HLVN-Vậy là đã hơn 6 thế kỷ, kể từ “ngọn lửa bình Ngô” do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo, đã cuốn phăng ách nô lệ lầm than và mở ra một trong những kỷ nguyên phát triển huy hoàng bậc nhất của lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Để rồi, tiếng vọng hào hùng từ quá khứ lịch sử ấy đã đan kết thành truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và là điểm tựa cho hành trình đổi mới và phát triển quê hương, đất nước.
Nói về 20 năm Minh thuộc (1407-1427), nhiều sử gia và nhà nghiên cứu lịch sử đã thống nhất nhận định, đây là một thử thách ác liệt, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của dân tộc. Bằng nền đô hộ khắc nghiệt và vô cùng tàn bạo, nhà Minh muốn xóa bỏ vĩnh viễn sự tồn tại của đất nước ta. Đó là những thủ đoạn diệt chủng hiểm độc đến cùng cực, từ thẳng tay tàn sát Nhân dân ta đến áp dụng chế độ sưu thuế nặng nề và vơ vét cạn sạch nguồn tài nguyên, sản vật. Chưa hết, chúng còn dùng thủ đoạn nham hiểm nhất để hủy diệt nền văn hóa Đại Việt. Từ sách vở văn tự, đến tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí là ăn mặc… tất cả đều bị đốt phá, cấm đoán. 2 thập kỷ đô hộ, nhà Minh đã biến đất nước ta trở thành một “lò sát sinh” và đặt dân tộc ta trước nguy cơ hủy diệt.
Sự tàn bạo của kẻ thù với mưu đồ thâm độc của chúng đã cuốn cả dân tộc ta vào vòng xoáy khủng khiếp liên quan đến sự tồn vong. Nhưng đồng thời, câu hỏi về vận mệnh quốc gia và bảo vệ các giá trị làm người cơ bản nhất trở thành câu hỏi của lịch sử lúc bấy giờ. Để trả lời câu hỏi ấy, hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã nổ ra và đều kết thúc thất bại. Giữa lúc quốc gia hưng hay vong chỉ cách nhau một sợi chỉ mỏng, thì từ núi rừng Lam Sơn Thanh Hóa, con người được lịch sử gọi tên đã chính thức đứng dậy để ghi tên mình vào sử xanh. Nằm trong “vòng kim cô” kiểm soát và o ép của lũ Việt gian bán nước và kẻ thù cướp nước, song Lê Lợi vẫn có thể linh hoạt ứng đối và chuẩn bị lực lượng để “bắt tay vào đại cuộc”. Trước thanh thế ấy của ông, một tên Việt gian đã mật báo quân Minh rằng “Chúa Lam Sơn chiêu vong nạp bạn, đãi ngộ quân lính rất hậu, chí nó không nhỏ, nếu giao long được gặp mây mưa thì tất không phải là vật trong ao đâu! Nên sớm trừ đi, chớ để lo về sau”.
Quả thật, giao long đã gặp mưa. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo nổ ra vào năm Mậu Tuất (1418) đã trở thành câu trả lời đúng nhất cho vận nước lúc bấy giờ. Để rồi, sau 10 năm nằm gai nếm mật, đến năm 1427, với thế trận “trúc chẻ tro bay” gắn liền với những địa danh lừng lẫy đã đi vào lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc như Tốt Động, Chúc Động, Bồ Đằng, Trà Lân, Xương Giang, Chi Lăng… cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi rực rỡ. Đây được xem là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô lớn và cực kỳ gian khổ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của nó được đánh dấu bằng các sự kiện vĩ đại: đập tan ách đô hộ tàn bạo suốt 20 năm, đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi và giành lại nền độc lập cho dân tộc. Đồng thời, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế và được hậu thế xưng tụng là vị tổ trung hưng lần 2 của dân tộc Việt Nam, lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Thành quả vĩ đại ấy đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt hùng mạnh, với nhiều thành tựu to lớn cả về chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa và quốc phòng.
“Một ngọn lửa bình Ngô. Một anh hùng áo vải. Một tư tưởng nhân văn. Một binh pháp chiến lược. Một mệnh lệnh chiến đấu được chiết ra từ máu thề Lũng Nhai và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”” (nhà văn Chu Lai). Đó là những giá trị lớn lao và cao cả được toát ra từ cuộc chiến sinh – tử Lam Sơn, đã hun đúc thành hào khí Lam Sơn – hào khí non sông. Để rồi, cũng từ hào khí tỏa rạng ấy mà nhiều thế hệ con dân Đại Việt đã tiếp bước cha ông trong cuộc tranh đấu không ngơi nghỉ cho quyền độc lập của quốc gia – dân tộc. Và, một trong những thiên sử ca chói lọi ấy là 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà ở đó Thanh Hóa đã góp một tiếng nói rất quan trọng. Đặc biệt, từ điểm tựa là quá khứ lịch sử hào hùng, ngày nay, với tiềm năng đang được phát huy và nhiều vận hội lớn đang được nắm bắt, Thanh Hóa đang và sẽ làm một cuộc chuyển mình, để bước khỏi “vùng tối” của nghèo nàn lạc hậu và vươn lên thang bậc phát triển cao hơn, xứng với vị thế “địa linh nhân kiệt”. Từ đó, vững vàng cùng cả nước bước vào “đại cuộc” mới: đó là đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, làm cho dân giàu nước mạnh và nâng cao cơ đồ, vị thế quốc gia – dân tộc trên trường quốc tế.
Quá khứ đã trở thành một phần của lịch sử để thế hệ hôm nay luôn luôn ngưỡng vọng và tự hào. Để rồi, kỷ niệm 603 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 593 năm vua Lê Thái tổ đăng quang, tưởng niệm 588 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi và lễ hội Lam Kinh năm 2021 là dịp để mỗi người con xứ Thanh, mỗi con dân đất Việt hồi cố lịch sử và tri ân tiền nhân tiên tổ. Đồng thời, tiếp tục kế thừa và tỏa rạng hào khí Lam Sơn cho hôm nay và mai sau./. (Theo báo Thanhhoa.vn)