Tìm về cội nguồn

Tổng duyệt chương trình Lễ hội Lam Kinh năm 2022

HLVN – Sáng 16-9 (tức ngày 21-8 năm Nhâm Dần), Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 589 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi, 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt và lễ hội Lam Kinh 2022 đã tổ chức tổng duyệt chương trình lễ kỷ niệm.

Các đại biểu tham dự lễ tổng duyệt.

Dự và chỉ đạo tổng duyệt có đồng chí: Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Lễ kỷ niệm bắt đầu với nghi thức rước kiệu truyền thống. Tiếp đó là lễ dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế, đọc chúc văn tưởng nhớ công lao của Vua Lê Thái Tổ và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hào khí Lam Sơn – tỏa sáng trường tồn”, gồm 3 chương. Chương I: Hào khí Lam Sơn – Anh hùng tụ nghĩa. Chương II: Bình Định Vương đăng quang Hoàng Đế. Chương III: Tiếp bước cha ông, Thanh Hóa trên đường đổi mới và phát triển.

Chương trình nghệ thuật tập trung tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ, Nhân dân đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh. Ngoài ra, các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sỹ sẽ trình diễn trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng huyện Ngọc Lặc, múa bát dân tộc Dao nhằm thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh, tạo nên một chương trình nghệ thuật mang âm hưởng hào hùng, hoành tránh, đa màu sắc.

Ban Tổ chức họp rút kinh nghiệm.

Sau buổi tổng duyệt, Ban Tổ chức đã họp rút kinh nghiệm với các đơn vị liên quan và ê kíp thực hiện chương trình, qua đó củng cố thêm tính kết nối giữa các phần nội dung, hoàn chỉnh kịch bản chương trình, maket sân khấu, trang trí, khánh tiết, âm thanh…

Đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị rút kinh nghiệm.

Phát biểu kết luận, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị, ngành chức năng và ê kíp chương trình. Đồng thời, cho ý kiến cụ thể vào một số nội dung trong chương trình, đặc biệt là chương trình nghệ thuật; maket sân khấu, trang trí, khánh tiết, âm thanh, công tác đảm bảo an ninh – trật tự, an toàn điện, phòng chống cháy nổ…

Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp rút kinh nghiệm.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ê kíp thực hiện chương trình tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của thành viên Ban Tổ chức, tiếp tục hoàn thiện và chỉnh sửa nội dung chương trình, khánh tiết… để phù hợp với văn hóa, lịch sử và hấp dẫn du khách. Đồng thời, yêu cầu huyện Thọ Xuân cùng các đơn vị liên quan tập trung chỉnh trang hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, điện, đèn giao thông; huy động tối đa nguồn lực bảo đảm an ninh – trật tự, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết phục vụ cho lễ kỷ niệm diễn ra trang trọng, an toàn, thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.

Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào sáng mai (17-9) tại sân Rồng chính điện Lam Kinh, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Trước đó, đồng chí Đầu Thanh Tùng cùng Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm đã tham dự Lễ dâng hương tại đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (Đền Tép) tại xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc).

Tại đây, sau nghi lễ rước kiệu về đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh trống khai hội. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu và Nhân dân, du khách đã dâng hương tưởng nhớ công ơn của Trung Túc Vương Lê Lai.

Thùy Linh

Các tin liên quan