanh là đồng nghĩa với việc bị giam vào ngục. 16 năm ròng bị giam cầm, dù cho rất nhiều lần quân Thanh tới dụ dỗ và mua chuộc, nhưng cả nhóm kiên quyết không nghe.
Cũng trong thời gian ở tù này, Lê Quýnh đã hoành thành 3 tác phẩm lớn. Nội dung các tác phẩm đều thể hiện lòng trung quân, ái quốc, hướng về quê hương đất nước, hiếu thảo với mẹ cha… Khi Gia Khánh thay cha là Càn Long lên trị nước, nhóm của Lê Quýnh mới được thả. Năm 1804, ông cùng cả nhóm “bất tuân” về nước, mang theo thi hài của gia quyến vua Lê Chiêu Thống, an táng cạnh lăng vua Lê Hiển Tông (Bàn Thạch, Thụy Nguyên, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Vua Gia Long khi đó đã vời nhóm ông ra làm quan phục vụ triều đình nhưng ông từ chối và về quê mở trường dạy học rồi mất vào năm 1805. Đến đời Tự Đức năm thứ 10 (1857), vua sai tra tên tuổi các bầy tôi nhà Lê đã tuẫn tiết – nghĩa là chết vì trung thành với triều Lê. Đến năm Tự Đức thứ 13 Lê Quýnh cùng những bầy tôi tuẫn tiết thời Lê mạt được đưa vào thờ ở đền Lê tiết nghĩa (còn gọi là Đền Cố Lê hay Cổ Lê) bên bờ Hồ Tây.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử Đền Cố Lê hiện tại chỉ còn diện tích khoảng 234m2, kiến trúc chữ nhị, mái chồng diêm. Mái lợp ngói ta, bộ vì kèo còn tốt. Di vật còn chừng 11-14 bài vị ghi tên người được thờ tự – chạm khắc hoa văn nghệ thuật thế kỷ 19.
Việc công nhận di tích cấp thành phố Hà Nội với đền Cố Lê là kết quả của một chặng dài lịch sử với rất nhiều công sức đóng góp giữ gìn, bảo tồn qua nhiều thời kỳ của chính quyền và nhân dân địa phương cùng các hậu duệ của họ Lê, có ý nghĩa quan trọng với việc gìn giữ và phát huy di sản của đất nước. Qua đó, tạo một điểm đến tâm linh, nêu những tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay nói chung và con cháu dòng họ Lê nói riêng thêm tự hào, hướng đến và noi theo, phát huy những truyền thống, khí phách tốt đẹp của tổ tiên, dòng tộc.
Một số hình ảnh của buổi Lễ: