Nghiên cứu dòng họ

Chí Linh Sơn dưới góc nhìn địa lý – lịch sử – văn hóa

NNC. Phạm Tấn

                                                                         Tổng Thư ký Hội KHLS Thanh Hóa

          Chí Linh Sơn là một dãy núi ở miền Tây Thanh Hóa được Lê Lợi và các văn thần đầu triều Lê (thế kỷ XV) chính thức gọi – đặt tên như vậy. Còn dân gian (ở vùng Thái – Mường xung quanh, kề cận với dãy núi này) từ xưa tới nay chỉ vẫn quen gọi là dãy núi Pù Rinh (hay Bù Rinh). Đây là một dãy núi cao, lớn và rất hiểm trở thuộc địa bàn huyện Lang Chánh và một phần của huyện Thường Xuân nay.

          Vì là một dãy núi nổi tiếng cho nên Chí Linh Sơn đã được sử sách cũ trong nước ghi chép một cách rất cụ thể, rõ ràng như:

          – Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Núi Chí Linh cách huyện Thụy Nguyên 52 dặm về phía tây nam, giáp châu Lang Chánh. Xét: Lam Sơn thực lục chép rằng: núi này ở địa phận mường Giao Lão, Giao Lão nay thuộc châu Lang Chánh. Sử chép rằng: năm Mậu Tuất, Lê Thái Tổ bị quân Minh đánh úp, phải cùng các tướng nương náu tại núi này trong khoảng hơn 3 tháng, thiếu thức ăn, phải ăn măng và củ cho đỡ đói(1).

          – Sách Thanh Hóa tỉnh chí của Nhữ Bá Sĩ một học giả nổi tiếng người xã Hoằng Cát, Hoằng Hóa còn ghi chép rõ ràng hơn: “Núi Chí Linh ở phía tây nam Lam Kinh. Lúc nhà Lê mới khởi nghĩa, cùng với bọn tướng nhà Minh là Mã Kỳ, Lý Bân đánh nhau không thắng lợi, phải thu quân ẩn nấp trong núi ấy đến vài năm. Trong bài “Bình Ngô đại cáo” nói rằng: “Ở núi Linh Sơn hết ăn đến mấy tuần” ở chính chỗ ấy đấy. Còn các văn thần Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân có làm bài phú Linh Sơn cũng đều lấy đất Cối Kê của nước Việt và núi Mang Đãng của nhà Hán ví với núi Chí Linh ta; vì núi này chính là nơi “sức uy dưỡng hói” của vua Lê Thái Tổ dựa vào chỗ hiểm để làm căn cứ vậy(2), v.v…

          Hiện nay, qua sự khảo sát, điều tra của các nhà địa lý thông qua những phương tiện chụp ảnh, đo đạc rất hiện đại mà chúng ta có thể biết dãy núi Pù Rinh (tức Chí Linh Sơn) chạy ngoằn nghèo theo hướng từ tây bắc đến đông nam với độ dài trên 15km và có diện lộ tới gần 50km2. Tại địa bàn các xã Trí Nang, Giao An, Giao Thiện và Yên Khương, Yên Thắng của huyện Lang Chánh, chúng ta dễ dàng nhận thấy có một loạt đỉnh núi cao ngút trời mây như Pù Rinh (A) cao 1291m, Pù Rinh (B) cao 1180m, Pù Rinh (C) cao 1183m, v.v… Phủ kín toàn bộ dãy núi Pù Rinh từ xưa đến nay vẫn là những cánh rừng đại ngàn rất phong phú về hệ thực vật và động vật. Ở dưới chân núi và các bồn địa trong thung lũng thường thấy xuất hiện những bản người Thái, hoặc một số chòm Mường đã đến tụ cư từ khá lâu đời.

          Hiện tại, thông qua sự kiện phân chia địa giới hành chính và xem xét trên bản đồ địa hình, hành chính ở hai huyện có chung dãy Pù Rinh là Lang Chánh và Thường Xuân, chúng ta thấy có 7 xã bao quanh chân núi như vòng tròn khép kín như: Phía tây và phía nam dãy núi là thuộc địa bàn các xã Xuân Khao, Yên Nhân và Bất Mọt của huyện Thường Xuân, còn phía đông và bắc là thuộc địa bàn các xã Yên Khương, Trí Nang, Giao An, Giao Thiện của Lang Chánh. Như trên đã nói, các xã vừa nêu từ thế kỷ XV đến gần cuối thế kỷ XIX đều thuộc địa bàn châu Lang Chánh. Và từ những nơi này, theo đường rừng núi, dù hiểm trở, khó khăn nhưng trong những ngày xưa ấy, con người vẫn có thể đi đến, qua lại ở các vùng đất khác như vùng Sầm Tớ – Ai Lao (của nước bạn Lào), hay đến được các vùng đất, gần gũi, tiếp giáp khác như Quan Sơn – Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy và cả Nghệ An nữa.

          Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy cho nên vùng đất rừng núi Chí Linh đã sớm được Lê Lợi – lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (hồi thế kỷ XV) lựa chọn làm căn cứ nương náu, bảo tồn lực lượng khi gặp lâm nguy. Và trên thực tế, sau 3 lần rút về căn cứ Chí Linh (năm Mậu Tuất – 1418 có hai lần và lần rút về nương náu lâu nhất là vào đầu năm Quý Mão – 1423), nghĩa quân Lam Sơn vẫn tồn tại và lớn mạnh hơn.

          Qua sự ghi chép của sử sách xưa (như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục – bản nhà Lê Sát và một loạt gia phả của các nhà khai quốc công thần triều Lê, v.v…), chúng ta có thể xác định rõ thời gian hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn ở miền núi rừng phía Tây Thanh Hóa kéo dài trong 6 năm (1418-1423), trong đó thời gian rút về nương náu ở Chí Linh Sơn để bảo tồn, củng cố lực lượng chiếm tới gần 3 năm. Đó là khoảng thời gian nghĩa quân Lam Sơn phải “nằm gai nếm mật” và trải qua biết bao gian khó như quân sĩ tản mát và lương thực thiếu thốn thường xuyên, nhưng nhờ rừng núi che chở và sự đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Mường – Thái ở xung quanh mà nghĩa quân vẫn tồn tại. Và tại đây, với tinh thần dân tộc và lòng yêu nước cao cả, từ thủ lĩnh Lê Lợi đến các tướng sĩ và quân lính đều cùng kham cộng khổ, tôi rèn ý chí chiến đấu để sống chết cùng nhau. Nhờ đó mà sức mạnh của nghĩa quân vẫn luôn được duy trì, giữ vững. Và điều này đã được sách Lam Sơn thực lục (bản nhà Lê Sát) ghi rõ trong thời gian tháng 4 năm Mậu Tuất (1418), sau chiến thắng Lạc Thủy (ở vùng giáp ranh Ngọc Lặc – Lang Chánh bây giờ) vào ngày mùng 9 thì đến “ngày 16, bị phản thần là thằng Ái, dẫn đường cho giặc, đi lối tắt đến đánh sau ta, giặc bắt được người nhà của Trẫm (tức Lê Lợi – PT) cùng vợ con của quân lính rất nhiều. Vì vậy, quân ta khí thế cùn nhụt, không còn ý chí chiến đấu nữa. Trẫm cùng đường nguy khốn, không còn biết thế nào. Chỉ có bọn công thần là Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Xí, Lê Bí, Trương Lôi, Lê Đạp theo Trẫm ấn náu ở núi Chí Linh, hết lương ba tháng liền. Sau quân giặc rút về dựng đồn ở Lam Sơn, thì Trẫm mới thu quân tản mát ở các nơi lại, vừa được hơn một trăm người, đến đóng ở xứ Mường Khao, núi Chí Linh, ngày ngày cùng nhau trải lòng trải dạ vỗ về quân lính, sắp xếp đội ngũ, chỉnh đốn khí giới. Quân nhu tạm đủ, lòng quân sĩ cảm kích, đều nguyện tử chiến, thề không cùng sống với giặc. Trẫm biết là quân sĩ có thể dùng được…”(3). Thế là, bắt đầu từ đây, Bình Định Vương Lê Lợi đã điều nghĩa quân từ căn cứ Chí Linh cơ động đi các nơi trên địa bàn miền tây Thanh Hóa để tổ chức đánh địch theo phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”; đồng thời dựa vào địa hình rừng núi để tổ chức mai phục và đón đánh địch một cách bất ngờ, v.v… Vì vậy, từ căn cứ Chí Linh tản đi, nghĩa quân Lam Sơn đã liên tiếp làm nên những chiến thắng đáng kể trong các trận đánh ở miền Tây Thanh Hóa như trận Mường Mọt (tháng 10-1948), trận Mường Chánh (tháng 6-1419), trận Bến Bổng (tháng 11-1420), trận Bồ Thi Lang (cuối năm 1420), rồi tiếp đến là các trận ở sách Ba Lẫm, ở trại Quan Du, hay núi Bồ Mộng, Bồ Thi Lang, Kình Lông, v.v… trong thời gian từ cuối năm 1420 đến cuối năm 1421. Đặc biệt sau đó là chiến thắng ở sách Khôi vào cuối năm 1422 đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Và sau trận sách Khôi, đến đầu tháng 3-1443, nghĩa quân Lam Sơn lại rút về Chí Linh. Đây là lần rút quân về Chí Linh lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng. Trong lần rút về Chí Linh này, nghĩa quân cũng gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhất là việc thiếu hụt về lực lượng và lương thực cạn kiệt đến 2 tháng. Nhưng trong những ngày tháng sóng gió này, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn càng quyết chí bảo tồn và phát triển lực lượng để theo đuổi sự nghiệp đến cùng. Và tại đây, Lê Lợi đã sáng suốt tạm hòa hoãn với giặc Minh dưới hình thức trá hàng để sau gần hai năm có thời gian củng cố, phát triển lực lượng và đủ điều kiện chín mùi thì bất ngờ tung lực lượng tập kích thành Đa Căng (nay thuộc xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống) vào ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn (tức ngày 12/10/1424) để rồi từ đó mở đường tiến vào Nghệ An theo kế hoạch của tướng quân Nguyễn Chích. Nhờ đó mà nghĩa quân Lam Sơn đã liên tiếp mở rộng vùng giải phóng cả từ phía Nam đến phía Bắc và cuối cùng vào cuối năm 1427 đã đánh đuổi hoàn toàn giặc Minh về nước, mở ra một thời kỳ độc lập dài lâu cho dân tộc.

        

Thác Ma Hao dưới chân núi Chí Linh

       Như vậy, chỉ trong 10 năm (1418-1427), dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ qui mô địa phương dần trở thành cuộc kháng chiến chống Minh của toàn dân tộc trên phạm vi cả nước cuối cùng đã thắng lợi hoàn toàn một cách oanh liệt. Trong 10 năm ấy, từ Lam Sơn – quê hương của nhà Lê – nơi khởi phát của cuộc khởi nghĩa đến Chí Linh Sơn và toàn bộ miền núi rừng phía tây Thanh Hóa đã đóng một vai trò hết sức to lớn và quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa. Nhờ có những năm hoạt động tại đây, nghĩa quân Lam Sơn mới có những điều kiện cần thiết để bảo tồn và phát triển lực lượng, đồng thời để Lê Lợi và nghĩa quân triển khai đánh địch một cách tài tình, cơ động theo phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” và biết dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở theo tình hình cụ thể để bố trí mai phục, tấn công địch một cách chủ động, bất ngờ, v.v… Cũng nhờ có địa bàn rừng núi rộng, lớn mà khi bị kẻ thù bao vây, truy sát, nghĩa quân vẫn có thể tiến, lui một cách dễ dàng, nhanh chóng. Thậm chí trong cả 3 lần rút lui và nương náu tại Chí Linh Sơn với những tháng năm đầy gian khổ, nhưng cứ mỗi lần như vậy, lực lượng và ý chí chiến đấu của nghĩa quân vẫn không ngừng được củng cố, tăng cường. Chính vì vậy mà quân Minh dù nhiều lần bao vây, tấn công bằng đủ mọi biện pháp, thủ đoạn, song vẫn không thể nào tiêu diệt nổi mà ngược lại, nhờ Chí Linh sơn, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn mới tồn tại, phát triển để tổ chức đánh địch cho tới ngày toàn thắng.

Thác Ma Hao, Lang Chánh ngày nay

         Như vậy, với những gì như đã nêu ở trên chúng ta có thể khẳng định nếu không có thời gian hoạt động ở vùng rừng núi phía tây Thanh Hóa (1418-1423) (nhất là thời gian nương náu, bảo tồn, phát triển lực lượng ở Chí Linh Sơn) thì chắc chắn Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn không thể có chiến thắng ở giai đoạn phản công chiến lược từ 1424 đến lúc kết thúc cuộc chiến tranh (1427). Và ngay sau khi Lê Lợi đăng quang và lên ngôi hoàng đế vào ngày 16 tháng 4 năm Mậu Thân (tức ngày 29/4/1428) cùng việc công bố rộng rãi “Bình Ngô đại cáo” và các lễ mừng công, ban thưởng cho các công thần, tướng sĩ, Lê Lợi đã cùng với các quần thần, tướng sĩ đã dành thời gian suy ngẫm, tổng kết cuộc chiến tranh và ngay sau đó đã cho soạn thảo “Lam Sơn thực lục” để lưu truyền hậu thế. Qua sử sách và những tài liệu còn lại cho đến nay, chúng ta biêt từ Lê Lợi đến nhiều văn thần triều Lê đều có sự đánh giá rất cao về công lao của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm tháng hoạt động tại miền núi rừng phía tây Thanh Hóa (1418-1423) mà ở đó, từ Lam Sơn – nơi khởi phát của cuộc khởi nghĩa đến Chí Linh Sơn – nơi nương náu, bảo tồn và phát triển lực lượng đã được xem như là vùng đất “thiêng” cứu nguy cho dân tộc. Riêng Chí Linh Sơn đã được đích thân Hoàng đế Lê Lợi đặt tên đầu đề để các văn thần sáng tác ra các bài phú. Và trong các bài phú về núi Chí Linh, hay nhất và đáng lưu ý hơn cả, đó là bài phú của Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân và Lý Tử Tấn. Cả ba bài phú này đều đã được phiên âm, dịch nghĩa và in trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam – thế kỷ XV, Nxb Văn học, Hà Nội, 1976 và nhiều sách, báo, tạp chí khác trong thế kỷ XX. Đó đều là những bài phú bất hủ ở thế kỷ XV. Nội dung của cả ba bài đều hết lời ca ngợi Chí Linh Sơn là một núi thiêng, giúp vua Lê Lợi mở vận và làm nên nghiệp lớn giống như núi Cối Kê giúp Việt Vương Câu Tiễn và núi Mang, Đãng giúp vua nhà Hán làm nên nghiệp lớn vậy. Tuy nhiên, ở mỗi tác giả bài phú lại có cách đánh giá, nhìn nhận một cách sinh động khác nhau.

          Theo chúng tôi, trong bài phú Chí Linh Sơn, Nguyễn Trãi vẫn là người có sự đánh giá, nhìn nhận một cách đầy đủ sắc sảo về ý nghĩa, vai trò to lớn của núi Chí Linh đã giúp Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn tồn tại, trưởng thành để từ đây tỏa đi đánh thắng giặc Minh, giải phóng hoàn toàn đất nước. Chỉ một đoạn phú mà Nguyễn Trãi đã nói đủ những ngày gian khổ, luyện rèn ý chí của Lê Lợi và nghĩa quân như:

          … Núi sông miền Tây thật là thiêng!

          Ôi! Vua ta tài thánh võ.

          Gánh việc bốn phương kinh doanh

          Lao tâm khổ tứ, vận nước gian truân.

          Đã do trời mà biết thời.

          Lại cố chí để công thành.

          Nhờ thế ngày nay Hồ – Việt mới hóa một nhà.

          Mà núi này được thiên cổ lưu danh.

          Khi nghĩa binh mới nổi, thế giặc hoành hành.

          Cả nước anh hào như lá thu sương

          Chí nuốt Ngô chừ, ai là Chủng? ai là Lãi?

          Mưu hưng Hán chừ, ai là Bình? ai là Lương?

          Vua ta giấu vết ở núi này, đành núi hơi để náu nương.

          Vợ con lưu ly, quân sĩ tan tác.

          Tuy khốn đốn mà lại hay, vì có điều sắp vẻ vang.

          Mang giáp trụ để che thân, lấy củ rau để làm lương.

          Chí hăm hở để lo toan, lòng căm tức chẳng hề quên.

          Tưởng núi này lúc bấy giờ chừ khác nào núi Mang – Đường của vua Hán.

          Bởi biết người biết mình, hay yếu hay mạnh.

          Đợi thời chờ dịp.

          Giấu sắc giấu tài.

          Ăn thường nếm mật,

          Ngủ thường nằm gai.

          Lo rửa nhục cũ, khôi phục đất xưa.

          Tưởng núi này lúc bấy giờ chừ há chẳng giống núi Cối – Kê dung Việt Vương hay sao?

          Rồi thu thập tàn quân, nuôi vỗ ân cần.

          Trong rèn chiến cụ, ngoài giả hòa thân,

          Bỏ vàng mộ lính, giết voi khao quân.

          Ai cũng mến vua mà liều chết,

          Ai cũng muốn ra sức để đền ân.

          Thế rồi luyện binh, kén tướng, mưu cao như thần.

Tiếp đến đoạn mô tả các trận đánh và chiến thắng cuối cùng của nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã hết lời ca ngợi núi Chí Linh và sự nghiệp của Lê Lợi:

          … Đế vương nổi lên được bắt đầu từ đấy

          Nhưng sự nghiệp vua ta khởi thủy từ lúc này.

          Mà công cao đức lớn của vua ta cùng với núi này vời vợi mãi chăng?

          Liền cúi đầu mà dâng lời ca rằng:

          Trời sinh thánh chừ, đất dựng vương,

          Càn khôn mờ mịt chừ, vận hội phi thường.

          Thấy núi này vòi vọi chừ, nhớ đến gian khổ xưa.

          Vỗ nền vương nghiệp chừ, mãi mãi vấn vương!

          Xin ghi thịnh đức vào đá chừ, để truyền mãi mãi về sau.

          Suốt thiên cổ, vạn cổ chừ cùng trời đất cửu trường”.

Đến bài phú Chí Linh sơn của Mộng Tuân, tác giả cũng nhắc lại việc Lê Lợi “sớm lo nghiệp thánh, dựng công to kể tự miền tây” đến việc “Núi Chí Linh giúp vua mở vận” bằng những lời văn mô tả, đánh giá thật là sinh động:

          … Vua ta khởi nghĩa núi Lam. Thế mạnh bừng bừng như lửa.

          Hào kiệt theo tựa mây ùn. Hiệu lệnh tan như sấm vỡ…

          … Khốn vì thế giặc quá to. Cậy nhiều quân tướng hung dữ,

          Đã lấn hết cõi bờ. Lại sấn vào cổng cửa,

          Gia đình bị phá hoang. Binh sĩ thua chạy vỡ lở.

          Vua mới phải tới đất Kỳ để xa lánh. Náu hình tích vào Linh San…

          … Muốn dưỡng sức mà chờ cơ hội, quyết bền gan để diệt hung tàn

          Rà cánh phượng nhằm nơi ẩn náu, uốn khúc rồng qua buổi gian nan…

          … Đến như: phá vòng khốn quẫn. Tạo cuộc hanh thông.

          Chín phần tử, một phần sinh, tuy ở chốn hiểm nghèo mà ngất trời khí thế.

          Bao nhiêu nghịch, bao nhiêu thuận, khéo tay cơ lợi dụng thật là tột bậc anh hùng.

          Thần giùm mưu chước. Người mến uy phong.

          Cột chống nhà cao, mong thu cả tài năng mọi mặt, đã ra tay luyện, quyết vá lại trời xanh muôn trùng.

          Do đó mà tìm người “bản trúc” nơi đồng ruộng, do đó mà gặp tướng “phi hùng” bên suối trong.

          Cũng đều nhờ ở núi này làm đầu mối, không những giữ thế thủ mà lại khởi thế công.

          Nên có thể: dao mài núi mẻ, gió quét bụi không.

          Mở triều đình ở nơi rừng rậm, phá quân giặc bằng gậy tầm vông

          Nghiệp lớn bắt đầu gây dựng, núi này đã có nhiều công…”

          Riêng bài phú núi Chí Linh của Lý Tử Tấn đã nói được hình thế, vị trí đặc biệt của dãy núi án ngữ nơi miền tây nước Việt này có đủ những điều kiện cần thiết để Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn nương náu lúc lâm nguy. Và theo đánh giá của Lý Tử Tấn thì khi nương náu ở Chí Linh, “Vua ta (tức Lê Thái Tổ – PT) tuy từng lao tâm khổ tứ/ Nhưng lại chín muồi kế lớn mưu sâu/ Nên có truyền thống tiềm tàng muôn thuở/ Lại được kinh nghiệm mở nước buổi đầu”, v.v…

          Như vậy, Chí Linh Sơn dưới sự nhìn nhận, đánh giá của các văn thần thời Lê thì đó là một dãy núi “Thiêng” có tầm vóc và ý nghĩa thật vô cùng to lớn rất xứng đáng được ca ngợi cho đến mãi muôn đời bởi vì cũng nhờ núi ấy mà Lê Lợi đã làm nên “nghiệp đế bình phong nước nhà”, và cũng nhờ núi ấy mà nước ta mới được bước vào thời kỳ độc lập dài lâu và bền vững nhất trong thời phong kiến trước đây.

Miếu thờ nghĩa quân Lam Sơn trên núi Chí Linh, Lang Chánh, Thanh Hóa

        Giờ đây, dù đã đi qua sáu thế kỷ, nhưng từ núi Lam Sơn đến núi Chí Linh ở miền tây xứ Thanh vẫn mãi mãi là biểu tượng văn hóa sáng ngời tinh thần yêu nước và sự quật cường dân tộc mà vị anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn cùng nhân dân xây đắp nên. Đặc biệt, cho đến nay, ở rừng núi Chí Linh và ở những bản mường, chòm xóm của đồng bào dân tộc Mường, Thái xung quanh – nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn nương náu hoạt động trong những năm đầu gian khổ nhất vẫn còn lưu giữ, in đậm rất nhiều những câu chuyện truyền thuyết rất sinh động. Theo tương truyền thì rất nhiều các bản làng, khe suối, thác nước đến hòn đá, gốc cây ở địa bàn rừng núi Chí Linh (thuộc hai huyện Lang Chánh, Thường Xuân nay) đều do vua Lê Thái Tổ đặt tên như bản Năng Cát, Chiềng Lẹn, chòm Húng, chòm Hiên, Huối Lấu (suối rượu), hoặc Thác Ma Hao (tức thác Chó Ngáp), v.v… Ngoài ra, ở bản Năng Cát (nay thuộc xã Trí Nang) hiện vẫn còn di tích đền thờ vua Lê Thái Tổ và Vườn Cam mà Lê Lợi đã cho trồng trong những ngày tháng ẩn náu, hoạt động tại Chí Linh. Còn ở xã Giao Thiện (xưa thuộc Mường Giao Lão), ngoài di tích đền thờ Lê Thái Tổ còn có một dòng suối có tên là Huối Lấu (tức suối rượu) – tương truyền trong những ngày nguy khốn, sống chết cùng nhau, Bình định vương Lê Lợi đã đổ chai rượu xuống suối nước rồi tất cả quân sĩ đều múc lên để uống. Vì vậy mà Nguyễn Trãi mới có câu “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” trong bài Bình Ngô đại cáo để nhắc lại tích truyện đầy cảm động này, v.v…

          Với những gì như đã nêu ở trên, Chí Linh Sơn xứng đáng được gọi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước của cả dân tộc hồi thế kỷ XV, và rất xứng đáng được ngợi ca, tôn vinh mãi mãi.


Chú thích:

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập II, Nxb Thuận Hóa, Huế – 2006, tr.296.

(2) Nhữ Bá Sĩ, Thanh Hóa tỉnh chí, bản dịch của Nguyễn Mạnh Duân, in rônêô, tr.34 (tài liệu lưu trữ của Thư viện Thanh Hóa).

(3) Lam Sơn thực lục, bản mới phát hiện ở họ Lê Sát, Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1976, tr.243.

(4) Lam Sơn thực lục, Sđd, tr.240 – tr.241.

(5) Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.156-tr.157.

(6) Bùi Văn Nguyên, Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr.174-tr.176.

(7) Bùi Văn Nguyên, Sđd, tr.176-tr.177.

(8) Lam Sơn thực lục, Sđd, tr.203.

 

 

 

Các tin liên quan