Tìm về cội nguồn

Hoàng đế Lê Đại Hành – Khai nguyên Nhà Tiền Lê, tiếp nối Hậu Lê

Kỷ niệm 1080 năm Ngày sinh của Hoàng đế Lê Đại Hành (Tân Sửu – 15/7/941-15/7/2021)

Tưởng nhớ tri ân Tiên tổ Lê Đại tộc Việt Nam

  1. Thân thế và sự nghiệp Lê Hoàn:

1.1.Thân thế:                                                                                  

Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) tại trang Kẻ Xộp, sau là sách Khả Lập, thời Đinh Tiên Hoàng có tên là Trung Lập, Châu Ái (nay là làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân nghèo.

Làng Trung Lập ở vùng đất có khí thiêng sông núi tụ về, vùng đất mà lịch sử đặt tên là: Tiền tam Yên, hậu ngũ Phúc. Tiền (trước) Tam Yên là 3 làng: Yên Lãng, Yên Trường, Yên Lạc. Hậu (sau) ngũ Phúc là 5 làng: Phúc Tình, Phúc Địa, Phúc Bồi, Phúc Cương, Phúc Sơn. Trung Lập có nghĩa là đứng giữa tam Yên và ngũ Phúc, hàm ý làng được cả an và phúc.

Cha Lê Hoàn là Lê Mịch (tên khác Lê Hiền), mẹ là Đặng Thị Khiết (Sen); ông nội là Lê Lộc (Lê Tịch). Câu chuyện Vua được sinh ra có nhuốm màu truyền thuyết. Khi mới có thai, Đặng Thị chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi sinh ra Lê Hoàn, bà hiểu ra, bèn nói với mọi ngươi rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm, cha mẹ qua đời, Lê Hoàn một mình sống trong cảnh nghèo khổ. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: “Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”, bèn nhận làm con nuôi, chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ . Có đêm mùa đông trời rét, Lê Hoàn úp gối mà ngủ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng Lê Hoàn.

Lê Hoàn có 5 hoàng hậu gồm Đại Thắng Minh Hoàng hậu (Dương Vân Nga), Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh Quắc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu. Lê Đại Hành có 13 người con, trong đó có 11 hoàng tử, 1 công chúa, và 1 hoàng tử là con nuôi.

Ngày 8 tháng 3 âm lịch năm Ất Tỵ (18 tháng 4 năm 1005), Lê Hoàn mất ở điện Trường Xuân, miếu hiệu gọi là Đại Hành Hoàng Đế.

1.2. Sự nghiệp Lê Hoàn:

Năm lên 6 tuổi, Lê Hoàn mồ côi cả cha lẫn mẹ, làm con nuôi cụ Lê Đột ở trang Kẻ Mía (nay là làng Phong Mỹ, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Lớn lên, Lê Hoàn tòng quân phò giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, lập nhiều công trạng và được phong Thập đạo Tướng quân. Ông một lòng phò tá góp phần cùng Vua Đinh vỗ yên trăm họ, đất nước thái bình.

Mùa Đông tháng 10 năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính, giúp ấu Chúa nhà Đinh giữ yên biên cương xã tắc, dẹp tan nội phản, được Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long bào.

Năm Canh Thìn 980, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Lê Hoàn mất ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) tại Cố Đô Hoa Lư – tỉnh Ninh Bình, thi hài Lê Hoàn được an táng tại Sơn Lăng, châu Trường Yên, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi, miếu hiệu là Đại Hành Hoàng đế.

Biên niên sự kiện chính về Lê Hoàn:

  • Năm 941 (Tân Sửu): Mùa thu, tháng7, ngày 15, sinh ra Vua.
  • Năm 966-967: Loạn 12 sứ quân, Lê Hoàn theo giúp Nam Việt Vương Tiễn.
  • Năm 971: Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân.
  • Năm 980: Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu Thiên Phúc.
  • Năm 981: Mùa Xuân, tháng 3, Lê Hoàn đánh tan quân Tống xâm lược.
  • Năm 982: Vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, thắng lợi.
  • Năm 983: Mùa xuân, Vua sai sứ sang thông hiếu Nhà Tống.
  • Năm 984: Mùa Xuân, tháng 2, đúc tiền Thiên Phúc.
  • Năm 986: Nhà Tống mang chế sách sang phong cho vua làm An Nam Đô hộ tĩnh hải quân tiết độ sứ Kinh triệu quận hầu.
  • Năm 987: Mùa Xuân, Vua cày ruộng tịch điền ở núi Đọi.
  • Năm 992: Mùa thu, tháng tám: mở đường bộ từ cửa Nam Giới đến châu Địa Lý.
  • Năm 997: Mùa Xuân, tháng 4: Nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương.
  • Phong vương cho các Hoàng tử vào các năm: 992, 993, 995 và 1004.
  • Năm 1005: Mùa Xuân, tháng 3, vua băng ở điện Trường Xuân gọi là Đại Hành Hoàng đế.

1.2.1. Lê Hoàn và cuộc chiến chống Tống xâm lược:

Tháng 2-981, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn. Lê Hoàn tự mình làm tướng, cho xây thành Bình Lỗ, chẹn ải Chi Lăng. Mùa hạ năm 981, quân Tống giao chiến chém được hơn 1000 quân Việt, bắt được 200 chiếc thuyền, trú tại Ba Bộ. Hầu Nhân Bảo cùng đạo tiền quân tiến sâu vào. Tôn Toàn Hưng dẫn quân thủy và bộ tới làng Đa La không gặp Hầu Nhân Bảo, bèn trở về Ba Bộ.

Vua sai người trá hàng, chém Hầu Nhân Bảo. Trần Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Lê Hoàn thừa thắng đuổi đánh, quân Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa. Vua bắt sống đại tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đưa về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu cho vua là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế.

Ngài bèn sai sứ sang nhà Tống cống các đồ thổ sản và dâng biểu tạ lỗi. Quan Giang Nam chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem việc Nhân Bảo thua chết tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trừng ốm chết, Soạn bị giết ở Ung Châu, Tôn Hoàng Hưng cũng bị giết bêu đầu ở chợ.

1.2.2. Lê Hoàn, vị vua khởi đầu công cuộc nam chinh bình Chiêm mở cõi của Đại Việt:

Năm 982, Lê Hoàn cử Ngô Tử Canh và Từ Mục đi sứ Chiêm Thành bị vua Chiêm là Bê Mi Thuế (Paramesvaravarman) bắt giữ. Ngài sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế tại trận, bắt sống nhiều quân sĩ cùng hàng trăm tài nữ trong cung và một nhà sư Thiên Trúc [Ấn Độ], lấy các đồ quý đem về, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.

Tống sử cho biết Lê Hoàn đã sai sứ dâng 93 tù binh Chiêm Thành cho vua Tống nhằm chứng tỏ thực lực của Đại Cồ Việt. Khi nhà vua đi đánh Chiêm, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, bèn sai đào hải cảng mới. Năm 990, Lê Hoàn lại đem quân đánh vào châu Địa Lý (Chiêm Thành), bắt được nhiều quân dân và tịch thu nhiều của cải. Năm 995 và 997, quân Chiêm lại kéo sang đánh phá biên giới, Lê Hoàn phải cho quân đánh đuổi.

1.2.3. Lê Hoàn là vị vua đầu tiên mở lễ hội cày ruộng (lễ hội cày tịch điền):

Lê Đại Hành nổi tiếng là vua coi trọng phát triển nông nghiệp. Năm 987, vua tổ chức cày tịch điền để làm gương, khuyến khích nhân dân chăm lo sản xuất nông nghiệp. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Đinh Hợi, mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên ruộng là Kim Ngân”.

Lê Đại Hành là hoàng đế đầu tiên mở đầu cho một nghi lễ “tịch điền” mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

1.2.4. Lê Hoàn và buổi đầu của nền ngoại giao Đại Cồ Việt:

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 đã đưa Lê Hoàn vào hàng những anh hùng dân tộc vĩ đại nhất, những nhà quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Việt Nam. Không những thế, Lê Hoàn là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Cồ Việt – Đại Việt. Lê Hoàn chủ động đẩy mạnh quan hệ ngoại giao trong thế và lực của Đại Cồ Việt là một nước nhỏ với một nước lớn lại luôn có tham vọng bành trướng. Chính vì vậy, với chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng kiên quyết đã buộc nhà Tống phải có sự nhìn nhận theo hướng tôn trọng. Lê Hoàn bằng tài năng và nỗ lực đã đưa quan hệ bang giao giữa Việt Nam và các triều đại Trung Quốc sang một thời kỳ mới. Việt Nam không còn quá bị khống chế, đã có tư cách là một quốc gia riêng, có tư cách tự chủ trong bang giao.

1.2.5. Lê Hoàn với việc quan tâm văn hóa Phật giáo:

Trong thời gian trị vì, Lê Hoàn đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với giới thiền sư, trọng dụng họ với tư cách là những bậc thiện tri thức tiêu biểu thời bấy giờ. Chính vì vậy, các thiền sư đã được tham dự vào một số việc triều chính và hiến kế, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi cũng như phát triển nền văn hóa dân tộc, đã có những tác phẩm để lại cho đời sau. Tiêu biểu trong các bậc thiền trí ấy là Đỗ Pháp Thuận (914-990). 

Khi Vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước. Thiền sư trả lời: Vận nước như mây quấn. Ta phải giữ gìn đất nước nầy như thế quấn của dây mây, một sợi mây tuy có dẻo dai nhưng vẫn dễ đứt, dễ gãy nếu ta biết cách bẻ, còn nhiều dây mây quấn lại thành bó khó có sức mạnh nào bẻ gãy. Trăm họ hướng về Vua với một lòng tôn kính, vua lấy ý nguyện của dân làm ý nguyện của mình, nỗi khổ của dân cũng là nỗi khổ của mình. Tìm cách hoá giải những xung đột nội bộ của một quốc gia. Liên kết nhân tâm lại với nhau như những dây mây riêng lẻ thành một bó mây. Thiền sư khẳng định: Muốn cho đất nước được yên bình, Vua phải biết cách áp dụng phương pháp, hay là nguyên lý tu dưỡng vô vi nơi triều đình của mình. Vua là thiên tử – con trời – theo quan niệm phong kiến.

Quốc tộ (vận nước) là bài thơ nổi tiếng của thiền sư Pháp Thuận:

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư đạo các

Xứ xứ tức đao binh.

Dịch nghĩa:

Vận nước như dây mây leo quấn quýt,

Ở cõi trời Nam (mở ra) cảnh thái bình.

Vô vi ở nơi cung điện,

Khắp nơi đều tắt hết đao binh.

 

  1. Hậu duệ Lê Hoàn

2.1. Cuộc chiến tranh giành ngôi vương của các hoàng tử sau khi vua Lê Hoàn mất:

Mười một hoàng tử và cả hoàng tử (con nuôi) đều được phong vương:

Lê Long Thâu làm Kình Thiên đại vương (phong năm 989), từng tham gia chiến tranh Việt – Tống 981, được Lê Đại Hành phong làm Thái tử. Đến năm 1000 thì mất.

Lê Long Tích làm Đông Thành vương (phong năm 989), sau khi Lê Đại Hành mất, Lê Long Tích cùng các em tranh ngôi với Lê Long Việt.

Lê Long Việt làm Nam Phong vương (phong năm 989), sau là vua Lê Trung Tông. Sau 3 ngày ở ngôi vua thì bị Lê Long Đĩnh ám hại năm 1005.

Lê Long Đinh làm Ngự Man vương (phong năm 991), đóng ở Phong Châu.

Lê Long Đĩnh làm Khai Minh vương (phong năm 992), đóng ở Đằng Châu.  sau là vua Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế.

Lê Long Cân làm Ngự Bắc vương (phong năm 991), đóng ở Phù Lan, sau là Phù Vệ, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Hưng.

Lê Long Tung làm Định Phiên vương (phong năm 993), đóng ở Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang.

Lê Long Tương làm Phó vương (phong năm 993), đóng ở Đỗ Động Giang.

Lê Long Kính làm Trung Quốc vương (phong năm 993), đóng ở Càn Đà, Mạt Liên.

Lê Long Mang làm Nam Quốc vương (phong năm 994), đóng ở Vũ Lung (nay thuộc Thanh Hóa).

Lê Long Đề (Minh Đề) làm Hành Quân vương (phong năm 995), đóng ở Bắc Ngạn, Cổ Lãm.

– Con nuôi làm Phù Đái vương, đóng ở Phù Đái (phong năm 995).

Tháng 3/1005, vua Lê Đại Hành mất, trong số 12 hoàng tử thì ngoại trừ 2 hoàng tử là Lê Long Thâu đã mất và Lê Long Đề đang đi sứ nhà Tống, còn lại 10 hoàng tử đều muốn tranh giành ngôi Vua. Mười hoàng tử gây cuộc chiến loạn, chỉ mưu tính lên ngôi Vua mà không quan tâm đến Xã Tắc. Chiến loạn xảy ra trong khoảng 10 tháng, nước không có chủ, nhưng sử sách ghi chép rất ít về cuộc chiến này. Sách An Nam chí lược viết rằng: “Lê Hoàn đã chết, mấy người con đều tụ tập binh mã, chia đặt trại sách, quan thuộc ly tán, nhân dân lo sợ”.

Cuộc chiến kéo dài đến tháng 10/1005 thì ưu thế thuộc về 2 hoàng tử là Ngân Tích và Long Việt. Với sự hậu thuẫn của Lý Công Uẩn, trong tháng 10/1005, cuộc giao chiến giữa quân hoàng tử Lê Long Việt và Lê Ngân Tích. Kết quả quân của Ngân Tích bị đánh bại phải chạy sang đất Cử Long, quân của Long Việt đuổi theo khiến Ngân Tích phải đưa quân chạy về Thạch Hà, vùng cửa biển Hà Tĩnh thì Ngân Tích bị người ở đây giết chết.

Lê Long Việt chiến thắng trở về kinh thành Hoa Lư lên ngôi Vua, hiệu là Lê Trung Tông. Lê Trung Tông vẫn dè chừng các hoàng tử khác, nhưng không e dè Lê Long Đĩnh vì là em ruột của mình.

Mới lên ngôi chỉ 3 ngày thì Long Đĩnh cho quân trèo tường thành ban đêm, giết chết anh ruột. Trong cung mọi người hay tin Vua bị giết thì hoảng sợ bỏ chạy vì sợ liên lụy, duy chỉ có Lý Công Uẩn hay tin vội chạy đến ôm xác vua Lê Trung Tông mà khóc.

Lê Long Đĩnh giết anh xong thì lên ngôi Vua. Hai anh em hoàng tử là Long Cân và Long Kính không phục, liền cho quân chiếm trại Phù Lan, tập hợp thêm binh mã. Long Đĩnh liền thân chinh dẫn quân đi đánh.

Quân của hai anh em hoàng tử đóng chặt trại Phù Lan cố thủ, quân của Long Đĩnh đánh không thắng được liền bao vây chặt suốt mấy tháng liền.

Quân trong trại bị bao vây thời gian dài, lương thực cạn kiệt, rơi vào đường cùng. Long Cân biết nếu đầu hàng thì bị giết chết. Vì thế Long Cân đành sai thủ hạ thân tín bất ngờ bắt sống Long Kính rồi dâng nộp cho Long Đĩnh để đầu hàng. Long Đĩnh liền sai giết chết Long Kính, tha cho Long Cân

Sau đó Long Đĩnh đưa quân đến đánh Long Đinh ở Phong Châu, cuối cùng Long Đinh phải đầu hàng.

Lê Long Đĩnh cai trị được 4 năm, đến tháng 10, ngày Tân Hợi, năm Kỷ Dậu (tức ngày 19 tháng 11 năm 1009) thì qua đời, hưởng dương 24 tuổi.

2.2. Hậu duệ Lê Hoàn ngày nay nối kết được:

2.2.1. Nhà Hậu Lê là trực hệ của Đức Vua Lê Hoàn:

Nhà Tiền Lê trải qua 3 đời Vua, kéo dài 29 năm. Trong chính sử không thấy nói đến các con của các hoàng tử và hậu duệ các đời tiếp theo theo hướng trực hệ. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử đến nay, chúng ta cũng không có nhiều tư liệu, gia phả, ngọc phả ghi chép lưu lại hậu duệ của Lê Hoàn. Qua khảo cứu, chúng tôi ghi nhận được trực hệ hậu duệ của Hoàng đế Lê Đại Hành gồm có:

– Tất cả dòng họ Nhà Hậu Lê ngày nay bắt đầu từ trực hệ là Triệu tổ Lê Hối có nguồn gốc trực hệ từ Nhà Tiền Lê, trong đó: Lê Tịch (Lê Hiền): đời thứ 1, Lê Mịch (Lê Lộc): đời thứ 2 là ông nội và cha của Đức Vua Lê Hoàn (đời thứ 3) đến Triệu tổ Lê Hối đời thứ 12 và đến Vua Lê Thái Thái Tổ đời thứ 15. Căn cứ, Lê tộc sinh hạ là phả của Nhà Hậu Lê viết năm Thuận Thiên thứ hai (1429) cho thấy nối truyền từ Tiền Lê sang hậu Lê qua Lê Long Diên là con của Lê Long Việt tức Hoàng đế Lê Trung Tông đến Lê Hối như sau:

Đời 1: Lê Tịch (Lê Lộc)

Đời 2: Lê Mịch (Lê Hiền)

Đời 3: Lê Hoàn (Lê Đại Hành)

Đời 4: Lê Trung Tông (Lê Long Việt)

Đời 5: Lê Long Diên

Đời 6: Lê Lựu

Đời 7: Lê Trăn

Đời 8: Lê Trừng

Đời 9: Lê Thang

Đời 10: Lê Bôi

Đời 11: Lê Mỗi

Đời 12: Lê Hối

Đời 13: Lê Đinh

Đời 14: Tuyên tổ phúc Hoàng đế Lê Khoáng (anh cả của Lê Khoáng là Lê Tòng có gia phả riêng)

Đời 15: Lê Thái Tổ – Lê Lợi (anh cả là Chiêu hiếu Đại vương Lê Học, anh thứ hai là Hoằng Dụ Đại vương Lê Trừ).

2.2.2. Họ Lê Đắc tại thôn Phương La Đông, xã Tam giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có nguồn gốc từ Hoàng đế Lê Trung Tông:

Lịch sử hình thành họ Lê Đắc liên quan bối cảnh các Hoàng tử của Vua Lê Hoàn tranh giành quyền lực, truy sát lẫn nhau.  Theo gia phả lưu giữ đến ngày nay của họ Lê Đắc – Phương La Đông cho thấy: Khi Lê Long Đĩnh cướp được ngôi vua, bà hậu của vua Trung Tông tức Lê Long Việt, cùng một số thân thuộc, theo đường hành quân đánh Tống năm xưa ngược lên phía Bắc, chạy về Vũ Bình Khẩu (tên gọi cũ của Ngã Ba Xà ngày nay). Từ đó Hoàng Hậu định cư ở đây, phát triển thành dòng họ lớn có cội nguồn Tiền Lê.

Tại Xà Đông (nay là thôn Phương La Đông) hiện còn lưu giữ tộc phả của 6 chi thuộc hậu duệ hoàng đế Lê Trung Tông (thường gọi là Họ Lê Lục Chi), đó là các chi Lê Bá Anh, Lê Danh, Lê Bá Em, Lê Đắc và 2 chi khác bị thất truyền. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (1010 – 2010), đại diện hậu duệ của Vua Lê Trung Tông, ông Lê Bá Duyệt, trưởng tộc đã công bố những tư liệu gia phả ghi lại lịch sử cội nguồn của dòng họ mình. Trích gia phả của họ Lê Đắc, một chi thuộc hậu duệ Hoàng Đế Trung Tông tại thôn Phương La Đông, xã Tam giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh như sau:

– Bản phiên âm Hán – Việt:

Tỵ Long Đĩnh chi hiểm họa

Di quyến thuộc vu Vũ Bình Khẩu

Ẩn tích mai danh nhi lập nghiệp

– Bản dịch sang tiếng Việt:

Tránh cái hiểm họa Long Đĩnh

Di chuyển gia quyến đến cửa Vũ Bình

Náu tung tích, giấu họ tên mà lập nghiệp

Dòng hậu duệ của Hoàng đế Trung Tông ở thôn Phương La Đông vẫn tồn tại và phát triển suốt 1000 năm qua, nơi đó có di tích Đền Xà và dòng sông Như Nguyệt. Đến hôm nay, chiều dài của sự tồn tại và hưng thịnh đó của dòng họ cội nguồn Hoàng đế Lê Đại Hành được đo bởi 38-40 thế hệ (đời).

2.3. Hậu duệ có nguồn gốc Lê Hoàn được ghi trong chính sử nhưng chưa nối kết được:

2.3.1. Trần Bình Trọng, Trần Khát Chân gốc họ Lê, có huyết thống Lê Hoàn.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc, nay là bãi Mạn Trù) bị chết. Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú): “Trần Bình Trọng, ông là dòng dõi Lê Đại Hành. Ông nội của ông xưa ở triều Trần được ban họ vua. Thời Trần Nhân Tông, ông được phong Bảo nghĩa vương. Khi đánh với quân Nguyên, ông bị bắt, chỉ một chết chứ không chịu bất khuất. Người Nguyên dỗ ông là sẽ phong tước vương ở Trung Quốc, ông thét lớn ‘’Thà làm ma nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc. Bảo Nghĩa vương, Đại tướng quân Trần Bình Trọng sinh năm 1259, cha tên là Lê Tần, một cận tướng của vua Trần Thánh Tông. Trong cuộc chống quân xâm lược Mông cổ lần thứ nhất (1258), Lê Tần là người có công đầu, được vua ban quốc tính (họ Trần) và thường được gọi là Lê phụ Trần (nghĩa là người họ Lê có công phò giúp họTrần). Ông còn được phong tước Bảo Văn Vương. Ông bị quân Nguyên giết vào ngày 26 tháng 02 năm 1285.

Về Tướng quân Trần Khắc Chân:

Trần Khát Chân người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh.Về năm sinh, gia thế của ông, nhiều tư liệu lịch sử ghi chép khác nhau. Ví như, theo “Cổ Mai bi ký”, Trần Khát Chân sinh năm 1370, có cha là Trần Hữu Nhân, mẹ là Đặng Thị Ngọc Thục người làng Nột Dương, xã Kim Động, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam, sau đó mới đến sinh sống ở Hà Lãng. Sinh ra và lớn lên giữa cảnh đất nước loạn lạc, Thượng tướng quân Trần Khát Chân sớm đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, giỏi võ, lắm cơ mưu. Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh; sau đó được triều đình trọng dụng phong làm tướng quân chỉ huy đội quân Long Tiệp. Trần Khát Chân, một đô tướng xông pha nhiều trận mạc, lập công lớn. Khi Hồ Qúy Ly mưu soán ngôi Nhà Trần, Thượng tướng Trần Khát Chân đã cùng với các quan thần, thuộc hạ mưu sát Hồ Qúy Ly nhưng sự việc không thành, 370 người đã bị hành quyết sau thất bại đó ngay tại Đốn sơn, ngày 24 tháng 4 năm Kỷ Mão (1399). Thư tịch của dòng họ ghi chép lại: Đời truyền khi ông Khát Chân bị lâm hình, lúc bấy giờ trên Đốn sơn vang lên 3 tiếng hét lớn. Ông qua đời được 3 ngày nhưng khuôn mặt vẫn nhuận sắc… Nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc và khâm phục tấm lòng của một bề tôi trung nghĩa nên đã lập đền thờ ông trên Đốn sơn vào khoảng cuối thế kỷ XV – đầu thế kỷ thứ XVI và tôn ông là thành hoàng của ba tổng: tổng Bỉnh, tổng Cao, tổng Hồ (Quang Biểu, Cao Mật, Hồ Nam) ngày nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền, ông có công chỉ đạo xây đắp lũy Thành Tây Đô.

Các cứ và nối kết các nguồn tư liệu lịch sử về tên ông nội, cha của Trần Bình Trọng (Lê Tông, Lê An), bước đầu chúng tôi nối kết trực hệ từ Lê Khâm đến Trần Bình Trọng; từ Trần Bình Trọng đến Trần Khát Chân như sau:

Đời 1: Lê Khâm[1]: Khuông quốc Thượng tướng quân, Thượng vị hầu (Trần Thái Tông phong)

Đời 2: Lê Tần[2] [3], tên khác: Lê Kính[4], Lê Trần[5], Lê Phụ Trần[6], sinh trước 1219, triều vua Thái Tông (1225-1258), Thánh Tông (1258-1278), có thể cả những năm đầu triều Trần Nhân Tông (1279-1293). Thượng tướng quân, Thiếu sư kiêm chức Trừ cung Giáo thụ.

Đời 3: Lê Tông[7], tên khác Lê An[8], tên ban quốc tính Trần Bình Trọng, sinh 1259; chức Thướng tướng quân, tước Bảo nghĩa vương.. Trần Bình Trọng là con của Chiêu thánh[9] con của vua Lý Huệ Tông. Quê quán: xã Ninh Thái (Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam ngày nay). Con Trần Bình TrọngTrần Bình Nguyên.

Đời 4: Trần Bình Nguyên[10]

Đời 5: Trần Qúy công (thế hệ ông nội của Trần Hữu Nhân và nằm trong hệ anh em chú bác là con của Trần Bình Trọng)

Đời 6:  Trần Hữu Nhân[11] (theo Cổ Mai bi ký), tên khác: Trần Vi Nhân (theo Hội đồng họ Trần Việt Nam): làm thầy lang (Trần Hữu Nhân là cháu gọi Trần Bình Trọng bằng ông Cố).

Đời 7: Trần Khát Chân: Thượng tướng quân. Sinh 1370[12] (cháu gọi Trần Bình Trọng bằng ông tổ), mất 1399 , thọ 29 tuổi. Quê quán: làng Hà Lãng, phủ Vĩnh Ninh (nay là xã Hà Lương, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

2.3.2.Hậu duệ Lê Hoàn theo ghi chép trong chính sử:

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi Lý Công Uẩn tiếp nối Nhà Tiền Lê từ năm 1010 cho thấy rằng, vào tháng 3 năm Thông Thụy thứ 3, Bính Tý (1036), Lý Công Uẩn gả công chúa Kim Thành cho châu mục Châu Phong là Lê Tông Thuận. Vùng đất Châu Phong khi còn tại vị, Đức Vua Lê Hoàng đã sai phái Lê Long Đinh làm Ngự Man vương (phong năm 991) trấn giữ. Lê Tông Thuận là hậu duệ của Lê Hoàn được sử sách (Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư) có nhắc đến, ngoài ra không tìm thấy hậu duệ của Lê Hoàn trong suốt triều Lý trị vì.  sở để xác định Lê Tông Thuận là hậu duệ của Lê Hoàn được tìm thấy trong Thiền uyển tập anh là một cuốn sách của Phật giáo ghi lại các tông phái và sự tích các vị Thiền sư nỗi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến đời Đinh, Lê, Lý. Trong Thiền uyển tập anh viết về Thiền sư Trí Thiền, pháp hiệu Tĩnh Lư, quê ở Phong Châu, họ Lê tên húy là Thước là dòng dõi Ngự Man vương Lê Long Đinh, có ông nội là Lê Tông Thuận làm quan triều Lý. Chính những thông tin này củng cố Lê Tông Thuận được nhắc đến trong Đại Việt sử ký toàn thư là hậu duệ của Lê Hoàn.

Bên cạnh đó, công chúa Lê Thị Phất Ngân, con gái của Vua Lê Đại Hành,  là Hoàng hậu của vua Lý Thái Tổ, mẹ của Lý Thái Tông, được Lý Thái Tông phong là Linh Hiển Hoàng thái hậu được ghi chép trong Ngọc phả ba vị hoàng đế thời tiền Lê.

Đối với họ Lê – Phong Mỹ (làng Mía) nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, thủy tổ là Lê Đột, ngài là cha nuôi của Lê Hoàn như chính sử chép cũng như trong văn bia thần đạo tướng công Lê Đột ghi.

III. Quê hương bản quán Lê Hoàn qua các nguồn tư liệu

Theo Đại Việt sử lược, An Nam chí lược,  Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí và Thần tích, ngọc phả tại Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa ghi chép quê hương Lê Hoàn không giống nhau. Nhìn chung, các nguồn tư liệu sử và thần tích ngọc phả đã đề cập đến ba địa danh, đó là Trường Châu (Ninh Bình), Bảo Thái (Hà Nam) và Ái Châu, Trung Lập (Thanh Hóa).

Tại hội thảo “Lê Hoàn – Quê hương và sự nghiệp’’ năm 2017, tổ chức tại Hà Nam đã đi đến kết luận về quê hương Lê Hoàn như sau:

– Trường Châu (Ninh Bình) là nơi ông nội của Lê Hoàn là Lê Lộc (Lê Tịch) cùng vợ là Cao Thị Khương đã từng sinh sống và từ đó chuyển đến Bảo Thái lập nghiệp. Không rõ quê gốc của Lê Lộc ở đâu, nhưng ông chỉ sống ở Trường Châu trong một thời gian ngắn.

– Bảo Thái (Hà Nam) là quê hương của Lê Lộc, ông nội của Lê Hoàn. Tại đây Lê Lộc sinh ra Lê Hiền (Lê Mịch) là cha của Lê Hoàn. Bảo Thái là quê hương hai đời (không trọn vẹn) của Lê Hoàn, có thể coi là quê tổ của Lê Hoàn. Đại Nam nhất thống chí cũng coi “mộ tổ của Lê Đại Hành” ở Bảo Thái.

– Thanh Hóa (Ái Châu) là nơi Lê Hoàn sinh ra. Lê Hiền và vợ là Đặng Thị Khiết chuyển vào Trung Lập, huyện Thọ Xuân, từ đây sinh ra Lê Hoàn, sau được viên Quán sát họ Lê nhận làm con nuôi. Đây là quê hương trực tiếp của Lê Hoàn và quê hương của cha nuôi.

TS.BS. Lê Văn Nho

UVBTV. Hội đồng họ Lê Việt Nam

  • Bài viết cần sự tham gia, góp ý thêm để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh về nội dung. Trân trọng!

Tài liệu tham khảo:

[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Q.1-13a, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1993

[2] Lê Tắc, An Nam chí lược, bản dịch, Nxb Lao động, Hà Nôi 2009

[3] Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch Nxb Thanh niên, Hà Nội 2001

[4] Đại Việt sử ký tiền biên, bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1997

[5] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí, bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội 1960

[6] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q. 1-5a, bản dịch Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1971

[8] Đền Lăng và Đình Yến lưu giữ 2 ngọc phả: Đinh Tiên Hoàng Đế ngọc phả lục và Tiền Lê tam vị hoàng đế.

[9] Lê tộc sinh hạ (1429)

[10] Trần Bá chí, Ngọc phả các vua triều Lê, Tạp chí Hán Nôm số 5, 2004, tr. 73-76.

[11] Thảo Linh, Về thăm đền Trần Khát Chân, nghe chuyện danh tướng của Thành Tây Đô, https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-tham-den-tran-khat-chan-nghe-chuyen-danh-tuong-cua-thanh-tay-do/119551.htm

[12] Mai Khánh, Gia thế danh tướng Trần Bình Trọng, https://www.baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/gia-the-danh-tuong-tran-binh-trong-377.html

[13] Về nhân vật lịch sử Lê Tần http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Ve-nhan-vat-lich-su-Le-Tan-101

[14] https://hoidonghotranvietnam.vn/thuong-tuong-tran-khat-chan/

[15] Đặng Thanh Bình, Bàn về thân thế của Trần Bình Trọng, https://nghiencuulichsu.com/2018/09/24/ban-ve-than-the-cua-tran-binh-trong/

 

 

[1] https://nghiencuulichsu.com/2018/09/24/ban-ve-than-the-cua-tran-binh-trong/

[2] Đại Việt sử ký toàn thư

[3] An Nam chí lược

[4] http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Ve-nhan-vat-lich-su-Le-Tan-101

[5] Đại Việt sử ký toàn thư

[6] Đại Việt sử ký toàn thư

[7]https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/gia-the-danh-tuong-tran-binh-trong-377.html

[8] http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Ve-nhan-vat-lich-su-Le-Tan-101

[9] Đại Việt sử ký toàn thư

[10] https://nghiencuulichsu.com/2018/09/24/ban-ve-than-the-cua-tran-binh-trong/

[11] https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-tham-den-tran-khat-chan-nghe-chuyen-danh-tuong-cua-thanh-tay-do/119551.htm

[12] https://hoidonghotranvietnam.vn/thuong-tuong-tran-khat-chan/

 

Các tin liên quan