LÊ NGỌC XÍCH (1568- 1640)
Lê Ngọc Xích[1] sinh ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thìn, niên hiệu Chính Trị thứ 11 (1568) đời vua Lê Anh Tông (Lê Duy Bang)[2] tại làng Đạt Tài xã Hà Dương, huyện Hoằng Hoá, lộ Thanh Hoá, nay là xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá[3]. Ông là cháu đời thứ năm của vua Lê Hiến Tông[4]. Thân phụ của Lê Ngọc Xích là Lê Bật, cháu gọi vua Lê Hiến Tông là ông tổ nội. Lê Bật là một quan chức trong Triều Lê. Do có nhiều công đánh dẹp lực lượng chống đối triều đình, ông được phong chức Dương vũ uy Nam công thần và nhiều lần nhậm chức Vệ uý.
Thân mẫu Lê Ngọc Xích là Trịnh Diễn người xã Hà Dương, Hoằng Hoá. Bà là người hiền lành, mến chuộng Phật pháp. Sau một thời gian cầu tự ở chùa, bà đã sinh được Lê Ngọc Xích. Gia đình rất yêu quý cậu con trai cầu tự, có bao nhiêu của cải, vuờn tược ở Hà Dương và Biện Hạ đều cho Lê Ngọc Xích cả.
Lê Ngọc Xích còn có bố nuôi là Nguyễn Thiêm, một người rất giỏi binh thư, võ nghệ. Ông là một trong những công thần thời Lê trung hưng, được phong nhiều chức tước quan trọng của triều đình: Kiệt tiết tuyên lực Kính thận công thần, đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Thiếu bảo, Vữ tứ nhai quân vụ sự, Thượng trụ quốc Hoa quận công, tước Hầu[5].
Vợ của Lê Ngọc Xích là Nguyễn Thị Thanh, sinh năm Nhâm Thìn (1572). Bà là con gái quan họ Nguyễn. Ông bà có một người con là Lê Ngọc Đại. Lê Ngọc Đại cũng là một tướng quân trong quân đội triều đình Lê – Trịnh.
Lê Ngọc Xích là người thông minh, trung thực, luôn tận trung với đất nước, hiếu hảo với cha mẹ, làm việc nghĩa đối với nhân dân nên được mọi người mến phục[6].
Ông vốn là dòng dõi nhà Lê nhưng sinh ra và lớn lên trong thời kì đất nước bất ổn[7], các tập đoàn phong kiến nổi lên tranh giành quyền lực, đất nước bị chia cắt và các cuộc chiến tranh xảy ra triền miên đã ảnh hưởng rất nhiều tới sự nghiệp của ông.
Theo gia phả họ Lê Ngọc hiện còn lưu giữ ở xã Hoằng Đạt huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá: Lê Ngọc Xích là người trí dũng song toàn và có tài thao lược nên nhiều lần được Triều đình cử đi đánh nhà Mạc bảo vệ triều Lê. Do lập được nhiều chiến công trong chiến đấu, năm Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623)[8] đời vua Lê Thần Tông, ông được triều đình phong chức Dương vũ uy dũng công thần, tước bá. Sau đó ông tiếp tục được phong chức Tổng kiểm tri và vinh phong Dương vũ uy dũng Tán trị công thần đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân và bổ nhiệm chức Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ, tước Hầu
Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Đức Long thứ nhất (1629), Lê Ngọc Xích được triều đình cử dẫn quân lên lên Cao Bằng trấn áp tàn quân nhà Mạc. Dưới sự chỉ huy của ông, quân triều đình đã giành được nhiều thắng lợi nên khi trở về ông được phong chức “Điện tiền Đô hiệu điểm Ty hữu”[9]. Đến năm Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634), ông lại cùng con trai là Lê Ngọc Đại đưa quân lên Cao Bằng đánh dẹp tàn quân nhà Mạc, trở về ông được phong chức “Tham đốc thần vũ tứ vệ quân vụ sự”. Lê Ngọc Đại được phong chức “Đại phu Lang trung bộ hình thượng khanh” hàm Trung giai
Lê Ngọc Xích mất năm Canh Thìn, niên hiệu Dương Hoà thứ sáu (1640), đời vua Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ) thọ 73 tuổi. Sau khi mất, ông được nhà vua ban tên thuỵ là Thuần Chính
Ông là một võ tướng có nhiều công tích trong chiến đấu. Những công tích của ông nói riêng, của gia đình ông nói chung góp phần vào sự ổn định của đất nước trong thời kỳ diễn ra cuộc tranh chấp quyền lực hết sức quyết liệt giữa các tập đoàn phong kiến.
Hiện nay, tại làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá còn có đền thờ Lê Ngọc Xích. Tại đây còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều đình phong kiến ban tặng ông. Ngoài ra, tại thôn Ngọ Liệt, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá cũng có đền thờ ông cùng với cụ tổ bốn đời của ông là An Đại Vương Lê Huy Tuân (hoàng tử con vua Lê Hiến Tông).
[1] Ngọc Xích nghĩa là ngọc trai đỏ, do bà mẹ nằm chiêm bao thấy.
[2] Vua Lê Anh Tông (Lê Duy Bang) là cháu đời thứ sáu của Lê Trừ anh trai Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ), do vua Lê Trung Tông không có con nối dõi nên Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm và các đại thần lập nên. Nhà vua tại ngôi 16 năm (1557- 1573).
[3] Thân phụ của Lê Ngọc Xích là Lê Bật ban đầu lấy vợ ở Biện Hạ, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá (nay là xã Vĩnh Minh, Vĩnh Lộc) nhưng không có con. Sau đó ông lấy vợ kế là Trịnh Diễn người xã Hà Dương và chuyển về ở đó. Khi ông mất, mộ táng tại xã Hà Dương. Lê Ngọc Xích được sinh ra và lớn lên tại xã Hà Dương. Ông chính là ông tổ của dòng họ Lê Ngọc ở xã Hoằng Đạt ngày nay.
[4] Vua Lê Hiến Tông là con trưởng của vua Lê Thánh Tông, tại ngôi 7 năm (1498- 1504). Lê Hiến Tông là vua anh minh, thông tuệ, dưới sự trị vì của ông, đất nước thái bình, nhân dân no đủ nhưng quá ham nữ sắc nên mất sớm.
[5] Theo Gia phả họ Lê Ngọc ở xã Hoằng Đạt
[6] Theo Gia phả, khi ông đóng quân ở Kinh Bắc có 23 người bị vu cáo vi phạm việc quân, ông đã lấy lòng khoan hoà xử lí nên mọi người tôn kính ông.
[7] Từ sau khi vua Lê Hiến Tông mất, đất nước ta dần dân lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị – kinh tế- xã hôi hết sức trầm trọng. Năm 1527, Mạc Đăng Dung tiếm quyền, bắt vua Lê nhường ngôi, lập ra nhà Mạc (1527- 1592). Năm 1533 Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh- cháu đời thứ năm của vua Lê Thánh Tông lên làm vua (Lê Trang Tông) mở đầu thời kỳ Trung hưng của nhà Lê. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá xây dựng thế lực của họ Nguyễn.
[8] Mùa hè năm 1623, Trịnh Tùng mất, Trịnh Xuân biết tin đưa quân gây biến hòng cướp ngôi của Trịnh Tráng nhưng thất bại. Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng biết tin trong triều có biến đã đưa quân tiến về kinh thành Thăng Long. Mạc Kính Khoan đóng quân ở Gia Lâm, thu hút hàng vạn dân trong vùng tham gia. Tuy nhiên, đình Lê- Trịnh đã phản công tiêu diệt hoàn toàn đội quân của Mạc Kính Khoan.
[9] Theo Đại Việt sử kí Toàn Thư, đầu năm Kỷ Tỵ (1629), triều đình ban chiếu phong thưởng cho tất cả nhũng người có cả hai công đánh dẹp binh biến và đánh nhà Mạc măn 1623. Đến tháng 4, nhà vua cho đổi niên hiệu là Đức Long và ban chiếu phong thưởng cho tất cả những người có công trong đợt đi đánh quân nhà Mạc ở Cao Bằng.