Danh nhân họ Lê

 

Năm 1946, Lê Thiết Hùng được Chính phủ phong quân hàm Thiếu tướng. Ông là vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Giấy chứng minh thư sĩ quan do Bộ Quốc phòng cấp đầu năm 1959 cũng ghi rõ: Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh Lê Thiết Hùng, cấp bậc Thiếu tướng từ năm 1946.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng sinh tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống yêu nước. 15 tuổi ông rời quê hương, rời Việt Nam ra nước ngoài, tham gia hoạt động yêu nước. Đó là mùa Thu năm 1923, dưới sự hướng dẫn của ông Võ Trọng Đài (thường gọi là ông Ngoét Đài) người làng Phù Xá đã có gia đình ở Xiêm (nay là Thái Lan), 12 thanh niên xứ Nghệ sang Xiêm. Cùng đi chuyến này có Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái. Từ làng Phù Xá, đoàn có một hành trình đầy khó khăn vất vả, qua Hương Sơn, qua Lào rồi sang Xiêm. Cuối cùng, họ đến đích và ở lại Trại Cày của Cố Đi (tức nhà yêu nước Đặng Thúc Hứa). Tại Trại Cày, những thanh niên này vừa học tiếng Trung Quốc vừa lao động chờ thời cơ sang Quảng Châu (Trung Quốc).

Sang Quảng Châu (Trung Quốc), ông gặp đồng chí Lý Thụy (bí danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) và được giới thiệu vào học trường Quân sự Hoàng Phố. Chính đồng chí Lý Thụy đã đổi tên cho ông là Lê Quốc Vọng với ý nghĩa luôn luôn nhớ về Tổ quốc…

Trường quân sự Hoàng Phố thành lập năm 1924 theo yêu cầu của Tổng thống Tôn Trung Sơn với Chính phủ Liên bang Xô Viết. Trường được xây dựng tại đảo Hoàng Phố trên sông Tây Giang cách Quảng Châu 25km. Đây là một trường quân sự lớn hồi đó và được sự huấn luyện của các cố vấn quân sự Liên Xô, mà người đứng đầu là Cố vấn Bô-rô-đin. Trường quân sự Hoàng Phố tổ chức theo mô hình của Hồng quân Liên Xô, do chuyên gia quân sự Liên Xô huấn luyện; ngoài huấn luyện bộ binh còn có lớp chuyên ngành như lớp: Pháo binh, công binh, thông tin liên lạc. Hiệu trưởng của trường là Tưởng Giới Thạch. Ông Lê Thiết Hùng nhớ lại trong tập hồi ký Đầu nguồn (Nxb Văn học, 1975): “số học viên trường quân sự Hoàng Phố người Việt Nam hơn 200 người”.

Ông vào học lớp bộ binh. Cùng khoá học với ông có 8 người Việt Nam, trong đó 3 người học lớp pháo binh, số còn lại là vào khoa khác. Mỗi tháng, những học viên người Việt Nam này lại dành ra 2 ngày ngược thuyền từ Hoàng Phố về Quảng Châu học tập lý luận chính trị do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy.

Tốt nghiệp trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), ông tham gia quân đội Tưởng Giới Thạch, từ chức vụ trung đội trưởng bộ binh ông được thăng dần lên đến quân hàm đại tá (đại hiệu).

 

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng

Nhiệm vụ của ông là lấy tin tức, tài liệu chuyển cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ, ông đặt vấn đề nhờ một người đồng hương thế hệ trước  – về sau trở thành bố vợ của ông – cụ Hồ Học Lãm tìm cách lấy tài liệu, các bản kế hoạch tác chiến của quân đội Tưởng vào khu căn cứ Xô Viết của Đảng cộng sản Trung Quốc. Để có tài liệu, cụ Hồ Học Lãm ban ngày đi làm phải đọc thật kỹ và nhập tâm các tài liệu. Tối về nhà, nhớ ra chép lại để bí mật chuyển đi. Ngoài ra ông còn bỏ ra khá nhiều tiền, vàng để mua chuộc các sỹ quan khác để moi tin tức chuyển cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những tin tức quan trọng như việc quân đội Tưởng cấm chở gạo xuôi sông Như Thuỷ và Cống Giang, các sư đoàn của Trương Huy Mân, Đàm Đào Nguyên, Lưu Hoà Dĩnh vừa tăng quân và trang bị thêm vũ khí… đã được chuyển cho Hồng quân Trung Quốc hết sức bí mật. Hoặc kế hoạch tấn công vào cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1930 do Tưởng Giới Thạch phê chuẩn, phạm vi và mục tiêu ở vùng tứ giác La Lâm – Nghi Hoàng – Lê Xuyên – Thụy Kim, cũng được Lê Thiết Hùng gửi sang phía Quân giải phóng Trung Quốc. Nhờ đó, các đợt tấn công của quân đội Tưởng vào khu Xô Viết của Đảng cộng sản Trung Quốc đều bị thất bại.

Tháng 7-1937, phát xít Nhật mở rộng chiến tranh, chiếm vùng Nam Kinh, Thượng Hải, Hán Khẩu, Từ Châu… Tưởng Giới Thạch rút quân về Trùng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Lúc này, Lê Thiết Hùng xin chuyển về Binh đoàn vận tải, chỉ huy một tiểu đoàn vận tải chạy tuyến đường Giang Tây – Hồ Nam – Quý Châu. Thời gian này, ông được phong hàm đại tá (đại hiệu) và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường huấn luyện đào tạo lính lái xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải và lính kỹ thuật. Chính trong thời gian này, ông đã tranh thủ học lái xe tăng, nắm vững nguyên lý máy móc các loại xe.

Chính từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn vận tải, ông đã giúp Bát Lộ quân ở vùng Hoa Bắc súng đạn và trang thiết bị y tế. Cụ thể, chỉ trong nửa năm 1939, khoảng 30 tấn gồm vũ khí, trang bị y tế và thuốc men… được ông bàn giao cho Bát Lộ quân Trung Quốc một cách kín đáo, khôn khéo linh hoạt.

Mùa hè năm 1940, tình hình cách mạng trong nước có những diễn biến mới. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Phùng Chí Kiên viết thư yêu cầu ông rời bỏ hàng ngũ quân đội Tưởng Giới Thạch về nhận nhiệm vụ mới. Cụ Hồ Học Lãm – lúc này đã là bố vợ ông – lấy lý do sức khoẻ kém, xin cho ông chuyển vùng về Hoa Nam. Về đến Quế Lâm ông gặp lại Nguyễn Ái Quốc và báo cáo hoạt động của mình trong Bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cử ông về nước nhận nhiệm vụ mới vào đầu năm 1941.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng và gia đình ông bà Hồ Học Lãm.

Trở về Tổ quốc, đứng chân ở đầu nguồn Pắc Bó – tỉnh Cao Bằng, ông mang bí danh là Đinh. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dặn ông trước mắt nghiên cứu tình hình các mặt rồi sẽ bàn công tác.

Ông làm việc hàng ngày với các đồng chí Lê Quảng Ba, Bằng Giang… Thiếu tướng Lê Quảng Ba sau này kể lại:

“Tôi nghĩ bụng, Bác bảo đồng chí Hùng ở lại chắc hẳn là có ý định gì đây, vì từ sau khi đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh thì chỉ có đồng chí Hùng có mặt ở Pắc Bó, là người duy nhất được đào tạo về quân sự một cách chính quy, cơ bản và hệ thống ở trường Võ bị Hoàng Phố. Vào một buổi trưa, tôi và anh Lê Thiết Hùng đang ngồi bàn công việc như thường lệ, thì Bác đến. Người bảo chúng tôi: “Phong trào Việt Minh càng phát triển thì địch sẽ tìm cách đối phó… ở đây bây giờ đã có một số súng ống… và rải rác mỗi người một nơi… Vì vậy đồng chí Lê Đinh hãy cùng đồng chí Lê Quảng Ba bàn với nhau nên tổ chức lực lượng cầm súng như thế nào. Các đồng chí làm kế hoạch rồi báo cáo”…

Hai ông đều thống nhất về tiêu chuẩn là trước hết chọn những người trung thành với cách mạng, dũng cảm, khoẻ mạnh, có súng và được thử thách trong thực tế. Trong số 43 học viên dự lớp học ở Nậm Quang (Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) chọn ngay được các đồng chí Bằng Giang, Đức Thành, Bế Sơn Cương, Thế An. Sau đó, ông Lê Thiết Hùng chọn thêm 5 người địa phương hoạt động sôi nổi vào đội để thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Pắc Bó gồm có 12 người. Đó là Đội du kích Pắc Bó – một trong những đơn vị vũ trang đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Có 1 đội viên nữ là bà Nông Thị Trưng.

Đội du kích Pắc Bó do Lê Quảng Ba làm Đội trưởng, Lê Thiết Hùng làm Chính trị viên. Từ khi cầm quân, Lê Thiết Hùng đã chỉ huy lực lượng vũ trang hùng cứ ở các vùng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Móng Cái, tiếp đó là Chiến khu IV… Trung tướng Trần Độ đã trân trọng đánh giá ông là “Một vị tướng cội”.

Tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông vào làm Tư lệnh trưởng Chiến khu 4. Cụ Hồ Tùng Mậu làm Chính uỷ, một học viên phân hiệu Võ bị Hoàng Phố là Hoàng Điền là Tham mưu trưởng, Trần Văn Quang là trưởng phòng chính trị. Một hôm, ông đang đi thị sát miền tây Chiến khu 4 chống tàn quân Pháp đang từ Lào lăm le đánh xuống thì có điện của Hồ Chủ tịch gọi ra Hà Nội. Về Thủ đô, ông mới biết theo Chính phủ tổ chức đội quân Tiếp phòng để thay thế quân Tưởng, giám sát việc rút quân của chúng khỏi Việt Nam. Đồng thời, theo nội dung Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) vừa ký kết, 15.000 quân Pháp sẽ chính thức có mặt ở miền Bắc. Đội quân Tiếp phòng Việt Nam theo quy định của Chính phủ lúc đó gồm 10.000 người, tổ chức thành một sư đoàn theo đúng cách tổ chức của quân đội Quốc gia và là một bộ phận của quân đội Quốc gia Việt Nam.

Lúc này, đang cần một vị tướng có đủ uy tín để chỉ huy đội quân Tiếp phòng. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chọn ông Lê Thiết Hùng làm Tổng chỉ huy và ông Hoàng Hữu Nam làm Chính trị ủy viên Đội quân Tiếp phòng Việt Nam. Ông Lê Thiết Hùng được phong quân hàm Thiếu tướng – ông trở thành vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng cùng Bộ chỉ huy Quân tiếp phòng (1946).

Đội quân Tiếp phòng Việt Nam đã cùng quân đội Pháp thực hiện việc thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc (quân đội Tưởng Giới Thạch) từ phía Bắc vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) trở ra. Chỉ vài tháng sau Hiệp định Sơ bộ, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã rút khỏi Việt Nam hoàn toàn để trở về Trung Quốc. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng và ông Hoàng Hữu Nam hoàn thành nhiệm vụ tiếp phòng để rồi chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu với thực dân Pháp quyết tâm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong kháng chiến chống Pháp, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng được giao làm Tổng thanh tra quân đội cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng khác: Cục trưởng Cục Quân huấn kiêm Hiệu trưởng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Những năm gần đây, trên các kênh truyền thông và báo chí thường hay nói liệt sỹ Phùng Chí Kiên là vị tướng đầu tiên của Quân đội được truy phong hàm tướng (không rõ cấp bậc) bằng Sắc lệnh 89/SL ngày 23-9-1947. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của tôi ở các cơ quan lưu trữ Nhà nước, không có tài liệu nào có ký hiệu như trên. Và cho dù liệt sỹ Phùng Chí Kiên có được truy phong quân hàm tướng vào tháng 9-1947 thì cũng không thể là vị tướng đầu tiên của Quân đội vì ông Lê Thiết Hùng đã được phong Thiếu tướng từ năm 1946.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (trái) và Thiếu tướng Nguyễn Sơn.

Hiện nay, ở các cơ quan lưu trữ Nhà nước có nhiều sắc lệnh thành văn ghi rõ quân hàm Thiếu tướng của ông Lê Thiết Hùng có trước tháng 9-1947 (được cho là truy phong quân hàm tướng cho liệt sỹ Phùng Chí Kiên). Xin dẫn ví dụ:

Ngày 12-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 228-SL/m về việc: Cử ông Nguyễn Sơn làm Khu trưởng chiến Khu IV, thay Thiếu tướng Lê Thiết Hùng điều đi nơi khác. Việc bổ dụng này thi hành kể từ ngày 10-7-1947.

Tiếp đó, ngày 18-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 229-SL/m, nội dung: Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, nguyên Khu trưởng chiến Khu IV, nay điều về công tác ở Bộ Tổng chỉ huy. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng phụ trách Thanh tra Bộ đội Quốc gia Việt Nam. Việc bổ dụng này thi hành kể từ ngày 10-7-1947.

Cả hai sắc lệnh đều có Phó thự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam: Võ Nguyên Giáp.

Trong ký ức của bà Lê Mai Hương, người con gái duy nhất của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, bên cạnh hình ảnh một vị tướng, cha bà còn là một người thầy được học trò – đều là những tướng lĩnh cao cấp trong quân đội yêu quý. Sách “Lịch sử Trường Sĩ quan Lục quân 1 (1945 – 2015)” cho biết, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1948 đến năm 1954. Đại tá Đỗ Đức Kiên, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, nhớ những kỷ niệm về Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng những ngày đào tạo chiến binh trong kháng chiến chống Pháp:

“Anh hoàn toàn nổi trội hơn tất cả mọi người trên nhiều mặt: Tuổi đời, tuổi Đảng, tuổi quân, trình độ hiểu biết chính trị, quân sự – và có quá trình hoạt động đáng kính nể. Trong sinh hoạt anh lúc nào cũng giữ được tác phong chính quy, đàng hoàng, nghiêm cẩn. Đồng thời anh lại là một người kiên trì, mẫu mực trong thực hiện và cuốn hút cán bộ, học viên, nhân viên toàn trường nỗ lực thi đua vượt mọi khó khăn, gian khổ nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ với quyết tâm “chỉ tiến không lùi”. Giờ đây thầy – anh cả của chúng ta đã đi xa – song tên tuổi, đức độ và tấm lòng của thầy, mãi mãi khắc sâu trong trái tim, trí nhớ của chúng ta”.

Năm 1957, Trường Sỹ quan Pháo binh trực thuộc Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh được thành lập. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Tư lệnh Bộ tư lệnh Pháo binh được cử kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Pháo binh. Lịch sử Binh chủng Pháo binh ghi nhận:

“Đồng chí Lê Thiết Hùng – Tư lệnh binh chủng thường xuyên kiểm tra đơn vị, trực tiếp xem xét tình hình sẵn sàng chiến đấu của người, xe, pháo, đạn theo dõi cán bộ chiến sĩ học tập và trực tiếp uốn nắn những sai sót. Tác phong sâu sát, trực tiếp của tư lệnh có ảnh hưởng tốt đối với cán bộ cấp dưới”.

Tư liệu lịch sử của đơn vị này còn ghi lại: Trong một lần đi kiểm tra đơn vị luyện tập, nhận thấy trung đội trưởng chỉ huy đài quan sát lúng túng, Thiếu tướng Tư lệnh Binh chủng Lê Thiết Hùng đã nhận bàn đạc, dụng cụ chỉ huy, vai khoác súng AK, lưng đeo ngụy trang, thực hành động tác mẫu thành thạo. Tác phong sâu sát của Tư lệnh “Thiếu tướng – Trung đội trưởng” nêu một tấm gương sáng về cán bộ cấp trên am hiểu và làm giỏi động tác của cấp dưới, được cán bộ toàn binh chủng học tập.

KIỀU MAI SƠN- QĐND

Các tin liên quan