Nghiên cứu dòng họ

Họ và Tên trên Thế Giới và ở Việt Nam

I. Họ ở một số nước trên Thế Giới

  1. Họ của người Mông Cổ

Sau khi Cộng sản Nga chiếm và cai trị Mông Cổ năm 1925, nhà cầm quyền CS Nga đã tước đoạt quyền mang Họ của người dân Ngoại Mông để vĩnh viễn xóa sạch chế độ phong kiến. Người Mông Cổ từ đó chỉ có Tên mà không có Họ, vì vậy nên sự trùng Tên rất phổ biến.

Ở Thủ đô Mông Cổ có đến mười ngàn phụ nữ mang chung một cái tên: Altantsetseg (Kim Hoa) hoặc Narantsetseg (Nhật Hoa). Mãi đến năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân Mông Cổ mới có quyền tự do phục hồi lại Họ của mình. Nhưng vì đã bị xóa bỏ Họ quá lâu nên tìm lại nguồn gốc không phải chuyện đơn giản và dẫn đến mất hẳn mối dây liên hệ về tông tộc. Hơn nữa, người dân thường xuyên bị phân tán, di chuyển khỏi quê quán theo chế độ công an trị của cộng sản, nên tìm lại nguồn gốc càng khó hơn. Để giúp cho hơn 60% dân chúng Mông Cổ hoàn toàn không biết tông tộc có thể tìm lại Họ, ông SERJEE thiết lập bản kiểm kê các Họ đã có từ trước cách mạng vô sản 1921 và phân phối theo từng vùng. Theo những tài liệu này, nhiều người dân đã phủ nhận Họ liên hệ với chính tông tộc của mình vì cho rằng cách phiên âm quá xấu. Ngược lại, nhiều người tự chọn cái Họ thật đẹp, thật kêu! Trong việc tái lập Họ, người Mông Cổ từ đó thật sự bắt đầu sống đời sống dân chủ.

  1. Họ của người Pháp và Tây phương

Riêng tại Pháp vào những năm trước thế kỷ 13, người Pháp chỉ gọi nhau bằng “tên rửa tội” (còn gọi là “tên thánh”) và không có quyền mang Họ nếu không phải thuộc giới tăng lữ hoặc quí tộc. Giới quý tộc hoặc tăng lữ mang Họ thường gắn liền với tên đất đai thuộc quyền sở hữu của mình. Ngày nay, ở Pháp có một số Họ là địa danh như họ Auteuil, Soisson, Chirac—nay vẫn còn làng Chirac ở miền Tây Nam Pháp vì nước Pháp thời xưa theo chế độ phong kiến.

Để phân biệt nhau vì trùng tên quá đông, người dân phải gọi nhau bằng biệt danh hay hỗn danh. Cách đặt tên này do một sự ngẫu nhiên, hoặc để nhắc lại một sự việc xa xưa hay để nói lên một đặc tánh. Biệt danh hay hỗn danh hoàn toàn không có giá trị như Họ, nhưng được lưu hành rất tự nhiên và có khi được truyền lại cho con cháu. Một người có tầm vóc cao vượt hơn nhiều người khác thì được lối xóm gọi Anh Cao, thay vì chỉ gọi tên riêng là Nhựt. Con trai của Cao tên Thời được mọi người gọi Thời con của Cao.

Cách gọi tên này trở thành tiện lợi trong giao tiếp hằng ngày nên được giữ lâu dài. Có một số tên theo cách ” thấy mặt đặt tên” như vậy và về sau đã trở thành Họ của một gia đình.

Đến năm 1539, nhà vua định chế hóa tên họ cho dân Pháp. Biệt danh, hỗn danh được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau như Họ chánh thức. Và cũng từ đây, hộ tịch được thiết lập để chấm dứt vĩnh viễn tình trạng dân chúng chỉ có tên mà không có Họ. Có một số Họ bắt nguồn từ thời Trung cổ do cách đặt biệt danh (ví dụ Họ Couturier-Thợ May) được lưu truyền cho các thế hệ sau. Hiện nay rất khó sưu tầm lại lịch sử của những Họ thời Trung cổ ở Pháp, vì hoàn cảnh và nguyên nhân xuất hiện của những họ đó ngày nay không còn nữa.

Đại để, chúng ta có thể phân loại Họ của người Pháp và Tây phương theo các thể loại sau đây:

Họ có nguồn gốc là tên

Để tránh trùng tên, người ta gọi tên một người kèm theo tên của người cha, hoặc do lấy biệt danh như trên đây.

Thí dụ: Pierre fils au Paul (Pierre con trai của Paul) trở thành Pierre Aupaul (Pierre là tên và Aupaul trở thành Họ của Pierre từ đây, do mượn tên Paul của cha). Martin fils de Jean trở thành Martin Dejean.

Người Á Rập và Hồi giáo cũng có cách lập Họ giống như người Pháp nhưng Họ ghép với tên các thần thánh. Thí dụ: Abd (= nô tỳ) ghép với một thuộc tính của Thượng đế (Allah) trở thành Abdal – Aziz, có nghĩa là Nô tỳ đấng toàn năng. Abd al-Karim, là nô tỳ đấng Độ lượng. Abdullah là nô tỳ của Chúa. Người Á rập và Hồi giáo cũng có Họ ghép với tên cha hoặc mẹ như Abu (= cha của) hay Umm (= mẹ của). Theo đây, Abu Musa Ali có nghĩa là Ali, cha của Musa.

Một số Họ Á rập và Hồi giáo cũng bắt nguồn từ quan hệ ngành nghề, nhơn dạng, tánh tình, tài ba, nơi cư trú, sanh quán.

Thí dụ: – Al–Tawil, có nghĩa là người Cao.

– Al–Rashid, là người thẳng thắn

– Al–Hallaj, là người kéo sợi.

– Al–Isfahani, là người tỉnh Isfahan.

Họ do ngành nghề

Hiện nay ở Pháp có rất nhiều người sanh sống bằng nghề nghiệp liên quan xa gần với cái Họ. Như De Laporte là Họ của một Kiến trúc sư (La porte = cái cửa) hiện đang sanh sống và làm việc tại Paris 16. Tuy nhiên, có những Họ chỉ ngành nghề nhưng lại không có nguồn gốc theo từ nguyên. Như Họ Boulanger, người làm bánh mì nhưng ngày xưa người thợ làm bánh mì lại là Fournier (cũng là họ ngày nay). Họ Cuisinier mà ngày xưa người làm bếp là le queux.

Họ do nguồn gốc di dân

Những người mới đến định cư và lập nghiệp tại một vùng đất mới thường bị dân sở tại phân biệt đối xử bằng cách gọi tên nơi sanh quán. Như Ông Lallemand (Đức), Ông Hollande (Hà lan). Ở Huê kỳ có tướng Westmoreland nghĩa “miền tây còn đất nữa.”

Họ do nơi cư ngụ

Người ở gần rừng có Họ là Bois hoặc Dubois, ở gần cầu có Họ là Dupont, ở gần sông có Họ là Rivière.

Họ do nhân dạng, tánh tình

Người có nước da trắng được lấy Họ là Blanc, Le Blanc; nước da ngâm là Brun, Le Brun;

có nước da đen là Noir, Le Noir.

Những người mập mang Họ là Gros, Legros; hoặc cao lêu nghêu thì Lelong (Dân biểu Brice Lelong). Người trông có vẻ trẻ được cái Họ là Lejeune (trẻ); người trông già bị mang Họ Vieillard (ông già).

Người được nhiều người nhìn nhận là người tốt được gọi là Bon, Lebon. Còn bị xem là người xấu thì gán cho Họ Mauvais (xấu). Hiện nay, ở nhà thương Lariboisière (Paris 10) có một vị bác sĩ giải phẩu bộ phận tiêu hoá có Họ là Mauvais. Nhiều bệnh nhơn gặp phải Bác sĩ Mauvais đều muốn tránh chỉ vì cái tên Mauvais (xấu) sợ bị xui xẻo. Nhưng Bác sĩ Mauvais lại là một vị lương y, bởi ông rất tận tâm đối với bệnh nhơn do ông chửa trị.

Nhìn qua lịch sử các Họ Tây phương và Trung Quốc, chúng ta sẽ nhận thấy Họ của Việt Nam cũng có phần giống về mặt nguồn gốc. Điểm khác biệt nổi bật duy nhất của Việt Nam là đặc tính văn hóa nhơn bản. Việt Nam là một nước quân chủ cho đến năm 1945 khi Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị để làm dân một nước độc lập nhưng Việt Nam lại hoàn toàn không phải là một nuớc phong kiến. Hoàng thân quốc thích hoặc quan chức có công lớn với triều đình được phong tước và cấp đất để sanh sống, nhưng phần đất này chỉ được cấp cho sử dụng có thời hạn và không có quyền lưu truyền cho người thừa kế. Họ của người Việt Nam không gắn liền với đất đai của mình làm chủ. Và điều thấy rõ ràng là mọi người Việt Nam đều có Họ và thứ dân cũng có thể mang cùng Họ với vua hoặc quan chức chánh quyền.

II. Họ của người Việt

Theo thống kê của Hà Nội năm 1987, Việt Nam gồm 54 sắc tộc trong đó người Kinh chiếm đa số. Năm mươi tư sắc tộc này chia nhau khoảng 200 Họ từ vần A đến Ư. Như Họ Âu (Âu Trường Thanh) hoặc Âu Dương (có nghĩa là một vùng hoặc một địa phương nhỏ (Âu Dương Lân, Âu Dương Thệ), họ Ung như Ung Bảo Toàn. Những Họ lớn khác còn có Nguyễn, Trần, Lê… Họ người Việt Nam do xu hướng vật tổ như họ Hùng hay họ Hồng (Hùng Vương, Hồng Bàng) hoặc do hoàn cảnh lịch sử lập quốc mà thiên di từ Bắc xuống Nam và pha trộn với các Họ ở địa phương, hoặc do nơi cư ngụ và sanh quán.

  1. Ảnh hưởng vật tổ

Ở Việt Nam ngày nay, chúng ta còn thấy họ Hùng hoặc Hồng, tuy Họ này rất hiếm. Ở Cao nguyên Daklak và Gia-Rai có họ Hmok Pai của người Êđê, nghĩa là con thỏ nên người dân địa phương không ăn thịt thỏ.

  1. Do hoàn cảnh thiên cư lập quốc hoặc sanh quán

Những họ Nguyễn, Trần, Lê, Hồ, … là những Họ đã có từ phương Bắc gắn liền bước Nam tiến dựng nên nước Việt Nam ngày nay.

Có những Họ trùng với Họ ở Trung Quốc nhưng lại là Họ của Việt Nam. Họ Tống nghe qua tưởng là Họ của người Trung Quốc, vì ở Đài Loan có Tống Mỹ Linh là phu nhơn của Tưởng Giới Thạch. Nhưng họ Tống (Tống Văn, Tống Hữu, Tống Phước) là Họ của tướng và một số dân quân của Nguyễn Hoàng theo ông lập nghiệp vào thể kỷ 16. Họ là những người dân sanh sống ở vùng núi Tống thuộc huyện Tống Sơn, Thanh Hoá, nơi sanh quán của Nguyễn Hoàng.

Họ Chử có lịch sử dài cả 4.000 năm như truyền thuyết về Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung. Thời Hùng vương thứ ba, có một người nghèo khổ không biết mình thuộc dòng họ nào, bèn lấy nơi ở là bãi sông (chử) làm Họ. Đó là Chử Vi Vân, ông tổ của dòng họ Chử ngày nay. Còn Chử Đồng Tử (có nghĩa là đứa trẻ ở bãi sông) là con của Chử Vi Vân.

Họ Bàng là một Họ xuất hiện tại tỉnh Hà Nam dưới triều đại nhà Trần khi Trần Thủ Độ triệt hạ nhà Lý. Ông viện dẫn lý do ông cố tổ tên Lý, nên bắt buộc những ai mang họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn. Có một người không thi hành lệnh bèn chỉ cây bàng cổ thụ ở trước nhà tuyên bố: “Kể từ nay, gia đình ta thuộc họ Bàng” (thi sĩ Bàng Bá Lân, Bàng Sĩ Nguyên).

Họ có công lớn khai mở miền Nam, mở rộng bờ cõi đất nước là họ Nguyễn. Về nguồn gốc, họ Nguyễn trước kia xuất hiện ở phương Bắc thuộc miền Nam nước Trung Quốc vào khoảng 1766 – 1123 trước Tây lịch. Lúc bấy giờ tại vùng Kinh Châu (tỉnh Cam Túc ngày nay) có một nước nhỏ tên là Nguyễn quốc. Đến đời nhà Châu (1136 trước Tây lịch), Nguyễn quốc bị Châu Văn Vương tiêu diệt. Hoàng tộc phải bôn tẩu về phương Nam, truyền lệnh cho mọi người lấy tên nước làm Họ và định cư ở vùng Khai Phong làm nguyên quán.

Theo An Nam Chí Lược của Lê Tắc, tại Giao Châu có thứ sử Nguyễn Di Chí cùng võ tướng Nguyễn Vũ Chi phá được đội chiến thuyền của vua Lâm Ấp tên Phạm Dương thường tới khuấy phá vùng này. Phạm Dương có thể là khởi tổ của họ Phạm ngày nay, thuộc gốc Chiêm Thành.

Theo tài liệu ghi chép, vào thời Bắc thuộc năm 353, thứ sử đất Giao Châu là Nguyễn Phu. Sau đó vào năm 357, một người khác làm quan cũng tại Giao Châu là Nguyễn Lãng. Con cháu của Nguyễn Phu ở lại đất Giao Châu và truyền đến đời Nguyễn Bặc là Thái tể dưới triều Nhà Đinh (thế kỷ thứ 10). Thái tể Nguyễn Bặc quê quán ở Ninh Bình và được họ Nguyễn ngày nay nhận làm khởi tổ. Họ Nguyễn có nhiều dòng và những dòng này nhìn nhận quê hương khác nhau. Dòng Nguyễn Hữu tự cho là gốc Quảng Bình hoặc dòng Nguyễn Phước lấy Thanh Hóa làm nguyên quán. Vì họ Nguyễn phát xuất từ Trung Quốc nên ở Trung Quốc cũng có người mang họ Nguyễn. Vậy họ Nguyễn Việt Nam và họ Nguyễn Trung Quốc có phải cùng một gốc là dân của tiểu quốc Nguyễn thời Xuân Thu hay không?

Ngày nay, người Việt Nam họ Nguyễn đã tìm nguồn gốc của mình đến Nguyễn Bặc là thủy tổ sống ở thế kỷ thứ 10.

Chữ Nguyễn có nghĩa là gì?

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với nhiều vị học giả về chữ nho, nhưng chỉ làm ngạc nhiên các vị ấy và vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa mãn. Gần đây được cụ Đồ Nho ở Paris giải thích rằng theo chiết tự thì trong chữ Nguyễn có bộ phụ, chỉ cái mô đất hay một vùng đất cao. Như vậy phải chăng chữ Nguyễn có nguồn gốc xa xưa liên hệ đến Nguyễn quốc?

Sau cùng, chúng ta cũng nên kể thêm một cách đặt Tên Họ vô cùng lạ lùng, gần như một thứ huyền bí. Đó là cách đặt Tên Họ của dân INUITS sống tại miền Bắc cực Canada. Sắc dân này vừa thành lập cộng đồng quốc gia NUNAVUT vào đầu tháng 4/1999 với dân số 24.000 người, trên một diện tích đất đai rộng 2.000.000 km2. Cách đặt Tên Họ của dân INUITS không chỉ mang ý nghĩa như cách đặt Tên Họ của chúng ta, tức cho người một danh xưng để giao tiếp trong quan hệ xã hội, mà còn mang một nét đặc thù văn hóa vì sắc tộc đã tồn tại từ ngàn năm qua. Đặc điểm văn hóa INUITS là lối suy nghĩ về một vũ trụ quan mới, một chiều kích khác về vũ trụ và con người. Một vị lãnh tụ quốc gia NUNAVUT cho biết ông có những đứa cháu mà phần đông trong số đó lớn tuổi hơn ông rất nhiều.

Nghe nói như vậy chắc chắn không ai không khỏi ngạc nhiên! Còn ngạc nhiên hơn, nếu có người chứng kiến một bà mẹ khi nói chuyện với đứa con gái lên mười mà “thưa ông nội”. Mỗi người INUITS đều có một tên hoặc một loạt tên. Nhưng những tên gọi này lại không phù hợp theo ý nghĩa về Tên với Họ như của Việt Nam. Tên của người INUITS thể hiện một thứ bản thể của họ. Đặt tên để xác định những cá nhơn đó là ai, như để làm sống tiếp một người đã chết vì tên của người INUITS mang một linh hồn. Một đứa trẻ vừa sanh được vài ngày, cha mẹ lấy tên của một người vừa chết đặt tên con. Có khi lấy tên của người sắp chết đặt tên cho đứa trẻ mới sanh, như vậy người sắp chết biết mình sẽ được sống tiếp ở đứa bé sơ sanh ấy. Đây không phải là một sự tái sanh mà là một sự nối tiếp đời sống để đời sống được kéo dài miên tục. Do đó một đứa bé mới sanh hoặc một đứa trẻ lại có tuổi lớn hơn một người lớn, và có khi đứa bé hay đứa trẻ ấy là ông, bà của cha mẹ hiện tại.

lll. Tìm về tông tộc là ý thức lịch sử dân tộc, thể hiện lòng hiếu để

Ngày nay việc tìm hiểu dòng tộc của mình đang bắt đầu phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ riêng người Việt, mà cả người Pháp cũng đã bắt đầu quan tâm tìm về cội nguồn. Ở Pháp xuất hiện nhiều sách nghiên cứu về Họ và Tên. Có những văn phòng tư nhơn chuyên về việc thiết lập Tông chi. Có những Hội và Câu lạc bộ trao đổi giúp nhau những thông tin liên quan đến những Họ mà ngày nay con cháu bị mất nguồn gốc.

Riêng việc tìm về cội nguồn của người Việt Nam ngày nay đã trở thành cần thiết, bởi hoàn cảnh đất nước chiến tranh kéo dài quá lâu. Nhiều người phải di chuyển đến nơi khác sanh sống, lánh nạn và nhiều gia đình buộc phải rời bỏ quê quán dưới chế độ cộng sản ở miền Bắc trong những năm chiến tranh. Hiện tại ở hải ngoại có hơn ba triệu người Việt Nam sanh sống như một nước Việt Nam thứ hai. Trong ít lâu nữa, những người Việt Nam của thế hệ thứ 3, thứ 4 sẽ ngỡ ngàng khi phải trả lời về nguồn gốc, tông tộc của mình.

Tìm về nguồn gốc và tông tộc của mình, về mặt đạo lý là một cách tỏ lòng hiếu để.

Ts. NGUYỄN VĂN TRẦN

Vietnamville  (Canada)

Tính danh học Việt Nam: Sơ lược nguồn gốc những tên họ phổ biến nhất tại Việt Nam

Sơ Lược Nguồn Gốc Những Tên Họ Phổ Biến Nhất Tại Việt Nam:

Không phải bất cứ tên họ nào của người Việt cũng là họ của Tàu. Tuy nhiên, đa số tên họ mà người Việt có, đều là họ của người Tàu. Ðiều đó không có nghĩa ta là Tàu, mà chỉ có nghĩa ta đã bắt chước hay bị bắt buộc nhận tên họ của Tàu, vì ảnh hưởng văn hóa, vì các cuộc hôn nhân dị chủng. Sau đây là nguồn gốc các tên họ phổ biến nhất tại Việt Nam. Viết phần này, chúng tôi căn cứ theo tài liệu của Sheau Yeuh J. Chao trong tác phẩm: In Search Of Your Asian Roots – Genealogical Research o­n Chinese Surnames.

ÂU => Theo sách Đường Thư Tể Tướng Thế Hệ Biểu, Vô Cương chắt đời thứ 7 của Câu Tiễn được ban cho đất ở núi Âu Dư Sơn để cai trị. Do vậy, một số cháu chắt Vô Cương đã nhận họ Âu và chọn đất Bình Dương, tỉnh Thiểm Tây để cư ngụ, một số khác nhận họ kép Âu Dương vì ở đó có ngọn núi Âu Dương. Dòng họ Âu Dương cư ngụ tại 2 tỉnh Giang Tô và Sơn Đông.

BÙI => Theo sách Thông Chí Thị Tộc Lược, ông Bá Khôi, thời vua Đại Vũ nhà Hạ, được ban cho đất ở làng Bùi. Con cháu ông Bá Khôi nhận tên làng Bùi làm tên họ. Dòng họ Bùi ban đầu cư ngụ tại tỉnh Hà Đông, phía đông sông Hoàng Hà.

CAO => Theo Quảng Vận, đời Chu, con cháu của Kỷ Thái Công được ban cho nước Cao để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên nước Cao làm tên họ. Dòng họ Cao ban đầu cư ngụ tại tỉnh Sơn Đông.

CHU => Thời xưa, nước Tàu có nước nhỏ gọi là Chu, do Thái Vương cai trị. Con là Văn Vương nối nghiệp, nhận tên Chu làm tên họ nên gọi là Chu Văn Vương. Ban đầu, dòng họ Chu cư ngụ tại Thiểm Tây, sau lan dần sang Hà Nam.

CUNG => Theo sách Tính Thị Khảo Lược do Trần Đình Vi viết vào đời nhà Thanh, Huy là con thứ 5 của Hoàng Đế đã sáng chế ra cây cung nên được ban cho đất Trương để cai trị. Con cháu đã nhận chữ Cung và Trương làm tên họ. Theo sách Vạn Tính Thống Phổ, Thúc Cung làm quan đại phu nước Lỗ ở tỉnh Sơn Đông. Cháu chắt đã nhận chữ Cung làm tên họ. Gia tộc họ Cung phát triển ở vùng Sơn Tây. Vào thời Nam Bắc Triều, nhiều họ Cung đổi sang họ Trương để tránh bị bạc đãi.

QUAN => Theo sách Cổ Kim Tính Thị Biện Chứng, họ Quan do tên chức quan canh gác cung điện nhà Chu. Quan Chí Cơ, giữ chức Đại Phu nước Ngu, là người đầu tiên nhận họ Quan. Dòng họ Quan tập trung nhiều ở tỉnh Sơn Tây là nơi ngày xưa có nước Ngu.

DOÃN => Ban đầu từ Doãn để chỉ bộ lạc cổ gọi là rợ Nhung. Khi người Nhung cư ngụ trong lãnh thổ Hán, bị đồng hóa thì người Nhung đã nhận tên bộ tộc Doãn làm tên họ.

DƯ => Theo sách Nguyên Hà Tính Toản của Lâm Bảo, viết vào đời Đường (618-907), người sáng lập họ Dư là Do Dư làm quan đời nhà Tần. Con cháu nhận tên ông làm tên họ. Trong Hán văn, hình dạng chữ Dư và chữ Xa rất giống nhau nên vào đời nhà Đường, vì viết lầm họ Dư ra họ Xa, nên từ đó nước Tàu có thêm họ Xa.

DƯƠNG => Theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, họ Dương là chi nhánh của họ kép Dương Thiệt, và bắt đầu xuất hiện thời Xuân Thu- Chiến Quốc. Dòng tộc họ Dương ban đầu cư ngụ tại Sơn Tây, sau di chuyển qua Thái Sơn tỉnh Sơn Đông.

ĐÀO => Họ Đào bắt nguồn từ chức quan gọi là Đào Chính. Đào Chính là chức quan trông coi việc chế tạo đồ gốm cho cung điện nhà Chu. Người đầu tiên giữ chức quan Đào Chính là ông Ngu, con cháu ông lấy từ Đào làm tên họ. Trong Hán tự, đào có nghĩa là đồ gốm.

ĐẶNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Đặng là chi nhánh của họ Mạn. Đặng là tên nước. Cuối đời Thương, con cháu của Kim Thiên Thị được ban cho đất Đặng để cai trị. Do vậy, cháu chắt đã nhận tên Đặng làm tên họ. Dòng họ Đặng cư ngụ tại Hà Nam là nơi xưa kia có nước Đặng.

ĐINH =>Họ Đinh rất phổ biến tại Trung Quốc, theo Vạn Tính Thống Phổ và Thông Chí Thị Tộc Lược được viết vào đời Tống (960-1279), họ Đinh là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Vào đời nhà Chu, hậu duệ của Hoàng Đế nhận chữ Đinh làm tên họ. Dòng tộc Đinh ban đầu cư ngụ tại tỉnh Sơn Đông.

ĐOÀN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, Đoàn là tên của giống dân du mục mà người Hán gọi là rợ Hồ. Khi họ định cư tại đất Hán vào đời hậu Chu (947-950), họ nhận tên Đoàn làm tên họ. Theo sách Sử Ký Ngụy Thế Gia, họ Đoàn là chi nhánh của họ kép Đoàn Can. Đoàn Can là tên ấp nằm trong nước Ngụy và ông tổ của dòng họ này là Đoàn Can Mộc. Dòng họ Đoàn và Đoàn Can ban đầu cư ngụ tại Sơn Tây và Hồ Bắc là nơi xưa kia có nước Ngụy.

ĐỖ, PHẠM => Theo Nguyên Hà Tính Toản và Lộ Sử, Lưu Luy thuộc dòng Đường Đế Nghiêu. Lưu Luy lập ra nước Đường nay ở Sơn Tây và người ta thường gọi là Đường Đỗ Thị. Vào triều đại nhà Chu, Chu Thành Vương chiếm nước Đường. Một người cháu Lưu Luy được cấp đất Đỗ Thành ở Tây An tỉnh Thiểm Tây và được phong tước Đỗ Bá. Do vậy, con cháu nhận tên Đỗ làm tên họ. Đất Đỗ Thành lại bị Chu Tuyên Vương chiếm và con của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc chạy sang nước Tấn, được phong chức Sĩ Sư nên đổi họ Đỗ thành họ Sĩ. Đến đời chắt của ông này là Sĩ Hội được ban cho đất Phạm, gọi là Phạm Ấp để cai trị, nên đã đổi họ Sĩ ra họ Phạm. Dòng họ Phạm phát triển mạnh tại tỉnh Sơn Tây.

GIANG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, chắt vua Chuyên Húc là Bá Khôi được ban cho đất Giang Lăng để cai trị. Vào thời Xuân Thu, nước Giang bị nước Sở thôn tính, cháu chắt Bá Khôi đã chọn tên Giang làm tên họ để tưởng nhớ nước Giang.

GIÁP => Theo Phong Tục Thông, họ Giáp bắt nguồn từ họ kép Giáp Phụ và Giáp Phụ là tên nước.

HÀ/HÀN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Hà có từ đời nhà Tần, là chi nhánh của họ Hàn, thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Người lập nên họ Hà là Hàn An, sống ở nước Hàn nay ở tỉnh Sơn Tây. Khi Tần Thủy Hoàng chiếm nước Hàn, Hàn An trốn sang Giang Tô và đổi thành họ Hà. Dòng họ Hà sinh sống dọc theo sông Dương Tử và sông Hoài chảy qua hai tỉnh Giang Tô và An Huy.

HOÀNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, Hoàng là tên đất. Chu Vũ Vương cho con cháu Lục Chung đất Hoàng ở Hà Nam để cai trị. Nước Hoàng bị nước Sở Chiếm, con cháu Lục Chung nhận từ Hoàng làm tên họ để tưởng nhớ nước Hoàng.

HỒ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Hồ thuộc dòng dõi Đế Thuấn, và người lập nên họ Hồ là Hồ Công Mãn. Họ Hồ là chi nhánh của họ Trần. Hồ Công Mãn được Chu Vũ Vương ban cho đất Trần để cai trị. Khi Hồ Công Mãn chết, con cháu lấy họ Hồ để tưởng nhớ người sáng lập nước Trần. Dòng họ Hồ cư ngụ tại Hồ Bắc.

KHỔNG => Họ Khổng thuộc dòng dõi Hoàng Đế, theo Quảng Vận, họ Khổng là chi nhánh của họ Tử. Con của Đế Cốc đã nhận chữ Tử làm tên họ. Đến đời vua Thành Thang (1766-1753 TCN), một người chắt Đế Cốc được giữ chức Thái Ất. Do vậy, con cháu đã phối hợp chữ Tử và Ất, tạo thành chữ Khổng để làm tên họ. Người đầu tiên nhận họ Khổng là Khổng Phú Gia.

KHUẤT => Theo Thượng Hữu Lục và Vạn Tính Thống Phổ, Khuất là tên đất gọi là Khuất Ấp. Con của Chu Vũ Vương được ban cho Khuất Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận địa danh Khuất làm tên họ. Dòng họ Khuất ban đầu cư ngụ tại Hà Nam.

KHÚC => Theo Vạn Tính Thống Phổ và Thông Chí Thị Tộc Lược, họ Khúc thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Con của Mục Hầu nước Tấn được ban cho đất gọi là Khúc Ốc. Do vậy, con cháu đã nhận họ Khúc. Dòng họ Khúc cư ngụ tại Thiểm Tây là nơi xưa kia có đất Khúc.

KIỀU => Theo Nguyên Hà Tính Toản, và Vạn Tính Thống Phổ, họ Kiều là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Ðế. Theo hai sách này, Hoàng Ðế chết, được chôn ở núi Kiều Sơn nên con cháu nhận tên núi Kiều làm tên họ. Dòng dõi họ Kiều cư ngụ tại Sơn Tây.

LẠI => Theo Tính Thị Khảo Lược, Lại là tên nước thời Xuân Thu. Người nước Lại lấy tên nước làm tên họ. Dòng dõi họ Lại đầu tiên cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.

LÂM => Theo Lộ Sử và Nguyên Hà Tính Toản, họ Lâm là chi nhánh họ Tử thuộc dòng dõi vua Thành Thang. Người đầu tiên nhận họ Lâm là Tỷ Can. Tỷ Can bị Trụ Vương giết, con Tỷ Can trốn vào rừng. Về sau Chu Vũ Vương ban cho con Tỷ Can đất Bá Lăng, nay ở Hà Bắc và ban cho tên họ Lâm. Dòng họ Lâm ban đầu cư ngụ tại Hà Bắc, sau lan sang Sơn Đông và Hà Nam.

LÊ => Có 2 tài liệu nói về họ Lê. Theo sách Phong Tục Thông, dưới triều vua Thiếu Hạo (2598-2513 TCN), có nhóm quan gồm 9 người gọi là Cửu Lê. Con cháu các quan này đã nhận chữ Lê làm tên họ. Theo Lộ Sử và Nguyên Hà Tính Toản, Lê là tên nước đời nhà Thương. Khi nhà Thương bị diệt, nước Lê thuộc nhà Chu. Con cháu Đường Đế Nghiêu được phong tước Lê Hầu. Do vậy con cháu đã lấy tên tước Lê làm tên họ. Dòng họ Lê ban đầu cư ngụ tại Sơn Đông là nơi khi xưa có nước Lê.

LƯU => Họ Lưu thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Theo sách Thông Chí Tính Tộc Lược, cháu chắt của Đường Đế Nghiêu được ban cho đất Lưu, nay ở tỉnh Hà Bắc để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên đất Lưu làm tên họ. Nhưng theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, Lưu là tên huyện. Một người cháu chắt Chu Văn Vương làm quan đại phu, được ban cho đất Lưu Ấp. Con cháu đã nhận tên đất Lưu làm tên họ.

LƯƠNG=> Theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, họ Lương thuộc thị tộc Doanh. Con của Tần Trọng được ban cho đất Hạ Dương và được phong tước Lương Bá. Cháu chắt Lương Bá nhận tên Lương làm tên họ. Một tài liệu khác cho rằng thời Bắc Ngụy, vua Hiếu Văn Đế ra nhiều sắc lệnh cải cách xã hội Tàu, trong đó có lệnh bắt đổi họ ba chữ Bạt Liệt Lan thành họ Lương.

LÝ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Lý (nghĩa: cây mận) là chi nhánh của họ Lý (nghĩa: thớ thịt). Cả hai họ này có ông tổ chung là Chuyên Húc. Cửu Dao là cháu Chuyên Húc giữ chức Lý Quan tức quan án nên Cửu Dao đổi sang họ Lý (nghĩa: thớ thịt). Đến đời Thương, Lý Trưng phạm tội bị Trụ Vương đuổi khỏi nước và chết, con là Lý Lợi Trinh sống sót nhờ ăn trái cây gọi là Mộc Tử. Để ghi nhớ sự kiện này, ông ghép chữ Mộc và chữ Tử thành chữ Lý( nghĩa: cây mận) để làm tên họ. Dòng họ Lý cư ngụ tại Hà Bắc.

MA => Có 2 tài liệu nói về họ Ma. Theo sách Phong Tục Thông, thì Ma Anh làm quan đại phu nước Tề, con cháu nhận tên Ma làm tên họ. Theo sách Tính Thị Khảo Lược, quan đại phu nước Sở được ban cho đất Ma gọi là Ma Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận chữ Ma làm tên họ. Dòng họ Ma cư ngụ tại Hà Bắc là nơi xưa kia có nước Ma.

MÃ => Họ Mã rất phổ thông tại Trung Quốc và đặc biệt đa số người họ Mã theo Hồi Giáo. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Mã là chi nhánh của họ Doanh, thuộc dòng dõi Chuyên Húc. Người sáng lập dòng họ Mã là Triệu Xa. Triệu Xa giữ chức Mã Phục Quân là chức quan trông coi việc thuần thục ngựa cho kỵ binh thời Chiến Quốc. Con cháu Triệu Xa đã nhận tên chức quan Mã làm tên họ. Dòng họ Mã cư ngụ tại vùng Thiểm Tây.

MẠC => Theo Tính Thị Khảo Lược, Mạc là tên thành. Vua Chuyên Húc xây Mạc Thành. Cư dân trong Mạc Thành đã lấy chữ Mạc làm tên họ. Dòng họ Mạc cư ngụ nhiều tại Hà Bắc là nơi xưa kia đã xây Mạc Thành. Thuyết thứ hai cho rằng, họ Mạc là do tên chức vụ công quyền: chức Mạc Ngao. Khuất Nguyên của nước Sở giữ chức vụ này nên con cháu đã lấy chữ Mạc làm tên họ.

MAI => Theo Đường Thư Tể Tướng Thế Hệ Biểu, họ Mai là chi nhánh của họ Tử. Mai là tên đất. Vào đờI nhà Thương, người anh của Thái Đinh được ban cho đất Mai và được phong tước Mai Bá. Con cháu đã nhận tên đất Mai làm tên họ. Dòng họ Mai cư ngụ tại Hà Nam.

NGHIÊM => Họ Nghiêm xuất phát từ họ Trang, thuộc dòng tộc Trang Vương nước Sở. Theo Nguyên Hà Tính Toản, khi Trang Vương mất, con cháu đã nhận tên Trang làm tên họ. Theo Tính Thị Khảo Lược, vì tránh tên húy của Hán Minh Đế nên ông Trang Quang đã đổi sang họ Nghiêm. Từ đó nảy sinh dòng họ Nghiêm. Dòng họ này phát triển mạnh tại tỉnh Chiết Giang.

NGÔ => Vào thời Xuân Thu-Chiến Quốc, phía nam sông Dương Tử là vùng Giang Nam. Vùng này là lãnh thổ của nước Ngô. Theo Thông Chí Thị Tộc Lược, dân chúng nước Ngô đã nhận tên Ngô làm tên họ. Dòng họ Ngô ban đầu cư ngụ tại tỉnh Giang Tô là nơi có nước Ngô. Sau này, người họ Ngô cũng cư ngụ tại Chiết Giang và Sơn Đông.

NGUYỄN => Theo hai tài liệu Nguyên Hà Tính Toản và Vạn Tính Thống Phổ, đời nhà Thương có nước Nguyễn. Cư dân nước này nhận tên Nguyễn làm tên họ. Nhiều người dòng họ Nguyễn cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam.

NÔNG => Theo Vạn Tính Thống Phổ, họ Nông bắt nguồn từ Thần Nông Thị. Vua Thần Nông dậy dân làm ruộng nên dân chúng nhận tên Nông làm tên họ.

ÔNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản và Tính Thị Khảo Lược, họ Ông thuộc dòng Chu Văn Vương. Con Chu Văn Vương là Chu Chiêu Vương được ban cho đất Ông để cai tri. Con cháu đã nhận tên họ Ông. Tại đất Ông có ngọn núi tên là Ông Sơ Dòng họ Ông cư ngụ tại Chiết Giang.

PHẠM Xem họ ĐỖ.

PHAN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Phan thuộc dòng tộc Chu Văn Vương. Chu Văn Vương cho chắt của mình là Chu Chí Tôn vùng đất gọi là Phan Ấp để cai trị. Con cháu Chí Tôn đã nhận tên Phan làm tên họ. Ban đầu dòng họ Phan cư ngụ tại Thiểm Tây, sau lan ra An Huy và Chiết Giang.

PHÓ => Theo Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, người sáng lập dòng họ Phó là quan Thừa Tướng của vua Vũ Tính nhà Thương. Ông cư ngụ tại đất Phó Nghiễm, nay là tỉnh Sơn Tây. Con cháu đã nhận tên Phó làm tên họ. Dòng họ Phó cư ngụ tại Hà Bắc và Sơn Đông.

PHÙNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Phùng thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Người con thứ 15 của vua này là Tất Công Cao được ban cho đất Phùng, gọi là Phùng Ấp để cai trị. Con cháu đã nhận tên Phùng làm tên họ. Dòng dõi họ Phùng cư ngụ tại Hà Nam và Sơn Tây.

QUÁCH => Theo Tính Thị Khảo Lược, họ Quách có từ đời nhà Hạ. Thời nhà Hạ dân chúng sống trong khu vực có tường lũy bao quanh gọi là Quách. Dân chúng lấy tên Quách làm tên họ. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Quách là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Con thứ tư của Chu Văn Vương được ban cho đất Quách để cai trị nên con cháu nhận tên Quách làm tên họ. Dòng họ Quách phát triển mạnh tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây là nơi xưa kia có nước Quách.

SƠN => Theo Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo và Thông Chí Thị Tộc Lược, Sơn là tên một chức quan đời nhà Chu gọi là Sơn Sư. Quan Sơn Sư trông coi việc thu thuế lâm và ngư nghiệp. Con cháu nhận tên chức quan Sơn làm tên họ.

TẠ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tạ là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Viêm Đế. Tạ là tên nước. Thân Bá là anh em rể của Chu Tuyên Vương được ban cho đất Tạ nên con cháu Thân Bá đã nhận tên Tạ làm tên họ. Đất Tạ nay ở tỉnh Sơn Đông.

TĂNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tăng là chi nhánh của họ Từ, thuộc dòng dõi vua Đại Vũ đời nhà Hạ. Khi Thiếu Khang hồi phục nhà Hạ, ông ban đất Khoái cho con út của ông là Khúc Liệt để lập nên nước Khoái. Nước Khoái bị diệt, họ hàng chạy sang nước Lỗ và để tưởng nhớ nước Khoái, con cháu đã lấy chữ Khoái nhưng bỏ bớt ngữ căn Ấp để thành chữ Tăng làm tên họ. Dòng họ Tăng phát triển mạnh tại Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông.

THÁI => Theo Tính Thị Tầm Nguyên, họ Thái là do họ kép Thái Thúc mà ra. Họ Thái Thúc là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Người lập ra họ Thái Thúc là Thái Thúc Nghĩa. Con cháu đã nhận Thái Thúc làm tên họ. Họ Thái Thúc ban đầu ở Hà Nam, Hà Bắc, sau phát triển ở Sơn Đông.

THÂN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Thân là chi nhánh họ Khương, thuộc dòng tộc Viêm Đế. Thân Lã được ban cho đất Thân để cai trị và được tước Thân Bá. Cháu chắt Thân Lã đã nhận địa danh Thân làm tên họ.

TÔ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tô thuộc dòng dõi Chuyên Húc. Đời nhà Hạ, Côn Ngô được ban cho đất Tô Thành nên con cháu đã lấy họ Tô. Đầu tiên, họ Tô cư ngụ tại Hà Nam. Sang đời Chu, họ rời về Cam Túc.

TÔN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tôn bắt nguồn từ tên chức quan gọi là Tôn Bá. Chức quan này trông coi việc tế tự trong triều đình nhà Chu. Con cháu đã nhận tên chức quan làm tên họ. Họ Tôn cư ngụ tại phía đông sông Dương Tử, trong vùng gọi là Hà Đông.

TỐNG => Theo Vạn Tính Thế Phổ, họ Tống là chi nhánh của họ Tử và Tống là địa danh nước Tống. Chu Vũ Vương ban đất Tống cho Vi Tử Khải là con út của Đế Ất. Nước Tống bị nước Sở chiếm. Dân nước Tống nhận tên Tống làm tên họ. Họ Tống cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.

TRẦN => Theo Thông Chí Thị Tộc Lược và Nguyên Hà Tính Toản, họ Trần là do tên nước Trần. Chu Vũ Vương cho Quỳ Mãn hay còn gọi là Hồ Công Mãn đất Trần nay ở tỉnh Hà Nam để cai trị. Mười thế hệ sau, cháu chắt Hồ Công Mãn bỏ đất Trần đi nơi khác để tránh binh biến. Để tưởng nhớ đất cũ, họ đã nhận tên nước Trần làm tên họ. Dòng dõi họ Trần cư ngụ nhiều tại tỉnh Hà Nam và Sơn Đông.

TRIỆU => Theo sách Bách Gia Tính xuất bản thời Bắc Tống, họ Triệu được con cháu đặt ra để tưởng nhớ vị sáng lập triều đại Bắc Tống là Triệu Khuông Dận. Theo sách Nguyên Hà Tính Toản, Triệu là tên vùng đất gọi là Triệu Thành. Đời nhà Chu, Tạo Phủ được ban cho đất Triệu Thành nên đã nhận chữ Triệu làm tên họ. Dòng họ Triệu cư ngụ tại Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây

TRỊNH => Theo Nguyên Hà Tính Toản, Trịnh là tên nước. Đời vua Chu Tuyên Vương, Chu Hữu được ban cho đất Trịnh. Con cháu nhận tên Trịnh làm họ. Dòng họ Trịnh cư ngụ tại huyện Trịnh tỉnh Hà Nam.

TRƯƠNG => Theo Tính Thị Khảo Lược và Nguyên Hà Tính Toản, họ Trương thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Người con thứ 5 là Huy sáng chế ra cây cung. Muốn bắn cung phải trương dây cung. Vì vậy, chữ Trương gồm 2 chữ Cung và Trường ghép lại. Một số cháu chắt ông Huy lấy từ Cung, số khác lấy từ Trương làm tên họ. Dòng họ Trương cư ngụ tại Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây.

TỪ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, ông tổ họ Từ là Bá Khôi. Bá Khôi là quan đại thần của Đế Thuấn. Vua Đại Vũ nhà Hạ ban nước Từ cho con cháu Bá Khôi cai trị. Nước Từ bị nước Sở chiếm nên cháu chắt Bá Khôi đã nhận tên Từ làm tên họ để tưởng nhớ quê hương cũ. Dòng họ Từ cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.

VĂN => Theo Phong Tục Thông, họ Văn thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Sau khi Chu Văn Vương chết, con cháu đã nhận chữ Văn làm tên họ.

VŨ/VÕ => Có 2 tài liệu về họ Vũ. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Vũ là chi nhánh của họ Cơ và người sáng lập dòng họ này là Cơ Vũ, con của Chu Bình Vương. Theo Phong Tục Thống, họ Vũ thuộc dòng dõi Tống Vũ Công thời Xuân Thu. Con cháu đã nhận tên Vũ làm họ để tưởng nhớ ông tổ Tống Vũ Công. Dòng họ Vũ cư ngụ tại Thái Nguyên, Sơn Tây và Giang Tô.

VU => Họ Vương rất phổ thông tại Trung Quốc là chi nhánh của nhiều họ trước đây là vua hay hoàng đế Trung Quốc. Theo Thông Chí Thị Tộc Lược, họ Vương là chi nhánh của dòng tộc Chu Văn Vương. Vương Đạo là con cháu danh tiếng nhất của dòng họ này. Tài liệu khác cho rằng họ Vương thuộc dòng họ Đế Thuấn. Dòng họ Vương lan tràn khắp nước Tàu như Sơn Đông, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Bắc, Giang Tô.

http://thptgiadinh.com/forum/showthread.php?t=8814

Các tin liên quan