Hội đồng họ Lê các tỉnh thành

Quảng Ninh: Lễ cất nóc nhà Đại Bái, Hậu cung và đúc tượng vua Lê Thái Tổ

HLVN – Sau 8 tháng thi công, sáng 9/7, tại Khu di tích Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, phường Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, diễn ra Lễ cất nóc nhà Đại Bái, Hậu cung và đúc tượng vua Lê Thái Tổ. Dự buổi lễ có đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Cụm dự án Khu vực đền thờ Vua Lê Thái Tổ sau 8 tháng thi công.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã thực hiện nghi thức Lễ cất nóc nhà Đại Bái, Hậu cung đền thờ vua Lê Thái Tổ. Dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng và phát huy giá trị di tích đền thờ vua Lê Thái Tổ với tổng mức đầu tư trên 211 tỷ đồng; trong đó, hạng mục đền chính (đền thờ Vua Lê Thái Tổ diện tích 1.080 m²) với giá trị gói thầu trên 86 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2025.

Ông Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghi thức mở nóc nhà Đại Bái, Hậu cung.

Tiếp đó là nghi thức đúc tượng Vua Lê Thái Tổ cùng hai vị cận thần trung nghĩa. Tượng Vua được đúc bằng đồng đỏ, cao 4,06m, nặng 7 tấn; tượng danh tướng Nguyễn Trãi và Lê Lai cao 2,9m, nặng 3,5 tấn mỗi tượng. Đây là hoạt động mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân đối với các bậc tiền nhân có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Ban Tổ chức tiến hành nghi thức đúc tượng Vua Lê Thái Tổ cùng hai vị cận thần trung nghĩa là danh tướng Nguyễn Trãi và Lê Lai.

Theo truyền thuyết, trong thời kỳ kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi (tức vua Lê Thái Tổ) từng thị sát vùng Trí Xuyên xưa (nay thuộc thôn An Biên, phường Hoành Bồ), phát nguyện lập nghiệp và hóa thần tại mảnh đất thiêng này. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ và tôn vinh công đức to lớn của ông, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông cùng hai cận thần là Nguyễn Trãi và Lê Lai.

Phối cảnh tổng thể Cụm dự án Khu vực đền thờ Vua Lê Thái Tổ.

Việc tổ chức lễ cất nóc nhà Đại bái, Hậu cung và đúc tượng vua Lê Thái Tổ là dấu mốc quan trọng trong dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt; góp phần bảo tồn không gian tâm linh tiêu biểu của địa phương và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Hoành Bồ trở thành “phường lễ hội”, phát triển du lịch tâm linh gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; đồng thời thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc hiện thực hóa các định hướng phát triển văn hóa, du lịch bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Lê Thanh – Việt Anh

Các tin liên quan