HLVN – Sau khi Lê Thái Tổ băng hà, thì các vua kế liên tiếp bị lật đổ bởi sự tranh chấp của tạp đoàn Mường Thái Lam Sơn và các nho sĩ tam giác châu. Đến Lê Thánh Tông thì ông được cả hai tập đoàn ủng hộ, vì, một mặt, ông thuộc dòng dõi Lê Lợi, và, mặt khác, từ nhỏ ông đã được các nho sĩ Bắc bộ cứu sống và nuôi dạy ở ngoài dân gian cho đến khi vào cung. Tính chất nhà nho – hoàng đế hay hoàng đế – nhà nho này khiến Lê Thánh Tông (1442 – 1497) trở thành một nhà thơ đặc biệt, bởi ông còn là một ông vua. Địa vị hoàng đế, một hoàng đế nắm bắt được nhu cầu lịch sử để tự nguyện làm công cụ cho nó, khiến ông phát huy hết khả năng hành đạo của một nhà nho để mở ra một thời đại mới trong lịch sử Việt Nam trung đại, thời đại văn hóa Nho giáo.
Văn hóa thời đại Lý – Trần chủ yếu là văn hóa Phật giáo, tuy rằng trên nền tảng tam giáo đồng nguyên. Cơ sở kinh tế – xã hội của thời đại này là chế độ điền trang thái ấp và tầng lớp quý tộc dòng máu. Cuối đời Trần, chế độ đó đã rơi vào khủng hoảng, xã hội mất sự thống nhất, nhu cầu tư hữu xuất hiện. Nhà cải cách Hồ Quý Ly, một mặt, đã sử dụng chính sách hạn điền hạn nô để không chế nạn kiêm tinh ruộng đất của quý tộc, lấy lại đất công để chia cho nông dân, bảo lãnh cho tầng lớp địa chủ nhỏ lớn mạnh, mặt khác, phát triển Nho giáo như một hệ tư tưởng của nhà nước để củng cố bộ máy cai trị nhằm tạo sự thống nhất đất nước. Những cách tân này chưa kịp phát huy hiệu lực thì bị cắt ngang bởi sự xâm lược của quân Minh. Tuy nhiên, gần 20 năm chiếm đóng của quân xâm lược với chính sách phá hủy văn hóa dân tộc vô hình trung đã “dọn mặt bằng” cho việc xây dựng một thời đại văn hóa mới: văn hóa Nho giáo. Những năm đầu của nhà Lê, sự tranh giành quyền lực và sự thanh trừng lẫn nhau của các phe phái làm hao tổn nhân tài vật lực càng thúc đẩy ý tưởng xây dựng một nhà nước quân chủ Nho giáo để thống nhất hệ tư tưởng chính thống, thống nhất bộ máy trên cơ sở đề cao tuyệt đối vương quyền. Lê Thánh Tông đã ý thức được điều đó và đưa Nho giáo lên thành quốc giáo và trao cho nó địa vị độc tôn. Như vậy, xã hội Việt Nam sang trang một thời kỳ mới: từ khẳng định dân tộc chuyển sang khẳng định chính quyền tự chủ thống nhất.
Trong suốt thời đại Lý Trần, đội ngũ các nhà nho càng ngày càng đông lên. Họ tích cực tham gia vào bộ máy hành chính. Cùng với các thiền sư, họ cùng tham gia sáng tạo những tác phẩm văn hóa, đặc biệt là văn học, những Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Chí Linh sơn phú và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi… Mặc dù người viết là những nhà nho, nhưng các tác phẩm này chưa phải là văn học Nho giáo, bởi cái nhìn thế giới, các quan niệm về xã hội, về con người còn chịu ảnh hưởng to lớn của tinh thần vô ngã Lý Trần, còn phóng khoáng cởi mở theo tinh thần khoan giản an lạc của thời đại này. Như vậy, không phải là bấy giờ văn học Nho giáo chính hiệu chưa có, nhưng các quan niệm thẩm mỹ, quan niệm văn học của nó chưa trở thành dòng chính, thành yếu tố chủ đạo chế ngữ xã hội. Chỉ khi Lê Thánh Tông đưa Nho giáo lên thành quốc giáo, chính thống hóa và chính thức hóa nó ở ngôi độc tôn, Việt Nam trở thành một nhà nước nông nghiệp quân chủ Nho giáo, và Nho giáo từ ý thức hệ đến bộ máy hành chính, từ giáo dục đến học hành, thi cử, thì văn chương Nho giáo mới giữ vai trò thống trị và loại hình nhà văn nho sĩ mới ra đời. Lê Thánh Tông với tư cách một ông vua là người đầu tiên đã chính thống hóa văn học Nho giáo, chuyển văn hóa dân tộc sang loại hình văn hóa Nho giáo. Còn với tư cách một nhà văn, ông là một tác giả tiêu biểu đầu tiên của loại hình văn học này.
Có người cho rằng, trong xã hội quân chủ chuyên chế như Trung Hoa và Việt Nam thì nhà vua là người có quyền tuyệt đối, kẻ chủ sở hữu duy nhất toàn bộ đất đai sông núi cây cỏ và cả con người sống trên lãnh thổ đó. Bởi vậy, anh ta dừng ngoài mọi sự phân loại, đúng hơn anh ta đứng vào một loại riêng, mẫu hình hoàng đế.[1] Nhưng, tôi nghĩ khác, trong xã hội quân chủ nho giáo, chí ít là ở Việt Nam, nhà vua vẫn thuộc loại hình nhà nho, những dị biệt chỉ ở sắc thái nên không đáng kể. Bởi lẽ, trước khi lên ngôi vua, trở thành hoàng đế trị vì thì anh ta đã là nhà nho rồi. Hơn nữa, anh ta lên làm vua, trở thành con trời (thiên tử) là theo mệnh trời (thiên mệnh). Nếu làm đúng chức năng của một ông vua đã được Nho giáo quy định thì anh ta còn giữ được ngôi. Xưa nay, trong tương quan đối kháng giữa con người và bộ máy thì bao giờ bộ máy vẫn mạnh hơn, đặc biệt là với con người chức năng trong xã hội luân thường. Đó là chưa kể trước khi có thể trở thành ông vua thì anh ta còn phải là con của một gia đình, một dòng họ, của một truyền thống nào đó. Trường hợp Lê Thánh Tông, tôi nghĩ, lại càng như vậy. Cá nhân ông không hề đối lập với ý thức hệ Nho giáo mà chính ông là ý thức hệ đó. Cá nhân ông không hề đối lập với bộ máy nhà nước vận hành kiểu Nho giáo mà chính ông là bộ máy đó. Chính Nhà nước quân chủ Nho giáo làm cho ông trở thành ông và ông làm cho nó trở thành nó. Nó với ông là một.
Trong diễn trình văn học trung đại Việt Nam không có thời nào văn học Nho giáo thịnh đạt như thời đại Lê Thánh Tông. Bởi Lê Thánh Tông là hoàng đế – nhà nho – thi sĩ, bởi các tác giả thời kỳ này đều là triều thần – nhà nho – thi sĩ, bởi văn học thời kỳ này là văn chương Nho giáo chính thống. Đây là thời đại mà lần đầu tiên văn học cung đình xuất hiện ở Việt Nam tạo ra sự nhị phân bác học/dân gian, chính thống/phi chính thống. Và cũng chính ở thời đại này lần đầu tiên xuất hiện một thi xã, Hội Tao đàn, do chính Lê Thánh Tông làm hội trưởng (Tao đàn nguyên soái) gồm 28 thành viên tượng trưng cho 28 ngôi sao trên trời. Nhưng trong một xã hội nhà nước hóa rất mạnh như vậy, hơn nữa đứng đầu thi xã lại do một người đứng đầu nhà nước, nên một hội nghề nghiệp không thể là một hội phi nhà nước được.
Trong tác phẩm Quỳnh uyển cửu ca, tập thơ xướng họa của Hội Tao đàn, Lê Thánh Tông đã ra “tuyên ngôn” về quan niệm văn chương của mình như sau: “Ta nhân lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày được nhàn, thường xem các sách, vui thích lục nghệ, mọi sự huyên náo lắng xuống, một ngọn đèn sáng thơm thơ, thị dục ít, tinh thần trong sạch, ở ngẫu hứng cao, mới phấn khởi nghĩ đến khuôn phép lớn của thành đế minh vương, lòng cẩn thận của trung thần lương bật, sai lấy bút giấy mực, ghi lại chân tình phát triển ra có anh khí dào dạt, thành cách ngôn hay.” Đây chính là quan niệm văn dĩ tải đạo của Nho giáo. Nhưng đạo ở đây không phải là đạo của Lão tử, mang tính chất triết học tư biện trừu tượng, mà là đạo trị nước, cai trị bằng đạo đức Nho giáo. Văn chở đạo, tức là văn học phải là công cụ để tuyên truyền, giáo hóa dân chúng theo cái đạo ấy. Tuy nhiên, ở đây văn cũng rất được chú trọng. Bởi, con thuyền không vững chắc, không mang hình dáng thủy động học thì không thể có tải trọng lớn, không thể đi nhanh đi xa được.
Sự nghiệp sáng tác của Lê Thánh Tông rất khớp với những chuẩn của văn học Nho giáo, với tính chất chính thống và chính thức của nó. Tuy nhiên, văn chương của ông cũng có những lệch chuẩn, dù là sự lệch chuẩn cho phép ở một hành lang hẹp, bởi khí thế đi lên của triều đại ông, của dân tộc Việt Nam bấy giờ và hoàn cảnh cá nhân lận đận ấu thời của ông không phải không có lúc bị đặt ra mép lề chính thống. Trước hết đó là việc Lê Thánh Tông tiếp tục sáng tác thơ nôm theo truyền thống Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, mà không sợ bị chê nôm na là cha mách qué. Có thể, vị thế thiên tử của ông cũng đủ để bịt mồm thiên hạ. Nhưng cũng có thể, dù là làm thơ nôm thù tạc và tụng ca, nhưng thơ nôm Lê Thánh Tông là thơ nôm của thiên tử.
Tính chất chính thống, con trời, của Hồng Đức quốc âm thi tập trước hết thể hiện ở chỗ thi tập này là một tập thơ vịnh, một thể loại thơ mang tính chất văn học cung đình điển hình, mà trước hết là vịnh sử. Nho giáo, như ta đã biết, là một học thuyết cai trị và cai trị theo mẫu mực của quả khứ. Bởi thế, các nho sĩ quan lại rất chú ý đến các khuôn mẫu của quá khứ. Lịch sử cung cấp cho họ những bài học và những tấm gương. Vịnh sử, đặc biệt là các nhân vật lịch sử, là một phương thức “đúc rút kinh nghiêm” thông qua ngợi ca. Vì thế, truyền thống chính thức của vịnh sử Việt Nam là vịnh Bắc sử và bằng chữ Hán. Lê Thánh Tông, một mặt, vẫn đi theo đại lộ truyền thống, mặt khác trong Hồng Đức quốc âm thi tập, ông lại có những bài thơ vịnh Nam sử bằng chữ Nôm. Và chính những bài thơ này có nhiều giá trị hơn cả. Và giá trị là ở sự lệch chuẩn.
Bà Trưng với vị thế là người mở trang đầu tiên chống xâm lược phương Bắc nên hầu như bao giờ cũng có mặt trong thơ vịnh sử của Việt Nam. Bài thơ Trưng Vương của Lê Thánh Tông có lẽ là một trong những bài thơ đầu tiên viết về bà xét về mặt thời gian và, quan trọng hơn, về một lối khai thác lệch chuẩn nhân vật lịch sử. Bài thơ ca ngợi không phải đạo đức Nho giáo chung chung, mà truyền thống văn hóa Việt, nhân cách văn hóa Việt Nam trên cơ sở mỹ cảm dân tộc.
Giúp dân dẹp loạn trả thù mình,
Chị với em cùng cất nghĩa binh.
Tô Định bay hồn vang một trận,
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.
Mới rày bảo vị ra ơn rộng,
Đã đội hoa quan xuống phúc lành.
Còn nước, còn non, còn miếu mạo,
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh.
Ngoài thơ vịnh sử, Lê Thánh Tông còn có nhiều thơ vịnh cảnh: phong cảnh thiên nhiên đất nước và di tích lịch sử. Ở nhóm thơ này, tác giả không chỉ chú ý đến phong cảnh hùng vĩ, tươi đẹp của thiên nhiên đất nước, mà được ông dành nhiều cảm xúc hơn lại chính là cuộc sống của người dân, là đời sống xã hội. Chính đặc điểmn ày thể hiện mối bận tâm của một ông vua sáng, thể hiện cái chất vua của thơ Lê Thánh Tông.
– Đất nhiều cá muối dân no đủ,
Ruộng hiếm hoa màu thuế nhẹ nhàng
(An Bang phong thổ)
– Nhà Nam nhà Bắc đều có mặt
Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình
(Canh một)
Nhưng, có lẽ, đặc sắc nhất của thơ nôm Lê Thanh Tông là nhóm thơ vịnh vật. Thơ vịnh sử, vịnh cảnh, dù có ít nhiều lệch chuẩn, nhưng vẫn nghiêng về phương diện chính thống hơn thơ vịnh vật. Bởi, những bài này thuộc văn phong cao, còn thơ vịnh vật thuộc văn phong thấp, nhất là ở những đề tài không thơ, phi thơ như ở Lê Thánh Tông, các bài thơ vịnh cái rế, cái nón, cái kìm, cái đó, cái quạt, cái cối xay, cái đu, ông đầu rau, thằng bù nhìn, quả dưa, củ khoai, rau cải, con cóc, con kiến, con rận, con muỗi, con gà, con voi, người ăn mày… Đây là những vật hết sức tầm thường chỉ tồn tại nhiều ở ca dao tục ngữ, ở lời ăn tiếng nói của người bình dân. Nhưng, Lê Thánh Tông với chất vua cố hữu của mình, với con mắt “lệch lạc nghề nghiệp’ của nhà quản lý con người đã nhìn thấy trong những vật tầm thường, bé mọn ấy, những phẩm chất to lớn, phi thường. Đây là một cái nhìn “thăng hoa” về ông đầu rau:
Chín vạc đặt yên bằng núi
Ai rằng sự chẳng đến muôn dân
Cái vạc ở đây là đồ dùng nấu ăn đặt lên ông đầu rau, nhưng chín vạc, cũng như cửu đỉnh, là tượng trưng cho giang sơn đất nước, và đất nước nhờ ông đầu rau mà được yên bằng. Đó là cái ơn mà muôn dân được hưởng và ai cũng phải thừa nhận. Đọc xong hai câu thơ này người ta thấy hiện lên hình ảnh một trung thần lương tướng của triều đình. Hoặc trong con cóc, tác giả nhìn thấy cả một khí tượng đế vương, kiểu “anh hùng đoán giữa trần ai mới già.”
Miếu đường có thuở vang lừng tiếng
Giúp được dân lành kẻo nắng nôi.
Cái tài của Lê Thánh Tông là ở bất kỳ vật nào, dù bé mọn đến đâu, cái nhìn Nho giáo của ông cũng thấy bóng dáng của một vật khác to lớn hơn, có ý nghĩa hơn. Mà vật khác đó, trong con mắt của người cai trị biết dùng người, thì chỉ có thể là những người có tài giúp dân giúp nước, đạo cao đức trọng. Loại thơ này, người ta gọi là thơ khẩu khí.
Khẩu khí thơ của Lê Thánh Tông bắt nguồn từ quan niệm văn là người. Văn có thể bộc lộ được những gì sâu xa nhất ẩn kín hoặc còn đang ở dạng mầm mống trong con người. Bởi thế, qua thơ văn người ta không chỉ có thể biết được bản tính sâu kín của người đó, mà còn, từ đó, thấy trước được tiền đồ hoặc số phận của anh ta. Chúng ta hãy nhớ lại một giai thoại văn học (mà với tâm thức người Việt Nam thì đôi khi một giai thoại còn thực hơn cả một sự thực lịch sử): từ vế ra đối của ông thầy Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách (Mưa không có then khóa mà giữ được khách), trò một đối lại Sắc bất ba đào nịch dị nhân (Sắc đẹp không có sóng gió mà dìm chết người tài), còn trò hai thì lại đối Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân (Trăng có treo cây cung mà không bắn người). Số phận người thứ nhất tuy tài giỏi nhưng chết vì hiếu sắc, còn người thứ hai tuy tài kém hơn nhưng sau trở thành một bề tôi lương đống của triều đình. Hoặc, khi Hồ Xuân Hương ngã mà bật ra một câu chữa thẹn Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài thì khẩu khí này thể hiện bản chất ngang tàng của Bà chúa thơ nôm trong khuôn khổ một xã hội chật hẹp.
Thơ khẩu khí của Lê Thánh Tông đã mang lại cho thơ các bác học bấy giờ một vẻ bình dị, dân dã, một cảm hứng sáng tác mới, đầy sinh khí và hơi thở dân tộc. Nhưng, quan trọng hơn, nó khởi đầu cho một kiểu loại thơ mới. Mỗi một bài thơ là một hình ảnh hay một biểu tượng lấp lửng hai mặt (ambivalent): con cóc – ông vua, ông đầu rau – trung thần, thằng bù nhìn – vị tướng lĩnh… Thế giới của đồ vật cũng là xã hội con người. Kiểu hình tượng lấp lửng hai mặt này ta còn thấy đậm đặc trong thể loại câu đố dân gian và đặc biệt sắc sảo trong đố tục giảng thanh và đố thanh giảng tục… Phải chăng, tôi nghĩ, thơ khẩu khí Lê Thánh Tông và câu đố dân gian là những khởi nguyên quan trọng cho thơ Hồ Xuân Hương sau này?[2]Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ Cây đánh đu của một ông vua thơ nôm và bài Đánh đu của một bà chúa thơ nôm lại có nhiều điểm giống nhau về thân xác, nhưng hoàn toàn khác nhau về hồn thơ như vậy. Ông vua trời chọn thì nhìn sự đánh đu bằng con mắt lễ nghi của một thiên tử: Tế hậu thổ khom khom cật/ Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng, còn bà chúa dân phong thì bằng con mắt phồn thực dân dã: Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Như vậy, Lê Thánh Tông là một nhà nho quân tử, một thi nhân hoàng đế điển hình. Ngôi vị hoàng đế không kéo được ông ra khỏi mẫu người này, mà ngược lại thúc đẩy ông phát động hết mức tiềm năng của con người đó, nhất là chức năng hành đạo. Và một trong chức năng hành đạo đó là làm thơ. Lê Thánh Tông đã mở ra một thời đại khác trong văn học, văn hóa Việt Nam bằng việc lấy Nho giáo làm ý thức hệ chính thống của toàn xã hội. Thời đại Lê Thánh Tông phát triển cả về kinh tế, xã hội lẫn văn hóa. Dĩ nhiên, theo hướng Nho giáo hóa, chính thống hóa và nhà nước hóa. Tuy vậy, Nho giáo Việt Nam lúc này đang ở thế đi lên, những yếu tố tích cực của nó được phát huy và hòa điệu với xu thế đi lên của dân tộc, nên Lê Thánh Tông, một người là biểu tượng của chính thống, của chuẩn mực Nho giáo lại có những lệch chuẩn khá bất ngờ, thú vị. Và chính những lệch chuẩn này đã hé cho chúng ta thấy bên trong những cân đai mũ măng ấy có một con người, con người thi sĩ, với một trái tim đang đập nhịp khỏe khoắn.
PGS Đỗ lai Thúy
(Theo Thơ Đường luật thời nhà Lê )
[1]Xem Trần Ngọc Vương, Văn hóa Việt Nam: dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000.