Hội đồng họ Lê các tỉnh thành

Hội thảo về hội thề Lũng Nhai

Nhằm đánh giá ý nghĩa Hội thề Lũng Nhai trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ngày 20/7/2013, tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và UBND huyện Thường Xuân đã tổ chức Hội thảo về Hội thề Lũng Nhai. HĐHLVN tham dự Hội thảo có Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐHL Việt Nam.

Cuộc Hội thảo với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam. Nhiều ý kiến đóng góp, tham luận đã được đưa ra tại hội thảo nhằm đánh giá ý nghĩa quan trọng của Hội thề Lũng Nhai trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Các đại biểu dự Hội thảo

Theo tài liệu lịch sử, Hội thề Lũng Nhai do anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và 18 người cùng chí hướng họp bàn tại một khu rừng ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Theo các tài liệu lịch sử cổ ghi chép lại, tại Hội thề Lũng Nhai, các vị anh hùng đã tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức đồng lòng chuẩn bị phát động khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Minh. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn. Đó chính là tiền đề để phát triển cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, đánh đuổi quân Minh, dành lại nền độc lập cho dân tộc.

Nhiều năm qua, trong giới sử học Thanh Hóa có hai quan điểm: Một cho rằng Hội thề Lũng Nhai diễn ra tại làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Một quan điểm lại cho rằng, địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai tại xã Phúc Thịnh, hoặc xã Kiên Thọ, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Tôn trọng ý kiến đa chiều của các nhà nghiên cứu lịch sử, tháng 11/2012 và tháng 5/2013, UBND huyện Thường Xuân, Sở VH – TT&DL Thanh Hóa đã tổ chức cho đoàn cán bộ nghiên cứu thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện sử học, Khoa Lịch sử Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn, Viện Lịch sử quân sự, các nhà nghiên cứu lịch sử của Hội sử học Thanh Hóa… tiến hành khảo sát, điền dã tại núi Pù Mé thuộc làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng và hai xã Phúc Thịnh, Kiên Thọ. Trong thời gian qua, tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, đã phát hiện nhiều hiện vật cổ bằng đồng, sắt, đá… tại đồi Bái Chanh và dưới chân núi Bù Me được cho là có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Một hiện vật là tượng voi đá cũng được phát hiện ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng năm 2008. Ngoài ra còn có nhiều hiện vật khác cũng được phát hiện trong khu vực này. Nhóm hiện vật lưu giữ tại UBND xã Ngọc Phụng gồm có 7 hiện vật (chất liệu đồng, sắt, đá). Trong đó, có 6 hiện vật gồm: Lao, khâu kiếm, đốc kiếm, mảnh trang trí hình chữ nhật, mảnh giá treo hình rồng và khánh là do bà con phát hiện năm 2007 trong quá trình canh tác tại đồi Bái Chanh và dưới chân núi Bù Me ở thôn Xuân Thành (trước kia là làng Mé hoặc Lũng Mi).

Một hiện vật là tượng voi đá phát hiện ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng năm 2008 (khu vực có miếu thờ). Khu vực phát hiện nhóm hiện vật trên tương truyền là nơi Lê Lợi cùng 18 người hào kiệt đồng sức, đồng lòng, làm lễ tế cáo trời đất kết nghĩa anh em, tuyên đọc lời thề quyết tâm đánh giặc cứu nước.

Nhóm hiện vật đang lưu trữ trong dân (gia đình ông Phạm Quang Toán, dân tộc Mường, thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng) có 11 hiện vật chủ yếu là chất liệu đồng và chất liệu hữu cơ. Trong đó có 8 hiện vật gồm: Kiếm, chuôi kiếm,

Tại hội thảo, có 13 báo cáo trong tổng số 30 báo cáo gửi đến ban tổ chức được trình bày trong hội thảo. Các đại biểu đã thảo luận làm rõ 3 vấn đề: Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Hội thề Lũng Nhai trong tiến trình phát triển và giành thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV; Xác định địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai; Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến Hội thề Lũng Nhai, đề xuất các hình thức tưởng niệm, tôn vinh các nhân vật lịch sử tham gia hội thề.

Các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp nhằm phát huy giá trị của di tích thông qua tuyên truyền, nâng cao kiến thức lịch sử cho người dân địa phương; đề xuất tiến hành quy hoạch, bảo tồn để lưu lại dấu tích của Hội thề Lũng Nhai; Xây dựng đền thờ các vị anh hùng, dựng bia tưởng niệm theo truyền thống địa phương; Đề nghị các cơ quan chức năng xếp hạng di tích, đồng thời tiến hành biên tập, xây dựng kỷ yếu, xuất bản sách ghi lại thành công của Hội thề nhằm tạo cơ sở khoa học để xếp hạng di tích.

Kết thúc hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kết luận: Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra nòng cốt của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và Hội thề Lũng Nhai đã định hướng toàn bộ đường lối cho cuộc khởi nghĩa…

Hội thảo đã đồng thuận việc công nhận Hội thề Lũng Nhai diễn ra tại Lũng Mi thuộc Ngọc Phục là có cơ sở. Địa điểm cụ thể là Đồi Bái, Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa.

Tin: Lê Hùng
Ảnh: Lê Đình Duật

Các tin liên quan