HLVN – Dưới triều Hậu Lê (1427 – 1527), có một vị vua mà tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của ông đã gắn liền với giai đoạn cường thịnh của nước Đại Việt – Ngài chính là vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Sử sách giai đoạn này có ghi chép: “Ngủ đêm, mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”, dân gian cũng có câu rằng: “Đời vua Thái Tổ, Thánh Tông/ Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”.
Ông là bậc vĩ nhân của đất nước; là vị vua anh minh, văn võ tài lược, nhà cách tân vĩ đại, là đại diện của sự ấm no và an lành, của thái bình và thịnh trị; “Vua tự trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi, mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần cái gì cũng tinh thông…” (Đại Việt Sử ký toàn thư, NXB Hồng Đức, 2020, Quyển XIII, Kỷ nhà Lê, tr.924). Ông cũng chính là người đã khai sáng danh xưng Quảng Nam (1471 – 2021).
Lê Thánh Tông tên là Lê Tư Thành, là cháu của vua Lê Thái Tổ, và là con thứ tư của vua Lê Thái Tông, thân mẫu là Quang Thục thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.
Chuyện xưa kể rằng, lúc Thái hậu còn làm Tiệp dư (hàng đầu của 6 bậc nữ quan, dưới Tam Phi, Cửu Tần), đi cầu tự, chiêm bao thấy trời cho tiên đồng, rồi có thai. Khi sắp ở cữ, vì mệt mỏi thiếp đi, mơ thấy được đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng dùng dằng chưa chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán làm chảy máu, ở trán hình như có vết như thấy khi chiêm bao, mãi đến khi chết vết ấy vẫn còn. Bà tỉnh dậy thì sinh hoàng tử Tư Thành đúng vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), tại chùa Huy Văn (nay là ngõ Văn Hương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội).
Thuở nhỏ, Tư Thành sống bên ngoài cung. Đến 4 tuổi mới được đưa vào cung cùng học với các thân vương. Theo các nhà viết sử, vua sinh ra có thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước. Ông không chỉ học hành sáng dạ, mà còn rất chịu khó, sớm tối không rời việc đọc sách.
Lúc bấy giờ, quan ở Kinh diên là Trần Phong, một trong những thân vương dạy Tư Thành muốn thử tài ông, đưa đề bài vịnh con cóc. Trong vài giây ngắn ngủi, ông liền ứng đáp: “Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi/ Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi/ Chép miệng dăm ba con kiến gió/ Nghiến răng chuyển động bốn phương trời…”. Vị thân vương quá tâm phục, bèn quỳ xuống tâu: Bẩm điện hạ, với khẩu khí này, điện hạ đúng là chân mệnh đế vương!
Ngày 3 tháng 10 âm lịch năm 1459, niên hiệu Diên Ninh thứ 6, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân đang đêm thì bắc thang lên tường thành, rồi chia làm ba đường lẻn vào cung cấm làm binh biến. Vua Lê Nhân Tông và Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh bị giết, Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Hưng. Nghi Dân phong Bình Nguyên vương Tư Thành làm Gia vương, và sai dựng phủ Gia Hưng bên trái nội cung để Tư Thành ở.
Lê Nghi Dân lên ngôi, tin dùng các nịnh thần, sát hại bề tôi cũ và thay đổi pháp chế nên không được lòng dân và các đại thần, văn võ. Mãi gần tám tháng sau, vào ngày mồng 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) nhân buổi thiết triều, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm… phối hợp với các tướng lĩnh nhất loạt đóng cửa cung vây bắt Nghi Dân và đồng bọn. Loạn Nghi Dân đến đó là dứt.
Binh biến thành công, nhóm đại thần bàn với nhau rằng: “Ngôi trời là khó khăn, của báu rất quan trọng, nếu không phải là người đức lớn không thể đương nổi. Nay Gia Vương tư trời thông tuệ, tài lược trầm hùng, hơn cả mọi người, các vương không ai bằng, lòng người đều thuận thuộc, đủ biết ý trời đã giúp”. Ngay ngày hôm ấy, đem kiệu đến đón vua ở Gia vương để về lên ngôi. Năm đó Lê Tư Thành mới 18 tuổi.
Thừa kế ngai vàng lúc vương quốc đang lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, vậy mà 38 năm trị quốc, thù trong, giặc ngoài được dẹp yên; nhà vua từng bước đưa triều Lê sơ phát triển tới đỉnh cao về nhiều mặt; tiến hành nhiều cải cách về chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, văn hóa; bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi. Ông là chủ soái Hội Tao đàn; là người chỉ đạo các Sử thần làm bộ Đại Việt Sử ký và ban hành Luật Hồng Đức – một di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam.
Trong những thành tựu nói trên phải kể đến thành tựu về chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng hiền tài để trị nước, an dân.
Dưới triều Vua Lê Thánh Tông việc tuyển chọn người có đức, có tài được xem là điều hệ trọng nhất trong mọi điều hệ trọng với nhiều hình thức tiến bộ, tổ chức rất nghiêm ngặt.
Nhà vua đã áp dụng hàng loạt các biện pháp cơ bản, mang tính hệ thống như khuyến khích việc học; tổ chức thi tuyển để lựa chọn người tài; đặt lệ bảo cử để không bỏ sót nhân tài; đặt lệ tập ấm để khuyến khích con cháu công thần lập thân; thực hiện chế độ tản quan để tỏ lòng tri ân với những người có công; đặt lệ khảo thi để khuyến khích nhân tài phấn đấu vươn lên; đặt lệ khảo khóa để đánh giá, phát huy thực tài của quan lại (Lê Đức Tiết: Bộ luật Hồng Đức, Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, NXB Tư pháp, 2010, tr.143-144).
Học giả Trần Trọng Kim đã từng đánh giá: “Thánh Tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị… mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy”.
Đã hơn năm thế kỷ trôi qua, nhưng những bài học của Lê Thánh Tông để lại cho đất nước, cho dân tộc vẫn còn nguyên giá trị. “Lê Thánh Tông không chỉ là một ông vua đầy tài năng và nhiệt huyết với tất cả các thành tựu nổi bật dưới thời trị vì của ông mà ông còn là một cái tên không thể mờ trong lịch sử và nền văn hoá nước nhà” (Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên, tr.68). Với trí tuệ, tài năng kiệt xuất của mình, ông xứng đáng được xưng tụng là một vị minh quân, “nhân vật ngoại hạng”, “Vua Thánh” của nước Đại Việt.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, việc mở trường dạy học cho con em trong cả nước được khuyến khích, ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử ban “Chiếu khuyến học”, được đời sau ghi lại trong Giai văn tập ký[1] với nhan đề là “Thánh Tông Thuần Hoàng đế khuyến học văn”.
[1] Giai văn tập ký: Được lưu trữ tại Thư viện Hán Nôm, sách chép tay, khổ 28x16cm, 28 tờ, không có tựa bạt, mục lục, không ghi tên tác giả. Sách này là tập hợp ghi chép những bài văn hay (giai văn), cả thảy gồm 33 bài, phần lớn của các tác giả đời Nguyễn như Hoàng Cao Khải, Phan Đình Phùng, Bùi Hướng Thành, Nguyễn Trọng Hợp, Dương Lâm, Đỗ Đình Liên(8) , Ngô Thế Vinh v.v… và bài thứ 30 (tờ 20a – 22a) có nhan đề là Thánh Tông Thuần Hoàng Đế khuyến học văn, dịch nghĩa là: Bài văn khuyên chăm học của vua Thánh Tông Thuần Hoàng Đế.
[2] Trường tư là trường do các thầy đồ hoặc các gia đình khá giả rước thầy về dạy tại nhà.
[3] Văn Miếu được dựng từ thời nhà Lý (1070) để thờ Khổng Tử. Đến thời Lê Thánh Tông, Văn Miếu được mở rộng, xây dựng khang trang hơn trước. Đây là nơi vừa để thờ những nhà sáng lập đạo Nho, nơi dựng bia các vị đỗ đầu đại khoa trong các kỳ thi Đình, đồng thời là trường đại học đào tạo các nhân tài cho vương quốc. “Mùa thu, tháng 8, làm Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền” (Đại Việt Sử ký toàn thư, trọn bộ, Nxb Hồng Đức, Quyển III, Kỷ nhà Lý, trang 244).
Ông chủ trương, mọi người dân, những ai muốn trở thành người có ích cho đất nước đều có quyền đi học. Không phân biệt trường tư [2], trường công do nhà nước mở. Tại kinh đô, nhà vua cho mở hai trường đại học là Văn Miếu Quốc Tử Giám [3] là nơi đào tạo các nhân tài về ngạch văn giai. Cùng với đó là Điện Giảng Võ là nơi đào tạo các võ quan, tướng lĩnh cho quân đội.
Nhà vua còn ra lệnh khắc in các bộ sách giáo khoa gồm: Tứ thư, Ngũ kinh, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển, Cương mục để các học quan lấy đó làm tài liệu giảng dạy, tổ chức thi cử để chọn nhân tài. Bản thân vua Lê Thánh Tông thực sự là một tấm gương sáng về lòng ham học cho muôn dân.
Khi ở ngôi vua, Lê Thánh Tông rất hay cải trang, mặc quần áo thường dân, vi hành khắp chốn để tìm hiểu cuộc sống của dân chúng và thị sát về đạo đức, năng lực của quan lại dưới quyền. Chuyện kể rằng, một lần, nhà vua vi hành đến văn miếu, lúc này trời cũng đã khuya, ông vẫn thấy một giám sinh trạc 50 tuổi đang chăm chú ngồi đọc sách và thỉnh thoảng húp một ngụm cháo loãng. Nhà vua đến gần hỏi: “Người húp cháo gì mà ngon thế?”. “Thưa bác, con húp cháo hoa, nhà con hết muối rồi”, người này đáp. Nhà vua rất cảm động ra về. Sáng hôm sau, có người đem gói quà đến biếu giám sinh. Khi mở ra, giám sinh vô cùng bất ngờ bởi món quà là một lọ muối vua ban cùng bên trong có một nén bạc. Từ đó, câu chuyện nhà vua thương người nghèo ham học lan truyền khắp nước.
Theo Lê Thái Dũng trong tập sách Hoàng đế Lê Thánh Tông – câu chuyện và giai thoại, NXB Hồng Đức, 2021: Trong chính sách khuyến học, về cơ bản Lê Thánh Tông có kế thừa kinh nghiệm của các triều đại trước. Bên cạnh đó, vua còn đặt ra nhiều nghi thức khác nhau, nhưng tất cả không ngoài mục đích khuyến học, trong đó tập trung tôn vinh người đỗ đạt, khiến cho người học lấy đó làm vinh dự, làm mục tiêu để phấn đấu nỗ lực, noi theo…
Nhắc đến minh quân Lê Thánh Tông, không thể không nhắc đến những nghi thức khuyến học như Lệ treo bảng mực nhạt: coi như đã thi đỗ, nhưng chưa chính thức vì còn phải vào thi Đình để vua xét định thứ bậc danh hiệu, vì vậy bảng báo tên đỗ Tứ trường dùng mực nhạt để ghi tên, một bước chuẩn bị để khi treo bảng chính thức đề bằng chữ màu vàng. Lệ xướng danh; Lệ đại thần chúc mừng tân khoa; Lệ rước và treo bảng vàng; Lệ ban áo mão, cân đai, phẩm phục; Lệ đãi yến tiệc ở vườn Quỳnh Lâm; Lệ tân khoa nghe hát; Lệ ban cành hoa bạc; Lệ ban thưởng vật phẩm, tiền bạc. Lệ rước tân khoa đi chơi phố phường; Lệ phong tước trật; Lệ làm nhà cho tân khoa ở; Lệ vinh quy bái tổ; Lệ ghi tên người đỗ vào sách và dựng bia tiến sĩ để giáo dục cho muôn dân ham học để thành tài. Riêng việc dựng bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám, ông cho rằng “để cho kẻ sĩ chiêm ngưỡng, hâm mộ phấn chấn, rèn luyện danh tiết, hăng hái tiến lên…”.
Người xưa có câu: “Khuyến học thì đại thịnh”, “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”; Lê Thánh Tông đã làm được, làm rất tốt điều đó và với chính ông cũng đã có lần tự bạch: “Lòng vì thiên hạ lo âu/ Thay việc trời dám trễ đâu/ Trống rời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu…”.
Cha truyền con nối là quan điểm thông lệ của ý thức hệ phong kiến để duy trì quyền lực; việc “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa vẫn quét lá đa” như là luật trời đã định. Những người tài sống ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, những người dân thân phận nghèo khó dù có tài giỏi đến đâu cũng khó lòng chen chân vào chốn quan trường. Thế nhưng, với Lê Thánh Tông đã có cái nhìn khác, cách làm khác [4].
Cái nhìn khác, cách làm khác của vua Lê Thánh Tông thể hiện ở quyết tâm loại bỏ tình trạng quan lại dốt nát mà hay kèn cựa, cậy công, cậy thế, tham lam ra khỏi bộ máy. Đây là công việc cực kỳ khó khăn, không thể hi vọng xoay chuyển trong ngày một, ngày hai. Theo đó, ông kiên định nguyên tắc: tất cả những ai muốn bước chân vào hoạn lộ, dù là con cháu của quan đại thần, dù là người thừa hành ở cấp thấp nhất đều phải là người đã trúng tuyển ở các kỳ thi. Đồng thời ông cũng cũng quy định rất rõ, mọi người trong nước, không kể nguồn gốc xuất thân, đều được phép dự thi [5]. Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Quyển XII ghi rõ: “Mùa hạ, tháng 4, Quang Thuận năm thứ 3 (1462) ra lệnh chỉ cho các thí sinh trong nước, không cứ là dân hay lính, hạn tới thượng tuần năm nay đến nhà giám hay đạo sở tại, khai tên và căn cước đợi thi Hương. Ai đỗ thì gởi danh sách lên Lễ nghi viện để đến trung tuần tháng Giêng năm sau thi Hội. Cho quan sở tại và xã trưởng xã mình làm giấy bảo đảm rằng người ấy thực là có đức hạnh thì mới được vào danh sách dự thi. Kẻ nào bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa… thì dẫu học giỏi, văn thơ hay cũng không cho vào thi…”. Điều này, chứng tỏ ngay từ đầu, vua Lê Thánh Tông đã kiểm soát chặt chẽ đầu vào của đội ngũ quan lại, ngăn không cho những kẻ kém phẩm chất, đạo đức đặt chân vào bộ máy trị vị của đất nước.
Theo tư liệu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, việc tổ chức thi cử là độc quyền thuộc triều đình quản lý do Bộ Lễ đảm nhiệm. Những nội dung và quy định cụ thể mỗi kỳ thi do Bộ Lễ đề xuất và vua là người quyết định cuối cùng. Thể lệ này đến đời vua Lê Thánh Tông đã rất hoàn chỉnh; được tổ chức theo trình tự từ thấp lên cao và lần lượt qua các kỳ thi: thi Hương được tổ chức tại các phủ, huyện, châu. Thi Hội được tiến hành tại các Thừa tuyên (tỉnh) và thi Đình là kỳ thi tuyển cấp quốc gia diễn ra ở kinh đô [6]. Các kỳ thi này cũng là sự kiểm tra đánh giá tài năng thật sự của mỗi Nho sĩ để được tuyển dụng bổ nhiệm các chức quan trong triều. Đáng quan tâm là trước khi dự thi chính thức, các thí sinh đều phải trải qua hai môn khảo thí là thi toán và thi chính tả. Thí sinh nào giải được các bài toán của đề thi và viết chính tả không lỗi mới được vào dự thi [7].
Các nội dung thi Hương, thi Hội, thi Đình đều có 4 môn thi gồm: (1) 5 bài thi kinh nghĩa để khảo sát nhận thức kim, cổ, đông, tây qua đó đánh giá, nhận xét về nhân tình, thế thái của thí sinh; (2) Về pháp luật, thi viết các chiếu, chỉ, mệnh lệnh của vua; các chế, cảo ngày nay gọi là văn bản pháp quy; các biểu, sớ mà ngày nay gọi là báo cáo, tường trình lên quan trên hoặc nhà vua; (3) Thi làm thơ Đường luật; (4) Thi viết văn sách, tức là luận văn để khảo sát trí thức và mưu hoạch ứng phó với thời cuộc.
Trong đó, người thi đỗ môn thứ nhất mới được thi tiếp môn thứ hai, đỗ môn thứ hai mới được dự thi môn thứ ba và đỗ môn thứ ba mới được dự thi môn thứ tư. Người đỗ thi Hương mới được dự thi Hội. Đỗ thi Hội mới được về kinh dự thi Đình. Cùng với đó, vua lê Thánh Tông ban hành quy định thể lệ và kỷ luật thi cử rất cụ thể để nghiêm trị những kẻ gian dối trong thi cử.
Trong 38 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông đã tổ chức 12 khoa thi (đại khoa), đào tạo cho đất nước 501 vị tiến sĩ. Số người đỗ đại khoa (tiến sĩ, trạng nguyên) bằng một nửa số khoa bảng cao trong 397 năm thời Lý – Trần – Hồ cộng lại. Trong số 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ thời Lê – Mạc (1442 – 1779) tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, có 13 bia khắc các khoa tiến sĩ thời Lê sơ thì trong đó có 7 tấm bia đầu tiên do vua Lê Thánh Tông cho dựng vào năm 1484 để tôn vinh bậc đại hiền tài Nho học (7 tấm bia này đề danh tiến sĩ khoa thi các năm 1442, 1448, 1463, 1466, 1475, 1478 và 1481).
Đây quả là một cống hiến vượt bậc của vua Lê Thánh Tông đối với đất nước. Đặc biệt, bài văn khắc trên bia đá của khoa thi đầu tiên năm 1442 được trích, dịch và thường xuyên lưu truyền cho đến ngày nay là “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đúng như Phan Huy Chú đã nhận định trong sách Lịch triều Hiến chương loại chí: “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp”.
Cùng với việc thi tuyển, để không bỏ sót những người có tài, có đức ra gánh vác việc nước, vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ bảo cử. Đây là hình thức chọn những quan lại có quá trình công tác tốt, có tài năng và có kinh nghiệm thực tiễn quan trường, mà bổ vào những chức vụ quan trọng ở các cơ quan Trung ương và địa phương đang khiếm khuyết. Với lệ này, người đứng ra bảo cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để bảo đảm với nhà vua rằng người được bảo cử là xứng tài, xứng đức với chức vụ giao cho họ.
“Những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm (giáng chức) hoặc phạt theo luật nặng nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì xử tội nặng thêm hai bậc” (Điều 174, Bộ luật Hồng Đức); vì vậy, nhà sử học Phan Huy Chú có nhận xét rằng: “Lệ bảo cử bắt đầu ở đời Hồng Đức. Bấy giờ việc ấy làm thận trọng, mà trừng phạt lại nghiêm, cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rốt cùng thu được hiệu quả là chọn được người.” [8].
Dưới thời trị vì, vua Lê Thánh Tông còn đặt lệ tập ấm để khuyến khích con cháu công thần lập thân. Nhà vua, luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho những người trong hoàng tộc và con cháu các quan đại thần, những người có công với triều đại được học tập, nâng cao tri thức, tu dưỡng đạo đức, phẩm hạnh thành những người có thực tài đảm đương việc nước. Đồng thời, quan điểm của vua Lê Thánh Tông cũng rất rõ ràng, minh bạch và kiên quyết không để cho các đối tượng mượn thần, cậy thế của ông cha làm thang, bậc bước vào hoạn lộ. Nhất thiết họ phải thi đỗ trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, phải hội đủ các tiêu chí của một quan chức mới được bổ làm quan.
Đáng chú ý, để khuyến khích nhân tài phấn đấu vươn lên, vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ khảo thi; lệ này như là một ngày hội nô nức đua tài, đua sức của các quan lại thời bấy giờ. Cứ ba năm một lần, các quan văn, quan võ đương chức từ trong kinh đến ngoài đạo đều phải qua khảo thi. Không một quan chức nào được miễn trừ hoặc lẩn tránh. Khi khảo thi, các quan văn phải giải kinh nghĩa, làm thơ, phú, viết luận văn trả lời các đề thi về đạo trị đời, trị nước… của vua nêu ra. Các quan võ thì thi bắn cung, ném hỏa tiễn, đấu khiên, đua ngựa, đấu vật, đua thuyền, dàn quân, dàn trận. Người nào thi đỗ qua khảo thi thì được thưởng áo, tiền, được thăng chức, tước. Nếu không đỗ thì bị giáng cấp hoặc bãi chức [9]. Vì vậy, tất cả các quan chức đều có ý thức không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, khả năng của mình trong công việc được giao.
Song song với lệ khảo thi, nhà vua còn ban hành lệ khảo khóa để đánh giá đúng và phát huy thực tài của quan lại. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, vào tháng 11 năm 1471, Hồng Đức năm thứ hai, vua Lê Thánh Tông đã ra chỉ dụ: “Phép khảo khóa cốt để phân biệt người hay, kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước. Đời Đường, Ngu, ba năm một kỳ, xét công để thăng, giáng. Nhà Thanh, Chu, ba năm một lần, xét việc để định thưởng, phạt. Nay nha môn trong, ngoài các ngươi, người nào nhậm chức đã đủ ba năm, phải báo ngay lên quan trên không được để chậm. Nếu quá một trăm ngày mà không kê danh sách gửi đi thì tính số người chậm, mỗi người chậm thì phạt một quan tiền, kẻ nào theo tình riêng mà dung túng đều phải trị tội cả”.
Khảo khóa, chính là công tác “đánh giá, nhận xét cán bộ” tương tự như cách chúng ta đang làm hiện nay. Khảo khóa là cơ sở để xem xét trong trăm quan ai là người mẫn cán, thanh liêm, làm được nhiều việc ích nước, lợi dân, ai là lời nói mà không đi đôi với việc làm, làm thì láo mà báo cáo thì hay. Việc khảo khóa được tiến hành qua lệ sơ khảo và thông khảo. Lệ sơ khảo cứ ba năm tổ chức một lần, sáu năm thì tái khảo và chín năm thì thông khảo. Sau mỗi kỳ sơ khảo, nếu ai được nhận xét là xứng chức thì tiếp tục được giữ chức; quan, lại nào bị coi là không xứng chức thì lập tức bị bãi chức hoặc giáng chức. Kế đến, là lệ tái khảo và thông khảo. Tức là, quan, lại nào đã qua ba lần sơ khảo, đến năm thứ 12 thì được thông khảo rồi trình lên cấp có thẩm quyền để xem xét việc thăng, giáng. Nếu thời điểm này, quan, lại nào được nhận xét là xứng đáng thì được phong chức, phong hàm thực thụ.
Cách làm này của vua Lê Thánh Tông đã tạo ra những ngọn gió mát lành thổi vào tâm óc của trăm quan dưới quyền và cũng là minh chứng rất rõ về việc coi trọng thực tài, xây dựng một bộ máy trị vì năng động, có hiệu lực, hiệu quả. Những người nói nhiều mà làm được ít, nói hay mà không làm được thì bị thải loại ra khỏi hàng ngũ quan chức. Ông cho rằng, quan lại kém đức, vô tài là mầm mống dẫn đến họa loạn, là nguyên nhân của những bất ổn trong xã hội; do đó ông chủ trương ràng buộc quan lại bằng những chế độ, những điều luật quy định trách nhiệm của trăm quan rất rõ ràng và có tính thực thi cao; thiết lập hệ thống các cơ quan thực thi cơ chế, chế độ giám sát, kiểm tra nhạy bén, rộng khắp, thường xuyên đối với mọi quan lại; đồng thời khen thưởng kịp thời, hậu hĩnh những quan lại mẫn cán, có tài; xử phạt nghiêm các quan lại kém đức, kém tài.
Chiếu chỉ năm 1463, vua Lê Thánh Tông đã viết: “Ta lưu tâm việc trị nước, dốc ý việc cầu tài, thường nghĩ những người tài làm được việc còn bị khuất ở hàng dưới, chìm lấp ở thôn quê, nên tìm hỏi người giỏi, mơ tưởng không quên”.
Sử cũ cũng chép, điều tâm niệm của Vua Lê Thánh Tông luôn mong muốn những bề tôi của mình là bậc hiền tài. Vua từng ra dụ hộ Thượng thư Bộ Nguyễn Cư Đạo (vốn là bạn của vua từ khi còn thơ ấu) rằng: “Ta lúc còn ít tuổi làm bạn với ngươi, khi lên làm vua, ngươi làm quan Kinh diên. Nói về thần hạ thì ngươi đối với ta là bạn tri kỷ, là bạn học thức; nói về vua tôi thì ngươi với ta là duyên cá nước, là hội gió mây. Ngươi nên hết lòng hiệp sức, gắng sức báo đền ơn nước, chí công vô tư, ngăn lấp hối lộ. Được như thế, thì ta được tiếng là vua biết người, ngươi được tiếng là tôi hết trung, vinh hiển cha mẹ, vẻ vang danh tiếng, rạng rỡ trong sử sách, nghĩ lại chẳng khoái lắm sao? Nếu không được như thế, thì ta là vua không biết người, mà ngươi là tôi để làm vì. Trong hai điều ấy, ngươi chọn đằng nào thì chọn” [10].
Theo Lê Đức Tiết ghi trong công trình nghiên cứu về Bộ luật Hồng Đức Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2010, tr.25, có đoạn: “Cho đến tận những ngày đầu tháng Chạp năm 1496 – năm cuối đời, trước khi bước vào cõi vĩnh hằng, vua Lê Thánh Tông còn ra sắc chỉ: Các trưởng quan nha môn của nội quan giáp phủ… phải hiệp đồng lựa chọn các tướng hiệu dưới quyền mình, người nào có công lao đánh dẹp, trung tín đáng dùng, hoặc am hiểu thao lược, tinh thông võ nghệ cùng là người có tài năng trí tuệ, liêm khiết, giỏi giang, siêng năng, minh mẫn mới cho tại chức. Nếu kẻ nào hèn kém, không có công lao gì, cùng những kẻ bợ đỡ được dung thân, cầu mong vô liêm sĩ thì truất bỏ…”
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã ghi trong lời giới thiệu tập sách Minh quân Lê Thánh Tông và triều thần: “Lê Thánh Tông là vị vua đã xây dựng đất nước cường thịnh, từ cách tân, canh tân đất nước, tôn trọng hiền tài, xây dựng văn bia tại Văn Miếu Quốc Tử giám, cho mở 12 khoa thi, xây dựng và mở rộng Kinh thành Thăng Long, là nhà văn hóa lớn, văn võ song toàn đã lập chiến công hiển hách trong công cuộc Nam chinh mở cõi nước Đại Việt rộng lớn”.
Công đức của minh quân Lê Thánh Tông thật đáng khâm phục! Thật đáng để suy ngẫm!
Mỗi chúng ta cùng ngẫm về chuyện xưa để nghĩ, để hướng tới chuyện hôm nay và tương lai bằng một khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia – dân tộc trên con đường đi tới tương lai [11].
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ghi rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” [12]. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, cũng đã nhấn mạnh: “Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định, quy trình về công tác cán bộ… Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân [13].
Muốn thực hiện khát vọng đó, suy cho cùng phải tiếp tục có cơ chế, chính sách thật khả thi để trọng dụng hiền tài; phải coi hiền tài thực sự là “rường cột”, thực sự “là nguyên khí của quốc gia”. Phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu; phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” như lời chỉ dạy của Bác Hồ kính yêu. Phải có một đội ngũ công bộc đủ mạnh, chuyên nghiệp, “vừa hồng, vừa chuyên”; “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.
NGUYỄN HỮU SÁNG
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tỉnh Quảng Nam
[1] Giai văn tập ký: Được lưu trữ tại Thư viện Hán Nôm, sách chép tay, khổ 28x16cm, 28 tờ, không có tựa bạt, mục lục, không ghi tên tác giả. Sách này là tập hợp ghi chép những bài văn hay (giai văn), cả thảy gồm 33 bài, phần lớn của các tác giả đời Nguyễn như Hoàng Cao Khải, Phan Đình Phùng, Bùi Hướng Thành, Nguyễn Trọng Hợp, Dương Lâm, Đỗ Đình Liên(8) , Ngô Thế Vinh v.v… và bài thứ 30 (tờ 20a – 22a) có nhan đề là Thánh Tông Thuần Hoàng Đế khuyến học văn, dịch nghĩa là: Bài văn khuyên chăm học của vua Thánh Tông Thuần Hoàng Đế.
[2] Trường tư là trường do các thầy đồ hoặc các gia đình khá giả rước thầy về dạy tại nhà.
[3] Văn Miếu được dựng từ thời nhà Lý (1070) để thờ Khổng Tử. Đến thời Lê Thánh Tông, Văn Miếu được mở rộng, xây dựng khang trang hơn trước. Đây là nơi vừa để thờ những nhà sáng lập đạo Nho, nơi dựng bia các vị đỗ đầu đại khoa trong các kỳ thi Đình, đồng thời là trường đại học đào tạo các nhân tài cho vương quốc. “Mùa thu, tháng 8, làm Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền” (Đại Việt Sử ký toàn thư, trọn bộ, Nxb Hồng Đức, Quyển III, Kỷ nhà Lý, trang 244).
[4] Lê Đức Tiết: Bộ luật Hồng Đức Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2010, tr.147.
[5] Nói theo ngôn ngữ ngày nay được hiểu là “Chọn người tài chứ không phải là chọn người nhà”.
[6] Những người không đỗ bằng gì, gọi nôm là những người chân trắng, chữ nho gọi là “bạch thân”. Khi ra trận nếu được lập công to thì họ chỉ có thể được bổ làm quan võ.
[7] Lê Đức Tiết: Bộ luật Hồng Đức Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2010, tr.150.
[8] Ebook, Lịch triều Hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, tập một, quyển XIX; Quan chức chí, tr.689, 690.
[9] Lê Đức Tiết: Bộ luật Hồng Đức Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2010, tr.163, 164.
[10] Đại Việt Sử ký toàn thư, trọn bộ, Nxb Hồng Đức, 2020, Quyển XII, Kỷ nhà Lê, tr.825, 826
[11] Dẫn theo Vũ Minh Khương: “Việt Nam 2045:Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử”, Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam điện tử, ngày 17/01/2020.
[12] Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb. Sự thật, 2021, tr.130.
[13] Đảng bộ tỉnh Quảng Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2021-2025, tr.161, 162.