LÊ TRẦN GIÁM (1725-1804)
Quê làng Phú Khê (tục gọi là Kẻ Đừng), xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Theo gia phả, ông sinh năm 1725, trong một gia đình nông dân nghèo “sống thanh đạm”. Ông là người thông minh, ham học. Năm 15 tuổi ông theo học với thầy giáo Hoàng (không rõ tên huý), được khen là “văn chương hơn người”, tinh thông võ nghệ, bạn bè kính phục, khen là “thần đồng”. Lớn lên, ông không theo đường văn chương, mà lại tiến thân bằng tài võ nghệ, một lòng “trung quân – ái quốc” phụng sự nhà Lê trung hưng.
Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), đời vua Lê Hiển Tông, ông được tuyển vào làm quan, giữ chức Phủ quân khâm phụng (chức vụ dành cho những người tài giỏi và thân tín với vua), sau được thăng lên Thượng tướng quân, làm Đô chỉ huy sứ, tước Trung Võ hầu.
Thời gian ông làm quan, cũng là lúc chế độ phong kiến thời Lê – Trịnh bước vào khủng hoảng trầm trọng. Trong nội bộ chính quyền trung ương diễn ra sự phân hoá sâu sắc. Tệ mua quan, bán chức, tham ô, hối lộ hoành hành… Khắp các địa phương, quan lại ra sức vơ vét, nhũng nhiễu nhân dân. Hạn hán, lũ lụt, đói rét, dịch bệnh xảy ra liên miên. Đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ.
Các phong trào nông dân đấu tranh chống áp bức bóc lột nổ ra liên tiếp, rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp lao động tham gia. Ngoài ra, còn có cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật, thuộc tôn thất nhà Lê, chống triều đình Lê – Trịnh.
Năm 1784, Lê Trần Giám tham gia khởi nghĩa nông dân do Hồ Nhật Tương lãnh đạo ở Mỹ Lương (Sơn Tây).
Năm 1749, khi quân của Lê Duy Mật từ Thanh Hoá – Nghệ An tiến ra Sơn Tây, Lê Trần Giám cùng Hồ Nhật Tương gia nhập cuộc khởi nghĩa này. Đây là dịp để Lê Trần Giám trổ tài thao lược. Ông thường đi tiên phong trong các trận đánh tiêu diệt bọn cường hào, gian ác, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo.
Năm 1770, khởi nghĩa Lê Duy Mật bị thất bại, ông trở về quê sinh sống cho đến lúc qua đời.
Ông mất ngày 13 tháng 3 năm 1804, thọ 79 tuổi. Các vua nhà Nguyễn sau này, phong tặng là “Phúc nhạc tôn thần”, suy tôn ông là “tuyên lực, hiệp mưu đồng đức công thần, phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ, Đô chỉ huy sứ ty, Thư vệ lang, Trung Võ hầu”, sai dân làng Phú Khê lập đền thờ cúng, đồng thời ban biển ngạch sơn son đề 6 chữ “Hoa Vương khê – Trung Võ hầu”. Đời vua Bảo Đại (1926 – 1945), ông được gia ân phong tặng là “trác vĩ Thượng đẳng tôn thần”[1]. Công tích sự nghiệp của ông đã trở thành biểu tượng cho các thế hệ con cháu noi theo.
Noi gương ông, các thế hệ dòng họ Lê Trần ở Phú Khê đều dùi mài kinh sử, tiến thân bằng khoa cử, làm rạng danh cha ông tiên tổ. Thời nhà Nguyễn có Lê Trần Cơ – 18 tuổi đỗ Giải nguyên khoa Canh Tuất (1850), được vua Tự Đức (1848 – 1883) cử làm Tri huyện Phù Ninh (Hải Dương). Ông nổi tiếng là người văn chương uyên bác, người đời ngợi ca là “thần đồng”. Đời vua Duy Tân (1907 – 1916), Lê Trần Bích đỗ tú tài khoa Kỷ Dậu (1909), được bổ dụng làm việc ở Hàn lâm viện…
Ngày nay, đền thờ Trung Võ hầu Lê Trần Giám ở quê nhà đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
[1] Theo: Trần Văn Thịnh, Võ tướng Thanh Hoá trong lịch sử dân tộc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.307.