CLB Doanh nhân họ Lê

Tiến sĩ Lê Bích Thắng- Gương sáng doanh nhân Họ Lê

HLVN – Mạnh mẽ, sắc sảo và quyết đoán, Tiến sĩ Lê Bích Thắng (sinh năm 1950), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư du lịch Hải Tiến trở thành hình mẫu phụ nữ lý tưởng của tỉnh Thanh Hóa trong thế kỷ 21 bởi sự năng động trong các hoạt động làm kinh tế du lịch và những cống hiến to lớn mà bà đã dành cho quê hương.

Dám nghĩ dám làm

Sinh ra dưới thời mưa bom đan lạc tại vùng quê Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa anh hùng, Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã sớm tham gia các hoạt động vận chuyển vũ khí, đạn dược cho bộ đội tại ga nghĩa trang. Vốn thông minh, sáng dạ, sau khi học xong cấp 3 và được kết nạp Đảng, bà nhanh chóng được cử đi học tại Liên Xô.

Sau khi học xong, nữ tiến sĩ được phân công về công tác tại vụ điều tra cơ bản – Ủy ban khoa học nhà nước, sau này là Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Trong quá trình công tác ở cơ quan nhà nước, bà đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong gương mẫu của người đảng viên và được bổ nhiệm làm trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiều năm liền bà là Chiến sĩ thi đua của ngành và làm bí thư chi bộ, đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về môi trường.

Trong quá trình công tác tại Bộ, Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã dành nhiều quan tâm và giúp đỡ các dự án cho Thanh Hóa như: Đưa đoàn của Tổ chức JICA (Nhật Bản) về khảo sát xây dựng dự án nuôi trồng, phục hồi con phi tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa; trồng cây sú vẹt bảo vệ môi trường ở xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa.

Tiến sĩ Lê Bích Thắng

 Năm 2007, hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa, sau khi được nhà nước cho nghỉ chế độ, bà Lê Bích Thắng đã xung phong về đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Từ một vùng đất đặc biệt khó khăn (nhiều năm liền theo chế độ bãi ngang), đến nay nhờ có Tiến sĩ Lê Bích Thắng, Hải Tiến đã trở thành khu du lịch (KDL) nổi tiếng của Thanh Hóa và cả nước.

Với quyết tâm cống hiến cho quê hương, bà là người đầu tiên đầu tư xây dựng khu du lịch Hải Tiến và kêu gọi được 7 doanh nghiệp tại Hà Nội đầu tư tiếp theo với số vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng, với tổng số phòng lên đến 4.000 phòng.

Từ năm 2012 đến nay, KDL đã đón nhận hơn một triệu khách du lịch trong nước và quốc tế, biến Hải Tiến trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.

Đồng thời, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến do bà Thắng làm chủ đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào KDL biển Hải Tiến, xây dựng các khu khách sạn, khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh, xây dựng thêm gần 1,2 km tuyến đường ven biển, kè bờ biển… nhằm phát huy những ưu thế của thiên nhiên và lịch sử, đưa Hải Tiến trở thành một KDL sinh thái biển hấp dẫn.

Các công trình, dự án có kiến trúc hiện đại, đa tiện ích đã và đang có sự kết hợp hài hoà, tinh tế với vẻ nguyên sơ của vùng biển Hải Tiến. Sức đầu tư lớn, quy mô, bài bản, tôn trọng mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích kinh tế – môi trường – đời sống nhân dân là những yếu tố làm nên giá trị, nâng tầm thương hiệu du lịch biển Hải Tiến, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Năm 2018 vừa qua, KDL Hải Tiến đã đón hơn 1 triệu ba trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, họp mặt, tập huấn nghiệp vụ… Công suất sử dụng phòng bình quân đạt trên 80%, vào các ngày lễ, ngày cuối tuần gần đạt 100%. Doanh thu từ các hoạt động du lịch, khách sạn năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2019, tại khu du lịch Ánh Phương (thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến), các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 10 khách sạn và biệt thự du lịch đạt tiêu chuẩn 3 – 4 sao, nâng tổng số lên 2.500 phòng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách về với biển Hải Tiến.

Các nhà đầu tư thứ cấp như công ty Đại Dương Xanh xây dựng cảng du lịch với nhiều tàu cao tốc đưa khách đi tham quan các đảo và dọc sông Mã, thăm các danh lam thắng cảnh của xứ Thanh như đền Độc Cước, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ…

Nhằm tổ chức kinh doanh khai thác tốt nhất cho mùa du lịch năm 2019, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến và công ty Thanh Vân đã đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống vỉa hè, bồn hoa, cây cảnh; công ty Thanh Vân đầu tư khu vui chơi cảm giác mạnh, công viên nước… Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch thực sự văn minh, đẳng cấp và bền vững, để KDL sinh thái biển Hải Tiến thực sự trở thành điểm hấp dẫn du khách, góp phần phát triển “ngành công nghiệp không khói” xứ Thanh…

Khách sạn Ánh Phương trên diện tích 20.000m2 được khánh thành đưa vào sử dụng hơn 500 phòng từ năm  2014

Tâm huyết với quê hương

Không chỉ dừng lại ở những đóng góp cho sự phát triển kinh tế của quê hương, với cương vị là những người hoạt động sáng tạo và trưởng thành từ lao động khoa học, bà Thắng cùng chồng là Tiến sĩ Lê Xuân Thảo hiểu hơn ai hết giá trị của sự học.

 Xuất phát từ nhận thức đó, nhằm tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của gia đình cùng cái tâm trong sáng, nhiệt thành, vợ chồng Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã tự mình và tích cực vận động anh em, con cháu, người thân trong gia đình, dòng họ, các nhà hảo tâm quyên góp trên 10 tỷ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài.

Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan mang tên bố chồng bà – nhà giáo, người chiến sĩ cách mạng kiên trung do bà và chồng cùng sáng lập đã chi trên 5 tỷ đồng để trao thưởng cho hơn 7 nghìn lượt học sinh giỏi các cấp; cấp học bổng cho 1.750 lượt học sinh nghèo vượt khó học khá giỏi.

Bà Lê Bích Thắng cũng tài trợ quỹ khuyến học cho 43 hội khuyến học xã, thị trấn; đầu tư cơ sở vật chất trường học 1 tỷ 600 triệu đồng, in và phát hành 3.000 cuốn sách “Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan – Chắp cánh tương lai”.

Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan, vợ chồng Tiến sĩ Lê Bích Thắng – Lê Xuân Thảo đã ủng hộ thêm 1 tỷ đồng thêm vào quỹ, 100 triệu đồng ủng hộ trường Quốc học Huế và 100 triệu đồng ủng hộ trường Tiểu học Quảng Ngọc (huyện Quảng Xương).

Ngoài ra, bà Thắng còn tổ chức các đoàn bác sĩ về khám, chữa bệnh miễn phí và tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở 2 xã Hoằng Tiến và Hoằng Thanh. Bà còn tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình liệt sĩ ở các xã.

Tham gia nhiều hoạt động từ thiện và luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, bà tâm niệm: “Vợ chồng tôi đã, đang và luôn thầm nghĩ, sẽ làm nhiều việc thiện để góp phần cùng anh em vun đắp cây đức cho dòng tộc cũng như cho đời. Chúng tôi cảm thấy mình làm bao nhiêu cũng chưa đủ”.

Song hành cùng các hoạt động khuyến học – khuyến tài, TS Lê Bích Thắng còn là người không ngừng đấu tranh, đòi lại công bằng, quyền lợi cho các nạn nhân Việt Nam nhiễm chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược.

Với tấm lòng thơm thảo của mình, bà Thắng còn được biết đến là một điển hình trong việc phát tâm cung tiến, thiện nguyện, góp phần phục dựng lại nhiều đình, chùa, miếu mạo và các công trình văn hoá – lịch sử xứ Thanh: Đền thờ Đức Thánh Cả xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), đền thờ Đức Thánh Cả xã Hoằng Trung, đền thờ Tô Hiến Thành xã Hoằng Tiến (Hoằng Hoá)…

Đồng thời, bà Thắng đã nhận phụng dưỡng 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng; nuôi nhiều cháu mồ côi học hết đại học; tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động của Hoằng Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng bãi ngang.

Một tấm lòng sắt son với dòng họ

Tiến sĩ Lê Bích Thắng là người con luôn đau đáu, tâm huyết với các hoạt động tri ân tiên tố, phát triển dòng họ, là người đã có công rất lớn trong việc tham mưu, đóng góp tài chính, nguồn lực cho việc rước thi hài Vua Lê Dụ Tông từ Bảo tàng lịch sử Việt Nam về hoàn táng tại xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa năm 2010. Bà là người phụ nữ duy nhất đóng vai trò quan trọng được quyền tham dự vào hành trình trở về đất mẹ  của Hoàng đế Lê Dụ Tông.

Theo Ngọc phả của Họ Lê thì sau khi băng hà, vua Lê Dụ Tông được táng tại Bố Vệ, Đông Sơn (TP Thanh Hóa ngày nay). Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vua Lê Dụ Tông được táng ở lăng Cổ Đô, Đông Sơn, Thanh Hóa, sau dời đi táng ở lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (đất Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân và Thường Xuân, Thanh Hóa). Tháng 2/1958, thi hài vua Lê Dụ Tông được phát hiện tại Bái Trạch (Thọ Xuân, Thanh Hóa) và được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Năm 1996, Hội đồng Họ Lê Việt Nam có đề nghị Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho phép đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về an táng tại Thanh Hóa. Bộ đã tham khảo ý kiến của một số cơ quan có liên quan về đề nghị này. Tuy nhiên ban đầu còn có ý kiến chưa đồng thuận nên việc này chưa được giải quyết ngay.

Tháng 10 năm 2006, Hội đồng Họ Lê Việt Nam tiếp tục có văn bản đề nghị được đưa thi hài Vua Lê Dụ Tông về an táng tại Thanh Hóa. Bộ đã có văn bản báo cáo và được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đồng ý.Theo đó, lễ hoàn táng vua Lê Dụ Tông đã được tổ chức vào ngày 25/1/2010 tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ban tổ chức lễ hoàn táng đã phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ cúng tế và làm lễ nhập quan cho nhà vua theo đúng các nghi thức truyền thống.

Tiếp tục đóng góp cho các hoạt động của Họ Lê Việt Nam, để tổ chức thành công Đại hội Họ Lê toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 tại Hải Tiến, Thanh Hóa, vợ chồng Tiến sĩ Lê Bích Thắng, Lê Xuân Thảo và bà Lê Thị Loan đã ủng hộ dòng họ hơn 700 triệu đồng (trong đó bà Lê Bích Thắng hơn 400 triệu đồng, bà Lê Thị Loan hơn 300 triệu đồng).

Tại Hội nghị Hội đồng Họ Lê Việt Nam lần thứ hai, Tiến sĩ Lê Bích Thắng và bà Lê Thị Loan tiếp tục đóng góp cho hoạt động của Họ Lê Việt Nam 300 triệu đồng (mỗi người 150 triệu). Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Bích Thắng còn có nhiều hình thức hỗ trợ một số địa phương về tài chính trong việc triển khai tổ chức các hoạt động của dòng họ.

Trung tướng Lê Phúc- Nguyên Chủ tịch HĐHL VN và Trung tướng Lê Thu Hà- Phó Chủ tịch HĐHL VN tặng hoa ghi danh bà Lê Bích Thắng và bà Lê Thị Loan tại Đại hội Họ Lê Viên Nam toàn quốc lần thứ IV.

Với những đóng góp đầy ý nghĩa cho các hoạt động xã hội, Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương qua các năm: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; năm 2014, bà được Chủ Tịch nước tặng biểu trưng vàng về thành tích đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; Giấy khen của Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2016; Giải thưởng vì sự phát triển của Thanh Hóa năm 2019 nhân “Kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa”… Nhưng hơn hết, đó là sự yêu quý, tin tưởng của bà con nhân dân Hải Tiến đã dành cho bà – người phụ nữ đã thắp sáng vùng quê nghèo Hải Tiến.

(Theo trang Thông tin điện tử Thi đua khen thưởng và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Một số hình ảnh tôn vinh các hoạt động của Tiến sĩ Lê Bích Thắng:

TSKH Phan Xuân Dũng- Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT VN trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho TS Lê Bích Thắng

Nguyên Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan- Chủ tịch Hội Khuyến học VN trao Bằng vinh danh cho TS Lê Bích Thắng

 

 

Các tin liên quan