Nghiên cứu dòng họ

Địa điểm Lê Lai hy sinh trong khởi nghĩa Lam Sơn

 NNC. Lê Huy Hoàng

                                                                           Hội KHLS Thanh Hóa

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vừa mới phát động thì lập tức bị quân Minh tập trung lực lượng lên đàn áp. Tổng binh Lý Bân phái đô đốc Chu Quảng điều quân từ thành Tây Đô lên vây quét vùng Lam Sơn. Trong tương quan lực lượng chênh lệch lại chưa có kinh nghiệm chiến đấu, sau cuộc cầm cự không thuận lợi nghĩa quân đã phải rút lên núi rừng phía Tây. Khi nghĩa quân đến Mường Mọt (Lang Chánh, Thanh Hóa) quân Minh vẫn tiếp tục đuổi theo ráo riết, Lê Lợi đã phải rút lên núi Chí Linh (còn gọi là Linh Sơn thuộc huyện Lang Chánh), nay thuộc xã Giao An và Giao Thiện (Lang Chánh), giáp huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Thực ra thì vùng núi Chí Linh cũng như địa bàn các huyện miền núi Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Hóa trước khi phát động cuộc khởi nghĩa Lê Lợi và Lê Lai đã đi khảo sát nắm địa hình để biết và còn làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân trước. Sau này khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi lên làm vua, nhân dân một số vùng nêu trên mới biết trước đó Lê Lợi đã từng đặt chân đến địa phương mình.

Rút lên Chí Linh nghĩa quân định dựa vào địa thế cực kỳ hiểm trở của núi rừng vùng này để tạm tránh cuộc truy đuổi của địch. Nhưng quân Minh vẫn tiếp tục đuổi theo bao vây, quyết tiêu diệt cho kỳ được cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân ở vào một tình thế rất hiểm nghèo. Quân Minh tập trung một lực lượng khá lớn, chặn các ngả đường và dần dần khép chặt vòng vây lại. Lực lượng nghĩa quân bị hao mòn, lại cạn hết lương thực “hơn hai mươi ngày chỉ ăn củ nâu và mật ong, người ngựa đều khốn đốn”(1). Tình trạng đó kéo dài có thể đẩy nghĩa quân vào nguy cơ bị tiêu diệt.

Lê Lợi liền họp bộ tham mưu lại để bàn kế giải nguy. Lê Lợi nói rằng: “Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín ngày xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau”(2). Nhắc lại một điển tích cũ Trung Quốc, Lê Lợi muốn có người đóng lại vai trò Kỷ Tín để đánh lạc mục tiêu quân thù. Trước tình thế cấp bách đó, tướng Lê Lai đã khảng khái xin tình nguyện hy sinh để cứu Lê Lợi và giải vây cho nghĩa quân. Lê Lai liền cải trang đóng Lê Lợi lĩnh 500 quân và hai con voi chiến tự xưng là “Chúa Lam Sơn” kéo ra anh dũng tập kích địch. Quân Minh tập trung bao vây bắt được Lê Lai và đánh tan đội nghĩa binh hùng dũng ấy. Trong trận này Lê Lai chiến đấu đến phút cuối cùng rồi mới chịu rơi vào tay giặc và bị quân giặc bắt giải về, xử bằng những hình phạt cực kỳ tàn ác. “Đại Việt thông sử” chép Lê Lai bị bắt về thành Đông Quan. “Lam Sơn thực lục” và “Cương mục” chỉ chép Lê Lai bị bắt và bị giết, không chép rõ bị bắt ở đâu? “Lam Sơn thực lục tục biên” chép Lê Lai bị bắt đem về thành ở xã Dựng Tú… Việc Lê Lai bị bắt và quân Minh đem về đâu để giết: Đông Quan, Tây Đô hay Dựng Tú. Đương nhiên là không bao giờ chúng giết ở ngoài chỗ giao chiến mà phải đem về thành để tra hỏi và tuyên truyền làm nhụt ý chí của những tướng sĩ trong cuộc khởi nghĩa còn lại. Ở đây tôi muốn làm rõ thêm vị trí nơi giao chiến và bị bắt. Vì không có chứng cứ cụ thể mà chỉ suy đoán nên thiển nghĩ của cá nhân có thể còn mang tính chủ quan, chưa có căn cứ. Khi còn đi học một vài lần đi từ quê Hoằng Hóa lên Ngọc Lặc qua cầu Lai nghe dân chúng lý giải sở dĩ đặt tên cầu Lai là vì nơi Lê Lai hy sinh (nơi giặc bắt ông), tôi cũng tin và đinh ninh như vậy. Sau này lên Bá Thước dạy học vì gần huyện Lang Chánh nên cũng hay qua lại và cũng được nghe kể về tên của xã Lâm Phú (Lang Chánh) xã giáp Quan Sơn và Bá Thước. Trước đây xã Lâm Phú cũng được đặt tên là xã Lê Lai vì khi Lê Lai dẫn 500 quân cùng 2 voi chiến xông ra tuyên chiến với giặc Minh bị giặc Minh đuổi ông và quân lính đã chiến đấu và rút dần lên phía núi rừng phía Tây đến chỗ Lâm Phú ngày nay thì bị giặc bắt. Từ đó tôi rất băn khoăn về hai địa điểm rõ ràng đều được đặt tên ông và lưu truyền về việc ông chiến đấu bị giặc bắt ở đấy cả. Còn ở đền thờ Lê Lai ở làng Tép nhà hậu cung có đôi câu đối:

“Trịnh Cao vây lộ Lê tướng lĩnh bào cung kiếm tung hoành khinh Ngô tặc

Kỷ Tín lưu danh thánh tôn gia tước ức niên phụng sự kính viết nhân.”

Đây là văn học ghi lại địa danh khi cuộc khởi nghĩa bị giặc bao vây, còn Lê Lai bị bắt hay hy sinh ở đâu thì người làm câu đối vẫn có thể viết như vậy. Vì Trịnh Cao cũng là nơi xảy ra giao chiến. Còn việc ông bị vây bắt đem về và bị quân Minh tra tấn cực hình rồi mới giết thì hầu hết các tài liệu sử sách đều ghi như vậy. Nhiều dã sử, truyền thuyết còn kể ông không khai gì cả và đã bị giặc Ngô mổ bụng moi ruột ra đo được 99 phân bảo là người này là tướng, chưa phải là vua, nếu là Lê Lợi thì phải là 100 phân. Dù mang màu sắc huyền bí tâm linh, người dân sau này có quyền ngưỡng mộ thủ lĩnh và các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa mà kể vậy cũng là lẽ đương nhiên.

Vậy thì ở cầu Lai (Kiên Thọ, Ngọc Lặc) hay là ở Lâm Phú (Lang Chánh, trước cũng là xã Lê Lai)? Đối với tôi địa danh hai nơi này đều quen thuộc nhất là cầu Lai thì ai mà chả có dịp qua lại nhiều lần. Từ khi được nghe chuyện và thực tế biết hai nơi này đều mang tên ông và nói là ông hy sinh ở đấy tôi cứ băn khoăn mãi. Sau lần đi khảo sát vùng rừng núi Chí Linh tôi suy ngẫm thêm và ngộ ra là trận chiến của đội quân cảm tử Lê Lai với bọn giặc Minh và ông bị bắt theo tôi thiên hướng xảy ra ở Lâm Phú và ông bị bắt ở đó: Địa hình Chí Linh có nhiều cửa ải thông ra, đường đi lối lại rất nhiều ngả. Tuy nhiên dẫu bao nhiêu ngả cũng phải gom ra ngả chính (Bây giờ là bốn trục chính): một là con đường từ Chí Linh về Lam Sơn qua vùng Phùng Giáo, về nông trường sông Âm. Đây là con đường ngắn nhất từ Chí Linh đến Lam Sơn khoảng gần 30km, chính vì cách Lam Sơn như vậy mà Lê Lợi đã chọn Chí Linh để thuận tiện khi rút quân lúc thế thủ cho nhanh, còn nếu vì cần nơi núi rừng hiểm trở ở Thanh Hóa còn nhiều nơi như vùng Pù Luông ở Bá Thước hay Pù Hu ở Quan Hóa… nhưng lại cách Lam Sơn quá xa. Ngả lớn thứ hai là đi về phía Lương Sơn (Thường Xuân) khoảng 40km đến Lam Sơn, ngả thứ 3 là về phía Trí Nang rồi xuống qua thị trấn Lang Chánh ra đường 217 bây giờ rẽ phải về Lam Sơn khoảng 50km, rẽ trái đi lên Đồng Tâm (Bá Thước), Hướng lớn thứ tư là từ Trí Nang về gần huyện lỵ thì rẽ lên phía Tam Văn, Lâm Phú (Lang Chánh) để đi tiếp lên phía huyện Quan Sơn) xưa gọi là vùng Quan Da. Con đường này nhiều đèo dốc hiểm trở nhất. Mục đích của đội quân cảm tử Lê Lai là xông ra để giao chiến với giặc, một phần cũng để tiêu hao sinh lực địch, nhưng cái chính là để đánh lạc hướng làm cho kẻ thù nhầm tưởng nghĩa quân Lê Lợi xông ra quyết chiến hay là chạy đi nơi khác nên bọn giặc tập trung lực lượng vào đấy để Lê Lợi có thời gian và cơ hội rút ra khỏi Chí Linh về tập hợp lại lực lượng chờ thời mà chiến đấu. Vậy tại sao đoàn quân của Lê Lai lại chạy về phía đồng bằng để mau sa vào tay giặc (địa hình không phức tạp, mà quá gần vì từ Chí Linh về Cầu Lai hơn hai mươi cây số), hơn nữa lại chạy về phía Lam Sơn nơi mà lực lượng quân Minh đang có một bộ phận ở đó và trước đó chúng đã làm cỏ vùng này. Tôi nghĩ các thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn không thể tính toán như thế. Vậy là họ phải tìm vị trí chiến đấu để kéo dài thời gian cho Lê Lợi có thời cơ thoát ra khỏi vòng vây và tiêu hao được nhiều sinh lực địch, dù biết với tương quan lực lượng cuối cùng mình cũng phải sa vào tay giặc. Thế thì con đường thoát sang xã Lê Lai (Lâm Phú) bây giờ chính là chỗ kéo địch vào nơi “thiên la địa võng”. Biết đâu ở nơi vị trí hiểm yếu này, ngoài việc gây khó cho kẻ thù, kéo dài thời gian còn có cả cơ hội để may ra ta có thể thoát được trốn đi nơi khác? Tôi nghĩ là Lê Lai cùng đội quân đánh để tiến về phía Quan Da, nhưng khi đến Lâm Phú thì bị bắt. Hơn nữa phải tiến về phía Tây cho Lê Lợi bí mật rút về phía Đông là Lam Sơn để tập hợp lại lực lượng và chuẩn bị các điều kiện? Nếu đội quân cảm tử của Lê Lai chạy về Lam Sơn thì Lê Lợi chạy đi đâu? Từ xưa đến giờ trong quân sự, cha ông ta đều nghĩ đến hai yếu tố là: thế và lực. Nếu lực yếu mà có thế hiểm, vững mạnh thì cũng sẽ làm cho lực tăng lên. Dân tộc ta luôn luôn đương đầu với những kẻ thù đều mạnh hơn ta, nhưng rồi chúng đều bị thất bại trước một dân tộc nhỏ bé hơn vì chúng ta luôn biết chuyển yếu thành thế mạnh (trong đó có cả thế trận lòng dân). Vì băn khoăn về địa điểm giao chiến của đội quân cảm tử do Lê Lai dẫn đầu và nơi bọn giặc bắt được ông nên lần này về Chí Linh tôi cứ suy ngẫm mãi:

Ải nào quân giặc xông vào

Bị ta chặn lại máu đào xông pha ?.

Lối nào Lê Lai tiến ra

Liều mình cứu chúa bài ca tự hào ?

Lê Lai hy sinh, Lê Lợi ngầm sai người tìm di hài đem về Lam Sơn mai táng. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) phong Lê Lai là công thần hạng nhất, tặng là: “Suy trung đồng đức hiệp mưu bảo chính Lũng Nhai công thần”, hàm thiếu úy, hiệu là Toàn Nghĩa, (3) cho lập đền thờ trên nền đất cao gần 2m so với mặt ruộng, nơi rất sạch sẽ và thoáng mát. Phía bắc sau đền là dãy núi chạy dài lên đến tận núi Nan thuộc địa phận xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, phía nam trước đền là cánh đồng rộng trải dài. Phía tây là dãy núi nhấp nhô cũng bắt nguồn từ núi Nan chạy xuống và hạ thấp dần xuống cánh đồng trước đền. Xen giữa các núi nhấp nhô là thung lũng có các làng đồng bào dân tộc thuộc huyện Ngọc Lặc. Nhìn một cách tổng thể đền ở thế long chầu, hổ phục, thật là sơn thủy hữu tình, trước đền là hồ bán nguyệt, sau đền là những lùm cây cổ thụ rất huyền ảo… Chuyện về người anh hùng dân tộc Lê Lai và gia tộc cũng như quê hương ông thì rất nhiều và dài. Về địa điểm mà ông hy sinh (địch bắt được) mong được các nhà nghiên cứu và bạn đọc có ý kiến thêm để khỏi băn khoăn.

Chú thích:                          

(1), (2) Cương mục (q3 tr8), Lam Sơn thực lụcĐại Việt thông sử cũng chép như vậy.

(3) Lịch triều hiến chương loại chí (Nhân vật chí) quyển 8.

THĂM CHÍ LINH

Lê Huy Hoàng

Trời bày, đất dựng thế hay

Rồng thiêng ẩn giấu, bủa vây quân thù

Cái ngày trời đất mịt mù

Bình Ngô, Lê Lợi, chiến khu nơi này.

Ba lần tướng sĩ về đây

Linh Sơn đèo núi, cỏ cây, tình người

Chỗ nào Năng Cát một thời

Nghĩa quân ngày ấy từng ngồi nấu cơm ?…

Đâu rồi dòng suối mát thơm ?

Rượu hòa tướng sĩ còn ơn ngọt ngào…

Ải nào quân giặc xông vào ?

Bị ta chặn lại máu đào xông pha…

Lối nào Lê Lai tiến ra

Liều mình cứu chúa, bài ca tự hào

Mát trong dòng thác Ma Hao

Mà xưa giặc chẳng thể nào vượt qua.

Giao An, Giao Thiện quê ta

Sáu trăm năm mãi bài ca vọng về…

Các tin liên quan