Hội đồng họ Lê các tỉnh thành

Họ Lê Bắc Ninh trong dòng chảy dân tộc

   HLVN- Phát huy truyền thống của ông cha từ ngày lập nước, qua nhiều thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, các thế hệ hậu duệ họ Lê ở Bắc Ninh đã không những tu dưỡng rèn luyện đóng góp nhiều công sức, tiền của, tài năng đoàn kết cùng trăm họ xây dựng quê hương đất nước.

Rạng danh Lê tộc

Dòng họ Lê là một trong những dòng họ khởi thủy có nhân khẩu đông vào hàng thứ 2 ở Việt Nam. Theo sách danh nhân lịch sử Việt Nam của tác giả Hà Tùng Tiến, thì Thục Phán An Dương Vương là người dòng họ Lê ở Mỹ Đức – Hà Nội, cuối đời Hùng Vương thứ 18 – năm 258 trước công nguyên ông lên ngôi xưng làm An Dương Vương, bỏ quốc hiệu Văn Lang, lập nước Âu Lạc đóng ở Đông Kinh, xây thành Cổ Loa; Thục Phán An Dương Vương được tôn làm Thủy tổ của họ Lê.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, họ Lê đã 2 lần nắm giữ vương quyền tới 399 năm: Thập đạo tướng quân Lê Hoàn – Thọ Xuân – Thanh Hóa đánh đuổi quân xâm lược Tống, lập ra nhà Tiền Lê; anh hùng giải phóng Lê Lợi lãnh đạo nhân dân đuổi giặc Minh lập ra nhà Hậu Lê, ông cũng là người Thọ Xuân – Thanh Hóa, là một trong 3 vị Tổ trung hưng đất Việt. Vua Lê Thánh Tông bình Chiêm, trừ hậu họa và dựng xây đất nước, có những câu nói nổi tiếng mà ngày nay vẫn còn nhắc tới về tấc đất, tấc sông, tấc biển…. Ngoài ra còn rất nhiều vị tướng tài người họ Lê tận trung với nước với dân mà sử sách còn ghi, triều đại nào cũng có. Triều lý có Lê Phụng Hiểu dẹp loạn tam vương; triều Trần có Lê Phụ Trần; thời Hậu Lê có Lê Lai cứu chúa; Lê Văn Long là võ tướng Hữu quân đô đốc của Quang Trung; Lê Văn Duyệt là công thần triều Nguyễn. Sử sách còn lưu truyền nhiều nhân sỹ, trí thức nổi tiếng người họ Lê, tiêu biểu như: nhà sử học Lê Văn Hưu ở triều Trần với bộ Đại Việt sử ký; Lê Quý Đôn là nhà bác học kiệt xuất thời Lê Trung Hưng; thần y đất Việt – Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Dòng họ Lê cũng phát tích nhiều vị Trạng nguyên nổi tiếng của nước nhà: Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi tuyển Minh kinh bác học năm Ất Mão 1075, là khoa thi đầu tiên của nho học Việt Nam, giữ chức Thái Sư triều Lý; Lê Ích Mộc người đỗ đầu khoa thi Nhâm Tuất – Cảnh Thống năm thứ 5 (1502), đời Lê Hiến Tông. Trong danh sách khoa bảng triều Nguyễn 115 năm có tới 650 vị Hương cống, cử nhân, tiến sỹ, phó bảng là người họ Lê.

Trong lịch sử nước nhà cũng xuất hiện nhiều phụ nữ họ Lê từng đảm đang gánh vác việc giang sơn, sử sách còn lưu truyền bà Lê Chân – ở An Viên – Đông Triều đã cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán dựng nền độc lập năm 40-43, bà là người có công khai khẩn lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay. Nguyên Phi Ỷ Lan – tên thật là Lê Thị Yến, vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông; công chúa Ngọc Hân – vợ vua Quang Trung.

Thời đại Hồ Chí Minh, dòng họ Lê đã cống hiến cho đất nước nhiều nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc của đất nước, tiêu biểu là: cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong (1902-1942) – Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương thời kỳ 1935-1936; cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ( Tổng bí thư từ 1960-1986); Lý Tự Trọng – tên thật là Lê Văn Trọng, người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; cố Đại tướng Lê Đức Anh –Chủ tịch nước. Ngoài ra còn nhiều cán bộ người họ Lê giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, nhà nước, quân đội, nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang, thầy thuốc nhân dân, nhà giáo nhân dân, nhà khoa học, cũng như bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Tiếp nối truyền thống tổ tiên

Bắc Ninh – Kinh Bắc cái nôi của người Việt cổ, nơi có lăng mộ Kinh Dương Vương, ông nội của Vua Hùng, mảnh đất sản sinh ra nhiều bậc thánh nhân, hiền tài đất Việt, trong đó có nhiều người là con cháu họ Lê. Theo sử sách ở Bắc Ninh từ thế kỷ thứ 10 đã xuất hiện họ Lê ở Tam Giang – Yên Phong, hậu duệ của Lê Hoàn, dòng Lê Trung Tông; Lê Văn Thịnh là người Bảo Tháp – xã Đông Cứu – huyện Gia Bình người đỗ đầu khoa thi Ất Mão 1075, tuyển Minh Kinh Bác Học, khoa thi nho học đầu tiên ở Việt Nam , tên ông được đặt cho nhiều đường phố trong tỉnh nhà. Tiếp nối truyền thống khoa bảng của cha ông nhiều chi họ Lê ở Bắc Ninh thực sự phát huy truyền thống hiếu học, nhiều đời có tiến sỹ, cử nhân, có gia đình cả cha con đều là tiến sỹ, thạc sỹ, điển hình như: Lê Doãn ở Đại Mão – Hoài Thượng – Thuận Thành; Lê Sỹ ở Yên Định – Phù Lương – Quế Võ; Lê Văn ở Phù Khê –Từ Sơn; Lê Nho ở Đại Mão – Hoài Thượng – Thuận Thành; Lê Công ở Gia Phú – Bình Dương – Gia Bình; Lê Công Thần ở Phù Lưu – Đông Ngàn – Từ Sơn; Lê Thế Tướng ở Phù Lưu – Đông Ngàn – Từ Sơn; Lê Lục Chi ở Tam Giang – Yên Phong.

Phát huy truyền thống của tổ tiên trong thời đại Hồ Chí Minh, người họ Lê qua các thời kỳ kháng chiến và kiến quốc đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, đóng góp nhiều công sức cho cách mạng. Trên vùng đất địa linh nhân kiệt có hàng trăm chi họ Lê, hàng vạn nhân khẩu đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kháng chiến và kiến quốc, ở chi họ Lê nào cũng người tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, nhiều người con họ Lê đã ngã xuống ở chiến trường, nhiều chi họ có liệt sỹ, tiêu biểu như: Lê Văn – ở Xuân Lai –Xuân Lai –Gia Bình có 16 liệt sỹ, Lê Thế Tướng – Phù Lưu – Đông Ngàn – Từ Sơn có 15 liệt sỹ… Nhiều con em họ Lê trở thành cán bộ cao cấp của quân đội, tướng lĩnh lực lượng vũ trang tiêu biểu như: Lê Đình ở Đại Mão – Hoài Thượng – Thuận Thành; Lê Văn ở Phù Khê – Từ Sơn; Lê Thế Tướng ở Phù Lưu – Đông Ngàn – Từ Sơn; Lê Bá ở Bảo Ngọc – Thái Bảo – Gia Bình ; Lê Lục Chi Tam Giang – Yên Phong; Lê Văn ở Phú Văn – Phú Hòa – Lương Tài; Lê Đình ở Đông Bình – Gia Bình ….Nhiều chi họ có bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiêu biểu như: Lê Sỹ ở Yên Định – Phù Lương – Quế Võ có 6 bà mẹ Việt Nam anh hùng; Lê Đắc thuộc Lục Chi – Tam Giang có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng; Lê Đình ở Xuân Lai….; nhiều con em họ Lê Bắc Ninh đạt các danh hiệu anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà giáo ưu tú. Nhiều người con họ Lê Bắc Ninh trở thành Đảng viên của Đảng, lãnh đạo các cơ quan ban ngành tỉnh, lãnh đạo huyện – thị xã – thành phố, cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan trung ương. Nhiều gia đình họ Lê nhiều thế hệ tiếp nhau là đảng viên, tiêu biểu như: gia đình cụ Lê Hưng ở Phú Văn – Phú Hòa – Lương Tài có 3 thế hệ là đảng viên, 3 thế hệ cùng tham gia công an nhân dân; gia đình cụ Lê Thị Huân ở Xuân Lai – Xuân Lai – Gia Bình có 3 thế hệ là đảng viên; gia đình ông Lê Lứu ở Thị trấn Thứa – Lương Tài có 2 thế hệ là đảng viên, cả 2 thế hệ đều tham gia quân đội; gia đình ông Lê Văn Dậu ở thị trấn Gia Bình có 3 thế hệ là đảng viên.

Người họ Lê Bắc Ninh luôn hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ giáo dục con cháu hướng tới chân – thiện – mỹ

Hội đồng họ Lê Bắc Ninh được thành lập tháng 12/2009 tại nhà thờ họ Lê Chi Trung ở Phù Khê – Từ Sơn, từ ngày thành lập đến nay đã tập hợp được trên 60 chi ngành họ Lê trong tỉnh ở 8/8 huyện – thị xã – thành phố vào Hội đồng với nhiều hoạt động thiết thực, ích nước, lợi nhà, gắn việc họ với việc nước; tích cực về nguồn tri ân tiên tổ, tri ân với các anh hùng liệt sỹ, tri ân với Bác Hồ; làm tốt các hoạt động khuyến học, khuyến tài, vinh danh con cháu trong dòng họ có thành tích ở nhà thờ Tổ vào các ngày giỗ Tổ và Quốc khánh 2/9. Tổ chức tốt 2 đợt vinh danh con cháu vượt khó học giỏi tại đền thờ Trạng nguyên khai khoa – Thái sư Lê Văn Thịnh, truyền lửa cho con cháu về hào khí cha ông, hào khí Lam Sơn anh hùng. Tổ chức tốt lễ ký cam kết xây dựng gia đình họ Lê Bắc Ninh thực hiện tốt quy ước thôn làng , khu phố không tội phạm và tệ nạn xã hội, được Hội đồng họ Lê Việt Nam đánh giá cao, cũng như sự ghi nhận của các cơ quan nhà nước; đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh.

Từ ngày thành lập đến nay, HĐHL Bắc Ninh đã tập hợp kết nối đến các chi ngành họ Lê trong tỉnh, tham gia tích cực các hoạt động của HĐHL Việt Nam mà cụ thể là: Lê tộc Việt Nam với ngàn năm Thăng Long Hà Nội, tổ chức đoàn đại biểu tham dự gắn biển công trình Nghìn năm Thăng Long Hà Nội tại đền Trạng nguyên khai khoa Thái sư Lê Văn Thịnh; cũng như tổ chức đoàn đại biểu dự lễ kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, tham gia cuộc thi về khởi nghĩa Lam Sơn và anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi đã đạt 01 giải ba và 01 giải khuyến khích; tổ chức đoàn đại biểu tham dự 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt…. cũng như nhiều hoạt động tri ân Đức Vua Lê Thánh Tông ở chùa Huy Văn – Hà Nội và Quảng Ninh.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội đồng họ Lê Bắc Ninh tổ chức tốt hội nghị gặp mặt, tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với nước, các hậu duệ họ Lê tiêu biểu, thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đồng thời cùng nhau tiếp tục cam kết xây dựng gia đình họ Lê thực hiện tốt quy ước thôn làng không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

Kỷ niệm 85 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam , Hội đồng họ Lê Bắc Ninh tổ chức hội nghị kỷ niệm 5 năm thành lập, dâng hương cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, vinh danh các đảng viên tiêu biểu đạt danh hiệu 40 – 50 năm tuổi Đảng. Cùng nhau ôn lại truyền thống của ông cha trong dòng chảy lịch sử dân tộc, cũng như thời đại Hồ Chí Minh, từ đó xác định trách nhiệm của mỗi thành viên Lê tộc Bắc Ninh trong cộng đồng Lê tộc Việt Nam, Lê tộc Bắc Ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Từ những kết quả trên, HĐHL Bắc Ninh là một trong những đơn vị đã được HĐHL Việt Nam vinh danh về thành tích tập hợp họ Lê thực hiện tốt quy ước thôn làng, khu phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội, được HĐHL Việt Nam vinh danh về hoạt động khuyến học.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, 10 năm thành lập HĐHL Bắc Ninh, tại đền thờ Trạng nguyên khai khoa – Thái sư Lê Văn Thịnh, nơi đất thiêng, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn liệt tổ liệt tông; cảm ơn các bà mẹ đã sinh thành các anh hùng liệt sỹ người họ Lê đã có đóng góp xương máu cho cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc cũng như sinh thành nhiều người con ưu tú ngày đêm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cảm ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu cũng như biết bao anh hùng liệt sỹ của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh để chúng ta có cuộc sống ấm no hạnh phúc hôm nay.

Bám sát vào tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam, các giá trị chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh, các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, tiến tới các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2020, Hội đồng họ Lê Bắc Ninh tiếp tục phát động, toàn thể các thành viên họ Lê Bắc Ninh cam kết thực hiện tốt quy ước thôn làng, không có tội phạm và tệ nạn xã hội, tiếp tục xây dựng gia đình, dòng họ Lê học tập, học tập suốt đời với các nội dung cam kết sau:

. Tất cả thành viên họ Lê Bắc Ninh cam kết thực tốt tôn chỉ mục đích của họ Lê Việt Nam, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau giữa người mang họ Lê và người ở cộng đồng dân cư. Động viên, giúp đỡ nhau, khuyến khích các mặt tốt, phê bình góp ý các mặt sai trái kịp thời để sửa chữa. Ông bà cha mẹ phải gương mẫu, con cháu hiếu thảo, kính trên nhường dưới trong dòng họ và cộng đồng. Tích cực lao động sản xuất, thực hiện tốt quy định của địa phương về chính sách Thuế với Nhà nước; thực hiện cạnh tranh lành mạnh, không buôn bán những mặt hàng Nhà nước cấm ; không lừa đảo chiếm dụng vốn của người khác; tích cực hưởng ứng các đợt vận động ủng hộ Đền ơn đáp nghĩa và ủng hộ xã hội nhân đạo, uống nước nhớ nguồn.

. Chấp hành tốt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không chơi, không chứa chấp cờ bạc, không mắc tệ nạn xã hội ma túy – mại dâm; không mua bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy, không rượu chè bê tha, không nghe theo kẻ xấu kích động, gây mất ổn định tình hình nông thôn; có lối sống lành mạnh theo các giá trị chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Không ai vi phạm luật lệ giao thông, khi uống rượu bia không tham gia giao thông, đi môtô xe máy phải đội mũ bảo hiểm và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Phải thực hiện nếp sống văn minh ở nơi công cộng, không ăn mặc hoặc có hành vi càn quấy ở nơi công công. Thực hiện tốt Nghị quyết 20, 191 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về thực hiện nếp sống văn minh và đưa người quá cố đi hỏa táng.

. Các thành viên trong Lê tộc Bắc Ninh tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh trong tình hình mới, đấu tranh phòng ngừa tội phạm, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tố giác tội phạm, nối vòng tay lớn cảm hóa giáo dục người lầm lỗi bằng các hoạt động thiết thực. Với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, kiên quyết không để con em vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; đồng thời phổ biến các nội dung cam kết cho 100% thành viên của Lê tộc Bắc Ninh. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng mô hình gia đình họ Lê, dòng họ Lê học tập theo kế hoạch thực hiện Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Đặc biệt trong dịp Tết Canh Tý sắp tới, các thành viên Lê tộc Bắc Ninh tiếp tục cam kết không có thành viên nào vi phạm quy ước thôn làng, khu phố, thực hiện Lễ – Tết vui tươi, an toàn, Lễ – Tết không đốt thả đèn trời, không đốt pháo, không vi phạm luật an toàn giao thông, cũng như các tệ nạn xã hội; đó là cách tri ân tổ tiên tốt nhất, để tổ tiên ở dưới suối vàng được ấm lòng, cũng như giữ lửa cho tổ ấm gia đình và hoàn thành nghĩa vụ công dân với Đảng và Tổ quốc.

Lúc này, hơn lúc nào hết, trước thềm ĐH Đảng, người họ Lê Bắc Ninh tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nói và viết theo Nghị quyết của Đảng, tuyệt đối không nghe kẻ xấu tự diễn biến, tự chuyển hóa, đi nược lại với đường lỗi dủa Đảng, gây bất ổn kinh tế – xã hội /.

                                                                                                                                                                    Hội đồng họ Lê Bắc Ninh

Các tin liên quan