HLVN- Trong vài chục năm lại đây, không chỉ ở Thanh Hóa mà trên phạm vi cả nước, nói đến mía đường Lam Sơn là mọi người lại nhắc đến ông Lê Văn Tam, anh hùng Lao động, vị thuyền trưởng đi tiên phong trên lĩnh vực chinh phục những hướng phát triển mới trong ngành nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất Lam Sơn, quê hương anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi. Ngoài nổi tiếng là một doanh nhân tài ba, đức độ mang lại ấm no hạnh phúc cho hàng vạn nông dân trồng mía trên đất Lam Sơn, hơn chục năm lại đây ông Lê Văn Tam còn được biết đến là một vị Chủ tịch HĐHL Việt Nam hết lòng vì dòng tộc.
HĐHL Việt Nam và HĐHL Thanh Hóa chúc mừng Chủ tịch Lê Văn Tam nhân ngày sinh nhật lần thứ 85.
Như mọi người đều biết, Họ Lê là một trong những dòng họ được coi là thủy tổ của người Việt từ khi khai sinh lập địa đến nay. Hoạt động về dòng tộc Họ Lê cũng xuất hiện khá sớm. Nhưng phải đến khi đất nước thống nhất, năm 1995, Ban liên lạc Họ Lê Việt Nam, đại diện cho bà con Họ Lê cả nước mới được thành lập. Ngày 6 tháng 5 năm 2006, Ban liên lạc Họ Lê Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt bà con Họ Lê cả nước lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội. Trong cuộc gặp mặt này ông Lê Văn Tam, người anh hùng của vùng mía đường Lam Sơn, được tiến cử làm Phó trưởng Ban liên lạc Họ Lê Việt Nam.
Từ Hà Nội trở về đất Thanh Hóa, nơi phát tích hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê, nơi được coi là cội nguồn của Họ Lê đất Việt, ông Lê Văn Tam đứng ra thành lập Ban liên lạc Họ Lê Thanh Hóa. Đến ngày 29 và 30 tháng 9 năm 2007, Ban liên lạc Họ Lê Thanh Hóa đã tổ chức thành công cuộc gặp mặt bà con Họ Lê cả nước lần thứ hai tại thành phố Thanh Hóa. Trong cuộc gặp mặt này đã quyết định đổi tên “Ban liên lạc Họ Lê Việt Nam” thành “Hội đồng Họ Lê Việt Nam” và ông Lê Văn Tam được tiến cử làm Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
Từ đây, ngoài việc điều hành một doanh nghiệp lớn như công ty Mía đường Lam Sơn, ông Lê Văn Tam còn gánh vác trọng trách của người đứng đầu của một dòng họ lớn vào diện nhất nhì cả nước. Việc đầu tiên ông Lê Văn Tam đặt ra cho mình là phải xác định tôn chỉ mục đích hoạt động của HĐHL Việt Nam. Theo ông tôn chỉ mục đích đó là: “Trở về cội nguồn, tri ân tiên tổ, phát huy truyền thống, hướng tới tương lai”. Và trong suốt gần 15 năm làm Chủ tịch HĐHL Việt Nam, ông đã dồn tâm huyết, thời gian và cả tiền bạc để thực hiện cương lĩnh hoạt động này.
Đối với ông Lê Văn Tam “trở về cội nguồn, tri ân tiên tổ” không chỉ là một lời hô hào mà là một tín ngưỡng mang màu sắc tôn giáo. Ông coi việc được cử lên làm Trưởng ban Quản lý xây dựng vùng mía phía Tây Thanh Hoá, rồi Giám đốc nhà máy đường Lam Sơn, nơi Đức vua Lê Thái Tổ làm nên nghiệp lớn, khi ông đã ở tuổi 52, như là có sự sắp đặt của tổ tiên. Hơn 30 năm lăn lộn với vùng đất này, ông đã phát triển vùng mía theo dấu chân của nghĩa quân Lam Sơn năm xưa, chạy suốt từ Lam Kinh qua Ngọc Lặc, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh đến tận đỉnh Pù Rinh, đỉnh núi cao nhất ở miền Tây Thanh Hóa, nơi Lê Lợi hai lần ém quân khi bị giặc Minh vây ráp. Mía vươn đến đâu đời sống người dân trồng mía được cải thiện đến đó. Âu cũng là một cách tri ân với đồng bào ở những vùng đất năm xưa đã che chở cho nghĩa quân Lam Sơn mỗi khi lâm nạn.
Ông là người thấu hiểu hơn ai hết mối quan hệ được coi là “biện chứng” giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống cha ông xưa với con cháu ngày nay. Trong thâm tâm ông tin rằng, những thành tựu mà Công ty Mía đường Lam Sơn do ông làm Giám đốc đạt được trong mấy chục năm qua đều có hồng phúc của tổ tiên phù trợ. Vì vậy việc cúng tế các đức vua và các vị khai quốc công thần trong vùng mía được ông và cán bộ công nhân viên trong công ty coi là một việc cần làm và phải làm thường xuyên, như một lời tri ân với các bậc tiền bối.
Trong thời gian gần 15 năm làm Chủ tịch HĐHL Việt Nam, ông Lê Văn Tam, với vai trò “thủ lĩnh” đã đề xướng và trực tiếp tổ chức nhiều sự kiện lớn của dòng Họ Lê Việt Nam, đưa vai trò và vị trí của Họ Lê Việt Nam lên tầm cao mới, như: Việc hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông đầu năm 2010, việc tổ chức “Lễ hội mùa thu Lam Kinh” năm 2018 với cuộc hành hương về Lam Kinh của gần hai nghìn bà con Họ Lê trên khắp mọi miền đất nước.
Ông Lê Văn Tam còn là người đề xướng và cùng với Công ty Mía đường Lam Sơn tài trợ cho nhiều di tích Họ Lê trên đất Thanh Hóa với số tiền từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Đó là việc tài trợ làm con đường dài hơn một cây số từ Quốc lộ 45 vào khu lăng mộ để kịp nghênh rước thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại quê nhà; việc tài trợ toàn bộ công trình xây dựng ngọ môn đồ sộ bằng gỗ lim trong khu di tích đặc biệt Lam Kinh; việc đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng đền thờ và lăng mộ Quốc mẫu Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, một công trình bằng đá xứ Thanh được chạm khắc hoa văn rồng phượng theo nguyên mẫu kiến trúc thời Hậu Lê; và tượng đài Bình định vương Lê Lợi đứng sừng sững trên đỉnh núi cao, sau lưng là dòng sông Mã (xưa gọi là sông Lương) nước chảy cuồn cuộn quanh năm, mặt tượng nhìn về núi Chẩu như đang chào đón những hiền tài về với nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Từ đường Hồ Chí Minh nhìn lên như thấy Bình định Vương Lê Lợi từ trong nguồn bước ra, lồng lộng giữa trời cao. Cả hai công trình này đều nằm trong “công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam”, một trong những dự án đi tiên phong trong việc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh của công ty mía đường Lam Sơn. Việc Họ việc đời thật là trọn vẹn chữ Tâm.
Từ khi nhận trọng trách làm Chủ tịch HĐHL Việt Nam, ông Lê Văn Tam đã hết sức quan tâm đến việc sưu tầm, hội thảo, xuất bản sách về Họ Lê Việt Nam, làm rõ và lan tỏa niềm tự hào về lịch sử, về những kỳ tích oanh liệt của các bậc tiên hiền, không chỉ với con cháu trong dòng họ mà với bà con cả nước. Với cương vị là Chủ tịch HĐHL Việt Nam, ông cùng Hội đồng đã tổ chức thành công 2 cuộc hội thảo lớn: Hội thảo về vua Lê Thánh Tông tại Hà Nội và Hội thảo về Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ tại Thanh Hóa. Ông cũng bỏ không ít thời gian cùng Hội đồng Họ Lê Việt Nam dự các cuộc hội thảo lớn về họ Lê do Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Ông đã về dự hầu hết các ngày lễ tại các di tích Họ Lê ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, động viên, khích lệ bà con trong việc Họ việc đời. Ông cũng hết sức quan tâm đến việc phát triển tổ chức dòng họ ở các vùng miền trên toàn quốc. Cho đến nay Hội đồng Họ Lê, Ban liên lạc Họ Lê đã được tổ chức ở trên 30 tỉnh thành trên cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam và các tỉnh Tây Nguyên. Mỗi khi có thiên tai bão lũ, ngoài việc ủng hộ vào quỹ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, ông còn tài trợ trực tiếp cho bà con Họ Lê đang gặp khó khăn. Gần đây nhất, trước khi nghỉ điều hành công việc của dòng họ, ông đã tài trợ 500 triệu đồng cho HĐHL Việt Nam,
LÊ XUÂN GIANG- PHÓ CHỦ TỊCH HĐHL VIỆT NAM