Lê tộc Việt Nam vinh danh

Di tích Lam Kinh được nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt

Trong ba ngày 25 và 26, 27-9-2013 (tức ngày 21, 22 và 23 tháng 8 năm 2013 Quý Tỵ), tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích Lam Kinh và Lễ hội Lam Kinh năm 2013. Nhân dịp này, Thông tin việc Họ giới thiệu với bà con dòng họ ta Khu Di tích Lam Kinh, những đóng góp to lớn của Lê Lợi – người anh hùng dân tộc, người họ Lê rạng danh bậc nhất trong lịch sử nước nhà. Nguồn thông tin bien soạn theo www.ditichlamkinh.vn.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm ở toạ độ 19055,565 vĩ Bắc, 105024,403 kinh đông. Hiện nay, di tích Lam Kinh nằm trên địa phận thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân và xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. Từ thành phố Thanh Hoá đi về phía Tây 50km ta sẽ gặp di tích Lam Kinh nằm bên tả ngạn sông Chu, cách Hà Nội 150km đi theo đường Hồ Chí Minh rẽ trái 1,5km sẽ gặp di tích Lam Kinh.
Theo “Đại Nam nhất thống chí”: “Lam Kinh nhà Lê ở phía Đông núi Lam Sơn tại xã Quảng Thi huyện Thuỵ Nguyên, phía Nam trông ra sông Lương, phía Bắc gối vào núi, là đất dựng cơ nghiệp của Lê Thái tổ, đầu đời Thuận Thiên lấy đất này đặt làm Tây Kinh, cũng gọi là Lam Kinh, xây dựng cung điện trông ra sông, đằng sau cung điện có hồ lớn giống hồ Kim Ngưu, các khe núi đổ vào hồ này, lại có khe nhỏ bắt nguồn từ hồ chảy qua trước điện, ôm vòng lại như hình vòng cung, bắc cầu lập ngói ở trên khe, đi qua cầu mới đến cung điện. Khoảng đời Cảnh Hưng, nước sông xói mạnh Ngô Thị Sỹ sai dân đóng kè gỗ và xe đất chở đá để đắp giữ…”
Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mùa xuân 1418, nơi hội tụ nhiều anh hùng hào kiệt chiêu tập quân sỹ khắp bốn phương dựng cờ khởi nghĩa. Sau 10 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ với bao nhiêu chiến công lừng lẫy thắng lợi. Năm 1427, đóng quân ở Bộ Đề uy hiếp thành Đông Quan tập trung lực lượng quyết chiến ở Chi Lăng chém chết Liễu Thăng tại núi Mã Yên, bắt sống hai tướng Hoàng Phúc và Thôi Tụ, tại thành Xương Giang, giết tướng Lương Minh, khiến Lý Khanh tự tử, đuổi Mộc Thạch chạy về nước. Tổng tư lệnh Vương Thông xin đầu hàng ngày 10 tháng 12 năm 1427. Lê Lợi cho tướng nhà Minh, Vương Thông, đến “Hội thề Đông Quan”, chúng xin hứa không bao giờ xâm phạm Đại Việt nữa, xin rút 10 vạn quân về nước.
Ngày 15 tháng Giêng năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh (Thăng Long) đặt tên nước là Đại Việt, lấy niên hiệu Thuận Thiên.
Cũng như các triều đại trước đó với tấm lòng tôn kính tổ tiên vua Lê cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm với quy mô to lớn ở đất Lam Sơn và coi đây là “Kinh đô” thứ hai của Nhà nước Đại Việt sau Đông Kinh (Thăng Long – Hà Nội). Vì lẽ đó, đương thời Lam Kinh trở thành vùng đất “căn bản” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhà Lê, tồn tại như một thánh địa tôn nghiêm, nơi thờ cúng tổ tiên và các Hoàng đế nhà Lê, nơi mai táng nhiều Hoàng đế và Hoàng Thái hậu nhà Lê, nơi cử hành những nghi lế mỗi khi vua Lê về bái yết sơn lăng.


Nền móng Chính Điện

Trong suốt quá trình tồn tại, Lam Kinh được các sử gia phong kiến biên chép với sự quan tâm đặc biệt. “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Việt sử thông giám cương mục” ghi các lần xây dựng Lam Kinh. Năm 1433 Lê Thái Tổ mất, đưa về Lam Kinh táng ở Vĩnh Lăng. Tháng 12 cùng năm các quan theo hầu về Tây Kinh, dựng miếu điện Lam Sơn. Tháng 4 năm 1434, Lê Thái Tông sai Hữu bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ Thái mẫu. Cùng năm đó, điện Lam Kinh bị sét đánh cháy. Đến tháng 9 năm 1448, vua Lê Nhân Tông – vị vua thứ 3 nhà Lê xuống chiếu cho Thái uý Trịnh Khả, các cục bách tác làm Miếu, Điện ở Lam Kinh, chưa đầy một năm sau, tháng 2 năm 1449 Lê Khả báo về triều đình việc xây dựng hoàn thành.
Năm 1456, trong dịp tổ chức tế lễ ở Miếu Điện Lam Kinh, vua Lê Nhân Tông cùng các triều thần đặt tên cho các điện chính diện gọi là Quang Đức, điện Sùng Hiếu, Hậu điện gọi là Diễn Khánh; lại sai quân phủ Thanh Hoá làm tẩm cung thờ Thái Hoàng Thái Phi ở sau điện lăng Lam Sơn. Qua các ghi chép, chúng ta còn được biết hàng năm các vua và hoàng tộc nhà Lê Sơ đều về bái yết sơn lăng. Các kỳ tế lễ điện miếu và lăng mộ được tổ chức với sự đón tiếp long trọng của nhân dân.

Nhà bia Vĩnh Lăng

Diện mạo của Lam Kinh được Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi chép như sau: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm, Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Chiêu Lăng của Lê Thái Tông và lăng các vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có son sông phát nguyên từ hồ ấy, chảy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. Lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở Giảng Đình, điện Vạn Thọ Đông Kinh đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở Kinh sư theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên tả, hữu, cái nọ cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp.
Nhưng trải qua thời gian và những biến thiên lịch sử, nhiều kiến trúc của khu di tích Lam Kinh không còn lại bao nhiêu, phần nhiều đã bị hư hỏng, huỷ hoại, nhất là sau khi triều Nguyễn chuyển việc thờ cúng các vua Lê từ Lam Kinh về đền Bố Vệ (thành phố Thanh Hoá).

Lăng vua Lê Thánh Tông

Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoà bình lập lại ở miền Bắc, được sự quan tâm của Đảng Nhà nước, tưởng nhớ đến công lao to lớn của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và công lao phục hưng đất nước của vương triều Lê Sơ, nhất là vua Lê Thánh Tông, năm 1961 đã cho xây dựng nhà che bia Vĩnh Lăng, kiến trúc gỗ lim lập ngói mũ hài hai tầng tám mái cong. Năm 1962, Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng cấp quốc gia đối với di tích Lam Kinh.
Tháng 10 năm 1994, dự án quy hoạch tổng thể trùng tu, tôn tạo phục hồi di tích lịch sử Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác bảo tồn tôn tạo chính thức được triển khai thực hiện. Từ đó, các công trình kiến trúc được phục hồi tôn tạo. Hình hài toàn bộ khu di tích dần dần được hiện ra; cảnh quan sông, hồ, rừng Lam Sơn và hầu hết các công trình kiến trúc trong khu di tích Lam Kinh đều được nghiên cứu, tổ chức triển khai lập dự án phục hồi tôn tạo. Hệ thuỷ là toàn bộ hệ thống sông Ngọc, hồ Tây, hồ Như Áng được người xưa tự tạo, đắp đập ngăn dòng suối Hướng. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho đây là đập từ thời tằng tổ của Lê Lợi là cụ Lê Hối đắp, dựa vào thế sườn đồi tự nhiên đào đắp thêm để tạo thành hồ Như Áng, dẫn nước về hồ Tây, cấp nước cho sông Ngọc chảy vòng trước điện Lam Kinh được coi là tiểu huyền thuỷ. Đại huyền thuỷ là sông Lương Giang (sông Chu) tạo thành minh đường (sáng) cho Điện Miếu Lam Kinh. Dựa trên kết quả điền giã dân tộc học và nghiên cứu khảo cổ học, công trình đã được phục hồi tôn tạo trên dấu tích xưa, đang phục vụ hiệu quả cung cấp nguồn nước cho toàn bộ khu di tích Lam Kinh và phục vụ đời sống dân sinh nhân dân trong vùng.
Khu trung tâm Điện Miếu di tích Lam Kinh, qua cầu Bạch, Giếng cổ, đến Nghi Môn, điện miếu Lam Kinh được xây dựng trên sườn đồi đất thoải tự nhiên từ Tây sang đông. Người xưa đã san gạt tạo thành 3 cấp nền bằng phẳng tính từ dưới lên có 3 lớp kiến trúc rõ rệt.

Giếng cổ Lam Sơn

Lớp nền thứ nhất gồm: Giếng cổ, Nghi môn, Sân Chầu. Giếng cổ cách Nghi môn 10m lệch về bên tả Giếng cổ, tương truyền giếng có từ thời cụ Lê Hối (cụ nội của Lê Lợi). Qua công tác nghiên cứu hảo cổ học cho thấy “giếng có mặt cùng với thời gian khởi dựng điện Lam Kinh, phải chăng đây là nơi cung cấp nước khi nơi này chưa trở thành kinh đô” (khảo cổ học 1997). Để tạo thành giếng, người xưa đã cho đắp ngăn đoạn suối chảy từ Tây sang Đông Nam để lấy nước ăn uống, sinh hoạt cho hàng nghìn gia nhân trong nhà. Khi Lam Kinh trở thành điện miếu thì giếng có thể vẫn được sử dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Giếng có bên để lên xuống lấy nước. Năm 2003, giếng được phục hồi tôn tạo kích thước hiện tại dài 37,5m, rộng 30m, góc tròn kè đá xung quanh, sâu 7,5m, mực nước dao động ở mức 3,5 – 4m.
Nghi môn (cổng phía Nam) là nơi đón trước khi vào chầu. Trước Nghi môn có đặt 2 tượng nghê đá “huyền thoại” tương truyền rất thiêng để canh gác cổng, tiếp đó là hai vầng nhật nguyệt bằng đá hình tròn có đường kính 0,70m, có lỗ đục ở đế, đây có thể là lối cửa của Nghi môn thời Lê Sơ. Nghi môn được phục dựng năm 2009 trên nền móng kiến trúc thời Lê Trung Hưng, khánh thành trong dịp lễ hội 2010.

Đền Trung Túc Vương-Lê Lai

Sân Rồng (sân Chầu) là một trong những công trình có diện tích lớn trong khu trung tâm của điện Lam Kinh. Kết quả khảo cổ học cho biết, sân Rồng có chiều dài 64,50m, chiều rộng 56m, diện tích trên 3612m2. Sân  Rồng được phục hồi năm 2008, nền lát gạch bát 400 x 400 x 70, lối giữa sân lát đá đục nhám.

Lớp nền thứ 2 có chiều dài 62m, đây là lớp nền Chính điện có bậc cửu trùng (chín bậc), lan can là 2 đôi rồng ở giữa, 2 đôi vân mây 2 bên bằng đá xanh nguyên khối, mỹ thuật chạm khắc cầu kỳ, chau chuốt theo phong cách thời Lê Sơ, tạo thành 3 lối lên Chính điện.

Chính điện là công trình kiến trúc quan trọng bề thế nằm ở vị trí trung tâm di tích Lam Kinh. Chính điện có bố cục mặt bàng hình chữ công (I) với 2 lớp kiến trúc kế tiếp có niên đại Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Lớp kiến trúc Lê Sơ toàn bộ 43,3m, rộng 30m (phần thắt chữ công dài 17,8m, rộng 11m) lớp kiến trúc Lê Trung Hưng được xây dựng trên lớp Lê Sơ kích thước lớn hơn, dài 48,5m, rộng 39,5m (thắt chữ công dài 19,4m, rộng 13,6m) qua mặt bàng Chính điện cho ta thấy toà nhà trước, sau có 9 gian, phần thắt chữ công 5 gian tổng diện tích của 3 nhà 1640m2. cùng với các loại hình vật liệu và trang trí kiến trúc, có thể nhận thấy đây là một công trình kiến trúc quy mô đồ sộ nhất trong khu di tích Lam Kinh.

Lớp nền thứ 3 nằm ở phía sau Chính điện, cao hơn từ 0,4m – 1m, có chiều dài 135m hình bán nguyệt ôm lấy toà Chính điện là 9 toà Thái miếu, mỗi toà có kích thước hình chữ nhật (gần vuông) tương đối bằng nhau (dài từ 13,5m đến 16m, rộng từ 10,4m đến 12,9m) trên nền đất tương đối bằng phẳng. Đỉnh cao nằm ở toà 5 (Chính giữa) thấp dần về hai phía. Mỗi toà đều có bậc lên xuống, thành bậc (lan can) được tạc hình rồng và trang trí hoa lá tinh xảo. trong những năm gần đây nhà nước đã đầu tư phục dựng được 5 trong số 9 toà thái miếu để thờ cúng các vua, thái hoàng thái hậu triều đại Hậu Lê. Toà chính giữa thờ 3 vị: Thái tổ Cao hoàng đế (Lê Lợi), Hiển tổ trạch hoàng đế (Lê Đinh), Tuyên tổ Phúc hoàng đế (Lê Khoáng), các toà bên tả bên hữu thờ các vị vua đời sau thế thứ kế tiếp. Thái miếu là nơi các vua Lê về tổ chức làm lễ bái yết thờ và suy tôn tổ tiên.

Nằm phía sau cách 9 toà Thái miếu khoảng 60m là lăng mộ vua Lê Thái tổ (Lê Lợi) sinh ngày 6 tháng 8 năm ất Sửu 1385, tại quê ngoại làng Chư Sơn (nay thuộc xã Xuân Thắng – Thọ Xuân), mất ngày 22 tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433) tại Đông Kinh (Thăng Long – Hà Nội). Đến ngày 23 tháng 10 cùng năm đưa về Lam Sơn táng tại Vĩnh Lăng.

Cũng như các triều đại trước triều Lý, triều Trần, sau khi Lê Lợi mất, triều đình nhà Lê Sơ đã tổ chức rước linh cửu về Lam Sơn an táng và từ đó Lam Kinh trở thành nơi an táng các Vua và thái hoàng thái hậu mỗi khi qua đời. Việc mai táng, ngoài xây lăng, đắp mộ còn dựng cả một tấm bia lớn, cử nho thần có tiếng đương thời viết văn bia, kể rõ lai lịch, công đức người mất.

Ở Lam Kinh có 6 vị vua đầu triều Lê Sơ sau khi mất đưa về an táng tại Lam Sơn là: vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và cả 2 bà hoàng thái hậu là lăng mộ Ngô Thị Ngọc Dao (vợ vua Lê Thái Tông), lăng Nguyễn Thị Ngọc Huyên (vợ Lê Thánh Tông).

Lăng mộ Lê Thái Tổ được an táng sau Thái miếu gần chân núi Dầu, lấy núi Dầu làm hậu chẫm, núi Chủ (Chẩu) làm tiền án. Bên tả có núi Hổ (núi Phú Lâm), bên hữu có núi Rồng (núi Hương) làm cánh tai ngai. Mặt bằng của lăng hình chữ nhật gần vuông 24,7m x 24m, xây tường bao xung quanh, phía trong là mộ đắp đất, bó gạch vồ xung quanh, khít mạch không vữa không trát. Mộ có kích thước gần vuông các cạnh tương đối bằng nhau 4,43m x 4,46m, cao 1,15m. Đến năm 1995 trùng tu tôn tạo, xây gạch vồ, ốp thêm lớp đá đục nhám bên ngoài.

Trước mộ dọc theo lăng là 5 đôi tượng đá đứng chầu thành 2 dãy đối xứng nhau qua trục thần đạo (chính giữa). Các đôi tượng này tính từ mộ ra có tượng quan hầu (y phục của một vị quan), lân, tê giác, ngựa, hổ, các tượng đều nhỏ bé đục chạm đơn giản cao từ 0,50 – 1,1m. Kiến trúc bố cục của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng không kém phần tôn nghiêm và trang trọng.

Bia Vĩnh Lăng được dựng trên gò đất rộng cao thoai thoải, bia nhìn hướng Nam, kích thước lớn cao 2m79, rộng 1m94, dày 0m27 được đặt trên lưng một con rùa, chiều dài 3m46, rộng 1m94, cao 0m90 kể cả đế. Bia và rùa là hai khối đá lớn, loại đá trầm tích biển ước tính trên dưới 18 tấn, được gắn vào nhau bằng ngàm sâu, khít tạo thành khối liên kết bền vững chắc chắn. Bia được trang trí đẹp, đường nét làm nổi bật bài văn bia ở giữa. Trán bia chính giữa trang trí rồng mặt nhìn thẳng vẻ dữ tợn, thân mình vặn khúc, mang dáng đe doạ, được bố cục nằm gọn trong hình tròn, hình tròn ấy lại nằm trọn trong một hình vuông, phải chăng hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời và đất, hình rồng tượng trưng cho giai cấp thống trị. Các trang trí ở diềm bia là các nửa lá đề, bên trong nửa lá đề có rồng chạm khắc tinh xảo, uyển chuyển hài hoà của các hoa văn được biểu hiện trên tác phẩm điêu khắc mà bia Vĩnh Lăng là một trong những điển hình trọn vẹn nhất.

Bia Vĩnh Lăng ghi lại thân thế sự nghiệp, công trạng cảu vua Lê Thái Tổ. Nội dung văn bia do quan Vĩnh Lộc đại phu, nhập nội hành khiển, tri tam quản sự Nguyễn Trãi, phụng soạn, người khắc chữ trên bia là quan Hàn lâm viện

Văn bia ngắn gọn, cô đọng, mô thuật đầy đủ về gia tộc, thân thế sự nghiệp vua Lê Thái Tổ, tóm tắt ngắn gọn về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đặc biệt nhấn mạnh lòng khoan dung độ lượng của vua đói với quân thù khi chúng bại trận. Năm 1961 được Nhà nước phục hồi nên nhà hình vuông, nhà bia 2 tầng 8 mái cong, lập ngói mũi hài, kiến trúc gỗ phỏng theo thời Lê Trung Hưng.

Từ 1995 đến nay, ngoài các công trình đã nêu ở trên khu di tích Lam Kinh đã phục hồi tôn tạo 6 trong 8 khu lăng mộ của các vua và hoàng thái hậu. Hai khu đền thờ vua Lê Thái Tổ xã Xuân Lam huyện Thọ Xuân, đền thờ Trung túc Vương Lê Lai xã Kiên Thọ huyện Ngọc Lặc; quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo với tổng diện tích đưa vào quản lý bảo vệ gồm 200ha. Cắm mốc thực hiện dự án hàng rào vành đai I, vành đai bảo vệ II; phục hồi hệ thống rừng Lam Sơn với diện tích gồm 100ha với các loài cây bản địa lim, lát, sến, táu, dổi. Hiện nay cây đã khép tán và lên xanh tốt cùng với hệ thống rừng cảnh quan, hệ thống tường thành đường đi lối lại nối các điểm di tích đã được phục hồi tôn tạo đã làm tăng thêm tính thâm nghiêm cho toàn bộ khu di tích.

Năm 2011, dự án phỏng dựng Chính điện Lam Kinh đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phê duyệt, triển khai thực hiện trong 5 năm (2011-2015). Khi hoàn thành, Chính điện sẽ là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với diện tích nhà chữ công hơn 1600m2, dự toán hơn 170 tỷ đồng. Công trình khánh thành vào năm 2015, đúng dịp tỉnh Thanh Hoá đăng cai năm du lịch quốc gia.

Với lòng tôn kính, ghi nhớ công lao to lớn của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi triều đại Hậu Lê, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hoá đang tập trung nổ lực cao nhất để phục hồi tôn tạo sớm hoàn thành khu di tích Lam Kinh trở thành điểm tham quan du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái hấp dẫn du khách thập phương trên cả nước, tạo dựng biểu tượng về du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Thanh Hoá.

Các tin liên quan