tin nóng

Lê Trọng Mân – Bí thư đầu tiên của tinh ủy Gia Định

HLVN – Lê Trọng Mân (1901-1936) – bí danh là Khôi, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại làng Vĩnh Hòa (nay là xã Bình An), huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cha là Lê Trọng Thiều một chiến sĩ trong phong trào Văn Thân chống Pháp ở Hà Tĩnh. Năm 1905, khi 4 tuổi ông theo cha lánh nạn và sinh sống tại làng Đại Nẫm, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Từ nhỏ ông đã tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, Nhân dân bị áp bức bóc lột; những điều đó đã hình thành tư tưởng yêu nước cũng như thôi thúc tinh thần cách mạng trong người thanh niên này.

Năm 1927, sau khi Đảng Tân Việt được thành lập và hoạt động ngoài Bắc, trụ sở đóng tại miền Trung, hoạt động chủ yếu tại Trung Kỳ và mở rộng hoạt động vào Sài Gòn và một số tỉnh Nam Kỳ. Năm 1927, ông được kết nạp vào Đảng Tân Việt tại Sài Gòn. Kỳ bộ Tân Việt đóng tại Sài Gòn do ông Nguyễn Đình Kiên làm Bí thư. Trọng tâm hoạt động của Đảng Tân Việt lúc này là phát triển tổ chức Đảng cơ sở, tuyên truyền và huấn luyện đảng viên mới.

Khoảng tháng 01 và tháng 02 năm 1929, ông Lê Trọng Mân là thành viên trong Ban chấp ủy “Ngũ Trang” của Đảng Tân Việt ở Nam Kỳ (gồm 5 tỉnh: Đắc Lắc, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); theo tổ chức của Tân Việt thì 5 tỉnh này thuộc về Nam Kỳ. Lúc bấy giờ do ông Trần Hữu Duyệt làm Bí thư Ngũ Trang; ông Lê Trọng Mân được phân công liên lạc vào Sài Gòn.

Tháng 4 năm 1929, các ông Trần Hữu Duyệt, Trần Hữu Chương và Lê Trọng Mân họp tại Sài Gòn. Tháng 6 năm 1929, đã diễn ra cuộc họp của các thành viên cốt cán trong Đảng Tân Việt tại Sài Gòn (số 5 đường Nguyễn Tấn Nghiêm – nay là đường Trần Đình Xu), thảo luận về việc thành lập khối quốc gia (Bloc National) của Tổng bộ Tân Việt. Hội nghị đã quyết định phản đối Bloc National của Tổng bộ Tân Việt; chọn những người ưu tú trong Đảng Tân Việt, tổ chức ra một tổ chức cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, bầu ra Ban Chấp ủy mới 5 người gồm các ông: Trần Hữu Chương, Lê Trọng Mân, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Khoa Văn, Trần Hữu Duyệt; sau đó, cử ông Trần Hữu Duyệt đại diện cho Nam Kỳ ra Huế dự Hội nghị thường kỳ của Tổng bộ để đề nghị thành lập Đảng Cộng sản, nhưng Tổng bộ không chấp nhận chờ tuyên bố ly khai khỏi Đảng Tân Việt.

Tháng 7 năm 1929, các nhóm Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời tại Sài Gòn, như vậy ông Lê Trọng Mân được xem như một trong những người sáng lập ra Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Cuối năm 1929, tại Sài Gòn chỉ còn ông Lê Trọng Mân và ông Nguyễn Hoàng, do đó ông Nguyễn Văn Lợi (tức Hữu Dũng, Lợi Đen) được bổ sung vào Sài Gòn. Chấp ủy của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Sài Gòn đầu năm 1930 có 3 người là ông Nguyễn Văn Lợi (Hữu Dũng), Nguyễn Hoàng và Lê Trọng Mân (Khôi).

Tháng 3 năm 1930, sau khi thống nhất các nhóm Cộng sản thành lập Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy thì Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn cử ông Nguyễn Văn Lợi tham gia Xứ ủy và phụ trách Bí thư Thành ủy đầu tiên của Sài Gòn. Ông Lê Trọng Mân được Xứ ủy cử về phụ trách Gia Định cùng với ông Nguyễn Chí Diểu, Bùi Văn Châu, Hồ Văn Long, Lê Văn Phận. Ông Lê Trọng Mân được Xứ ủy Nam Kỳ cử về phụ trách Tỉnh ủy Gia Định và trở thành Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Gia Định.

Ngày 04 tháng 6 năm 1930, hưởng ứng cuộc đấu tranh của trên 5000 nông dân quân Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp, do ông Châu Văn Liêm và Võ Văn Tần lãnh đạo. Tại Hóc Môn, cuộc đấu tranh do ông Lê Trọng Mân và Bùi Văn Châu lãnh đạo. Tại Hóc Môn, địch bắt hơn 200 người, ông Lê Trọng Mân thoát được. Đến buổi tối cùng ngày, các ông còn lại tổ chức một cuộc họp tại cầu Ông Huyện, xã Bình Lý (nay thuộc huyện Củ Chi) để rút kinh nghiệm. Sau cuộc họp, ông Lê Trọng Mân bị bắt, ông khai trên là Trung, làm nghề bốc thuốc nên chỉ bị giam một thời gian rồi trục xuất về quê.

Bản lĩnh, khí tiết và ý chí quyết tâm của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất đã được ông Lê Trọng Mân thể hiện rõ trong bốn câu thơ do ông sáng tác khi bị giam ở Khám Lớn (Sài Gòn):

“Roi mây ba thước me máu nóng

Một phen lao lí đúc gan vàng

Còn trời còn đất còn cơ hội

Ngang dọc rồi đây sẽ có ngày”

Sau khi bị trục xuất về miền Trung, ông làm cố vấn cho hai anh trai là Lê Bá Tuân và Lê Trọng Cơ (Lê Thúc Cơ) ở Tổng Canh Hoạch, Hà Tĩnh. Tháng 12 năm 1936, ông mất vì bị lao phổi khi vừa tròn 36 tuổi, căn bệnh hiểm nghèo do bị tra tấn trong những ngày bị giam cầm.

Để tưởng nhớ công lao của ông Lê Trọng Mân, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên đường mang tên ông tại huyện Cần Giờ. Hiện tại nhà thờ ông đã được hậu duệ Lê Trọng Khanh xây dựng tại thôn 1, xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh./.

                                                                                             Lê Trọng Châu

                                                                       Hội đồng họ Lê huyện Lộc Hà

           (Sưu tầm tư liệu từ Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh)

 

  Tóm tắt quá trình hoạt động của ông Lê Trọng Mân

Các tin liên quan