Tìm về cội nguồn

Hội đồng Họ Lê Việt Nam đề nghị bảo tồn, tôn tạo khu di tích “Vua Lê Đại Hành với cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất”

Sau cuộc khảo sát tại khu vực ngã ba Xà (hợp lưu của sông Cà Lồ với sông Cầu) để xác định vị trí thành Bình Lỗ, một cứ điểm phòng thủ của vua Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, Hội đồng Họ Lê Việt Nam đã có văn bản gửi Đảng ủy, UBND xã Xuân Giang, đề nghị xây dựng đề án bảo tồn, tôn tạo di tích thành Bình Lỗ và khu Di tích “Vua Lê Đại Hành với cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất”. Dưới đây là nội dung bức thư:

Ảnh: Dấu tích thành Bình Lỗ hiện nay

Kính gửi Đảng ủy, UBND xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội

“Vừa qua, đại diện Hội đồng Họ Lê Việt Nam, Hội đồng Họ Lê tỉnh Bắc Ninh cùng một số hậu duệ của vua Lê Đại Hành (Họ Lê Lục Chi ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã có cuộc khảo sát tại khu vực ngã ba Xà ( hợp lưu của sông Cà Lồ với sông Cầu) để xác định vị trí thành Bình Lỗ, một cứ điểm phòng thủ mà vua Lê Đại Hành đã cho xây dựng trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất.
Cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược lần thứ nhất cách đây đã hơn 10 thế kỷ, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc kháng chiến này, đều khẳng định là có thành Bình Lỗ nhưng chưa ai chỉ ra được Thành Bình Lỗ ở đâu.
Biết rằng xưa kia Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh giá rất cao chiến thắng Bình Lỗ. Theo sử liệu cũ ghi lại thì vào năm 1300, khi nằm trên giường bệnh, Hưng Đạo Vương đã dặn lại vua Trần Anh Tông là phải học tập kinh nghiệm của nhà Tiền Lê về việc “đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống”.
Dựa theo các tài liệu cổ và kết quả nghiên cứu lịch sử kết hợp khảo sát thực địa, chúng tôi cho rằng thành Bình Lỗ nằm trên một doi đất cao, ngay bờ Nam sông Cà Lồ, cách ngã ba Xà khoảng 2 km. Trong khoảng cách từ cửa sông Cà Lồ hiện nay đến doi đất cao nêu ở trên, không có gò đất nào cao và lớn như thế nữa để có thể lập doanh trại. Nhiều nhân chứng tại đây còn cho biết trên doi đất này trước năm 1954 có cả một làng đông đúc có tên là làng Đại Phùng và cũng là nơi định cư của một xứ đạo lớn có tên là Trung Nghĩa (thuộc xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội). Cho nên khẳng định gò đất cao chính là vị trí của thành Bình Lỗ là có cơ sở và có tính thuyết phục. Hiện nay, tại bãi đất này, đang có một doanh nghiệp khai thác đất, sản xuất gạch.
Các tài liệu cho biết, thành Bình Lỗ mà Lê Hoàn cho xây dựng thời kỳ kháng chiến chống Tống, không phải là một tòa thành được xây dựng kiên cố mà là một hệ thống công sự phòng thủ vững chắc dựa vào các điều kiện tự nhiên và sử dụng những vật liệu sẵn có trong vùng. Dưới sông, đoạn xung quanh doi đất cao, quân dân Đại Cồ Việt xưa đã lập thành các hàng rào bằng tre gỗ ken dày và chắn ngang dòng nước, trên bờ đắp thêm các ụ đất xen vào giữa các lũy tre như đã thấy ở thành Cổ Loa trước đó hay trên chiến tuyến sông Như Nguyệt thời Lý sau này.
Tại vị trí của bãi đất hiện đang là các lò gạch, có thể thấy thành Bình Lỗ xưa có hình dạng giống như một chiếc móng ngựa, chỗ rộng nhất lên đến trên 700 m, hơn 2/3 chu vi được bao bọc bởi dòng sông Cà Lồ tạo thành con hào thiên nhiên khó vượt qua. Lòng sông Cà Lồ nhỏ hẹp, bề ngang trung bình khoảng 50 m và về mùa cạn mực nước thông thường chỉ dao động từ 1,0 m đến 2,5 m. Với điều kiện như vậy, xưa kia Lê Hoàn có thể ra lệnh cho quân và dân đóng cọc tre gỗ thẳng xuống lòng sông từ bờ này sang bờ kia để cản giặc. Được biết, trong quá trình hút cát ở lòng sông khu vực này đã phát hiện nhiều cọc gỗ dài, nhọn đầu, có thể là hệ thống vật cản bố trí xưa kia.
Cũng theo một số tài liệu nghiên cứu, vị trí mà vua Lê Đại Hành chọn xây thành Bình Lỗ nằm trong căn cứ kháng chiến của hai vị Thánh Tam Giang là Trương Hống, Trương Hát. Điều này rất có cơ sở vì ngay tại xã Xuân Giang, đến nay vẫn còn di tích Thành phủ là căn cứ của nghĩa quân Trương Hống, Trương Hát xưa và cũng tại đây có Đình Tiên Tảo thờ hai vị Thánh này. Xung quanh khu vực thành Bình Lỗ có hệ thống sông ngòi, tuy nhỏ nhưng đủ tạo thành một vùng khép kín, liên thông với nhau, dễ dàng phát triển thành một căn cứ thủy binh mạnh khi chiến sự xảy ra. Doi đất như được thiên nhiên tạo ra để trở thành một pháo đài dễ phòng thủ và khó tấn công.
Như vậy, qua nghiên cứu địa hình, địa vật cụ thể tại khu vực xã Xuân Giang, có cơ sở để tin rằng thành Bình Lỗ chính là doi đất bên bờ sông Cà Lồ được vua Lê Đại Hành cho đắp cao bằng đất và sử dụng tre dựng chiến lũy chống quân Tống xâm lược. Tài liệu về diễn biến trận đánh quân Tống dưới sự chỉ huy của vua Lê Đại Hành cho biết, năm 981, quân Tống đã tiến công nhiều lần vào thành Bình Lỗ, nhưng đều gặp khó khăn. Chúng mở trận Đồ Lỗ vào ngày 7-2-981, mở trận Lục Giang vào tháng 3-981 nhằm đi vòng phía sau đột nhập vào kinh đô Hoa Lư, nhưng đều bị quân Đại Cồ Việt đánh bật ra ngoài, rồi bị đẩy lui.
Nhờ cứ điểm phòng thủ Bình Lỗ, Lê Hoàn đã tổ chức đánh chặn, tiêu hao, tiêu diệt địch trên các hướng, không cho chúng hợp quân đánh chiếm Đại La và Bắc Bộ, bảo đảm an toàn cho kinh đô Hoa Lư.
Công trình phòng thủ thành Bình Lỗ còn đánh dấu bước phát triển, sáng tạo quan trọng về nghệ thuật quân sự thời Tiền Lê. Cuộc kháng chiến năm 980-981 thắng lợi trọn vẹn chính là nhờ vào mưu trí và tài nghệ của tướng quân Lê Hoàn. Ông đã lợi dụng điều kiện địa hình sông ngòi của nước ta, bố phòng hợp lý khiến cho quân Tống không dùng được kế “đánh nhanh thắng nhanh”. Ông lại thực thi có hiệu quả thuật công tâm và kế trá hàng làm cho các tướng Tống không lường trước được. Diễn biến của trận đánh cho thấy trình độ nghệ thuật quân sự của dân tộc ta lúc này đã có sự phát triển mới, từ nghệ thuật quân sự của chiến tranh giải phóng sang chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thể hiện qua nghệ thuật chủ động bố trí thế trận; khéo lợi dụng địa hình, địa thế; chọn đúng đối tượng tác chiến; biết dùng mưu kế và phối hợp tác chiến giữa quân chủ lực và dân binh ở các địa phương.

Phác họa Thành Bình Lỗ 

Hiệu quả của trận đánh ở khu vực thành Bình Lỗ rất cao làm cho quân Tống hàng chục năm sau vẫn còn sợ hãi. Năm 1005, nhân khi vua Lê Đại Hành mất, tình hình Đại Cồ Việt rối ren, các quan lại nhà Tống xin tiến quân xâm chiếm để trả thù, nhưng vua Tống Chân Tông vẫn một mực từ chối.
Chiến thắng Bình Lỗ thực sự là một mốc son chói lọi trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Để tưởng nhớ công lao của vua Lê Đại Hành và ghi lại dấu ấn về một chiến tích quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất tại thành Bình Lỗ xưa, Hội đồng Họ Lê Việt Nam trân trọng đề nghị lãnh đạo xã Xuân Giang xin ý kiến các cơ quan chức năng và lãnh đạo cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng đề án bảo tồn, tôn tạo di tích thành Bình Lỗ và khu Di tích “Vua Lê Đại Hành với cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất” tại xã Xuân Giang.
Vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã khởi công và sắp hoàn thành di tích Lý Thường Kiệt và phòng tuyến sông Như Nguyệt trong kháng chiến chống Tống lần thứ hai. Di tích “Vua Lê Đại hành với kháng chiến chống Tống lần thứ nhất” cùng với khu di tích nói trên sẽ góp phần quan trọng để các thế hệ hôm nay và mai sau tri ân các bậc tiên liệt đã có công bảo vệ nền độc lập dân tộc và giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào về dân tộc của mình, noi gương các thế hệ đi trước đoàn kết bảo vệ biên cương, đất nước và chủ quyền quốc gia, để Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn.
Rất mong sự quan tâm của Quí lãnh đạo xã”.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM
LÊ VĂN TAM
(đã ký)

Các tin liên quan