LÊ VĂN TIẾN (1821 – 1876)
Quê làng Quỳ Chử, sinh ngày 22 tháng 3 năm Tân Tỵ (1821) trong một gia đình đã nhiều đời giữ nếp sống nhân hậu, tôn sùng đạo Phật. Lúc mới sinh, tên là Bá, tên huý là Văn Tiến. Phụ thân tên huý là Kê, tự là Văn Thời sau đổi là Văn Chuyên, hiệu là Pháp Diên, mẫu thân tên huý là Lê Thị Rẩu, hiệu là Diệu Khoan. Phụ thân của Lê Văn Tiến là người lao động cần mẫn, cẩn thận, tính tình chân thành và khiêm nhường với mọi người, trông coi ngôi chùa của làng Quỳ Chử suốt 30 năm ròng. Có một sự kiện chép trong gia phả họ Lê có thể giúp người đọc hiểu rõ tính cách của cụ Pháp Diên: Khi cụ Pháp Diên trông coi chùa có một viên Phó tổng, đã bị cách chức, cùng cha xông vào chiếm ngôi chùa. Ông vẫn điềm tĩnh mà nói rằng: Nhà chúng tôi, chín mười đời nay, nối nhau làm Tăng. Nếu các ngài làm việc này, thì chúng tôi xin thôi! Nói xong, ông rời chùa về nhà, vui với vợ con, con trai thì giúp đọc sách, con gái thì khuyên may vá. Ông thường dạy con: “Thật thà là cha quỉ quái!”1.
Lê Văn Tiến được cha chăm sóc dạy bảo từ lúc ấu thơ lại được sống tại một làng quê hiếu học. Làng Quỳ Chử đến đầu thế kỷ XIX, đã có nhiều người đỗ Cử nhân, càng khích lệ Lê Văn Tiến dốc sức học hành. Năm Canh Tuất (1850), Lê Văn Tiến dự kỳ thi Hương, đỗ Cử nhân.
Năm 1856, được phong hàm bát phẩm, giữ chức tòng Thừa biện bộ Hình. Tiếp sau đó, năm 1858, được cử làm sơ khảo trường thi Hà Nội, Giáo thụ phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trong thời gian làm giáo thụ đã thể hiện rõ là người có tài năng, đức độ, được những quan chức cùng làm việc cảm phục, do vậy, Lê Văn Tiến được thăng chức, Tri huyện Tiên Minh, tỉnh Hải Dương; rồi lần lượt chuyển sang làm Tri huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Nam Định (nay thuộc tỉnh Thái Bình).
Năm 1871, Lê Văn Tiến được bổ nhiệm làm Giám sát ngự sử đạo Hà – Ninh (Hà Nội – Ninh Bình), chánh lục phẩm. Hai năm sau, 1873, lĩnh chức Viên ngoại lang ty Tu tạo bộ Công.
Lê Văn Tiến kết duyên với Lê Thị Cạnh, người cùng làng. Ông bà sinh được hai trai, hai gái.
Trong những năm tháng làm quan, Lê Văn Tiến đã tỏ rõ năng lực mẫn cán và phẩm chất thanh liêm, chăm lo việc nâng cao dân trí, bảo vệ cuộc sống bình yên của cư dân các địa phương mà ông nhậm chức.
Lê Văn Tiến mất năm Bính Tý (1876), thọ 56 tuổi.
1 . Gia phả họ Lê, do Tiến sĩ y khoa Lê Văn Thạch lưu giữ.