Lê Thị Nhu (1848 – 1917)
Trong phong trào Cần vương của nhân dân Hoằng Hoá, bên cạnh những văn thân, sĩ phu yêu nước khởi xướng và lãnh đạo phong trào, nổi bật lên vai trò của Lê Thị Nhu, quê làng Quỳ Chử nay thuộc xã Hoằng Quỳ, một làng vốn có chiều dầy văn hoá lâu bền từ thời cư dân Việt cổ sáng tạo nên văn hoá Đông Sơn mà di chỉ Quỳ Chử là một chứng tích khá đặc sắc của nền văn hoá đó.
Lê Thị Nhu tên huý là Nhua, sinh năm 1848 trong một gia đình ham chuộng thi thư; giàu lòng nhân ái và yêu nước; đã có một số người đỗ sinh đồ (hiệu sinh) và Hương cống.
Thân phụ của Lê Thị Nhu tên huý là Thiện, tên chữ là Bản Thúc, tên hiệu là Tích Hiên (1818-1898) thường gọi là ông Lệnh Thiện. Lúc tuổi trẻ, ông Thiện rất chăm chỉ học hành, tuy sức vóc yếu, gia cảnh khó khăn, vì mẹ cha đều mất khi ông chưa trưởng thành. Ông kết duyên với bà Lê Thị Từ Vang, người cùng làng. Được bố vợ là ông Lê Học Chi rất quý mến, nuôi dưỡng và chăm sóc cho ông Thiện học hành chu đáo; ông Thiện hai lần thi đỗ tú tài thời vua Tự Đức.
Gia phả họ Lê làng Quỳ Chử cho biết ông Thiện tính cẩn thận, liêm trực. Ông được dân làng bầu làm thủ kho nghĩa thương, số lúa quỹ có 1.500 vuông (đơn vị đo thóc, gạo thời phong kiến). Sau 13 năm, ông thôi việc, số lúa quỹ hiện còn là 3.600 vuông, có sổ sách ghi chép rõ ràng.
Trong gia đình, ông bà nuôi dạy con cái theo đạo lý nhân ái, trung thực và ngay thẳng như ông đã tự viết năm 70 tuổi.
Sở dục rất nhiều cầu đúng mức
Lòng tham chớ để phạm lòng ngay.
Ông bà Lệnh Thiện và Từ Vay có 2 con trai, một người tên là Lê Duy, đậu Cử nhân khoa Đinh Dậu (1897) và bốn con gái: Lê Thị Nhu, Lê Thị Quýnh, Lê Thị Thắng và Lê Thị Thưởng đều được phong là bá hộ, tức là người giàu có.
Lê Thị Nhu, kết duyên với Nguyễn Dực, sinh hai con trai và một con gái.
Năm 1884, chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con khôn lớn. Đến năm con trai bà là Nguyễn Bằng 22 tuổi, thì qua đời. Người con dâu Tôn Thị Nữ Phát, thuộc dòng dõi Tôn Thất Mai, Tôn Thất Hàm, đã ở lại cùng bà lo việc nhà, việc nước.
Cuối năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của của vua Hàm Nghi chống Pháp xâm lược, các nhà văn thân trong tỉnh đã bí mật liên lạc với nhau mưu sự nghiệp “phục quốc”.
Vốn xuất thân trong một gia đình nhà Nho có khí tiết, lại giàu có nhất vùng, Lê Thị Nhu đã được Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, những thủ lĩnh Cần Vương tin tưởng giao chức hộ lương và nuôi quân tiếp viện cho khởi nghĩa Ba Đình, trong đó hộ lương là chính.
Những tháng cuối năm 1886, căn cứ Ba Đình (Nga Sơn) được xúc tiến xây dựng, thì gia đình bà được tổ chức thành cơ sở quân lương của 2 huyện Mỹ Hoá và Hoằng Hoá lúc này để cung cấp sức người, sức của cho công cuộc khởi nghĩa.
Nhà bà được mở rộng bao gồm 10 dãy ngang dọc, với hàng chục kho thóc lớn nhỏ, 4 bên có cổng gác ra vào. Gia đình lúc nào cũng có hàng trăm gia nhân phục dịch trong nhà cũng như ngoài đồng ruộng.
Các gia nhân cùng nhiều nghĩa quân quanh vùng được tuyển lựa về đây, dưới sự chỉ đạo của bà, đã tập hợp thành lực lượng lớn chuyên vận tải nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm cho Ba Đình ở Nga Sơn và các giáo trường luyện quân trong huyện như Phú Khê, Sơn Trang, Mỹ Đà…
Mỗi lần dẫn quân tiếp vận, bà thường mặc áo đỏ, cưỡi ngựa trắng, đi đầu. Đội quân của bà có lúc dài tới nửa cây số.
Việc ăn ở nuôi quân trong nhà được bà và con dâu thu xếp qui củ. Ngày ngày hàng chục nong cơm trải khắp sân vườn, có cả cơm đặt ở một gốc đa trên đường đi để nghĩa quân qua lại tiện việc ăn uống.
Việc nuôi quân tập luyện vũ trang, rèn sắm vũ khí tích trữ lương thực để cung cấp cho Ba Đình tại nhà bà kéo dài hàng tháng. Nhân dân trong vùng có câu ca:
“Văn thì có ông Tán Hoàng
Võ ông Quản Hống xóm làng yên tâm
Lương thì Bá hộ bọc đùm
Dù Tây có đến cũng không hề gì”.
Quản Hống (gọi theo tên con) tức Lê Văn Hách, một lý trưởng đương kim giỏi võ, khét tiếng quyền uy, được văn thân cử làm quản cơ coi giữ kho thóc Ba Đình tại nhà bà Nhu. Ông đã thiết lập kỷ luật nghiêm minh trong việc xuất nhập kho thóc, đồng thời chỉ huy một đội nghĩa dũng bảo vệ an toàn cơ sở trong những ngày chi viện cho Ba Đình.
Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết, thủ lĩnh Cần Vương Hoằng Hoá phụ trách quân lương đã thường xuyên lui tới nơi này chỉ đạo việc phân phát lương thực đi các cơ sở luyện quân chuẩn bị cho Ba Đình. Lúc đánh thành Thanh Hoá, đánh phủ lỵ Hoằng Hoá và đồn Tây ở Bút Sơn, ông đều hội quân ở đây để tổ chức đội hình.
Ngoài lực lượng làm nhiệm vụ tiếp vận hết đợt này đến đợt khác, cơ sở nghĩa quân Lê Thị Nhu đã lựa cử hàng chục tráng binh dũng cảm chi viện cho Ba Đình. Trong đó ông Lê Sĩ Chỉ người tin cẩn của bà làm liên lạc với Ba Đình đã có mặt suốt thời gian dài từ lúc Ba Đình khởi công xây dựng đến lúc bị vỡ.
Đầu năm 1887, Ba Đình thất thủ. Từ đây, giặc Pháp và tay sai đã mở những cuộc càn quét đẫm máu vào các cơ sở nghĩa quân ở các nơi trong tỉnh. Tại Quì Chử, chúng kéo quân về đàn áp hòng tìm ra tung tích bà Lê Thị Nhu. Cụ Tú Thiện bị bắt giam. Toàn bộ tài sản nhà bà bị thiêu huỷ. Hàng chục dãy nhà và kho chứa thóc bị đốt trụi, lửa cháy trong nhiều tuần lễ… Không bắt được bà Nhu, địch càng điên cuồng khủng bố. Làng xóm bị triệt hạ, nhiều người bị chém giết. Nhân dân phải lánh nạn đi nơi khác. Đàn áp khốc liệt nhưng địch vẫn không bắt được bà Nhu. Đứng trước cảnh đầu rơi máu chảy, một nữ quân thân cận của bà là Lê Thị Lộc đã cải trang thành bà Nhu để địch bắn chết. Người phụ nữ can trường này, nêu tấm gương hậu Lê Lai, được nhân dân hết lòng khâm phục, đến nay ở Quì Chử con truyền lại bài ca có câu:
“Triệt sao được việc nghĩa nhân
Bến Quì liệt nữ xả thân anh hùng”
Bà Nhu được lánh nạn an toàn, đến năm 1917 bà mất tại quê nhà. Con cháu bà về sau phát triển đông đúc và có người như Cả Ốn đã trở thành nghệ nhân tuồng nổi tiếng ở xứ Thanh.