Ngày 05.04.2013 vừa qua, UBND xã Hành Phước cùng gia tộc họ Lê ở thôn Đề An và bà con xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây Di Sản Việt Nam do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) vinh phong cho cây thị gần 250 năm tuổi trong khuôn viên nhà thờ họ Lê. Đây cũng là cây cổ thụ đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi được phong tặng danh hiệu này nên được chính quyền và nhân dân địa phương rất quan tâm.
Chủ tịch Hội BVTN&MTVN và Chủ tịch Hội BVTN&MT tỉnh Quảng Ngãi trao bằng công nhận Cây DSVN cho đại diện họ tộc Lê thôn Đề An.
Cây thị trong khuôn viên nhà thờ Lê Hiệp Tự.
Theo Gia phả họ Lê thì nguồn gốc của họ từ huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa. Năm Giáp Thân 1533 Thái Thủy tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Kim phò vua Lê Trang Tông lên ngôi, mở đầu thời kỳ nhà Lê Trung hưng. Năm Ất Dậu 1534, Nguyễn Kim đã cử người đồng hương tin cậy của mình là Lê Quảng Ý làm Tổng trấn trấn thủ thành Châu Sa – Quảng Ngãi ngày nay. Nhiều đời con cháu của tướng Lê Quảng Ý đã nối tiếp trấn thủ Châu Sa và lập nên làng Châu Sa (tức xã Tịnh Châu huyện Sơn Tịnh bây giờ). Ngày nay có 2 chi (trưởng và thứ) của họ Lê vẫn ở Châu Sa, còn 3 phái thuộc chi thứ 3 ở thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, cùng tỉnh Quảng Ngãi.
Gia phả dòng họ Lê ở Đề An chép rằng: Ông tằng tổ họ Lê là Lê Phú Tri từng được phong hàm Tam phẩm của triều đình Tây Sơn, làm Phó thống trấn giữ thành Quy Nhơn (Bình Định). Mùa xuân Kỷ Dậu (1789) ông cùng các tướng lĩnh theo Quang Trung Hoàng đế kéo quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh.
Thắng giặc trở về, viên Thủ thành Vệ quan Lê Phú Tri không trở lại Quy Nhơn và cũng không về thành Châu Sa (Quảng Ngãi) – nơi nhiều đời cao tổ họ Lê từng làm quan trấn giữ suốt từ đời Lê Trang Tông (1543). Ngài dứt khoát từ quan, tới làng An Chỉ ẩn cư với một người bạn cũng là võ quan đồn trấn. Biết tin, cô gái 17 tuổi Nguyễn Thị Minh, người đã hứa hôn với ông ở Quy Nhơn đã vượt biển ra Quảng Ngãi tìm ông. Họ kết duyên vợ chồng và quyết định ở lại vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Viên võ tướng dùng ngọn giáo đào đất, bứng một cây con mập mạp gần đó về trồng trước sân nhà. Đó là cây thị ngày nay.
Hơn hai thế kỷ qua đi, biết bao vật đổi sao dời, nhưng cây thị vẫn trường tồn, xanh tốt và cho nhiều quả ngọt. Nơi từng là rừng rú đã trở thành một làng quê trù phú, với cả ngàn mẫu ruộng được khai khẩn và dòng họ Lê đã phát triển đến gần trăm hộ. Cảm nhận được khát vọng của bậc tiền nhân, hậu thế đã lập thần miếu và đặt tên ấp là Bình An. Năm Giáp Tý (1924) cụ Lê Phú Tri, người trồng cây thị cổ này đã được Vua Khải Định ban sắc phong « Dực bảo trung hưng linh phù chi thần » (Thần bảo trợ, giữ gìn sự phục hồi hưng thịnh). Con cháu họ Lê ở Đề An đã xây nhà thờ hiệp tự (nhà thờ chung) của cả ba chi phái cạnh cây thị cổ thụ đó.
Điều đáng nói hơn là dưới tán cây thị và vùng quê có ngôi đền thờ này còn có nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, của cả khu vực miền Trung. Nghĩa Hành từng có lúc là trở thành căn cứ địa và là nơi xuất quân của nghĩa binh Cần Vương đi đánh chiếm thành Quảng Ngãi (năm 1885). Những năm đầu thế kỷ XX, vùng đất Hành Phước, Nghĩa Hành là nơi sôi sục các phong trào Duy tân, Việt Nam Quang phục hội và cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Họ Lê ở Đề An có cụ Lê Triết tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Quảng Ngãi.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Quảng Ngãi là vùng tự do, huyện Nghĩa Hành là nơi đóng trụ sở của các cơ quan Tỉnh và đặc biệt là của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ và Ban đại diện Chính phủ tại Liên khu 5. Nhà thờ họ Lê liên tục là nơi làm việc của Việt Minh. Cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Phạm Văn Đồng đã ở và làm việc tại đây. Đặc biệt năm 1948 đây là nơi đóng quân huấn luyện của đơn vị quân tình nguyện Việt-Lào, một lực lượng vũ trang và công tác chính trị hạt nhân của phong trào kháng chiến ở vùng Hạ Lào suốt cuộc kháng chiến chống Pháp của hai nước anh em.
Năm 1952 quân Pháp quyết liệt tấn công vùng tự do Liên khu 5. Trong một trận chúng ném bom vào xã Hành Phước, cây thị bị mảnh bom chẻ làm hai thân nhưng cây vẫn sống. Suốt những năm chống Mỹ huyện Nghĩa Hành, trong đó có xã Hành Phước, địa phương anh hùng, là vùng giằng co chà xát nhiều nhất. Ngôi nhà thờ Họ Lê chỉ còn là một đống gạch vụn nhưng lạ thay, cây thị vẫn trụ vững qua bao lần trơ cành trụi lá.
Bây giờ thì Hành Phước đã « trung hưng » (phục hồi hưng thịnh) trù phú hơn xưa. Nhà thờ Lê Hiệp Tự được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Khuôn viên nhà thờ rợp mát cây cối. Và cây thị cổ thụ vẫn xum xuê cành lá như xưa.
Lễ vinh danh Cây di sản Việt Nam cho cây thị không chỉ là niềm vui của dòng họ Lê, mà còn là niềm tự hào của cộng đồng thôn Đề An và bà con xã nhà Hành Phước.