LÊ NHỮ BẬT (1527-1599)
Lê Nhữ Bật tự là Trung Trực, thụy là Minh Đạt
Người làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Về năm sinh năm mất của ông, tài liệu ghi khác nhau. Liệt huyện đăng khoa bị khảo ghi ông đỗ tiến sĩ năm 25 tuổi (Kỷ Sửu 1589). Từ đó suy ra, ông sinh năm Ất Sửu niên hiệu Chính trị thứ 8 (1565). Trong khi đó, Phả ký Lê tướng công, chép rằng: “Lê tướng công tự là Nhữ Bật, sinh năm Đinh Hợi, năm thứ sáu Thống Nguyên (niên hiệu Cung hoàng), tức năm 1527… Năm Quang Hưng thứ 22 (1599), tức năm Kỷ Hợi, vào ngày 11 tháng 6, tướng công về trời, thọ 73 tuổi”. Theo tài liệu này thì năm 63 tuổi ông mới đỗ tiến sĩ, sự học quả là kiên trì. Bia Minh Đạt tướng công cho biết rằng ông mất năm 73 tuổi.
Như vậy, căn cứ bia Minh Đạt tướng công và Phả ký Lê tướng công có thể khẳng định, Lê Nhữ Bật sinh năm 1527 mất năm 1599.
Xuất thân trong một gia đình quan lại, có truyền thống Nho học. Ông tổ 5 đời tên húy là Hàn, tự là Nhữ Văn, giữ chức Ngục thừa xứ Sơn Nam, khi mất được truy tặng Tham chính, Triều liệt đại phu. Ông tổ 4 đời tên húy là Sơn Hạc được phong Tán trị công thần, Gia hành đại phu, chức Tả thị lang bộ Lễ, Nhập thị kinh diên. Ông nội tên huý là Khí, tự là Hi Đán giữ chức Tri huyện Thanh Trì, khi mất được truy tặng Hoằng Tín đại phu. Cha là Nhữ Thái làm Tri huyện Vĩnh Phúc, phong tặng Hiểu Cung đại phu.
Năm Quang Hưng thứ 6 đời vua Lê Thế Tông, tức năm Quý Mùi 1583, Lê Nhữ Bật được cử giữ chức Thị giảng.
Năm Kỷ Sửu niên hiệu Quang Hưng thứ 12 (1589), ông thi hội đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), cùng khoa với Lương Trí (Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân); Lương Khiêm Hanh, Lương Đình Túc (Đồng Tiến sĩ xuất thân).
Tháng 8 năm Canh Dần, niên hiệu Quang Hưng 13 (1590), ông được phong …. (mất chữ) cán sự, thăng lên Hiến sát sứ xứ Nghệ An, tước Nhân thọ hầu. Được 6 năm, năm Quang Hưng 19 (Bính Thân 1596)), ông được vinh phong Hiệp mưu đồng đức công thần Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Lại khoa Đô cấp sự trung, tước Nhân Thọ tử.
Lê Nhữ Bật mất năm Quang Hưng thứ 22 (Kỷ Hợi 1599), trên đường đi sứ sang nhà Minh, thọ 73 tuổi[1].
Ông là người tài đức, “là bậc văn chương đạt đến chuẩn mực, đức nghiệp trong độ khuôn phép, soái lĩnh quy mô sánh cùng càn khôn, từ trẻ tới già luôn giữ mình hợp cùng cảnh ngộ”; có công “lớn lao ngầm giúp hoàng gia kế nối ngôi vị”.
Lê Nhữ Bật có ba người vợ. Bà vợ cả là người xã Liên Trì, huyện Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hoá họ Nguyễn, tên húy là Huy (mất chữ). Bà sinh được người con gái, gả cho Hương cống xã Liên Trì là Lâm Ngọc Cối. Vợ chồng bà Cối sinh được người con trai là Lâm Khoa.
Bà vợ kế là người xã Nguyệt Viên, họ Nguyễn, húy là Bích, sinh được một người con gái, gả cho hiệu sinh xã Nguyệt Viên, tên là Trần Viết Kính. Ông bà Kính sinh được một người con trai tên là Trần Viết Trung.
Bà vợ thứ ba là người xã Hòa Trường, huyện Ngọc Sơn, họ Nguyễn, húy là Cửu (mất chữ), là cô của Thượng thư Nguyễn Để (người Hoà Trường), được phong là Quận phu nhân. Bà sinh được một người con gái tên là Lê Thị Pháp, gả cho Lê Đình Chương, người xã Phù Minh (con Thượng thư Phù Minh Lê Đình Quang người Phù Minh). Ông này làm đến chức Tham nghị Nghệ An.
Quận phu nhân nuôi một người con trai là Lê Mậu Thưởng. Người này làm quan đến chức Tham nghị Kinh Bắc. Ông bà này có một người con trai tên là Lê Văn Trị, không may Lê Văn Trị mất sớm (cháu của Lê tướng công), không có người nối dõi tông đường.
Các triều đại sau tặng phong cho ông:
Năm Vĩnh Tộ thứ 11 tức năm Kỷ Tỵ, Lê Nhữ Bật được vua phong là quan Hàn lâm, tặng cho tước Nhân thọ hầu. Ngày 20-4 năm ấy, ông được gia tặng chức Tả thị lang bộ Công, Nhân quận công, phong làm Quốc sư. Ngày 6-5, gia phong là Thượng thư bộ Công. Nhà vua ban cho tên thụy là Minh Đạt. Năm Phúc Thái thứ 6 có biểu hiện linh ứng, ông được phong là Trung đẳng thần phụ quốc bảo dân Đại vương, bắt đầu được ghi tên vào từ điển, được thờ cúng ở Thiên Nam.
Vua sai Tiến sĩ khoa Mậu Tuất là Lại bộ Thượng thư kiêm chưởng việc ở lục bộ là Thái bảo Tuyên quận công soạn văn bia, Trấn thủ xứ Thanh Hoa là Trung quân đô đốc Thọ quận công giữ việc tạc bia, lập miếu thờ Lê tướng công, cử 2 người chuyên trông nom đền và lo việc thờ cúng. Cấp cho 15 người lo việc quét dọn là những người thuộc xã Nguyệt Viên, đồng thời nới lỏng việc tế tự của họ.
Năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), phong là Trợ thắng đại vương… Năm Bảo Thái thứ 7, (1726) Lê Nhữ Bật được tặng phong là Bảo hộ vương gia tướng công.
Sau khi Lê Nhữ Bật mất, nhớ ơn công lao huân danh cũ của ông, nhà vua ban lệnh tạo bia, cho phép xã Vĩnh Trị tạo lệ đời đời phụng thờ theo từ điển, lập bài phụng thờ mãi mãi bồi đắp quốc trạch. Vâng mệnh nhà vua, bà Lê Thị Pháp (con gái trưởng), người được giao việc thờ tự, đã bỏ tiền mua 4 mẫu, 4 sào ruộng giao cho xã để lo việc thờ cúng hàng năm. Quan viên hương sắc lớn nhỏ, chiếu theo như hương ẩm mãi mãi ghi là ruộng tế điền, kính cẩn khắc vào bia lo việc thờ cúng muôn đời[2].
[1] Theo Phả ký Lê tướng công.
[2] Bia lập khế ước ruộng cho cha của con gái Lê Nhữ Bật do Nguyễn Văn Trị, người xã Hành Vỹ, huyện Hoằng Hóa, chức Tán trị công thần, Đặc tiến kim tử, Vinh lộc đại phu, Đại lý Tự khanh, tước Thuần Lĩnh tử dựng.