HLVN- Sáng 16/9/2020 (nhằm ngày 29/7 âm lịch năm Canh Tý), tại Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt được tổ chức trang trọng tại khu Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), Quận ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh đã tổ chức Lễ công bố Quyết định đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu thuộc quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt.
. Phần mộ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt trong khu Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Đường Đinh Tiên Hoàng nay đã chính thức được đổi tên thành Lê Văn Duyệt theo đề xuất của Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu) và sự đồng thuận của người dân.
Ông Lê Duy Minh – Phó Chủ tịch họ Lê Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam; Chủ tịch Hội đồng họ Lê TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tả quân Lê Văn Duyệt xứng đáng được đặt tên một con đường to đẹp tại TP Hồ Chí Minh, càng ý nghĩa hơn khi trên con đường đó có lăng mộ của Đức Thượng Công Tả Quân. Lịch sử là lịch sử, bởi Tả quân Lê Văn Duyệt là người có công rất lớn cho việc hình thành miền Nam nói chung và Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) nói riêng”.
Lễ đổi tên đường cũng là ngày Tiên thường trong Lễ giỗ lần thứ 188 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832 – 2020). Năm nay, Lễ giỗ được tổ chức trong 3 ngày 16, 17 và 18/9/2020 (nhằm ngày 29/7 và mùng 1, 2/8 âm lịch năm Canh Tý) tại khu Di tích lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Bà Lâm Thị Hoàng Oanh – Trưởng ban quản lý khu Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt, cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên ngày giỗ của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt được Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa – Thể thao và UBND Quận Bình Thạnh phối hợp với Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt tổ chức. Vì thế, sự kiện lần này long trọng và có quy mô lớn hơn trước đây. Song song đó, niềm vui mừng lớn lao nữa là sau buổi lễ giỗ này, đoạn đường có lăng mộ Tả Quân được công bố đổi tên Lê Văn Duyệt. Tài năng và công đức của Đức Tả Quân khiến người dân hết lòng kính phục, yêu thương gọi là Ông lớn hay ông Thượng. Do đó khi tạ thế, Đức Tả Quân được an táng tại lăng miếu này và nhân dân hết lòng thờ phụng đến ngày nay”.
Để phát huy truyền thống hào hùng của vùng đất Gia Định xưa, đánh giá đúng với công lao, tài năng của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt với vùng đất Sài Gòn – Gia Định cũng như trong việc mở mang bờ cõi đất nước, đồng thời theo mong muốn của nhân dân quận Bình Thạnh, tháng 10/2019, Quận ủy – UBND Quận Bình Thạnh báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy – UBND TP Hồ Chí Minh chủ trương đề xuất đặt tên đường Lê Văn Duyệt trên địa bàn Quận Bình Thạnh.
Tháng 3/2020, UBND Quận Bình Thạnh phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức lấy ý kiến của Thường trực MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể trong quận; lấy ý kiến của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân phường 1, phường 3 tại khu vực có tuyến đường dự kiến đổi tên thành Lê Văn Duyệt. Các tổ chức, đoàn thể từ quận đến phường và nhân dân đều thống nhất chủ trương đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu có chiều dài 947 mét) thành đường Lê Văn Duyệt.
Ngày 29/4/2020, UBND Quận Bình Thạnh báo cáo Ban thường vụ Quận ủy và được sự đồng thuận của tập thể Ban Thường vụ Quận ủy, hoàn tất hồ sơ trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt được Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến và được sự thống nhất của Hội Khoa học lịch sử Thành phố và Hội Di sản văn hóa Thành phố. Ngày 8/7/2020, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có tờ trình trình HĐND Thành phố và 11/7/2020, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 26 về việc bổ sung Quỹ tên đường và đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu trên địa bàn Quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt.
Ông Lê Duy Phương – Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Dù Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt đã mất 188 năm, nhưng người dân lúc nào cũng nhớ, cũng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, trùng tu lăng ngày càng khang trang hơn. Là thế hệ hậu duệ, chúng tôi cảm thấy tự hào về những gì Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân”.
Khu Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt được công nhận là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988 của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch. Lăng Lê Văn Duyệt tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Cả khu lăng mộ này được xây dựng trên một gò đất cao nằm giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Nơi đây rộng 18.501 m², trong công trình kiến trúc của lăng, được xây dựng sớm nhất là phần mộ. Chung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500mét, cao 1,2 mét được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, được xây dựng vào năm 1948.
Ông Lê Nguyên Long – Phó Chủ tịch họ Lê TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Đường Lê Văn Duyệt, một con đường mang nhiều lịch sử và ký ức, chất đầy ước mơ, hi vọng của nhiều thế hệ người Sài Gòn – Gia Định không chỉ của ngày xưa cũ. Sở dĩ con đường được đặt tên Lê Văn Duyệt vì khi ông mất, nhân dân Gia Định đã xây lăng thờ phụng Đức Thượng Công Tả Quân, một công trình tâm linh, uy nghiêm. Có một thời cổng tam quan của Lăng Ông trở thành biểu tượng của Sài Gòn, được in trên tờ giấy bạc 100 đồng”.
Hàng năm, Lễ giỗ không chỉ là dịp để tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sỹ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước mà Lễ giỗ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt còn trở thành một ngày hội văn hóa đặc sắc của người dân Sài Gòn, đặc biệt là của người dân từng gắn bó nhiều năm ở khu Lăng Ông – Bà Chiểu.
Việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt không chỉ góp phần bảo tồn khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt nằm ngay trên trục đường này. Đó là một biểu tượng, một giá trị để các thế hệ muôn đời sau ghi nhận công lao to lớn của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt đối với vùng đất Nam Bộ.
Hiện nay có 10 tỉnh, thành phố có con đường được mang tên Lê Văn Duyệt, bao gồm: TP Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, An Giang và TP Hồ Chí Minh.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764. Nguyên quán Quãng Ngãi, sinh quán làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Từ Võ tướng thời chúa Nguyễn đến Đại thần dưới triều Nguyễn, ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định (từ 1812 – 1815 và từ 1820 – 1832). Tả quân Lê Văn Duyệt có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam. Ông chăm lo việc đào kênh, đắp lũy, xây thành, vừa phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, củng cố nền hành chính, vừa tăng cường ngoại giao, củng cố biên cương, gia cố thế phòng thủ cả Trấn Thành và miền Gia Định… Năm 1819, ông dâng sớ về việc đào kênh Vĩnh Tế phục vụ phát triển thông thương và nhu cầu hành chính, quân sự bảo vệ vùng biên cương. Năm 1830, ông cho củng cố thành Bát Quái để tăng cường phòng thủ chống xâm lược.
Là vị Tổng trấn sống thanh liêm, khéo dùng người tài đức, kiên quyết trừng trị tham quan ô lại, có nhiều chính sách an dân, quan tâm khuyến khích người Việt, người Hoa làm ăn, an cư lạc nghiệp. Ông mất năm 1832 tại Gia Định. Nhân dân kính phục xây lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu để tôn thờ.
Lê Quang Đạm