HLVN- Ở tuổi ngoài 70, ông Lê Quang Thắng (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vẫn miệt mài làm việc cả ngày như một “lão nông tri điền” thực thụ. Nhưng công việc của ông Thắng không phải trên những thửa ruộng, mà ở những nghiên cứu, quyết sách để đưa ra các sản phẩm phục vụ nông nghiệp sạch, môi trường xanh.
Từ người trồng rau sạch đầu tiên của Quảng Ninh
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long do ông Lê Quang Thắng thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2007, với vỏn vẹn 10 công nhân viên.
Ban đầu, lĩnh vực mà Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Lê Quang Thắng nhắm tới là xây dựng. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó, “thuyền trưởng” tàu Việt Long đã “bẻ lái”.
Vào những năm 2010, Quảng Ninh chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Góp sức vào xu thế tăng trưởng xanh, ông Thắng đã chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Ý tưởng về một vùng chuyên canh rau an toàn mang thương hiệu “Việt Long” đã nhen nhóm trong đầu ông Lê Quang Thắng từ những chuyến tham quan, tìm hiểu thị trường tại Đà Lạt và một số địa phương khác. Và sau đó, ý tưởng đã được hiện thực hóa thành dự án quy hoạch rau an toàn tại phường Cộng Hoà, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với diện tích trên 31ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 40 tỷ đồng.
Cuối năm 2012, Công ty Việt Long trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Quảng Ninh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với mô hình trồng rau sạch hữu cơ trong môi trường tự nhiên để phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, phong tục tập quán của người dân. Để xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn trên những cánh đồng mẫu lớn, ông Thắng đã xuôi ngược không biết bao nhiêu lần. Ông tới Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Trung ương, nhận chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Để rồi sau đó, một trung tâm điều hành sản xuất được thành lập, nhằm hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho những hộ nông dân trong vùng dự án.
“Tôi còn nhớ cái Tết Nguyên đán năm 2012. Đó là năm mà tôi cảm thấy vui sướng nhất khi chứng kiến sản phẩm rau an toàn Việt Long hiện diện tại nhiều bếp ăn của người dân TP.Hạ Long. Và khi những hợp đồng cung ứng rau đầu tiên được ký kết, niềm vui lúc ấy không phải là lợi nhuận, mà đó là niềm vui khi đóng góp một phần nhỏ bé cho sự an toàn của người dân, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm” – ông Thắng hào hứng kể. Từ những sản phẩm đầu tiên như cải làn, cà tím, bắp cải tím, súp lơ xanh, bí ngô Nhật,… đến nay Việt Long đã có thêm nhiều sản phẩm rau, củ an toàn khác. Công ty đã triển khai dự án sản xuất rau theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với 39ha của 570 hộ dân ở phường Cộng Hòa, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Rồi khi chương trình OCOP được Quảng Ninh triển khai, ông Thắng đã đón đầu “làn gió mới”, mạnh dạn đầu tư, nhân rộng nhiều loại sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu Quảng Ninh. Ngoài dự án ở Quảng Yên, Công ty Việt Long tiếp tục triển khai thêm 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khác. Ngoài ra, công ty đã xây dựng và khai trương giai đoạn 1 Trung tâm Phân phối và Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh tại phố Hải Phúc, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long. “Tôi nghĩ, đây sẽ nền tảng vững chắc cho công ty triển khai thực hiện hiệu quả đề án OCOP. Với kinh nghiệm và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, tâm huyết với đồng ruộng và sự nỗ lực hết mình, tôi tin sẽ biến những diện tích canh tác vốn nhỏ lẻ của bà con thành những vùng sản xuất tập trung với giá trị kinh tế cao” – ông Thắng nói.
Không dừng lại ở việc trồng cây, nuôi con, ông Thắng cùng đội ngũ kỹ thuật của mình còn nghiên cứu, sản xuất ra các chế phẩm hữu cơ vi sinh sử dụng trong nuôi trồng an toàn. Thành phần của chế phẩm này được lấy từ chuối, tỏi, ớt, quế, cây đơn buốt…Được biết, chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng ứng dụng công nghệ G-Tex của Công ty Việt Long đã được Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh công nhận, giao nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng.
…Đến người đốt rác kiên trì
Tại Nhà máy xử lý rác Khe Giang (thôn Khe Giang, xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí) của Công ty Việt Long, ông Lê Quang Thắng dành cả buổi sáng để nói chuyện với tôi về… rác. “Nhiều người cho rằng tôi ôm đồm khi hoạt động cả trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và môi trường. Nhưng nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy đó là một chu trình khép kín trong chuỗi các giá trị phục vụ cho nhu cầu của con người. Trước vấn đề mất vệ sinh thực phẩm, chúng tôi cung cấp rau sạch. Khi chúng ta thải ra môi trường rác thải nhưng chưa có biện pháp xử lý, chúng tôi xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tôi cho rằng đó đều là những vấn đề bức thiết trong đời sống hiện nay” – ông Thắng bộc bạch.
Trong vòng 2 năm, ông Thắng đã chu du nhiều nước ở châu Á, châu Âu với mục đích lớn nhất là tìm hiểu cách các nước xử lý rác thải. “Người ta cứ tưởng rằng có một nhà máy thì việc xử lý rác sẽ đơn giản, nhưng sự thật thì việc đốt rác không hề giản đơn như thế!” – ông Thắng cười tủm tỉm. Thất bại đầu tiên với rác của ông Lê Quang Thắng là Nhà máy xử lý rác thải Bắc Sơn (phường Bắc Sơn, TP.Uông Bí). Sau khi đi vào hoạt động được vài tháng, nhà máy phải đóng cửa do gần 60 hộ dân trong phạm vi 500m không được di dời. Sau đó, nhà máy được di chuyển đến nơi mới, nhưng cũng gặp hiện tượng tương tự. 14 hộ dân trong vòng phạm vi 500m và 52 hộ dân trong vòng 1000m cần di chuyển nhưng chưa được di dời. Ngoài khó khăn trên, ông Thắng cũng thừa nhận lò đốt ở nhà máy Bắc Sơn chỉ đốt được 30-40% rác, lượng rác tồn gây ra mùi khó chịu và sinh sôi ruồi nhặng.
Khắc phục những hạn chế này, Nhà máy xử lý rác Khe Giang với 5 lò đốt đang hoạt động là kết quả của quá trình nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý chất thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo tại phường Bắc Sơn, TP.Uông Bí trong những năm 2012, 2013. Đến năm 2015, Nhà máy xử lý rác Khe Giang chính thức đi vào hoạt động, với công suất tiếp nhận và xử lý gần 200 tấn rác/ngày. Có những ngày trong dịp lễ tết, nhà máy phải tiếp nhận và xử lý hơn 700 tấn/ngày. Ông Thắng cho biết, rác được xử lý theo các cấp độ đảm bảo đầu ra hoàn toàn là tro xỉ. Dây chuyền xử lý rác do công ty tự nghiên cứu và chế tạo trên cơ sở sử dụng công nghệ nhiệt phân theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp QCVN 30:2012/BTNMT.
Đặc biệt, Nhà máy xử lý rác Khe Giang đã sử dụng chính chế phẩm sinh học của Công ty Việt Long sáng chế, giải quyết triệt để các hạn chế về xử lý mùi hôi thối và ruồi nhặng trước đây. Do có kinh nghiệm về công tác xử lý môi trường, Công ty Việt Long được UBND tỉnh Quảng Ninh giao nhiệm vụ lập quy hoạch khu xử lý chất thải y tế. Theo đó, Công ty Việt Long liên doanh với các Công ty Chodai, Ambiente, Kinsei (Nhật Bản), đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải y tế theo công nghệ chưng cất khí khô có công suất 4 tấn/ngày.
Nhìn những bước chân thoăn thoắt và tác phong chỉ đạo, làm việc của ông Lê Quang Thắng, tôi không nghĩ đó là một người đàn ông đã ngoài 70 tuổi. “May sao tôi chưa già, mới ngoài 70 chứ mấy. Người ta chỉ thực sự già khi không còn sức lao động, sáng tạo được nữa” – ông Thắng cười hóm hỉnh.
Nguyễn Quý