Lê Viết Trạc (1853- 1887)
Khi có chiều Cần Vương cứu nước của triều đình kháng chiến Hàm Nghi ban bố vào tháng 7 năm 1885 thì phong trào Văn thân ở Hoằng Hoá dấy lên rầm rộ. Làng Mỹ Đà tổng Từ Minh cũ nay thuộc xã (Hoằng Minh) nằm trên một khu đất trũng, với diện tích hơn 1km2 lọt giữa cánh đồng Tam Tổng (Từ Quang, Hành Vĩ, Bút Sơn) của huyện Hoằng Hoá, nơi đây việc ra vào làng khó khăn vì phải đi qua những cánh đồng lầy lội.
Theo chủ trương các nhà văn thân trong huyện, Mỹ Đà được xây dựng thành hậu cứ rèn luyện vũ trang (thường gọi là giáo trường) của huyện nhằm chi viện binh lực cho Ba Đình. Người dứng đầu chỉ huy giáo trường này là Bang tá Lê Viết Trạc.
Lê Viết Trạc sinh năm 1853 (Quí Sửu) trong một gia đình khoa cử “trung quân ái quốc”. Thân phụ là Lê Viết Huy đỗ Cử nhân khoa Ất Mão đời Tự Đức (1855) được bổ làm quan Bố chính Nghệ An. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, cụ Lê Viết Huy đã bỏ quan về quê liên lạc với phó bảng Nguyễn Đôn Tiết, tổ chức lực lượng nghĩa quân chống Pháp. Sau trận đánh đồn Tây và huyện đường Hoằng Hoá vào tháng 5/1886, bị giặc truy lùng ráo riết cụ đã uống thuốc độc tự tử, bảo toàn danh tiết.
Lê Viết Trạc là con trai đầu của Lê Viết Huy. Nối tiếp truyền thống ông cha, Lê Viết Trạc được văn thân giao chức Bang tá quân vụ Ba Đình.
Tháng 6-1886, làng Mỹ Đà do địa thế cách biệt với nhiều làng xã trong huyện, được xây dựng thành cơ sở luyện quân. Hàng ngũ hương binh trong làng được ông tập hợp có gần 100 người, bí mật rèn sắm vũ khí. Được nhân dân ủng hộ, nghĩa quân ngày càng phát triển mạnh. Nhiều nghĩa quân trong huyện đã được tuyển lựa về đây luyện rèn võ thuật và các yếu lĩnh chiến đấu, nhân dân trong làng đồng tâm nhất trí quyên góp lương thực, thực phẩm và cho mượn nhà cửa để nghĩa quân ăn ở luyện tập trước khi đi Ba Đình. Nghĩa quân lấy đình làng làm chỉ huy sở, vườn nhà dân được làm nơi cất giấu vũ khí[1] Cồn đồng Mả rộng trên 1 mẫu đất Trung bộ có 2 cây đa cổ thụ, một giếng nước tự nhiên, có bệ thờ Khổng Tử được dùng làm bãi tập của nghĩa quân.
Dưới sự chỉ huy của Bang tá Trạc, nhiều thủ lĩnh quân sự ở các cơ sở đã được tổ chức về đây tập luyện, làm nòng cốt cho phong trào luyện tập vũ trang ở các vùng miền trong huyện, con số có lúc lên đến trên 100 người.
Tiếp tế lương thực thực phẩm cho nghĩa quân Mỹ Đà còn có Bá hộ Lê Thị Nhu. Bà Nhu nhiều lần đã dẫn đoàn quân có đến 300-400 người gánh thóc gạo từ Quì Chử sang nơi này ủng hộ nghĩa quân. Giáo trường Mỹ Đà ngày càng nổi thanh thế và thường xuyên xuất quân đi Ba Đình. Mỗi lần xuất quân đều do Lê Viết Trạc chỉ huy đi qua đò Bè ở sông Cung rồi qua đò Cồn Đình, đi Hậu Lộc đến Nga Sơn.
Đầu năm 1887, Ba Đình thất thủ. Kẻ địch đã 3 lần kéo đến triệt hạ làng Mỹ Đà. Toàn bộ xóm làng bị đốt trụi, cả đình nghè, nhà thờ họ đều bị phá huỷ; 36 nghĩa quân bị bắt chặt đầu hoặc chôn sống tại chổ, 80 trẻ em bị thất lạc, sau này chỉ còn 2 người tìm được quê cũ.
Trong khi giặc kéo về tàn sát xóm làng, Bang Trạc đã tổ chức lực lượng chống trả nhưng vì kẻ địch mạnh, ông phải lui quân, chạy về Bằng Trì (nay thuộc xã Hoằng Phụ) ẩn náu.
Tháng 8-1887 ông bị bắt, cùng 17 thủ lĩnh ở Hoằng Hóa bị nhốt cũi đưa về Cầu Bố vệ chém đầu.
Ngồi trong cũi, ông đã cắn tay lấy máu viết một bài thơ đường luật (thất ngôn bát cú), mỗi câu được viết trên 1 then cũi bằng gỗ. Về sau một chiếc then cũi ghi câu dầu bị mất, chỉ còn lại 7 then gồm 7 câu, đã được nhân dân nhớ lại truyền tụng như:
“……
Xoa thủ thanh thiên dị sử nan
Trọng giả cương thường khinh kiếm phủ
Khốc tương hồn phách tiếu giang san
Sinh phùng thịnh thế bi vô diện
Tử đối minh tiền lạc hữu nhan
Thế cục quản tha thành bại hận
Xuyên hương tử sĩ xứng y quan”
Dịch “……
Đứng ngắm trời xanh việc dở dang
Trọng nghĩa cương thường khinh kiếm phủ
Phách hồn liệt sĩ thọ giang san
Hưng thời buồn nỗi không còn mặt
Tử khí vui sao ánh dạ quang
Cuộc thế quản chi thành với bại
Quê hương dẫu chết, xứng y quan
Người mất đầu, thơ mất câu đầu, hồn phách thọ mãi với giang san là vậy!
[1] Nay 2 địa điểm này còn để lại dấu tích.