Trong nước

Lê Trung Giang (đầu Thế Kỉ XVI)

LÊ TRUNG GIANG (đầu thế kỉ XVI)

Gần 500 năm về trước, mảnh đất ven biển Hoằng Hoá đã sinh ra một vị tướng, một người con nhân hậu, giàu lòng yêu quê hương, đất nước và thương dân. Đó là Lê Trung Giang, thụy Quảng Xuyên, người làng Đô Du thuộc xã Đống Hà Đông, tổng Ngọc Chuế nay là làng Hồng Đô xã Hoằng Ngọc. Ông sinh năm nào không rõ nhưng mất năm 1600 (ngày 20 tháng 6 âm lịch).

Làng Đô Du, tổng Ngọc Chuế vốn là vùng quê thuần hậu, thời xa xưa ở đây vừa làm ruộng vừa có nghề đánh cá biển. Cuộc sống lao động ruộng đồng và sông biển đã tạo nên nét riêng của truyền thống văn hoá làng xã, nét riêng của con người khoẻ mạnh về thể chất lẫn tâm hồn.

Gia phả họ Lê Trung ở làng Đô Du đã ghi: Ông Lê Trung Giang là người có sức lực phi thường, vì vậy nhân dân trong vùng thường gọi là ông Đô Thống, ông nổi tiếng về môn vật, bản tính ông cương trực, hay giúp đỡ mọi người nhất là người nghèo khổ.

Dưới triều Lê Cung Hoàng (Xuân), niên hiệu Thống Nguyên (1522-1527), nhà Lê lâm vào khủng hoảng. Mạc Đăng Dung một đại thần trong triều cướp ngôi nhà Lê. Cuộc nội chiến quyết liệt diễn ra giữa 2 thế lực nhà Lê và nhà Mạc. Lợi dụng cơ hội hỗn loạn, bọn du thủ du thực nổi lên cướp bóc của cải, hà hiếp dân lành ở nhiều nơi trong vùng. Lê Trung Giang đã tập hợp trai tráng trong làng, tự rèn sắm vũ khí, đánh đuổi giặc cướp, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Là người có nghĩa khí, có tài thao lược, với ý tưởng bảo vệ sự thống nhất quốc gia nhà Lê, ông đã hưởng ứng lời hiệu triệu của các cựu thần nhà Lê như An Thanh hầu Nguyễn Kim, Lý Quốc Công, Trịnh Duy Thuận, Phục Hưng Hầu Trịnh Duy Duyệt và cả đô đốc Trịnh Duy Liêu… đem lực lượng vũ trang do ông tự tổ chức, hội nhập vào lực lượng nhà Lê, đánh đuổi quân Mạc, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn khôi phục và mở ra thời kỳ nhà Lê trung hưng ở cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, chấm dứt tình trạng phân tranh, đem lại thái bình cho đất nước.

Lê Trung Giang đương thời giữ nhiều trọng trách dưới 4 triều vua: Lê Trang Tông (1533-1548), Lê Trung Tông (1548-1556), Lê Anh Tông (1556-1573), Lê Thế Tông (1573-1599).

Ông được vua Lê Thế Tông phong “Uy vũ công thần Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Phụ quốc thượng tướng quân đề đốc Tĩnh Quận công”, đồng thời được nhà vua ban thưởng 4 đôi đũa ngà và bức trướng “Khải văn võ đường” (tức nhà mở nghiệp bằng cả văn lẫn võ), được cấp 30 mẫu lộc điền ở quê hương.

Ngoài ra, trong vòng 300 năm tiếp theo, các triều đại phong kiến nhà Lê, nhà Nguyễn đã phong 12 đạo sắc cho ông, trong đó có những sắc ghi nhận nổi bật như: “khai quốc công thần cương nghị thành hoàng Đô thống lĩnh ứng cảnh khẩu tối linh đại vương thượng đẳng thần” (năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767). 12 đạo sắc còn lưu ở nhà thời tại làng Hồng Đô ngày nay.

Là người có công với vua, với nước, được thể hiện bằng tấm lòng “trung quân ái quốc”, Lê Trung Giang không những là vị tiền bối anh linh của dòng họ Lê Trung mà còn được phong làm Thành hoàng làng Đô Du. Đền thờ ông do dân làng lập nên và có khắc 4 chữ trong bức đại tư “Dân thụ kỳ từ” (tức dân được hưởng lộc nên lập đền thờ) còn lưu đến ngày nay.

Hàng năm cứ đến ngày 20 tháng 6 âm lịch, ngày mất của ông dân làng lại làm lễ dâng hương tưởng niệm rất trọng thể.

Cùng thời với ông, một người em ruột là Lê Trung Hải, thụy Quảng Khê, danh tướng thời Lê làm quan trong triều, năm Thuận Bình (1549 – 1556) cũng được phong là “Hộ bộ Tả thị lang” và đến năm niên hiệu Gia Thái (1573 – 1577) lại được phong “Thái bộc Tự khanh Văn Tuyên hầu”.

Kế đó nữa, ba thế hệ tiếp theo là con ông và cháu chắt trực hệ của ông, đều làm quan dưới triều Lê và có những sắc phong như:

Con ông: Lê Trung Diễn được phong “Thượng tướng quân Đô đốc Tỉnh quận công”.

Cháu và chắt trực hệ của ông là Lê Trung Tứ và Lê Trung Hiện cũng  được phong “Thượng tướng quân” dưới triều Lê. Nay đền thờ ông Lê Trung Giang và Lê Trung Hiện đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Có thể nói, lúc còn là người dân bình thường cũng như lúc làm quan, ông Lê Trung Giang luôn là người khoan dung, nhân hậu coi trọng sự đoàn kết dân làng, coi trọng nghĩa vụ đối với quốc gia nên được Nhà nước cũng như nhân dân rất quý mến.

Bức đại tự của dân thờ ông và 12 đạo sắc của vua ban qua nhiều triều đại còn lưu lại đến bây giờ với dấu ấn của nhà vua còn tươi màu son đã nói lên công tích to lớn của người con quê hương xã Đống Hà Đông xưa mà ngày nay là xã Hoằng Ngọc- huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Các tin liên quan