Quy ước hoạt động của Hội đồng Họ Lê Việt Nam khóa IV nhiệm kỳ 2023- 2028
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/ QĐ- HLVN ngày 11/01/2024)
Chương I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Tên gọi.
– Tên gọi của tổ chức là Hội đồng Họ Lê Việt Nam (HĐHLVN). Các thành viên Hội đồng Họ Lê (HĐHL) được bầu tại Đại hội đại biểu Họ Lê Việt Nam.
– Biểu tượng là chữ Lê (Hán tự) màu đỏ, nền vàng, khung đỏ. Viền của biểu tượng là cụm từ HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM
Điều 2: Tôn chỉ, mục đích hoạt động.
- Tôn chỉ:
Hội đồng Họ Lê Việt Nam là tổ chức duy nhất hiện nay hoạt động vì mục tiêu cao nhất là đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
- Mục đích hoạt động:
- Hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ, đền ơn đáp nghĩa.
- Phát huy truyền thống dòng họ: Yêu nước, tự lực, tự cường, hiếu học, sống nhân nghĩa, vị tha.
- Xây dựng dòng họ bền vững, đoàn kết, tương thân, tương ái, có cuộc sống vật chất và tinh thần khá giả, văn minh, hạnh phúc.
- Đoàn kết cùng các dòng họ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Điều 3: Nguyên tắc và phạm vi hoạt động.
- Hội đồng Họ Lê Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc:
- Thực hiện tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số.
- Tự nguyện, tự quản, bình đẳng, công khai, minh bạch.
- Tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận.
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Quy ước hoạt động của Hội đồng Họ Lê Việt Nam .
- Hội đồng Họ Lê Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước và những nước có người Họ Lê sinh sống.
- Hội đồng Họ Lê Việt Nam có con dấu (nội bộ), tài khoản ngân hàng và tài sản riêng theo quy định của pháp luật.
- Có Văn phòng tại Hà Nội và có thể thành lập các văn phòng đại diện tại các địa phương.
Điều 4: Nhiệm vụ
- Xây dựng dòng tộc:
- Xây dựng hệ thống tổ chức Hội đồng Họ Lê Việt Nam rộng khắp, bền vững.
- Xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo gồm Quy ước, quy chế hoạt động của Hội đồng Họ Lê Việt Nam và Hội đồng Họ Lê các địa phương theo đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện đúng Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
- Tích cực động viên mọi người nghiên cứu, bảo vệ, tôn vinh và phổ biến các giá trị văn hóa dòng họ do các bậc tiền nhân để lại. Thông qua hoạt động dòng họ, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử liên quan đến dòng họ trên phạm vi cả nước.
- Khuyến học, khuyến tài:
- Phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dòng họ, khuyến khích phát triển nhân tài trong các lĩnh vực học tập, công tác và các hoạt động xã hội.
- Giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
- Đề cao tình tương thân, tương ái, đền ơn đáp nghĩa:
- Đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
- Coi trọng đạo hiếu, làm tốt việc mừng thọ thành viên cao tuổi.
- Giúp nhau phát triển kinh tế:
- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, doanh nhân Họ Lê liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
- Thu hút, khuyến khích doanh nhân Họ Lê tham gia hoạt động tri ân tiên tổ, khuyến học, khuyến tài và các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp của dòng họ.
- Hội đồng Họ Lê các cấp tìm giải pháp giúp đỡ cộng đồng Họ Lê địa phương phát triển sản xuất, tham gia xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh.
- Thông tin, tuyên truyền:
- Giáo dục truyền thống dòng họ cho mọi thành viên, bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào về dòng họ và dân tộc.
- Chia sẻ thông tin, chắp nối tộc phả, gia phả.
- Xuất bản bản tin việc Họ, trang thông tin điện tử Họ Lê Việt Nam và các ấn phẩm lịch sử, truyền thống, văn hóa dòng họ.
- Tổ chức sự kiện, hội thảo, hội diễn, hội chợ, lễ hội…
Chương II – THÀNH VIÊN HỌ LÊ
Điều 5: Thành viên Họ Lê Việt Nam.
Thành viên Họ Lê Việt Nam gồm những người mang họ Lê, có nguồn gốc họ Lê sinh sống ở trong nước và nước ngoài, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, giới tính tuổi tác, tán thành Quy ước của Hội đồng Họ Lê Việt Nam và tham gia sinh hoạt tại các tổ chức dòng họ các cấp theo Quy ước của Hội đồng Họ Lê các cấp. Không tham gia các tổ chức khác ngoài Họ Lê Việt Nam.
Điều 6: Quyền lợi của thành viên.
- Được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng dòng Họ.
- Được tham gia biểu quyết, ứng cử, đề cử vào các chức danh của Hội đồng Họ Lê các cấp.
- Được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
- Được quyền xin rút, không tham gia tổ chức của Hội đồng Họ Lê Việt Nam .
Điều 7: Nghĩa vụ của thành viên.
- Chấp hành Quy ước, Quy chế, Nghị quyết và các quyết định của Hội đồng Họ Lê đã được Đại hội, Hội nghị của Hội đồng họ Lê các cấp thông qua.
- Tuyên truyền, giáo dục trong gia đình và gương mẫu thực hiện đạo lý, truyền thống, văn hóa dân tộc và nét đẹp của văn hóa dòng họ.
- Đoàn kết trong dòng họ và với các dòng họ khác, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tham gia xây dựng tổ chức dòng họ phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả.
- Tự nguyện đóng góp Quỹ theo quy định của Hội đồng Họ Lê các cấp.
Chương III – TỔ CHỨC, BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 8: Hội đồng Họ Lê các cấp.
- Hệ thống tổ chức của Hội đồng họ Lê Việt Nam tổ chức theo 4 cấp, gồm:
– Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
– Hội đồng Họ Lê các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Hội đồng Họ Lê Việt Nam các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
– Hội đồng Họ Lê cơ sở (cấp xã, gia tộc và dòng tộc).
- Số lượng ủy viên Hội đồng Họ Lê Việt Nam khoảng 90 người. Bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các Ủy viên Thường vụ và Ủy viên Hội đồng, trong đó có đại diện các Hội đồng Họ Lê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Họ Lê Việt Nam được giới thiệu và hiệp thương từ Hội đồng Họ Lê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, được thông qua tại Đại hội đại biểu Hội đồng Họ Lê cả nước.
- Mọi quyết định của Hội đồng Họ Lê Việt Nam được thông qua theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.
- Số lượng ủy viên của HĐHL ở các địa phương do cộng đồng họ Lê ở địa phương quyết định, bầu hoặc hiệp thương cử ra. Hội đồng Họ Lê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu đại diện của Hội đồng họ Lê địa phương tham gia Hội đồng họ Lê Việt Nam. Số lượng cụ thể do Ban Thường vụ HĐHLVN quy định.
Điều 9: Thủ tục thành lập Hội đồng Họ Lê ở địa phương
- Thành lập Hội đồng Họ Lê lâm thời, Ban vận động, hoặc sáng lập viên, tiến hành tuyên truyền, vận động các tổ chức dòng họ, cộng đồng Họ Lê cùng tham gia chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Hội đồng Họ Lê địa phương.
- Tổ chức Lễ thành lập:
– Triệu tập đại biểu.
– Thông qua báo cáo phương hướng hoạt động, dự thảo quy ước, quy chế và danh sách Hội đồng Họ Lê để lấy ý kiến các đại biểu và bầu Hội đồng.
– Ra mắt Hội đồng.
Điều 10: Đại hội Hội đồng Họ Lê ở địa phương và cơ sở.
- Nhiệm kỳ Đại hội đại biểu (hoặc toàn thể) Họ Lê các cấp 5 năm một lần.
- Số lượng và thành phần đại biểu Đại hội Hội đồng Họ Lê cấp nào do cấp đó quyết định.
- Thành phần đại biểu chính thức gồm các ủy viên đương nhiệm Hội đồng Họ Lê cấp triệu tập đại hội và đại biểu do cấp dưới cử đi dự đại hội.
- Đại hội phải có ít nhất 1/2 số lượng đại biểu triệu tập tham dự.
- Bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội đồng họ Lê các cấp phải được Đại hội tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết thông qua.
Điều 11: Đại hội đại biểu Họ Lê Việt Nam.
- Nhiệm kỳ đại hội 5 năm. Trường hợp có 1/2 số Hội đồng Họ Lê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị thì triệu tập đại hội sớm hơn.
- Thành phần dự Đại hội: Toàn thể thành viên Hội đồng Họ Lê Việt Nam, đại biểu của Hội đồng Họ Lê các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khách mời.
- Nhiệm vụ của đại hội:
- Thảo luận thông qua báo cáo nhiệm kỳ.
- Quyết định phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới.
- Bầu Hội đồng Họ Lê Việt Nam, bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các Ủy viên Ban Thường vụ. (Hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết thông qua).
- Bổ sung, sửa đổi Quy ước của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
- Vinh danh tập thể và cá nhân tiêu biểu trong nhiệm kỳ.
- Tôn vinh một Chủ tịch danh dự Hội đồng họ Lê Việt Nam đối với người có uy tín, có nhiều cống hiến cho hoạt động của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
Điều 12: Quyền hạn của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
Hội đồng Họ Lê Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của dòng họ giữa hai kỳ đại hội. Hội đồng Họ Lê Việt Nam có quyền hạn:
– Tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Quy ước của Hội đồng Họ Lê Việt Nam, các chủ trương, nhiệm vụ quan trọng trong từng thời gian do Hội đồng đề ra. Tập trung chỉ đạo các hoạt động theo kế hoạch.
– Cho thôi nhiệm vụ hoặc bổ sung Ủy viên Ban thường trực, Ủy viên Ban thường vụ Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
– Thảo luận và quyết định nội dung, nhân sự, thời gian, địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu Họ Lê Việt Nam nhiệm kỳ mới.
Điều 13: Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ, Thường trực, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
- Ban Thường vụ HĐHLVN gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số ủy viên do Hội đồng Họ Lê Việt Nam bầu ra. Ban Thường vụ có nhiệm vụ:
- Thay mặt Hội đồng Họ Lê Việt Nam giải quyết các công việc thường xuyên và đột xuất giữa hai kỳ họp của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
- Chuẩn bị nhân sự, bổ sung hoặc miễn nhiệm các thành viên trong Thường vụ, Thường trực, Ban chấp hành trình Hội đồng Họ Lê Việt Nam quyết định (khi cần) để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ.
- Xem xét và quyết định việc bổ sung, miễn nhiệm, cho thôi các Ủy viên Hội đồng Họ Lê Việt Nam, khi Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam trình.
- Xây dựng và ban hành chương trình hành động, quy chế, quy định, nghị quyết, kế hoạch tài chính và kiểm tra đôn đốc, tổng hợp báo cáo hoạt động của Hội đồng Họ Lê các cấp.
- Hội đồng họ Lê Việt Nam cử ra Ban Thường trực HĐHLVN (gồm Chủ tịch và một số phó Chủ tịch), giúp Thường vụ và HĐHLVN giải quyết công việc thường xuyên.
- Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam có nhiệm vụ:
- Điều hành Văn phòng và các ban chuyên môn của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
- Chuẩn bị nội dung và triệu tập các Hội nghị định kỳ và đột xuất của Ban Thường vụ và Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
- Chuẩn bị nhân sự bổ sung, miễn nhiệm, cho thôi chức vụ các Ủy viên Hội đồng, Ban thường vụ, thường trực, xem xét quyết định theo thẩm quyền.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam:
- Điều hành chung
- Chủ tài khoản.
- Chủ trì các cuộc họp của Hội đồng, Ban thường vụ và Thường trực Hội đồng.
- Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội, các quyết định của hội nghị Hội đồng và Ban Thường vụ Hội đồng.
- Ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của Hội đồng và Thường trực Hội đồng; Ký ban hành Quy ước, Nghị quyết và các quyết định thành lập các ban chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất và quan trọng; Ký quyết định phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí vụ việc và hàng năm; Ký các văn bản giao dịch hành chính với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ; Ký các quyết định khen thưởng, tặng bằng vinh danh.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của các tổ chức, đơn vị thuộc Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó chủ tịch:
- Chịu trách nhiệm các phần việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam. Được ký thay một số văn bản theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng.
- Phó Chủ tịch thường trực thay mặt Chủ tịch điều hành các công việc có thời hạn theo sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng khi Chủ tịch đi vắng.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ban thường vụ Hội đồng Họ Lê Việt Nam:
Các ủy viên Ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo thực hiện các công việc theo sự phân công của chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam. Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Thường vụ Hội đồng.
- Các ban chuyên trách của Hội đồng Họ Lê Việt Nam:
– Văn phòng Họ Lê Việt Nam;
– Ban Tài chính Họ Lê Việt Nam;
– Ban Truyền thông- Sự kiện- Đối ngoại Họ Lê Việt Nam;
– Ban Phát triển tổ chức dòng họ Họ Lê Việt Nam;
– Ban Phả tộc và lịch sử dòng họ Họ Lê Việt Nam;
– Ban Tổ chức Kiểm tra Khen thưởng Họ Lê Việt Nam;
– Hội đồng khuyến học, khuyến tài Họ Lê Việt Nam;
– Câu lạc bộ Doanh nhân Họ Lê Việt Nam;
– Ban Văn hóa- Nghệ thuật Họ Lê Việt Nam…
Tổ chức và hoạt động của Văn phòng, các ban tham mưu chuyên trách và các Câu lạc bộ đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam. Chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Quy chế hoạt động của Họ Lê Việt Nam các nhiệm kỳ.
Điều 14: Chế độ hội họp.
- Hội đồng Họ Lê Việt Nam họp một năm một lần.
- Ban Thường vụ Hội đồng Họ Lê Việt Nam họp 6 tháng một lần.
- Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam họp 3 tháng một lần.
- Hội đồng, Ban Thường vụ, Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam có thể họp đột xuất khi cần thiết.
- Các ban chuyên trách tự quy định chế độ hội họp.
Điều 15: Gặp mặt con cháu Họ Lê tiêu biểu
- Tổ chức 5 năm một lần, nhằm mục đích tăng cường giao lưu, gắn kết dòng họ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, tích cực trong hoạt động dòng họ ở các địa phương và cơ sở.
- Địa điểm gặp mặt: Tại một địa phương do Hội đồng Họ Lê tỉnh, thành phố tự nguyện đăng cai.
- Đơn vị đăng cai tự chịu trách nhiệm mọi mặt về công tác tổ chức. Các đại biểu tham dự tự lo kinh phí đi lại, ăn ở và đóng góp một phần chi phí. Đơn vị đăng cai đăng ký trước 6 tháng. Chủ đề cuộc gặp mặt do Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam và địa phương đăng cai thống nhất quyết định.
Chương IV- TÀI CHÍNH
Điều 16: Nguồn thu.
– Đóng góp của các thành viên.
– Tài trợ của các tập thể, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
– Hoạt động gây quỹ hợp pháp của các Ban và Hội đồng Họ Lê các cấp.
– Các nguồn thu khác hợp pháp.
Điều 17: Các nội dung chi.
– Chi khen thưởng khuyến học, khuyến tài.
– Chi mừng thọ người cao tuổi.
– Chi thăm hỏi, giúp đỡ các Ủy viên HĐHLVN khi gặp hoạn nạn, khó khăn đột xuất.
– Chi khen thưởng các tập thể, cá nhân được vinh danh.
– Chi chúc mừng thành lập, Đại hội Hội đồng họ Lê các cấp.
– Chi chúc mừng thành lập, đại hội các dòng họ khác (khi được mời).
– Chi chúc mừng các hoạt động khánh thành nhà thờ, tượng đài, di tích các thủy tổ, danh nhân Họ Lê ở các địa phương.
– Chi trả thù lao một số hoạt động chuyên trách và nhiệm vụ đột xuất của Hội đồng Họ Lê các cấp.
– Xem xét, khoán chi cho các Ban về kinh phí hoạt động của Ban khi cần thiết.
Điều 18: Nguyên tắc quản lý tài chính.
– Thống nhất quản lý tài chính thông qua các tài khoản, trên nguyên tắc quản lý tài chính công.
– Quản lý các khoản thu, chi công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về công tác tài chính.
– Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam làm chủ tài khoản.
Chương V- KHEN THƯỞNG VÀ KIỂM TRA XỬ LÝ CÁC VI PHẠM
Điều 19: Tặng bằng “Lê tộc Việt Nam vinh danh” cho các tập thể, cá nhân thuộc Họ Lê Việt Nam và những tổ chức, cá nhân ngoài dòng họ có thành tích hoạt động xuất sắc, đóng góp tích cực xây dựng truyền thống, uy tín, danh dự dòng họ, được Hội đồng Họ Lê các tỉnh, thành phố đề nghị.
Điều 20: Xử lý vi phạm
- Các vi phạm:
– Vi phạm pháp luật Nhà nước, Quy ước và các quy chế, quy định, hướng dẫn của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, tham ô tài chính, tài sản của tập thể và cá nhân.
– Phát ngôn thiếu chuẩn mực, tuyên truyền gây chia rẽ, hoài nghi, làm mất đoàn kết nội bộ, có việc làm trái với luân thường đạo lý làm ảnh hưởng đến uy tín dòng tộc.
- Xử lý vi phạm: Thường vụ HĐHLVN quy định chi tiết về xử lý vi phạm.
Chương VI- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21: Sửa đổi bổ sung.
Đại hội ủy quyền sửa đổi bổ sung Quy ước cho Hội đồng Họ Lê Việt Nam khi cần thiết. Quy ước được sửa đổi, bổ sung khi có ít nhất 1/2 ủy viên Hội đồng Họ Lê Việt Nam đề nghị.
Điều 22: Hiệu lực thi hành.
Quy ước này gồm 6 chương 22 điều, đã được Đại hội đại biểu họ Lê Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 9 năm 2023, có hiệu lực ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam ký quyết định ban hành./.