HLVN – Tự bao đời nay, các danh nhân, hiền tài luôn làm rạng danh đất nước. Tư tưởng cùng những cống hiến của họ góp phần quan trọng viết nên những trang sử vàng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, tổ chức tại Hà Nội từ 14 – 20/12/1976 (Ảnh: TTXVN)
- Bản lĩnh Lê Duẩn và những cống hiến xuất sắc của ông trong giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, TBT Lê Duẩn luôn là người có bản lĩnh kiên cường, bất khuất. Ông đã 2 lần bị thực dân Pháp bắt và kết án, lần lượt bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Cùng với các chiến sĩ cộng sản khác, đồng chí Lê Duẩn đã tỏ rõ bản lĩnh và phẩm chất cách mạng của mình, vượt qua thử thách, một lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc. Ông đã tham gia hoạt động ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, dám dấn thân vào nơi nước sôi, lửa bỏng, vào sinh ra tử. Sự tàn bạo của kẻ thù không làm ông khuất phục, trái lại, càng tôi luyện thêm ý chí, rèn đúc thêm bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng trong ông. Khi chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm công khai xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện chiến dịch “diệt cộng” với những tội ác rùng rợn, gây hoảng loạn trong xã hội, TBT Lê Duẩn xin Bác Hồ được ở lại sát cánh cùng đồng bào, đồng chí miền Nam. Ông đã có mặt khắp nơi trên địa bàn miền Nam để động viên, khích lệ quần chúng và chỉ đạo phong trào.
Kiên cường, giữ vững tư tưởng cách mạng tiến công, ý chí sắt đá là vậy nhưng đồng chí Lê Duẩn cũng luôn dùng tình tình thương và lẽ phải để khích lệ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng, giữ vững khối đại đoàn kết và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Với cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã luôn quan tâm đến củng cố khối đoàn kết toàn dân và chỉ đạo tăng cường chính sách ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Các nước yêu chuộng hòa bình đã ủng hộ lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, lên án mạnh mẽ đế quốc Mỹ xâm lược. Tại nhiều nước khắp nơi trên thế giới, tiêu biểu như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Anbani, Cuba, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Nhật bản, Thụy Điển, các nước châu Phi và châu Mỹ La tinh… đã có nhiều người đã tình nguyện hiến máu và quyên góp để gửi tặng nhân dân ta. Tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam, Lào, Campuchia đã hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh chung chống thực dân Pháp đến thời kỳ chống Mỹ càng được củng cố thêm. Đặc biệt, Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt Nam đắc lực không chỉ về vật chất mà còn hỗ trợ các cố vấn, chuyên gia kỹ thuật. [5] Chính sự hỗ trợ quý báu đã tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam.
Bản lĩnh của đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện ở niềm tin sắt đá vào sự chiến thắng. Lòng tin của ông vững vàng trước những thành công cũng như thất bại tạm thời của cách mạng, lúc cao trào cũng như lúc thoái trào. Trong những năm đen tối dưới chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đồng chí đã thấy rõ khả năng thắng lợi của nhân dân và cách mạng Việt Nam.
Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Lê Duẩn đã kế tục sự nghiệp của Bác. Dưới ánh sáng của đường lối của Đảng, đứng đầu là TBT Lê Duẩn, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân cả nước ta đã trở thành thiên anh hùng ca với bao chiến công oanh liệt.
Kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự của dân tộc “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo quân dân ta từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuối cùng kết thúc thắng lợi bằng trận quyết chiến chiến lược – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Qua những bức Thư vào Nam, TBT Lê Duẩn đã thể hiện sự quan tâm đến đồng bào, chiến sĩ miền Nam và luôn có những chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt, sâu sát với từng giai đoạn cụ thể. Ông đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng trong chuẩn bị lực lượng cho cách mạng miền Nam. Ông luôn chú trọng đến việc xây dựng lực lượng gắn với tạo “thế và lực của ta ngày càng vững mạnh, lại biết nắm vững thời cơ và tạo được bất ngờ” để luôn chiếm ưu thế trước quân địch. Đây là vấn đề cơ bản của nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của TBT Lê Duẩn trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.[3]
Thời kỳ “Chiến tranh đặc biệt”, trong thư gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh, ông phân tích: “Xét cho cùng, cách mạng là do tương quan lực lượng quyết định; trong tương quan đó, lực lượng của ta gồm có lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Hiện nay về lực lượng chính trị có thể nói ta chiếm ưu thế tuyệt đối so với Mỹ – Diệm, nhưng về lực lượng vũ trang thì ta kém hơn địch nhiều”, vì thế phải phát động quần chúng đấu tranh chính trị, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch cả về chính trị và quân sự”. Với chủ trương đó, ta làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch.
Thời kỳ “Chiến tranh cục bộ”, mặc dù Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, nhưng ông không hề nao núng và khẳng định cuộc chiến lâu dài, quân Mỹ nhất định sẽ thất bại. Ông chỉ đạo: “Phải tăng cường lực lượng và trình độ tác chiến của bộ đội địa phương; phát triển thật mạnh, thật rộng mạng lưới du kích xây dựng làng, xã chiến đấu, trang bị thêm cho du kích những vũ khí thông thường”; chăm lo củng cố, phát triển đội quân chính trị của quần chúng, phát động các tầng lớp nhân dân đứng lên làm chủ thôn, xã; gấp rút xây dựng bộ đội chủ lực gồm những binh đoàn gọn, nhẹ; chú trọng xây dựng lực lượng dự bị cho cả quân chủ lực và quân du kích. Với chủ trương đó, ta đã chuẩn bị đủ lực lượng đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, tạo sức mạnh tổng hợp làm cho “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ hoàn toàn bị phá sản.
Thời kỳ “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ cho rằng ta không đủ sức đánh lâu dài thêm nữa và muốn có lợi cho việc đàm phán, nên với tiềm lực dồi dào chúng triển khai chính sách dùng người Việt đánh người Việt. Trước bối cảnh mới, TBT Lê Duẩn xác định phải làm kịp thời việc đưa lực lượng về các vùng trọng yếu để làm thay đổi so sánh lực lượng tại chỗ, tạo điều kiện cho dưới đủ sức đánh bại lực lượng quân sự địa phương của địch. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đã bị phá sản, buộc người Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-01-1973, chấm dứt các hoạt động quân sự và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Với tư duy chiến lược và khả năng làm chủ cuộc chiến, TBT Lê Duẩn không chỉ biết khởi sự, biết điều khiển tiến trình mà còn biết kết thúc chiến tranh đúng lúc và có lợi nhất. Trong Kết luận đợt 1 Hội nghị lịch sử Bộ Chính trị năm 1974, ông đã chỉ rõ: Lúc này chúng ta đang có thời cơ chiến lược để giải phóng miền nam. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Có thể điểm lại một số bức thư vào Nam để thấy rõ công lao vô cùng to lớn của TBT Lê Duẩn:
Ngày 21/3/1975, ông đã chỉ đạo “Tình hình chuyển biến nhanh, cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương”.
Ngày 14/4/1975. Ông viết: “ Mong các anh tranh thủ thời gian chuẩn bị thật tốt để giành thắng lợi thật to lớn. Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Ngày 22/4/1975, ông xác định : “Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là đảm bảo chắc chắn để giành thắng lợi hoàn toàn”. [3]
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là chiến công cực kỳ vĩ đại và rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Nó gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh; gắn liền với tên tuổi và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, người đã nhiều năm giữ trọng trách trong Bộ chỉ huy tối cao của Đảng ta và dân tộc ta.
Kết thúc bài tham luận, tôi xin được nhắc lại đề xuất trong bài viết Những kỷ niệm không thể nào quên của ông Lê Toàn Thư: “Tôi nghĩ rằng các thế hệ mai sau sẽ còn phải tiếp tục tìm hiểu về những cái hay, cái đẹp, cái xuất sắc, cái vĩ đại, cái sáng tạo, cái rất Việt Nam trong anh Ba Lê Duẩn rất đỗi kính yêu của chúng ta” [6]. Chính những cái hay, cái đẹp, cái xuất sắc, cái vĩ đại, cái sáng tạo, cái rất Việt Nam của TBT Ba Lê Duẩn đã góp phần tạo nên giá trị Việt Nam và khơi dậy niềm tự hào và khát vọng cống hiến của con người Việt Nam hôm nay và mai sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Điếu văn do đồng chí Trường Trinh đọc tại lễ truy điệu đông chí Tổng Bí thư Lê Duẩn// Báo Nhân dân.- 1986.- Ngày 16 tháng 7
- Lê Duẩn. Đề cương cách mạng miền Nam//Tuyển tập. T1. H. – Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 1987
- Lê Duẩn.Thư vào Nam, H. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2015
- Phan Quang. Tầm nhìn Lê Duẩn. Truy cập tại:https://tuyengiao.vn
- Vũ Dương Thúy Ngà. Quan điểm và đóng góp của đồng chí Lê Duẩn trong xây dựng khối đại đoàn kết// Đồng chí Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của Quê hương Quảng Trị.- H.: Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017
- Lê Toàn Thư.Những kỷ niệm không thể nào quên || Bí thư Xứ ủy Nam bộ – Bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Duẩn hoạt động tại Cà Mau.- Cà Mau: Nxb Phương Đông, 2012
- Theo : TS.Vũ Dương Thúy Ngà