Làng Kim Lũ xưa – phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) ngày nay vốn là mảnh đất có truyền thống văn hiến – thi thư. Truyền thống đó còn lưu giữ trong từng đường ăn lẽ ở của người dân và thể hiện sinh động nhất trong những nơi thờ tự linh thiêng. Phường Đại Kim hôm nay vẫn còn bốn nhà thờ: Nhà thờ do danh nhân văn hóa Nguyễn Siêu xây để thờ Tổ; Nhà thờ Đại thần Nguyễn Trọng Hợp; Ngôi từ đường họ Nguyễn – nơi thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái; Đền thờ công chúa Lê Thị Cúc Phương, con vua Lê Đại Hành.
Riêng khu đền thờ Vua Lê – ngõ 282, đường Kim Giang là còn có điều trăn trở. Một buổi sáng đầu Đông năm 2013, tôi ghé thăm. Khuôn viên của ngôi đền rộng chừng 1.000m2, có tường xây bao quanh. Chính quyền phường Đại Kim đã cho xây một ngôi nhà cấp bốn trong khuôn viên, trước vòm cửa đắp nổi năm chữ: Nhà khách đền Vua Lê. Nhưng ngôi đền Vua Lê thì đã bị phá từ thời tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Những năm gần đây, nhân dân xung quanh tự nguyện xây một cái bệ thờ bằng gạch trên nền đền cũ. Hằng ngày họ đến đặt lễ, thắp hương khấn vái. Nhất là vào mùng Một, ngày Rằm âm lịch thì rất đông. Chính quyền phường lại cho xây một ngôi nhà nhỏ bên cổng, cử một người bảo vệ. Thấy bệ thờ không có mái che, mỗi khi mưa, nhân dân không thể thắp hương được, anh bảo vệ tự nguyện mua một cái bạt che trên bệ thờ. Tôi gặp vài vị chức sắc của phường, họ đều nói ngôi nhà khách của đền mỗi năm chỉ mở cửa có một lần, ấy là vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch, nhân dân làm lễ tạ ơn vua. Tôi hỏi: “Có lễ tạ ơn sao không xây lại ngôi đền?”. Trả lời: “Cũng còn những cấn cá, băn khoăn. Sau khi nhà Lê mất ngôi, con cháu, hậu duệ cũng tản mát đi các nơi, cả phường không còn một ai. Chức sắc của phường nếu muốn đứng ra làm thì cũng còn lo kinh phí lấy từ nguồn nào, phải nghe ngóng ý của bề trên, chờ ngành quản lí văn hóa có bật đèn xanh hay không, vân vân và vân vân. Nói chung là còn rất nhiều trở ngại…”. Tôi đã đọc được cả những điều họ còn ngập ngừng chưa muốn nói. Tôi hiểu rằng, họ ngần ngại là có cái lí của họ, không thể trách cứ gì được.
Quả thật, ông Vua Lê được thờ trong ngôi đền này không phải là một anh hùng cái thế hay một danh nhân văn hóa lớn như các hoàng đế đầu triều: Lê Lợi, Lê Thánh Tông, tiên tổ của ngài. Song không phải vô cớ, ngôi đền đã bị phá, mà nhân dân vẫn âm thầm lập khán để thờ; khuôn viên đất đền ngay chốn kinh thành mà mấy thế kỉ rồi không ai dám xâm phạm lấn chiếm. Vì sao? Vì đã có nhân dân bảo vệ. Vậy thì ông Vua Lê được thờ ở đây phải có gì đó để nhân dân chiêm bái thờ phượng chứ!
Theo tôi hiểu thì ông vua được thờ trong ngôi đền này là Lê Anh Tông. Sau khi vua Lê Trung Tông (cháu năm đời Vua Lê Thánh Tông) mất, vì ngài không có con, đại thần Trịnh Kiểm toan chớp thời cơ soán ngôi tự xưng làm vua, nhưng còn ngại chưa thuận lòng người, bèn lén cho người đến Hải Dương hỏi ý kiến Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình không đáp, chỉ gọi người nhà dặn bảo: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói xong, Trạng Trình lại ung dung đi lễ chùa. Vào chùa, ông bảo các chú tiểu: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”.
Người của Trịnh Kiểm trở về thuật lại. Trịnh Kiểm hiểu ý, mới sai các thuộc hạ đi tìm con cháu của nhà Lê. Họ tìm được Lê Duy Bang, con viên trọng thần cũ trong triều tên là Lê Khoáng. Lê Khoáng là cháu năm đời của Lê Trừ, anh thứ hai của vua Lê Thái Tổ. Lê Duy Bang được đưa về triều làm lễ đăng quang, đặt hiệu là Lê Anh Tông. Thời điểm ấy khoảng cuối năm Bính Thìn – 1556.
Lê Anh Tông là ông vua ngay thẳng, có dũng khí, từng trực tiếp cầm quân ra trận chiến đấu với quân nhà Mạc. Nhưng do nhà Lê mới trung hưng, thực lực chưa mạnh, nên đại thần Trịnh Kiểm, rồi Trịnh Tùng đã nhanh chóng thâu tóm quyền lực. Cho đến năm Nhâm Thân – 1572, nhận thấy họ Trịnh càng ngày càng lộng hành, lấn lướt, tính mạng vua bị đe dọa, vua Lê Anh Tông bỏ ngôi, mang theo gia đình trốn về Nghệ An. Trịnh Tùng đuổi theo bắt lại, giết chết ngày 22 tháng Giêng năm Quý Dậu – 1573. Khi ấy vua 41 tuổi, ở ngôi được 16 năm, với ba lần đổi niên hiệu: Thiên Hựu, Chính Trị và Hồng Phúc.
Đó là theo chính sử. Theo tôi, sách chính sử vẫn có khi sử quan phải viết theo sự chỉ đạo của triều đình, không phải không có lúc tính khách quan thiếu được tôn trọng. Còn dân sử, chẳng cần sách vở vẫn được truyền từ đời này sang đời khác mà không chịu sự áp đặt của bất cứ thế lực nào. Tôi từng đến những nơi thờ phượng các bậc tiên hiền sống cách đây hàng nghìn năm do nhân dân tôn vinh lập đền thờ, truyền từ đời này sang đời khác, qua bão nổi can qua mà không hề bị bóp méo, xuyên tạc, nên tôi dám nói rằng, tôi tin dân sử.
Theo dân sử: Vào thời nhà Mạc nổi lên và đang ở thế mạnh, rất nhiều quan đại thần nhà Lê bị bắt, bị triệt hạ. Ông Lê Khoáng bị quân Mạc bắt giam ở Đại Áng (nay là xã Đại Áng, huyện Thanh Trì). Đại Áng cách Làng Lủ không xa. Bà phu nhân của ông Lê Khoáng tìm đến Làng Lủ tá túc để tiếp tế cho chồng. Quê bà trong xứ Thanh có nghề làm kẹo bánh. Bà thường mang chè lam, bánh cốm từ Thanh ra, đưa vào nhà tù để chồng ăn cho tiện, không phải bát đũa gì. Rồi như để trả ơn cho những người Làng Lủ cưu mang mình, bà dạy họ cách làm bánh, kẹo. Đó là các loại cốm trắng, chè lam, bánh đa khoai, kẹo các loại… Dân Làng Lủ duy trì và phát triển các loại đặc sản ấy thành thương hiệu nổi tiếng cho đến ngày nay.
Thời vua Lê Anh Tông trị vì, nhớ về nơi mẫu thân xưa kia từng tá túc để tiếp tế cho phụ thân trong tù ngục, một lần ngài ngự giá ghé thăm, thấy phong cảnh nơi đây âm dương giao hòa ngoạn mục, linh khí vượng, ngài quyết định chọn làm nơi tế lễ Nguyên Tiêu.
Ngài cho xây điện Kim Long, có Giếng Ngự, Ao Chầu, Viên Phù (vườn hoa), Mả Quan. Sau tế lễ, vua ban cho làng một số thửa ruộng để phục vụ công việc hương khói điện thờ. Các ông bà lên lão 55 tuổi đều được ngài ban tặng một vuông vải đỏ và năm quan tiền (về sau, Kim Lũ có tục mừng lên lão 55, đến nay phong tục ấy vẫn còn duy trì, là bắt nguồn từ việc làm này của nhà vua). Trẻ con thì được ngài mừng tuổi tiền bạc và quà bánh.
Năm 1573, vua Lê Anh Tông bị họ Trịnh giết hại. Hơn bốn mươi năm sau, trong một lần vua Lê Thần Tông, hậu duệ bốn đời của vua Lê Anh Tông, đến Lủ chuẩn bị cho lễ tế Nguyên Tiêu. Ngài cho xây lại điện Kim Long thành đền thờ vua Lê Anh Tông và hai bậc phụ thân, mẫu thân của vua. Sau lễ tế, ngài lại tổ chức mừng thọ và phát chẩn cho dân làng như cụ tổ của ngài đã từng làm.
Từ đó, cứ đến ngày 22 tháng Giêng, dân chúng lại tụ tập đến đền làm lễ Tạ ơn. Thực ra ngày 22 tháng Giêng là ngày mất của vua, nhưng nhân dân không gọi là ngày giỗ, gọi thế nó mang tính gia đình, họ tộc, phạm vi hẹp hòi quá. Họ gọi là lễ Tạ Ơn cho mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, sâu xa hơn.
Đền Vua Lê được nhân dân Kim Lũ giữ gìn, bảo trọng, thờ phượng suốt ba thế kỉ, cho đến những ngày tiêu thổ kháng chiến bị phá. Hòa bình, vì những nguyên do chẳng đâu vào đâu, đền không xây lại, nhưng nhân dân vẫn âm thầm xây khán, che bạt để thắp hương thờ phượng, chiêm bái. Bởi những gì thuộc về ngôi đền vẫn được người đời trước truyền lại cho người đời sau, như mạch nước nguồn không bao giờ vơi cạn.
Ông Nguyễn Bá Lăng, một cán bộ về hưu hiện giữ chức Chủ tịch Hội NCT Khu dân cư số Một Kim Lũ còn lục trong trí nhớ rồi đọc cho tôi nghe những câu chữ trên hoành phi, câu đối của ngôi đền, mặc dù những hoành phi câu đối ấy đã biến mất cùng với ngày ngôi đền bị phá. Ông Lăng bảo trên bức tường bên trên cổng đền có hai chữ “Đản tường”, nghĩa là bức tường tốt lành. Hai câu đối chạm hai bên trụ cổng: “Thăng tính đản tường khai hoa mãn nguyệt/ Thanh đàm dục tú cổ mộc xuân thiên”.
Cũng có những ý kiến cho rằng ngôi đền xưa thờ vua Lê Trang Tông (Chúa Chổm), song căn cứ theo những sử liệu và cứ liệu thì không phải. Đành rằng thuở sinh thời Lê Trang Tông có đến đây (có ý kiến còn cho rằng ngài sinh ở đây). Nhưng người tổ chức lễ tế nguyên tiêu, phát chẩn cho dân làng hằng năm không phải là ngài mà là vua Lê Anh Tông sau này. Chính vì thế mà nhân dân chọn ngày mất của vua Lê Anh Tông – 22 tháng Giêng để tổ chức lễ tạ ơn hằng năm. Đương nhiên khi lập đền thờ vua Lê Anh Tông, các vua hậu duệ không quên đặt bài vị cả cho bậc bề trên Lê Trang Tông, nếu quả thực ngài từng sống ở đất này.
Sau tết Nguyên đán 2014, doanh nhân Lê Thanh Thản (Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh) đến thăm khuôn viên ngôi đền. Hẳn ông cũng mang tâm trạng ngậm ngùi nên ít ngày sau ông quyết định bỏ tiền tài trợ để xây lại ngôi đền. Một nghĩa cử chính đáng và cao đẹp đương nhiên đã được chính quyền phường Đại Kim hoan nghênh nhiệt liệt. Cùng với chính quyền phường, khu phố, Hội NCT cũng xúm tay vào. Thế là công việc thông dòng bén giọt. Ngôi đền được khởi công từ giữa mùa Xuân, đến nay, gần giữa Thu, đã hoàn thành, rất đẹp, rất khang trang và có giá trị bền lâu. Chiều 30/8 (tức ngày 6 tháng 8 âm lịch) sẽ tổ chức lễ yên vị. Ngày 3/9 (tức ngày 10 tháng 8 âm lịch) năm 2014 sẽ tổ chức lễ khánh thành.