Lê Tuấn Kiệt (thế kỉ 16)[1]
Lê Tuấn Kiệt người xã Từ Minh, huyện Hoằng Hoá, nay là làng Từ Minh, xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Đến nay, chưa rõ năm sinh, năm mất của ông. Ông là một bề tôi trung tiết. Thời vua Lê Cung hoàng (Lê Xuân)[2], ông được phong làm Thượng tể. Khi nhà Mạc cướp ngôi, Lê Tuấn Kiệt về Thanh Hoa chiêu tập binh mã chống lại nhà Mạc. Mạc Đăng Dung cho người mang vàng bạc, lụa là đến dụ Lê Tuấn Kiệt về kinh đô sẽ phong vương. Lê Tuấn Kiệt phản đối, mắng lại rằng: “Mạc Đăng Dung là nghịch thần, tội ác quá lớn, trời không dung, ta muốn ăn thịt Đăng Dung chứ lại còn trông mặt à?”. Sau đó ông cho chém sứ rồi khởi binh đánh lại nhà Mạc nhưng bị thua trận và chết.
Với khí tiết của Lê Tuấn Kiệt, sau khi trung hưng, nhà Lê phong ông làm Thượng đẳng thần.
[1] . Theo Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống trí (bản dịch), tập 2), Nxb Thuận Hoá, Huế, 2006, tr 363
[2] . Lê Cung Hoàng (Lê Xuân) là em vua Lê Chiêu Tông, cháu bốn đời của vua Lê Thánh Tông. Tháng 7 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Quang Thiệu thứ 7 (1522), trước sự lộng quyền của Mạc Đăng Dung nhà vua trốn ra ngoài kinh thành. Mạc Đăng Dung lập Lê Xuân lên làm vua tức Lê Cung với niên hiệu Tống Nguyên. Đến năm tháng 6 năm Đinh Hợi, niên hiệu Tống Nguyên thứ 6 (1526), Mạc Đăng Dung ép vua nhường ngôi lạp ra nhà Mạc. Sau đó Mạc Đăng Dung ép vua và Thái hậu tự tử.